Giao lưu với giới văn chương Việt, nhà thơ Hàn Quốc nói ông xúc động khi quãng cuối cuộc đời có thể tới Việt Nam.
Ko Un là nhà thơ nổi tiếng của Hàn Quốc. Nhiều năm nay, ông luôn là ứng viên nặng ký, được cược rất lớn cho giải Nobel Văn học. Hôm 5/12, Ko Un có buổi gặp gỡ giới văn chương, bạn yêu thơ Việt Nam. Chương trình được thực hiện nhân dịp ra mắt tập thơ Vạn đời người của Ko Un được dịch sang tiếng Việt.

Đây là lần thứ 3 nhà thơ tới Việt Nam. Lần thứ nhất, ông tới Hà Nội cùng một phái đoàn của Hàn Quốc vào năm 1969. Tới năm 2010, trải bao biến cố cuộc đời, ông tới Việt Nam lần hai nhân dịp phát hành cuốn sách Bài hát ngày mai.


Nhà thơ Ko Un tại Hội Nhà văn Việt Nam hôm 5/12.

Năm 2017, ở tuổi 84, nhà thơ tái ngộ với người yêu thơ Việt Nam. Trong sự xúc động, ông nói: “Tôi rất vinh dự khi đứng đây trò chuyện với các bạn; vào khoảng thời gian đi đến cuối con đường của tôi, nên tôi càng thêm xúc động. Tôi không phải từ một quốc gia này đến một quốc gia khác. Tôi là người châu Á, và tôi đang đứng ở giữa châu Á. Vừa rồi, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đã giới thiệu tôi là nhà thơ Hàn Quốc. Nhưng khi đại sứ đi rồi, tôi trở lại là một nhà thơ châu Á, đứng giữa châu Á, tôi coi Việt Nam là quê hương của mình, và tôi đang trở về quê hương”.

Theo Ko Un, Hàn Quốc từ thời cổ đại đã phải chống đỡ ngoại xâm, khổ nạn như Việt Nam, nên cả hai nước có nhiều nét tương đồng, và vì thế dễ thấu hiểu nhau hơn.

Từ những năm 1960, bữa ăn của Ko Un đã gắn liền với gạo Việt Nam, mà dân Hàn gọi là “gọi An Nam”. Trước đó, ông được biết tới Việt Nam qua trận Điện Biên Phủ – trận chiến có ý nghĩa rất lớn không chỉ chấm dứt chiến tranh Đông Dương, mà còn mang ý nghĩa lớn cho nhiều quốc gia thuộc địa.

Dịch giả Lê Đăng Hoan – người dịch hai cuốn sách Bài hát ngày mai và Vạn đời người – kể, năm 2007 ông có dịp tới thăm nhà Ko Un. Tại đây ông được Ko Un kể về tình cảm với Việt Nam, đặc biệt là lòng ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhà ông vẫn còn giữ chiếc nón lá mà ông mang về từ Việt Nam năm 1969, cho tới thời điểm Lê Đăng Hoan tới thăm, chiếc nón đã được lưu giữ gần 40 năm.

Ung vien Nobel Van chuong Ko Un: Viet Nam la que huong cua toi hinh anh 2
Tập thơ Vạn đời người của Ko Un mới phát hành tại Việt Nam. Vạn đời người ghi dấu ấn thăng trầm Hàn Quốc

Về tập thơ Vạn đời người mới phát hành tại Việt Nam, nhà thơ Ko Un nói, ban đầu ông định viết một vạn bài thơ về một vạn số phận. Nhưng vợ của ông nói con số đó nhiều quá. “Một vạn bài thơ thì thật quá đáng. Tôi nghe lời vợ, nên chỉ viết 5.600 bài về số phận con người” – Ko Un nói. Trong nguyên tác, tác phẩm lớn Vạn đời người được chia làm nhiều tập sách.

Vạn đời người được Ko Un thai nghén ý tưởng trong thời gian bị bắt giam do liên quan tới phong trào đấu tranh “Dân chủ hóa Wang-ju” năm 1980, bị kết án chung thân. Tới năm 1987 khi được tự do, ông cho ra mắt ba tập đầu của Vạn đời người đầu tiên. Đại tác phẩm gồm 30 tập, được hoàn thiện dần trong những năm sau đó.

Tác phẩm khiến người đọc choáng ngợp về quy mô và tính đa diện. Tác giả đã phác họa ra số phận từng nhân vật riêng lẻ trong một bộ sách đồ sộ. Mỗi bài thơ về một nhân vật, là tiêu biểu, đại diện cho số phận thăng trầm, suốt chiều dài lịch sử của Hàn Quốc.

