Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ƯỚC MƠ TUYẾT PHỦ của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang
Hiện đang làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, ở Hà Nội.
Đỗ Bích Thúy đã giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999; giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất Văn học nghệ thuật thủ đô năm 2014; Giải Nhì Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019.
Một số truyện ngắn của chị cũng được chuyển thể thành phim như: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành phim điện ảnh “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải) – đạt giải Cánh diều Vàng năm 2005. Truyện ngắn “Lặng yên dưới vực sâu” chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, phát sóng trên truyền hình năm 2017.
Hơn 20 năm cầm bút, Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 23 cuốn sách, gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… chủ yếu về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:
Văn của Đỗ Bích Thúy tựa những viên thạch anh chứa đủ sắc màu trầm tích. Có cảm giác, nếu không có đóng góp từ những trang viết của Thúy, vẻ đẹp và bi kịch của những con người và cuộc sống nơi những triền núi cao – trong văn chương Việt – sẽ thiếu khuyết những văn từ riêng biệt; mà như chị bộc bạch: giải mã những uẩn khúc, thắt nút và tháo gỡ các bi kịch, không bỏ sót những tình huống dị biệt, hiếm có…
ƯỚC MƠ TUYẾT PHỦ
Truyện ngắn. ĐỖ BÍCH THUÝ
Bây giờ đã là cuối mùa thu, vườn lê đã trút lá, và những khe suối đã bắt đầu cạn khô tới mức trên mặt suối nhiều chỗ trơ cả sỏi ra. Ít ngày nữa thì chỉ còn nước chảy ngầm bên dưới. Người già gọi là suối ngủ. Mùa đông nó ngủ, và sẽ phải đến tận cuối xuân đầu hè mới thức dậy.
Bọn con gái đang gấp gáp may nốt những đường may cuối cùng, thêu nốt những bông hoa cúc cuối cùng lên bộ váy cưới, và mấy ông thợ bạc thì làm không hết việc. Mùa này, bọn gái sắp lấy chồng và các ông thợ bạc là bận rộn nhất. Ai ai cũng tranh thủ làm ngày làm đêm để kịp cho mùa cưới.
Giàng Seo Nhà là con trai ông thợ bạc Giàng Seo Phử ở thôn Chúng Chải B. Không nói thì ai cũng biết, thợ bạc rất giàu. Ba đồng bạc hoa xoè mới đánh được một chiếc vòng tay, nhưng chỉ có ông thợ bạc biết đích xác là chiếc vòng tay ấy có phải chính là số bạc hoa xoè mà khách đã mang đến hay không. Bạc có thể pha được, nhưng pha bằng cái gì, thêm cái gì ngoài bạc vào để nó nặng hơn, mà vẫn không bị xấu đi, à, đôi khi nó còn đẹp hơn là bạc nguyên chất cơ đấy, thì cũng chỉ có ông thợ bạc biết. Ông Phử là thế hệ thứ ba trong dòng họ làm nghề thợ bạc. Trước kia, bố ông, ông nội ông thì đi đánh rong. Tức là cứ mang đồ nghề theo người rồi đi lang thang hết núi nọ sang núi kia, chỗ nào cần đánh thì ở lại. Ở trọ luôn nhà chủ, ngày ba bữa cơm rượu, đánh xong, nhận tiền công lại đi. Nhưng đến thời ông thì ông nghĩ kĩ, đi thế mệt quá. Mà bà vợ ở nhà lại không ai trông. Con cái cũng không ai dạy. Cả năm đi lang thang, lúc về nhà mình ở y như nhà trọ. Nghĩ thế ông bèn không đi nữa, mà ngồi nhà làm. Hoá ra ngồi ở nhà làm lại đông khách tới mức không ngờ. Làm chả hết việc. Ông chỉ có một thằng con trai là thằng Nhà, nhưng nó nhất định không theo nghề gia truyền. Nó bảo suốt đời cứ cắm mặt vào mấy cái dụng cụ bé tí ti, chưa già đã còng hết cả lưng, mờ hết cả mắt rồi. Mà ngoài kia thì vui thế, bao nhiêu thứ. Chả tội gì.
Ông lẩm bẩm:
– Đúng là chả tội gì. Nhưng mà không làm thì lấy gì mà ăn, mà đi chơi.
