Five Star Billionaire (Tỷ phú 5 sao) của nhà văn gốc Á Tash Aw viết về đời sống đô thị ở Thượng Hải – viên ngọc sáng chói nhưng đầy tỳ vết của phương Đông, không chỉ để nói về một Trung Quốc mới.

Không thể phủ nhận Five Star Billionaire có một tiêu đề hấp dẫn. Cái tên tạo cho cuốn sách sự hào nhoáng và hứa hẹn cần thiết với độc giả, mặc dù nội dung không phóng chiếu vào cuộc sống của giới nhà giàu như ấn tượng do cái tên gây nên.

Những người trẻ Malaysia ở Thượng Hải

Nhà văn Tash Aw người gốc Đài Loan, lớn lên ở Malaysia và đang sống ở Anh.

Nhà văn Tash Aw đã đặt tên cho các chương sách trong Five Star Billionaire như tên của những cuốn sách kỹ năng làm giàu: Đến bất cứ nơi nào có tiền ở đó; Tái tạo bản thân; Phát huy tính cách tao nhã, hài hước; Biết khi nào nên chấm dứt những mất mát…

Theo New York Times, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thành phố Thượng Hải ngày nay. 4 nhân vật chính của cuốn sách đều là những người nhập cư từ Malaysia. Họ ở đó, giữa một đô thị khổng lồ và lộng lẫy, cố gắng dung hòa các đặc điểm của bản thân như thổ âm địa phương, điệu bộ nghèo nàn và những đôi giày rẻ tiền. Bên cạnh đó, còn có một nhân vật dẫn chuyện bí ẩn, tên là Walter Chao, luôn xưng “tôi”. Những nhân vật khác hiện lên qua sự quan sát của người này.

“Từ 1842 đến những năm 1920, Thượng Hải chuyển mình từ một cửa ngõ tỉnh lẻ thành một đô thị toàn cầu. Thành phố nghìn năm tuổi này được trân trọng nâng niu như một viên ngọc (“Pearl”), nhưng đôi khi, khiếm nhã hơn, như một cô gái điếm (“Whore”) của châu Á. Thượng Hải có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà văn Trung Quốc và ngoại quốc” – Wall Street Journal.

Thượng Hải ngày nay là một nơi có những giá trị của thời đại mới, theo The Guardian. Tại đó, không ai còn ôm khát vọng thay đổi thế giới, họ chỉ cố chạy trốn khỏi đó, trong khi thật trái khoáy, lại ngày ngày tìm cách hòa mình vào đó.

Trong đó, nhân vật bộc lộ nhiều biến đổi nhất là Phoebe, một cô gái trẻ có hoài bão lớn đến từ miền quê của Malaysia. Nhiều cô gái trẻ châu Á sẽ tìm thấy hình ảnh của mình ở nhân vật này: cô sử dụng hàng fake loại tốt của những thương hiệu nổi tiếng, tìm cơ hội tiếp xúc với giới thượng lưu qua các bữa tiệc sang trọng và miệt mài học hỏi kỹ thuật ăn uống kiểu Tây cho các cuộc hẹn: làm thế nào để sử dụng dao nĩa, ăn bánh mì và ô-liu như thế nào… Phoebe thậm chí đã ghi chép và học thuộc thứ tự ăn các món khi dùng bữa.

Đây chính là nhân vật thú vị nhất mà tác giả đã tạo ra trong cuốn sách. Aw nói về Phoebe: “Cô ấy là chuyên gia trong lĩnh vực tán tỉnh qua mạng. Cô ấy có thể biết khi nào đàn ông nói dối về việc anh ta là ai, làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu và đến từ đâu. Cô ấy có thể biết anh ta là người Bắc Kinh hay thực ra là người Pakistan và nói dối mình là người Bắc Kinh”.

“Thành thật và cởi mở với một người đàn ông, trong suy nghĩ của Phoebe, chẳng khác nào để cho anh ta lái một chiếc xe ủi đất qua người bạn” – nhà văn nói.

Một nhân vật khác là Gary, một ca sĩ đến từ vùng ngoại ô nghèo của Malaysia và có một tuổi thơ khốn khó. Để theo đuổi ước mơ làm ca sĩ ở Trung Quốc, Gary đã hát ở những quán bar và các trung tâm thương mại ở Thượng Hải.

Bên cạnh đó, có những mẫu người trẻ khác: Yinghui, một nữ doanh nhân thành đạt và sắt đá vì từng có chuyện buồn tình cảm. Bạn bè nói cô rằng, để thực sự thành công thì phải có một người đàn ông bên cạnh. Và cuối cùng, là Justin, nam doanh nhân cô đơn vốn là con nuôi trong một gia đình giàu có ở Malaysia, người đã lạc lối khi gia đình phá sản. Justin và Yinghui đã quen nhau từ trước, theo The Guardian, đó là một câu chuyện quá khứ hấp dẫn, đáng xấu hổ nữa, và cũng là mắt xích kết nối các nhân vật với nhau.

“Ở Thượng Hải bạn có thể trở thành bất cứ ai bạn muốn” – tờ New York Times viết.


Bìa tiểu thuyết Five Star Billionaire.

