Từ Nguyên Tĩnh
Những đêm hè nằm trên chiếc chõng tre, Thuyết thường gối đầu vào tay mẹ, nghe mẹ thì thào kể chuyện. Mẹ bảo trên trời có muôn triệu vì sao, mỗi ngôi sao cũng to và sáng, khi lìa khỏi cõi đời ngôi sao cũng vụt tắt.
Bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ thần học, Thuyết muốn gục ngay trên bục diễn đàn. Anh nhìn người nghe mắt nhòa đi như thể nhìn qua lăng kính. Cảm giác ấy không sao dứt ra được, họ như thể các vị thần mà giả thuyết của anh gọi. Tiếng vỗ tay của họ làm rung động cả giảng đường. Những tiếng của học trò làm anh tỉnh dậy:
– Tuyệt vời! Rất tuyệt vời!
– Nói nữa đi! Hỡi nhà thần học!
– Nói nữa đi thầy ơi!
Một cảm giác lâng lâng chạy khắp người anh. Như thể những lần đón nhận những tờ bạc tần tảo từ bàn tay mẹ đưa cho anh lúc ngồi trên ghế nhà trường. Bàn tay của thần linh nâng anh lên, đặt vào đám mây đẩy anh vào cõi vô biên. Nhưng rồi anh quay về với thực tại hoàn cảnh của mình. Anh muốn nói to lên ý nghĩ vừa hiện ra trong óc, ý nghĩ kỳ dị mà công chúng nghe được sẽ nhổ toẹt đi công sức của anh hàng chục năm trời. Hỡi các người! Tôi là kẻ bịp bợm đấy! Tôi là thằng bé con đi từ phiếm thần đến đa thần. Nhờ người mẹ khốn khổ đã cho tôi khái niệm ấy. Các vị hãy nghe tôi đi, đó là sự thật.
Tất cả trở về vắng lặng. Thuyết không nói ra lời ấy. Không ai biết được những ý nghĩ quá quắt ấy. Những cái bắt tay nồng Nhịệt. Những lời chúc mừng. Những bó hoa của học sinh làm anh ngây ngất. Bia rượu làm anh định thần trở lại. Thành công xoa bóp trái tim anh trở lại với đời thường. Và đường phố có hàng me, hàng sấu rỉ rả tiếng ve sầu kéo nhạc dẫn anh về gian gác xép nhọc nhằn kiếm sống… Ta đã là nhà thần học rồi!… Phải rồi, ta đã là nhà thần học chân chính có danh mà loài người biết đến. ý nghĩ cao cả và thầm kín của ta đã được con người biết đến. Đã được trưng bày dưới dạng vật chất. Sáng lên bởi quan niệm sinh động. Trên kia, xa xôi lắm có muôn vàn vì tinh tú đang nhìn ta đầy trêu chọc. “Ông là nhà thần học”. Từ đó ta cảm được thế giới thần của quá khứ. Lấy được ở đó ý nghĩ toàn năng, giãi bày cùng thế giới người. Hãy đừng xa lạ khi anh chọn cách diễn đạt cho dễ hiểu ý nghĩ và quan niệm làm cho loài người xích lại. Gần lắm, cái vốn có tích tụ ở mỗi con người. Trong sự hạn hẹp của ý nghĩ hay mở ra sự vô biên của Thế giới thần…!
Nằm vật xuống chiếc giường trống trải, cảm giác bồng bềnh nơi giảng đường trở lại. Một dòng nước mắt trào ra, xóa đi ý nghĩ kỳ quặc mà Thuyết vừa nghĩ đến, muốn cho nó trở lại để thăm dò lại mình.
Thuyết vùng dậy khỏi giường đẩy cánh cửa sổ ra khuôn viên. ánh sáng vàng vọt ùa vào gian gác hẹp. Bên hồ, những lá liễu rơi xuống như những giọt nước mắt vỗ vào mặt nước. Những cặp trai gái đi bách bộ bên nhau, môi họ mấp máy nhìn xa tưởng là vô cảm. Bóng những người hành khất lạc loài ngồi trên ghế đá, chờ màn đêm ập xuống lấy đó làm giường ngủ. Tất cả những cảnh đó đều quá quen với nhà thần học. Một tiếng thở dài như không đợi thoát ra từ lồng ngực Thuyết.
Có tiếng gõ cửa. Quái lạ vào giờ này còn ai đến đây. Còn ai đến để chúc mừng sự thành đạt của anh. Lời cám ơn, một sự hoan hỉ chỉ làm trái tim Thuyết nặng buồn. Họ sẽ chất vấn anh, tại sao anh đam mê thần học. Anh biết bịa ra những gì cho vừa lòng họ. Rồi anh khi làm cho người hỏi vừa lòng, anh thấy lòng trống trải, rơi vào sự cô đơn.
Đêm lại đến. Đêm nào cũng thế, anh ngửa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao, ở chốn ấy là quê nhà. Một cái gì khắc khoải cứ dào lên. Anh muốn đọc hết ý nghĩ, mà ý nghĩ đó như nhà thiên văn nói là tìm tên gọi sự vật. Ôi! Nếu mà tìm được và gọi lên được tất cả sự vật thì kỳ diệu biết bao. Thuyết sẽ bị đẩy lên cao, chót vót đến chóng mặt. Nhưng anh thấy bất lực, nhàm chán. Mỗi lần sự chán chường làm anh hụt hơi, lại có bàn tay giơ ra, kéo anh dậy. Nào sống lại đi, sống lại ý nghĩ của anh đi nào! Trong anh có chất thần linh đấy. Anh lao vào công việc một cách điên cuồng. Anh khát khao, hy vọng một ngày nào, như hôm nay…
– Cộc! Cộc! Cộc! – Quái lạ giờ này còn ai gọi.