Nó nghe thấy cười ha ha:
– Con không làm gì mà chỉ ngồi yên ăn cho hết số của cải bố để lại cũng hết đời rồi.
– Thế mày không định nuôi con nuôi cháu à? Chỉ ngồi yên mà ăn thôi à?
– Đúng thế mà. Con cháu tự chúng nó phải làm lụng mà ăn chứ, sao con phải nuôi.
– Ô hay! Thế sao mày không tự làm mà ăn, lại để tao nuôi?
– Là tại vì bố thích làm lụng kiếm tiền. Tự bố muốn nuôi con chứ con có đòi đâu…
Ôi cái thằng, chả nói chuyện với nó thì thôi, nói ra là tức chỉ muốn tống cho nó một nhát búa vào mồm.
Nhưng mà thôi, con mình đẻ ra chứ có phải nhặt ngoài đường đâu. Nó không như con người ta thì cũng đành chịu, biết làm gì được ông giời.
Giàng Seo Nhà là thằng trai ăn chơi có tiếng, cũng không biết sợ cái gì trên đời. Tiền nhiều, lúc nào cũng có cả tập trong túi. Vào mùa sắp cưới như thế này, đêm nào nó cũng phải thức đếm tiền giúp bố. Bố không tin mẹ nó đếm, sợ đếm sai. Đếm, bó thành từng bó, rồi hôm sau mang xuống thị trấn gửi vào ngân hàng. Việc đi gửi cũng giao nốt cho nó. Miễn cứ mang cái sổ tiết kiệm về nhà là được. Nó nghĩ ra cách ăn trộm tiền của bố. Ví dụ một trăm tờ một trăm nghìn là mười triệu thì nó phải đếm thành một trăm linh năm tờ, rồi cứ dùng dây chun buộc vào. Đến ngân hàng đằng nào người ta chả đếm bằng máy, thế là mặc dù nó vẫn mang về trả bố cái sổ tiết kiệm một trăm triệu thì nó vẫn có một cục tiền đút túi để tiêu pha mà bố nó chả biết gì cả. Tất nhiên thỉnh thoảng bố vẫn cho nó tiền, nhưng ăn thua gì so với nhu cầu của nó.
Thằng Nhà rất xởi lởi với bạn bè, nó cũng thích oai, nên hay rủ cả năm bảy thằng xuống thị trấn ăn uống tưng bừng, nó chi tiền tất.
Nhưng hôm nay thằng Nhà đếm tiền toàn nhầm. Cứ đếm xong lại dỡ ra đếm lần nữa, lần nữa. Bố nó ngạc nhiên hỏi:
– Đứa nào bắt mất hồn mày à?
Nhà ngẩng lên nhìn bố ngạc nhiên:
– Sao bố biết?
Bố nó còn ngạc nhiên hơn:
– Thế hoá ra tao đoán đúng à?
Nhà không trả lời câu hỏi của bố mà ngồi nhích lại, nói nhỏ:
– Bố có để ý cái đứa gái má đỏ đỏ vừa đến lúc chiều, mà nó thuê đánh bộ xà tích không?
Ông Phử lắc đầu:
– Năm sáu đứa, làm sao tao nhớ được.
Nhà hơi cáu:
– Cái đứa xinh nhất ấy.
Ông Phử phì cười:
– Mắt mày mới thấy xinh, tao già rồi thì nhìn đứa nào cũng giống đứa nào.
Nhà ngồi phịch lại chỗ cũ:
– Chán bố!
– Ơ hay, tao làm gì mà chán? Nhưng mà này, mày thích nó à?
Nhà gật. Ông Phử tiếp:
– Thích thì tán đi.
Nhà lắc đầu:
– Tán rồi, không được.
– Thế nó chê mày cái gì? Mày nhá, đẹp giai, nhà giàu, tính nết cũng được, nhiều bạn bè… Nó chê cái gì?
– Nó có nói ra đâu mà biết.
– Thế sao mày biết nó chê mày?
– Thì đến nhà nó không tiếp. Nó đuổi chó ra.
– Ái chà!
Nhà thở dài thườn thượt.
– Thực ra thì con biết nó muốn gì….
Ông Phử ngẩng lên:
– Muốn gì?
– Nó thích được ngồi lên một cái xe máy to…
Ông Phử chặn ngang:
– Thì mày có xe máy còn gì. Cả cái thôn Chúng Chải này mày là thằng đầu tiên có xe máy. Bao nhiêu đứa gái hít khói xe của mày còn gì.
Nhà lắc đầu:
– Nó không thích xe của con. Nó bảo xe này quê rồi.
– Quê là làm sao?
– Là… là cũ, là xấu, là… tóm lại là nó chê.
Ông Phử cầm cục tiền đập đánh đét vào đầu gối:
– Thế nó thích xe gì? Như thế nào?
– Xe to. To lắm. Xe máy mà to như ô tô ấy. À không phải, lốp to như lốp ô tô thôi. Mà nó còn có nhạc cơ. Đi đến đâu phát nhạc ra đến đấy.
Ông Phử trợn mắt:
– Có cái loại xe ấy à?
– Con cũng đã nhìn thấy bao giờ đâu.
– Thế sao nó lại biết có loại xe ấy?
– Nó… nó xem trên ti vi.
– Ti vi nước mình hay ti vi nước khác?
– Con làm sao mà biết được.
Nói xong, Nhà chán đời đứng dậy, mặc kệ bố ngồi giữa đống tiền chưa kịp đếm.
Đứa gái mà thằng Nhà thích đến mê mệt ấy là cái Pằng. Thào Thị Pằng. Ôi, tả nó đẹp thì phải ví với bông bạch yến. Mọi người có biết bông bạch yến nó thế nào không? Nó trắng muốt, và nó thơm đến mức đứng cách bụi cây năm chục bước chân đã thấy rồi. Đấy, cái Pằng nó thế, giống y bông bạch yến.
Mà cái bông bạch yến này nó lại cứ nở mãi, tươi mãi, chứ chả bao giờ héo cả. Sáng trưa chiều tối gì thì nó cũng nở căng ra, và thơm đến nhức mũi.
Tối nào Nhà cũng đứng ở cổng nhà Pằng. Đứng đến tận khuya, tận lúc sương rơi ướt sũng cả hai vai áo mà Pằng vẫn không thương tình mở cửa cho vào chơi một tí. Pằng ở với bà ngoại. Bố mẹ Pằng theo người ta đi bốc hàng thuê trên cửa khẩu, rồi mất tích luôn không về. Pằng được bà ngoại nuôi từ lúc tám chín tuổi. Bà ngoại thì già rồi, mắt mờ, tai lại còn nghễnh ngãng nữa. Thế nên bà không quản được Pằng. Pằng muốn đi đâu làm gì là việc của Pằng. Cũng may, mấy năm đi làm thuê bố mẹ cũng gom được một ít tiền, nên mấy năm nay hai bà cháu cũng không bị đói. Mỗi tội Pằng không thích nghe lời bà ngoại. Bà nói gì nó cũng thấy khó nghe.
Thực ra nhiều hôm Nhà đứng chờ mãi, huýt sáo mãi mà chỉ có chó sủa, không thấy Pằng đâu, là vì Pằng không ở nhà. Nó đi chơi từ lúc chập tối. Dưới phố huyện dạo này đông khách du lịch nên dịch vụ cũng phát triển lắm, chơi gì chả được. Toàn trò hay. Pằng đang tập chơi bi da. Thích lắm. Lại có mấy thằng trai sẵn sàng chi tiền cho Pằng chơi thoải mái thì thôi. Chơi chán thì rủ nhau đi uống bia. Mỗi đứa một chai, cũng cụng cổ chai côm cốp. Lắm hôm mờ sáng mới về đến nhà. Lúc ấy thì Nhà đã ôm cục buồn về nhà ngủ được cả giấc dài rồi.
Pằng biết Nhà thích mình, nhưng Pằng lại không thích nó. Thì biết làm thế nào được. Nó đẹp giai thật, con nhà giàu thật, tính nết đáng mến thật, nhưng không thích thì làm thế nào? Thế nên Pằng mới hay nói linh tinh cho Nhà chán mà bỏ cuộc. Nhưng Nhà lại kiên trì đến mức Pằng cũng không hiểu tại sao.
Nhà đi xe máy đến thì Pằng bảo chó nhà Pằng không thích tiếng xe máy. Nhà liền mang xe về nhà cất, rồi đi bộ quay lại. Đến cổng thì thấy Pằng đã đi xuống tít chân dốc, cái váy xoè phập phồng lấp ló dưới ánh đèn pin soi đường. Nhà đuổi theo, hụt cả hơi mới đuổi kịp.