The Way We Live Now của thời nay

Chọn viết về Trung Quốc ngày nay, Tash Aw chọn Thượng Hải – thành phố biểu trưng của sự hiện đại, và chọn nhóm nhân vật người nhập cư, mà không phải người bản địa – kể cũng là những lựa chọn thú vị và không quá phi lý. Kiến trúc tuyệt đẹp của thành phố, nỗi ám ảnh với tiền bạc và dân số hỗn tạp – vô sản, đế quốc, doanh nhân, xã hội đen, người Cộng sản và người theo phong cách Bohemian – đều là những chất liệu dồi dào cho sức tưởng tượng văn học, theo Wall Street Journal.

“Trung Quốc mới” nằm trong một quá trình chuyển động không ngừng, không có chuyện ngừng lại, mọi khoảnh khắc đều dễ bị bỏ qua và trôi tuột vào lãng quên mãi mãi. Nắm bắt điều đó là vai trò của người sáng tác. Đó là lý do vì sao sự chuyển động hấp dẫn các nhà văn đến thế.

“Tham nhũng cũng khả hay, nói thật đấy” – lời một nhân vật trong Five Star Billionaire – “Ý tôi là, nó hợp với chúng ta, hợp với tính khí châu Á. Người châu Âu không chịu nổi điều đó, không chỉ vì họ có những quy tắc nghiêm ngặt, mà còn vì thứ gì đó thuộc về bản năng đã ngăn cản họ chấp nhận nó”.

“Mọi ngôi làng, mọi thành phố, mọi thứ đều đang thay đổi” – một phụ nữ trẻ trong cuốn sách nói – “như thế chúng ta đang bị ám bởi các linh hồn – như trong một bộ phim kinh dị”.

Cuốn sách được báo chí phương Tây chú ý vì tính chất đương đại và toàn cầu. Không phải câu chuyện cứ phải xảy ra ở phương Tây thì mới là vấn đề phương Tây, đó là chưa nói đến khía cạnh, hầu như thành phố lớn đang nổi nào trên thế giới cũng đều chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Những người trẻ tham vọng ở ngoại ô hoặc vùng quê đến các thành phố lớn, đứng ngoài chứng kiến hoặc nhanh chóng gia nhập với lối sống xa hoa, háo hức được nhìn thế giới. Đó là cốt truyện kinh điển của mọi thời.

Five Star Billionaire được báo chí ví là The Way We Live Now (tiểu thuyết kiệt tác thế kỷ 19 của nhà văn Anh Anthony Trollope) của thời đại ngày nay – thời đại mà chủ nghĩa tư bản phổ biến toàn cầu. Nếu The Way We Live Now ghi lại những đổi thay ở London và nước Anh vào thập niên 1870 thì Five Star Billionaire hướng thế giới chú ý vào Thượng Hải, một người khổng lồ tài chính mới mà so với nó thì London và New York hơi cũ và nhạt nhòa.

Đây là cảm nhận của một nữ diễn viên trẻ, Zhou X., trong Five Star Billionaire, về thế giới phương Tây: “Đồ ăn ở châu Âu thật kinh khủng, lúc nào cũng thịt, thịt, thịt, lúc nào cũng là những tảng thịt to hoặc cháy hoặc còn chưa chín. Cô đến một nhà hàng Trung Quốc ở Paris, cơm ở đó như những viên nhựa nhỏ. Người Đức thì béo. Người Hà Lan thì cao. Người Pháp thì dáng dấp tao nhã nhưng thô lỗ. Người Anh ăn mặc luộm thuộm quá. London bẩn thỉu nhưng có những công viên rất đẹp”.

Hơn 400 trang, Five Star Billionaire chỉ dày bằng một nửa The Way We Live Now. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cuốn sách dài, với tốc độ ít biến đổi.


Thượng Hải về đêm.

Chủ nghĩa tư bản tham muốn lật đổ mọi quy tắc cũ. “Giàu sang mang đến sự tôn trọng, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều hiểu điều này, và cả những cơn nôn mửa của đạo đức vào ban đêm” – tờ New York Times viết rất hình ảnh.

Câu chuyện của Tash Aw về những người trẻ châu Á ở Thượng Hải khiến người đọc Mỹ không thể không nghĩ đến một thứ từng và vẫn còn ám ảnh họ: “giấc mơ Mỹ”. Giờ đây đã trở thành “giấc mơ Trung Quốc”, từ vài góc độ khác, hơi mỉa mai nữa, không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ còn gắn với tên một quốc gia nào đó khác.

Phong cách viết nhẫn nại và thanh lịch của Tash Aw khiến anh được so sánh với một nhà văn gốc Á được đánh giá cao ở phương Tây khác là Kazuo Ishiguro, một nhà văn Anh gốc Nhật, tác giả của Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go).

Tash Aw sinh năm 1971 ở Đài Loan, lớn lên ở Malaysia (không ngạc nhiên khi anh quan tâm đến cộng đồng Malaysia xa xứ đến vậy) và học đại học ở Anh. Theo New York Times, đây là một tác giả đáng để đón đợi. Trong những năm gần đây, anh là nhà văn Malaysia thành công nhất ở nước ngoài.

Tiểu thuyết Five Star Billionaire vừa được chọn vào danh sách đề cử (longlist) năm nay của giải văn chương danh tiếng Man Booker (Anh), cùng với 12 cuốn tiểu thuyết khác. Danh sách rút gọn sẽ được công bố vào ngày 10/9, còn ngày công bố tác phẩm chiến thắng là 15/10.

TT&VH