Đó là số phận những người dân nghèo khổ nhưng tràn đầy hy vọng, những người trải qua năm tháng tàn phá của hai cuộc chiến tranh hai miền Nam – Bắc Hàn những năm 50 của thế kỷ 20, đời người của những nhân vật chính trị và mọi tầng lớp khác sau thời tổng thống Lee Sung-man và Park Jeong-hui, cuộc sống của những người lao theo vòng xoáy lịch sử trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thời thuộc địa Nhật, những người bị chết oan uổng trong phong trào Gwang-ju…

Thiên sử thi Vạn đời người từ khi bắt đầu xuất bản đến khi hoàn thành đã ba lần nhận giải thưởng Man-hae (Han Yong-un) của Hàn Quốc.

Nhà thơ Bằng Việt nhận xét về cách viết của Ko Un: “Cách diễn tả của tác giả thật sự biến ảo và tài hoa… khiến chúng ta không bị rơi vào cảm giác đơn điệu và nhàm chán, mệt nhọc và nặng nề, trái lại, chúng ta được khám phá cùng tác giả những nét riêng tư, thầm kín của mỗi đời người, những điểm thú vị và độc đáo trong tính cách, trong nhân thân, tâm trạng và cả hoàn cảnh riêng của họ”.

Theo Bằng Việt, đây là cách viết khó, không hề giống cách dàn trải ý tứ theo chương đoạn giống như trong một trường ca hay một truyện thơ, cũng không phải tiểu thuyết bằng thơ, mà nó chính là một bức bích họa vô cùng linh hoạt, khổng lồ, choáng ngợp, nhưng lại rõ nét tới từng chi tiết, gây ấn tượng đến từng khuôn mặt được khắc họa lên đó.

Ung vien Nobel Van chuong Ko Un: Viet Nam la que huong cua toi hinh anh 3
Dịch giả Lê Đăng Hoan và Ko Un chụp tại thư phòng của nhà thơ ở Hàn Quốc. Ảnh: tư liệu.

Tập thơ xuất bản tại Việt Nam là phần rút gọn của Vạn đời người trong nguyên tác. Dịch giả Lê Đăng Hoan chỉ chọn 108 bài thơ về 108 số phận con người để đưa vào sách.

Theo Lê Đăng Hoan, việc dịch trọn bộ một đại tác phẩm như Vạn đời người ra tiếng nước ngoài là một việc làm không tưởng đối với một dịch giả bình thường. Việc tổ chức một đội ngũ dịch thơ văn Ko Un sang Việt Nam không hề đơn giản, bởi hạn chế về lực lượng và khả năng.

Bởi vậy, giống như phương pháp dịch Ko Un tại nhiều nước trên thế giới, dịch giả Lê Đăng Hoan chọn cách dịch lựa chọn. Tập thơ tại Việt Nam gồm 108 bài thơ lựa chọn trong 10 tập đầu của Vạn đời người.

Dịch giả lựa chọn những “đời người” gần gũi với Việt Nam, nhưng cũng là những đời người tiêu biểu cho tác phẩm mà nhà thơ Ko Un gửi gắm tâm sự của mình trong đó. Đó là những chân dung tiêu biểu cho những lớp người Hàn Quốc, từ những người thân trong gia đình Ko Un, tới những người bình thường, hay những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc; từ lớp người quý tộc, đến thảo dân, con ở, kẻ cắp, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ nổi danh…

Dịch giả Lê Đăng Hoan cho biết việc chuyển ngữ thơ Ko Un sang thơ Việt giàu vần điệu gặp nhiều khó khăn. Bản thân thơ Ko Un có nhiều biến thể trong ngữ pháp tiếng Hàn, lại theo thể tự do, kể nhiều về sự kiện, hành vi… Dịch giả đã cố gắng thử dùng một số phương pháp, hình thức thơ cho phù hợp, nhưng cuối cùng phải theo thể thơ tự do như nguyên bản, theo phương pháp miêu tả nhân vật, mà không dám dùng nhiều mỹ từ để Việt hóa.

Quá trình dịch tập thơ, dịch giả được sự giúp đỡ trong việc giải thích những nội dung, từ ngữ khó từ nhà thơ Ko Un và phu nhân, bà Lee Sang-hwa.

Ko Un sinh năm 1933, ông được coi là nhà thơ vĩ đại của Hàn Quốc. Ông là tác giả của khoảng 150 đầu sách thuộc nhiều thể loại: thơ ca, tiểu thuyết, tiểu luận, dịch thuật, kịch. Trong đó, thơ để lại nhiều dấu ấn nhất.
Tác phẩm của Ko Un được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau. Ông đã nhận 15 giải thưởng văn học trong và ngoài nước cùng những Huân chương Nhà nước của Hàn Quốc.

Nguồn: Zing.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài