Tác phẩm hư cấu, văn bản học thuật, tiểu luận, sách thiếu nhi, những bài báo – các trước tác của Umberto Eco gây kinh ngạc bởi sự đồ sộ về khối lượng và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện là giáo sư của trường đại học Bologna tại Italy, Eco được coi như một học giả uy tín hàng đầu với những tư tưởng về kí hiệu học, diễn giải văn chương và mĩ học Trung cổ, trước khi ông chuyển sang viết tiểu thuyết. Năm 1980, ông nổi lên  như một ngôi sao trong giới trí thức khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông – Tên của đóa hồng – đã bán được hơn 10 triệu bản in. Cuốn tiểu thuyết, mà ở đó các tranh luận triết học, thần học và diễn ngôn khoa học được đan dệt thành một tiểu thuyết trinh thám, lấy bối cảnh là một tu viện ở nước Ý thế kỉ XIV, là khởi điểm cho những đột phá xa hơn của Eco vào lãnh địa tiểu thuyết, trong đó đang kể nhất là cuốn Quả lắc của Foucault, một câu chuyện trí tuệ phức tạp về một trò chơi khăm bỗng trở  thành sự thật, dẫn đến chỗ những kẻ chủ mưu bị mắc kẹt trong một hư cấu trở thành hiện thực.
Với khoảng 30 học vị tiến sĩ danh dự cùng rất nhiều giải thưởng về văn học và học thuật, Eco được coi là một trong những trí thức hàng đầu trên thế giới. Ông vừa đến Pondicherry để tham sự một cuộc hội thảo về chủ đề: “Những nền văn hóa của tri thức” – được tổ chức tại Viện nghiên cứu Pháp. Sau đây là một đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn cởi mở, trong đó Umberto Eco nói về sự thể nghiệm của mình trong lãnh địa tiểu thuyết, sự thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tình yêu của ông đối với tự sự… Điều thú vị là, nhà kí hiệu học nổi danh này lại cho rằng mình “đã kể câu chuyện của Dan Brown”.


Mukund Padmanabhan: Nhà tiểu thuyết và học giả người Anh David Lodge từng nhận xét rằng: “Tôi không thể hiểu được làm thế nào mà một người có thể thực hiện tất cả những thứ mà ông (Eco) đã làm.”

Umberto Eco: Có lẽ tôi gây ấn tượng cho người khác rằng mình đang làm rất nhiều việc. Song xét cho cùng, tôi tin rằng tôi chỉ luôn làm một việc mà thôi.

M.P: Đó là gì vậy?

U.E: Chà, không dễ giải thích chút nào. Tôi có một số mối bận tâm về triết học và đã theo đuổi chúng trong những công trình học thuật và tiểu thuyết của mình. Ngay cả những cuốn sách viết cho thiếu nhi của tôi cũng xoay quanh chủ đề về phi bạo lực và hòa bình… anh thấy đó, cũng vẫn là những mối quan tâm luân lý, triết học đó thôi.

Và tôi có một bí mật. Anh có biết điều gì sẽ xảy ra nếu ta loại trừ đi những không gian rỗng trong vũ trụ, loại bỏ đi những khoảng trống trong mọi nguyên tử? Khi đấy, tất cả vũ trụ này chỉ lớn bằng nắm tay của tôi mà thôi.

Tương tự, chúng ta cũng có rất nhiều những khoảng trống trong cuộc sống mà tôi gọi là những “kẽ hở” (interstices). Chẳng hạn như anh đang đi tới chỗ tôi. Anh ở trong thang máy, và trong lúc anh di chuyển, tôi chờ đợi. Đó là một kẽ hở, một không gian trống. Tôi làm việc trong những không gian trống. Thời gian mà cái thang máy đưa anh từ tầng một lên tầng ba là tôi đã viết được một bài báo rồi đấy! (cười)

M.P: Nhưng chắc chắn không phải ai cũng có thể làm như vậy. Những tác phẩm phi hư cấu, công trình học thuật của ông thường mang tính trò chơi và phong cách cá nhân rõ rệt. Đó là một điểm khác biệt so với phong cách học thuật thông thường vốn luôn phi cá nhân hóa phong cách của người viết, dẫn đến chỗ văn bản thường trở nên khô khan và nhàm chán. Ông đã kế thừa một cách có ý thức phong cách phi chính thống này (informal) này hay nó đã đến với ông một cách tự nhiên?

U.E: Lần đầu tiên tôi trình bày luận án tiến sĩ của mình ở Ý, một giáo sư đã bảo với tôi rằng: “Có những người nghiên cứu học rất nhiều về một chủ đề nào đó, sau đó đưa ra những giả thiết sai lầm rồi sửa chữa chúng và cuối cũng thì rút những kết luận. Cậu, ngược lại, kể những câu chuyện về sự nghiên cứu của mình. Thậm chí cậu đưa vào luận án cả những thử nghiệm và sai lầm của mình.” Nhưng cũng ngay lúc đó, ông ấy đã thừa nhân tôi có lý và sau đó xuất bản luận án tiến sĩ của tôi thành một cuốn sách. Điều đó có nghĩa ông ấy đánh giá nó khá cao.

