TVVHĐ – Nếu bạn chờ đợi ở cuốn sách này một hệ thống lý thuyết như Thi pháp văn xuôi, Dẫn luận văn chương kỳ ảo thì bạn sẽ thất vọng. Đây là cuốn sách hoài nghi về thuyết cấu trúc, mà tác giả của nó lại là một trong những đại biểu xuất sắc, đã từng tham gia sôi nổi phong trào ấy trong những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước ở Pháp: lý luận gia Tzvetan Todorov.

Văn chương lâm nguy không phải là một công trình lý luận chuyên biệt, hay một tác phẩm giải trình một trào lưu văn học mới nào, nhưng nó thu hút sự chú ý của chúng ta ở tinh thần phê phán quyết liệt của tác giả trước tình hình tiếp cận văn chương hiện nay, không chỉ ở Pháp. Hơn thế nữa, nó còn dành cho độc giả một yếu tố bất ngờ: tính chất tự phản biện và đối thoại của Tzvetan Todorov về hệ thống lý thuyết mà chính ông là người đã thiết lập:

“Tại sao việc giảng dạy văn chương lại hóa ra như thế nhỉ? Sự thay đổi này đã xảy ra hồi các thập niên 60, 70 của thế kỷ vừa qua và nó được hướng dẫn theo ngọn cờ của phương pháp cấu trúc. Tôi đã tham gia vào phong trào này và giờ đây, tôi phải gánh lấy trách nhiệm của tình trạng bộ môn văn học này ư?” (xem chương: “Phía bên kia nhà trường”).

Theo tác giả, văn học đang bị thâu tóm vào vòng phi lý, bởi sự thống ngự của thuyết cấu trúc, hư vô, duy ngã một cách phổ quát trên các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, và tràn lan sang cả giới phê bình – báo chí. Việc tuyệt đối hóa hình thức, đóng khung trong cấu trúc văn bản, hay phủ nhận thế giới ngoại tại, chỉ biết đắm mình trong cái tôi duy ngã với “mọi cảm xúc nhỏ nhặt, kinh nghiệm nhục dục vô nghĩa, ký ức phù phiếm”, đã khiến văn chương trở nên nghèo nàn đến mức phi lý. Thay vì tìm kiếm ý nghĩa đích thực của tác phẩm, chúng ta đã áp dụng một cách thô thiển các phương pháp cấu trúc, kí hiệu, kỹ thuật phê bình và xem đó như một mục đích tối hậu trong việc tiếp cận văn chương.

Văn chương lâm nguy, vì thế, đã đặt chúng ta vào một tình huống không thể thoái thác, phải đối diện với một thực trạng là văn học đang có nguy cơ bị hủy diệt. Chúng ta đang vô tình chặt mất đôi cánh kỳ diệu của văn chương ở thuở ban sơ. Rằng, văn chương không nằm trong những luận lý kinh viện, cũng không phải trong những ốc đảo bí hiểm. Phải trả lại cho văn chương cái bản chất “hồn nhiên” của nó.

Cùng với các tác phẩm như Hoài niệm về cái ác và sự cám dỗ của cái thiện, Cú sốc của nền văn minh châu Âu, cuốn Văn chương lâm nguy đã chứng thực tầm tư tưởng của triết gia, lý luận gia nổi tiếng Tzvetan Todorov.

Năm 2008 ông nhận Giải thưởng của Hoàng gia Asturies cùng với lời vinh danh:

“Todorov đại diện cho một phương pháp cấu trúc – vô cùng nghiêm khắc với chính mình, từng ứng dụng trong địa hạt văn chương và phê bình, dần dần đã chuyển qua lĩnh vực phân tích môi trường văn hóa và lịch sử tư tưởng. Trí tuệ, học thức và sự uyên bác của ông, vượt qua khỏi công cuộc tìm kiếm một chủ điểm, và tất nhiên, khiến ông phải đề cập đến các đề tài nóng bỏng của thời đại chúng ta như: đường hướng phát triển dân chủ, giao thoa của các nền văn hóa, trạng thái mất gốc, tính chất chấp nhận kẻ khác, và tác động bạo lực lên ký ức con người” (xem: Giải thưởng Hoàng gia Asturies, ngày 23 tháng 6 năm 2008).

Trong tình trạng tiếp cận văn chương phức tạp hiện nay ở Việt Nam, thiết nghĩ, Văn chương lâm nguy là một cuốn sách đáng được chúng ta tham khảo và suy ngẫm.

Bản dịch đã được nhà biên khảo kiêm dịch giả Trần Thiện Đạo hiệu đính tận tâm. Chúng tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành.

Bản dịch này, chúng tôi đã cố gắng tôn trọng văn phong của tác giả. Một số câu cú có thể sẽ không mang lại sự hài lòng cho độc giả, với lối diễn đạt “dài dòng”, song đó chính là “nguyên tác” của Tzvetan Todorov.

Trần Huyền Sâm giới thiệu

Exit mobile version