Mỗi tác phẩm văn học được sáng tác trong một hoàn cảnh, không gian khác nhau. Dưới đây là năm “túp lều” đã cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng và vĩ đại.

Dylan Thomas

Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ vĩ đại xứ Wales, Dylan Thomas, bản sao căn phòng nơi Dylan Thomas sáng tác sẽ làm một tour vòng quanh nước Anh. Để tái hiện sinh động không gian đó, chắc chắn không thể thiếu tấm áo khoác đen của Dylan Thomas sau chiếc ghế bành và cái gạt tàn đầy mẩu Woodbine (kim ngân hoa). Căn phòng lưu động này tái tạo không gian như năm 1953 khi Thomas rời đến New York và qua đời tại đó.

Căn phòng nguyên mẫu nằm trên nhà thuyền ở Laugharne, Carmarthenshire, nơi nhà thơ sống bốn năm cuối đời. Căn phòng nổi tiếng vì đơn giản đó là nơi Dylan Thomas sáng tác Under Milk Wood, tác phẩm vĩ đại nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của ông. Phủ kín các bức tường là những vần thơ của Walt Whitman, W. H. Auden và William Blake. Thomas gọi đó là xưởng thơ, chòi thơ… của mình.


Ngôi nhà của Virginia Woolf

Arthur Miller

Vào tháng 4.1948, Arthur Miller đến Roxbury, Connecticut, xây căn nhà gỗ nhỏ. Trả lời tạp chí The New Yorker năm 1999, Miller cho biết: “Đó là một hành động hoàn toàn bản năng”. Ông đã manh nha ý tưởng cho vở kịch Death of a Salesman (Cái chết của người chào hàng) cùng với ý tưởng xây nhà và nó lớn dần, hoàn thiện cùng quá trình xây nhà. “Tôi luôn tự nhủ, sau khi lợp mái, làm xong cửa sổ, tôi sẽ viết, viết ngay lập tức. Và thực sự là tôi đã bắt đầu viết vào một sáng mùa xuân”. Ông ngồi giữa căn nhà, đóng cửa lại, và cứ thế, câu chữ, ý tưởng tự nhiên tuôn trào. Đến cuối ngày hôm đó, ông đã viết xong chương đầu tiên của một trong những vở kịch vĩ đại nhất thế kỷ XX, Death of a Salesman.

George Bernard Shaw

Trong khu vườn ngôi biệt thự ở ngoại ô, George Bernard Shaw đã tìm thấy nơi bình yên, riêng tư cho mình trong bốn thập kỷ cuối đời. Shaw cho biết, ông có cảm giác mọi người luôn làm phiền ông và ông đến đây là để trốn họ. Nhà viết kịch người Ireland chuyển đến khu vườn trên (thuộc làng Hertfordshire) năm 1906, bây giờ nó được gọi là Shaw’s Corner(Góc của Shaw). Trong thời gian sống ở đây, ông đã được trao giải Nobel Văn học (1925) và giải Oscar (1938). Thời điểm đó, duy nhất ông được cả hai giải thưởng này. Căn phòng của Shaw được xây trên một chiếc bàn xoay và ông tùy hướng mặt trời, xoay mặt về đó để làm việc.


Căn phòng di động của Dylan Thomas

Virginia Woolf

Nhà văn Virginia Woolf lại chọn căn phòng viết nhỏ nhắn trong khu vườn của ngôi nhà vợ chồng bà mua năm 1919. Virginia Woolf từng miêu tả căn phòng này không phải nơi lý tưởng để viết lách, bà thường bị phân tâm, Leonard (chồng bà) cứ lục cục xếp táo ở căn phòng ngay trên đầu bà, rồi tiếng chuông nhà thờ từ phía cuối khu vườn vọng lại, tiếng trẻ nô đùa từ ngôi trường bên cạnh và cả con chó lúc nào cũng ngồi bên bà nữa, nó thậm chí còn để vết chân trên nhiều bản thảo của bà. Không những vậy, vào mùa đông, căn phòng này cực kỳ lạnh lẽo, ẩm ướt, nhiều khi bà không thể viết nổi. Tuy nhiên, Virginia Woolf đã viết cả Mrs Dalloway (Quý bà Dalloway) và The Waves (Những con sóng) ở đây. Nó cũng là nơi bà viết những dòng cuối cùng – bức thư vĩnh biệt chồng trước khi trẫm mình xuống dòng sông Ouse, năm 1941.

Roald Dahl

Roald Dahl, tác giả của Charlie and the Chocolate Factory (Charlie và nhà máy sôcôla) vàFantastic Mr Fox (Ngài Fox thú vị) chuyển đến Buckinghamshire, miền Nam nước Anh năm 1954. Lúc này, căn phòng ông dùng làm phòng viết chỉ vẻn vẹn 1,8m x 2,1m, được xây trong một khu vườn. Ông đã miệt mài làm việc trong căn phòng này nhiều năm, cho đến tận lúc qua đời, năm 1990. Mọi thứ trong căn phòng vẫn được giữ nguyên vẹn sau khi Roald Dahl ra đi, gồm cả những bản thảo trong thùng rác.

Roald Dahl không cho các con đến phòng làm việc của mình, ông dọa rằng, ở đó có một con sói rất hung dữ. Ophelia, con gái Roald Dahl nhớ lại: “Không khí trong phòng rất đồng bóng, giống như phòng phát minh hay phòng thí nghiệm. Ông đến đây vào khoảng mười giờ sáng mỗi ngày, việc đầu tiên ông làm là gọt nhọn sáu chiếc bút chì bằng máy gọt bút chì điện. Ông từng nói, chỉ cần nhìn thấy cả sáu chiếc bút này mòn, ông biết là mình vừa viết được hai tiếng, ông sẽ dừng viết và vào nhà ăn trưa, ngủ một giấc, sau đó trở lại phòng viết hai tiếng nữa”.


Nguồn: Báo điện tử Người đại biểu (Thanh Hà dịch từ BBC)