Vào thời điểm đó, ở tuổi 22, tôi đã nhận thấy những cuốn sách học thuật nên được viết theo cái cách mà tôi đã thực hiện – kể lại câu chuyện về sự nghiên cứu. Đó là lí do tại sao những tiểu luận của tôi luôn có yếu tố tự sự. Và đó có lẽ cũng là lí do tại sao tôi bắt đầu viết tiểu thuyết khá muộn, khi đã ở độ 50 tuổi.

Tôi nhớ Roland Barthes, một người bạn thân của tôi, lúc nào cũng thất vọng vì ông ấy chỉ là một nhà văn tiểu luận chứ không phải là một tiểu thuyết gia. Ông ấy muốn một ngày nào đó mình có thể sáng tác; nhưng đáng tiếc Barthes đã mất trước khi kịp làm điều gì đó. Tôi thì chưa bao giờ nếm trải cảm giác thất vọng như thế. Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết một cách tình cờ. Một ngày nọ tôi thấy mình chẳng có việc gì để làm; và thế là tôi bắt đầu cầm bút và sáng tác. Tiểu thuyết đã thực sự thỏa mãn những ham thích của tôi đối với nghệ thuật kể chuyện.

M.P: Ta hãy nói về những cuốn tiểu thuyết của ông. Từ một lý thuyết gia nổi tiếng, ông càng trở nên nổi tiếng hơn sau khi xuất bản cuốn Tên của đóa hồng. Ông đã viết năm cuốn tiểu thuyết bên cạnh số lượng còn nhiều hơn những công trình học thuật phi hư cấu, ít nhất là 20…

U.E: Trên 40 chứ.

M.P: Vâng, trên 40. Trong số đó có một tác phẩm kinh điển về kí hiệu học. Nhưng hầu hết những người được hỏi về Umberto Eco đều trả lời rằng: “Ồ, ông ấy là một tiểu thuyết gia.” Điều đó có làm ông thấy phiền lòng không?

U.E: Phải nói là có. Bởi vì tôi vẫn thường coi mình là một giáo sư đại học viết tiểu thuyết vào những ngày Chủ nhật. Không giỡn chút nào nhé. Tôi tham gia vào những cuộc hội thảo lý thuyết chứ không phải là những buổi gặp mặt của câu lạc bộ viết văn. Tôi định vị bản thân mình trong cộng đồng học thuật.

Nhưng nếu họ (thực ra là đa số) mới chỉ đọc có mỗi tiểu thuyết của tôi thôi thì cũng không sao (cười và nhún vai). Tôi hiểu là với việc viết tiểu thuyết, tôi đã tiếp cận được một lượng công chúng lớn hơn. Tôi không mơ có một triệu độc giả với những cuốn sách về kí hiệu học của mình.

M.P: Nó gợi cho tôi câu hỏi tiếp theo. Tên của đóa hồng là một cuốn tiểu thuyết rất nghiêm túc. Ở mức độ nào đó, nó là tiểu thuyết trinh thám những đồng thời cuốn sách cũng đào sâu vào siêu hình học, thần học và lịch sử trung cổ. Thế nhưng nó lại có một lượng độc giả khổng lồ. Ông có bối rối chút nào vì điều này không?

U.E: Không. Cánh nhà báo mới thấy bối rối chứ. Đôi khi còn là giới xuất bản nữa. Và đó là vì các nhà báo và nhà xuất bản tin rằng mọi người thích những thứ nhăng nhít và ghét những kinh nghiệm đọc sách khác lạ. Hãy nghĩ xem, có khoảng 6 tỉ người trên thế giới. Cuốn Tên của đóa hồng bán được khoảng từ 10 đến 15 triệu bản. Thoạt nhìn có vẻ như tôi chỉ chạm được đến một phần rất nhỏ trong số những người đọc, nhưng họ chính là những người không muốn một thứ kinh nghiệm dễ dãi, hoặc ít nhất là không phải lúc nào cũng muốn điều đó. Như tôi chẳng hạn, rất thích ngồi trước ti vi và muốn xem cả Miami Vice lẫn Emergency Room[1] lúc 9h sau bữa tối. Tôi thích thú với điều đó và tôi thấy nó cần thiết với mình. Nhưng không phải ngày nào cũng lặp lại y như vậy.

M.P: Liệu thành công lớn của cuốn tiểu thuyết có liên hệ gì với việc nó dựa trên giai đoạn lịch sử trung cổ không?

U.E: Cũng có thể. Đại diện nhà xuất bản bên Mĩ của tôi nói rằng dù rất yêu thích cuốn sách nhưng bà ấy không hi vọng nó có thể bán được nhiều hơn 3000 bản ở một đất nước mà mọi người chưa từng nhìn thấy một thánh đường hoặc được học chữ Latin. Do đó, tôi được trả trước nhuận bút của 3000 bản thôi, nhưng cuối cùng đã có hai hay ba triệu bản được bán ở Mĩ. Trước tôi đã có nhiều cuốn sách từng viết về thời kì Trung cổ. Sự thành công của cuốn sách là một điều bí ẩn. Chẳng ai dự đoán được điều đó. Tôi nghĩ nếu tôi viết Tên của đóa hồng sớm hoặc muộn hơn 10 năm thì kết quả có lẽ sẽ khác. Tại sao nó thành công vào thời điểm này, đó là một bí ẩn.