– Đi đâu đấy?
– Đi đâu hỏi làm gì?
Nhà lúng túng:
– Thì… để tôi đi cùng.
Pằng quay phắt lại:
– Ai bảo là tôi thích đi cùng anh?
Nhà càng lúng túng:
– Tối rồi, đi một mình không an toàn đâu.
– Đi với anh mới không an toàn ấy. Nhỡ anh làm gì tôi thì sao?
– Sao… Pằng lại nghĩ thế? Tôi… tôi thích Pằng, tôi phải bảo vệ Pằng chứ.
Nhưng dù Nhà nói gì đi nữa cũng vô nghĩa thôi, vì Pằng có ưa cái mặt Nhà đâu. Chính vì thế mà Pằng mới nói, đại khái khi nào Nhà mua được cái xe máy giống như trong ti vi, nó màu tím, to đùng, và khi chạy thì phát ra nhạc, thì lúc ấy Pằng sẽ cho Nhà đến đón mình đi chơi.
Tiền thì Nhà không thiếu, xin bố mấy cuốn sổ tiết kiệm chả được. Nhà biết bố thương mình, chiều mình. Chỉ cần Nhà vui, Nhà muốn là bố chiều hết. Bố bảo đến cả người bố đây mà Nhà cần bố cũng cho, tiếc gì mấy đồng tiền. Nhưng cái khó là biết mua đâu cái xe máy như Pằng kể. Sao người ta lại đưa cái xe ấy lên ti vi để làm khó Nhà thế này cơ chứ. Trên đời có bao nhiêu cái xe máy bình thường không đưa, lại đưa cái xe chẳng ai nhìn thấy bao giờ lên. Nhà nghĩ hay là mua thêm cái đài, lắp pin và buộc đằng sau xe, như thế thì muốn có nhạc cũng có nhạc chứ sao. Nhưng Pằng giãy nảy lên. Dễ tính như thế thì đã không phải là Pằng, nhé!
Nhà đi khắp các cửa hàng xe máy dưới huyện, sang cả huyện bên cạnh, thậm chí còn theo xe khách xuống tận tỉnh, cũng không thể tìm đâu ra cái xe ấy. Nhiều chủ cửa hàng nghe Nhà tả cái xe còn cười hô hố ra, bảo mày bị thần kinh à. Trên đời làm gì có loại xe máy như thế.
Nhưng hoá ra có loại xe thế thật, ông giời ạ!
Nhà gần như nhảy lên ôm cổ một ông chủ hiệu xe Hon đa ở ngay mặt phố tỉnh lị, khi ông ấy nói rằng có đấy, nhưng phải đặt trước, một tháng nữa mới có xe. Giá ba trăm triệu.
Ối, lại có loại xe đắt như thế cơ á?
Nhà định hỏi lại, nhưng mà vui quá, chỉ sợ hỏi lại ông chủ hiệu xe lại dỗi, không nhận lời giúp nữa thì chết.
Thế là Nhà lập tức rút hết tiền trong túi ra, đặt cọc.
Nhà vui vẻ hớn hở ra về. Ngồi trên xe khách mà lắm chỗ dốc quá, lại quanh co, bác tài đi chậm, Nhà chỉ muốn nhảy phóc xuống đẩy xe giúp cho nó bò đi nhanh hơn. Nhà phải nói cho Pằng biết là Nhà sắp mua được cái xe ấy rồi. Nhà đã đặt cọc toàn bộ số tiền mang theo là chín mươi ba triệu rồi. Một tháng nữa là Nhà sẽ có xe để đến đón Pằng đi chơi. Pằng muốn nghe nhạc gì Nhà cũng bật. Hình như Pằng thích cái cô ca sĩ gì tóc vàng vàng, mặt xinh xinh, hay mặc váy, hát cái bài gì gì ấy… Làm sao mà Nhà có thể biết được. Nhà chỉ quen tai nghe dân ca Mông thôi. Nhưng mà không sao, miễn Pằng thích là được. Pằng có muốn đi khắp mặt đất này thì Nhà cũng sẵn sàng chở Pằng đi. Nghĩ đến đoạn được Pằng vòng tay ôm lấy bụng mình, áp mặt vào lưng mình, lại còn thỉnh thoảng nói vài câu vào tai, và mùi thơm hoa bạch yến thì phảng phất là tim gan Nhà lại muốn nhảy múa trong bụng.
Nhà về đến thị trấn thì trời đã ngả chiều. Mùa đông đang đến rồi. Mùa cưới cũng đang gõ cửa rồi. Một tháng nữa xe về, nếu như Pằng đồng ý thì mùa cưới năm nay Nhà cưới được Pằng luôn. Thế thì tốt quá là tốt. Tốt nhất trên đời rồi. Nhà lấy xe máy gửi trong bến xe huyện rồi lao vun vút về bản.
Về đến đầu bản, Nhà không về nhà mình mà đi thẳng đến nhà Pằng ngay. Gì chứ tin vui này thì Nhà phải nói ngay lập tức chứ không thể nhịn lâu hơn được. Bức ảnh chụp cái xe màu tím to kềnh càng Nhà đang cất trong túi áo đây. Nhà hình dung ra gương mặt Pằng, đôi mắt một mí mở to, cái miệng với hàm răng trắng bóng cười sáng loá như ánh mặt trời buổi sáng khi nhìn thấy bức ảnh Nhà đưa cho xem. Nhưng Nhà vẫn kịp nhớ lời Pằng dặn, dựng xe máy ở một gốc cây xa nhà Pằng, rồi đi bộ vào cho chó khỏi sủa.
Nhưng không biết có chuyện gì xảy ra vậy? Nhà Pằng sáng trưng đèn đuốc, người ra người vào nháo nhác cả.
Nhà không bước mà là chạy, chạy thật nhanh.
Bà ngoại Pằng đang ngồi ở bậu cửa, khóc từng cơn như tiếng con mèo con gọi mẹ. Chắc tại bà khóc lâu quá rồi, không còn hơi mà khóc nữa. Mấy người đàn bà trong xóm đang xúm quanh dỗ dành. Bà ngoại Pằng khóc:
– Sao mày lại ngu thế Pằng? Mày ăn bao nhiêu cơm thì phải khôn chứ. Mày đi theo nó thì làm gì có đường về hả Pằng ơi? Mày giết bà đi rồi hẵng đi. Mày làm thế mai kia bà chết, gặp bố mẹ mày, thì biết nói gì hả?…
Tiếng hả tắt bụp như bị đứt hơi.
Pằng đã bỏ đi theo một thằng trai vẫn dạy nó chơi bi da dưới phố huyện. Là nghe mấy đứa gái kể thế. Thằng kia đầu trọc, có một hình xăm to ở bắp tay. Nó bảo Pằng đi theo nó qua bên kia biên giới bán cà phê. Vui lắm. Đông khách mà lại nhàn, chỉ đứng thu tiền ở quầy cà phê thôi, lương cao. Chả phải làm gì cả mà tiền thì nhiều, tội gì không đi. Nó còn nói, chủ quán muốn thuê người thật xinh, xinh như mấy cô hoa hậu trên ti vi ấy. Mà nó thì ngắm hết cả vùng cao nguyên này rồi, chỉ có mỗi Pằng là xinh như hoa hậu thôi.
Thế là Pằng đi theo nó. Sáng nay Pằng dậy sớm lắm, đồ một chõ xôi, kho một nồi thịt gà, để sẵn đấy cho bà ngoại, xong là đi mất.
Nhà đứng như bị trồng hai chân xuống đất.
Ông giời ạ, ông làm thế không được. Ông vừa cho người ta mua cái xe máy, đặt cọc cả đống tiền rồi, bây giờ ông lại cho cái Pằng nó đi mất. Thế thì tôi biết làm thế nào đây?
Nhà cứ đứng như bị trồng ở sân nhà Pằng cho đến tận lúc người ta ra về hết, bà ngoại Pằng đã tắt hết đèn và nằm rên hừ hừ trong buồng, cho đến tận lúc những bông tuyết đầu tiên của mùa đông rơi từ trên trời xuống và đậu trên mũ nồi.
Tuyết phủ trắng rất nhanh những nếp nhà. Phủ trắng luôn cả ước mơ cưới vợ trong mùa cưới này của Nhà.