M.P: Ông nghĩ gì về bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết (đạo diễn Jean Jacques Annaud, diễn viên Sean Connery)? Tại sao ông có vẻ không được hào hứng với nó lắm?

U.E: Tôi kì vọng bộ phim phải khác kia. Cuốn tiểu thuyết của tôi giống như một ổ sandwich lớn, trong đó có rau diếp, khoai tây, pho-mát…

M.P: Nhiều lớp nghĩa khác nhau chăng?

U.E: Vâng. Và một bộ phim thì không thể chọn tất cả những lớp nghĩa ấy. Nó phải chấp nhận hoặc có jambon hoặc có pho-mát thôi… Tôi không phản ứng như những tác giả khác, sau khi bộ phim hoàn thành thì những người ấy ngay lập tức lên tiếng bảo bộ phim chẳng giống chút nào với cuốn sách của họ. Tuy vậy, sau kinh nghiệm này, tôi đã đề nghị với nhà xuất bản của mình không bán bản quyền tiểu thuyết cho các nhà làm phim; bởi tôi nhận ra 80% độc giả đến với cuốn sách sau khi xem xong bộ phim. Đối với một tiểu thuyết gia, đó thực sự là một điều đau khổ.

M.P: Nhưng chắc chắn điều đó cũng đồng nghĩa với một thành công lớn hơn và tiền tác quyền nhiều hơn?

U.E: Vâng. Nhưng có lẽ cũng ngượng ngùng khi nhớ rằng có người đã từng nói với độc giả: tiểu thuyết nên được đọc theo một cách đặc biệt; họ nên tưởng tượng ra khuôn mặt của nhân vật theo một cách cá biệt. Địa vị đáng thèm muốn đó chỉ thuộc về Homer mà thôi bởi tác phẩm của ông ra đời trước những bộ phim đến 2000 năm (cười lớn)

M.P: Vậy đây là lí do tại sao Stanley Kubrick không bao giờ làm bộ phim Quả lắc của Foucault?

U.E: Kể từ khi tôi đặt ra cái luật chung đó, nhà xuất bản luôn từ chối bất kì lời đề nghị nào. Sau đó Stanley Kubrick mất. Nhưng biết đâu nó đã có thể là một bộ phim lớn đấy (cười)

M.P: Hãy nói về Quả lắc của Foucault, có cảm giác như ông đã viết một cuốn Mật mã Da Vinci trước cả Dan Brown. Tất nhiên, ông đã xử lý nó như một huyền thoại mang chức năng của một hiện thực xa lạ còn Dan Brown thì viết như thể nó là sự thật lịch sử vậy.

U.E: Thực sự thì tôi đã kể câu chuyện của Dan Brown. Những nhân vật của tôi là của ông ta. Tôi đã đưa ra một cái khung khái quát cho thể loại văn học này.

M.P: Ông có thể nói gì về cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình – The Mysterious Flame of Queen Loana (Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana)?

U.E: Nó được xuất bản vào tháng 6 ở Anh và Mĩ. Bối cảnh của nó là nước Ý vào những năm 30, 40 của thế kỉ XX dưới thời phát xít và nói về một người đàn ông đã đánh mất kí ức về tiểu sử của mình trong khi vẫn lưu lại những kí ức ngữ nghĩa. Đó là kiểu nhân vật biết tất cả về Shakespeare nhưng lại chẳng biết gì về chính bản thân mình, ngay cả việc anh ta đã kết hôn và có hai đứa con gái. Có những hố đen liên quan đến những năm tháng tuổi thơ của anh ta. Cuốn sách cho ta thấy cách mà lịch sử của nước Ý và lịch sử của một các nhân được kiến tạo như thế nào thông qua sách giáo khoa, truyện tranh, báo chí … cũng như cách quá khứ được phục hồi nhờ những thứ đó. Đó là sự tái kiến tạo tâm hồn của một cá nhân không phải bằng sự thăm dò vào cái bên trong (tinh thần) mà bằng một quá trình thăm dó các vật thể bên ngoài.

Mukund Padmanabhan thực hiện

Đức Anh dịch

________________________
[1] Miami Vice: một series chương trình truyền hình Mĩ kéo dài từ 1984 với 1989 kể câu chuyện về hai thám tử ở thành phố Miami.

Emergency Room: series chương trình truyền hình từ 1994 đến 2009, đạo diễn bởi Brett Fallis

Nguồn: http://www.hinduonnet.com/thehindu/thscrip/print.pl?file=2005102305241000.htm&date=2005/10/23/&prd=th&

Bài đăng trên Văn nghệ Trẻ.

Exit mobile version