Thuyết mở chốt cửa.
Hiện ra là cô bé, trên đầu là nón mê, tay gậy và bị dính vào nhau như một ký họa. Nó chào anh với giọng ấm áp không ra vẻ xin ăn: Chú ạ!
Thuyết đến ngăn kéo bàn viết, lục lọi cầm lấy tờ bạc năm trăm. Không hiểu sao anh lại thốt ra được những lời êm dịu cảm thông, mà chỉ dành cho người thân.
– Xin lỗi! Tôi chỉ còn ngần này và tiền ăn cơm chiều nay.
– Không! Không đâu! Cháu không lấy của chú!
“Quái lạ lại như thế kia đấy, có ai đi xin mà chê ít”.
– Sao cháu chê ít hả?
– Chú Thuyết! Chú không nhận ra, cháu là Nhị đây mà!
– Cháu Nhị! – Thuyết gọi như người có lỗi!
– Cháu là con mẹ Môn ở cạnh nhà chú ấy mà!
– Cháu! Tha lỗi cho chú! Ngồi xuống đây đã nào! – Thuyết kéo chiếc ghế độc nhất ra mời cô bé.
– Cháu không ngồi! Cháu ra đây vội lắm! Cô Đàm nhờ ra báo với chú, bà ốm nặng sắp mất rồi, chú về ngay đi.
– Trời ơi! Mẹ chú!
– Vâng! Bà yếu lâu rồi, có đi được nữa đâu chú.
Thuyết rụng rời cả chân tay. Nhị khẽ đập vào tay anh với giọng vỗ về của thiên sứ:
– Chú ơi! Đừng buồn… Ta về đi, còn chuyến tàu mười giờ đêm nữa thôi!
– Ừ phải! Cháu chờ chú một chút. – Nói rồi anh vội vã lục tung cả mớ giấy tờ, ngăn kéo ra tìm kiếm, may ra còn chút tiền sót lại. Như đoán được ý nghĩ của Thuyết cô bé kéo tay anh.
– Chú đừng lo! Trên tàu sẽ có Nhịều cái ăn lắm. Cháu có tiền.
Đêm ập xuống. Con tàu hú lên một hồi còi buồn bã. Nhị dẫn anh đi theo một lối tắt mà chỉ nó và những người đi buôn mới biết được.
Kéo anh lên toa, Nhị chỉ cho anh ghế ngồi và dặn anh ngồi chờ, rồi biến vào dòng người chen lấn trên tàu. Toa tàu phút chốc trở nên chật người, rập rình chuyển động. Người soát vé tay xách đèn vuông đầy quyền lực nhìn xoi vào anh, chìa bàn tay ra. Anh hốt hoảng lục túi cho đỡ thẹn. Con bé như từ trên trời xuất hiện, đưa vé cho người soát vé. Nó quay lại mỉm cười với anh:
– Chú phải có vé, vì chú là người có học, còn cháu không cần vé!
Trời ơi! Sao câu nói đó giống lời của mẹ anh thế. Mẹ cũng đẩy anh ngồi vào chiếc ghế hạng nhất. Mẹ cũng nói, con là người có học, còn mẹ ngồi đâu cũng được…
Con tàu xập xình lao đi trong đêm. Con bé thoắt đi rồi lại quay về, anh như kẻ vô tích sự. Nhị đặt vào tay anh bánh trái với giọng ngọt ngào:
– Ăn đi chú! Đừng buồn, vài giờ nữa là về đến quê thôi!
Mắt anh nhòe đi, có phải anh mải loay hoay đi tìm kiếm thiên thần, mà ở trước mặt anh lại hiện diện phẩm chất của thần linh để sót lại?
Thuyết từng theo mẹ trên những con đường ở các làng quê. Mẹ vẫn hay có thói quen dừng ở lại bên những chiếc xe đầy sang trọng. Miệng mẹ lẩm bẩm như người mắc chứng hoang tưởng. Được! Để mẹ lại xem ở trên kia có ai là con của trời không nào. Con đừng tưởng họ lịch sự cả đâu, ăn mặc như vậy mà keo bẩn ra phết. Họ chẳng bố thí cho xu nào mà còn chưởi mắng mẹ là đồ lười nhác. Làm lấy mà ăn chứ. Sao mà cứ lì mặt ra xin xỏ, con xem mẹ còn lười gì nào. Cha con mất đi, mẹ phải lần mò nuôi các con… Mẹ thoắt lau nước mắt, cười – Thôi con ạ! Một ngày nào con ngồi trên chiếc xe sang trọng, đưa mẹ đi một vòng quanh làng mình, cho mẹ quên đi nghèo hèn con nhé! Khổ cho đời mẹ, ước mơ đó anh nào làm được.
Anh từng theo mẹ khắp cánh đồng nắng chang chang cồn cát, cầm chiếc giỏ chờ mẹ bắt cua, bắt cáy. Quay mặt đi nơi khác giấu những giọt nước mắt, nhìn tấm lưng cháy nắng của mẹ. Nhưng không giấu được mẹ, mẹ giả vờ cáu giận:
– Thuyết! Sao con lại khóc, con đói hả?
– Không! Con không đói! Con chỉ thương mẹ!
– Ừ! Đời mẹ khổ cũng được. Nhưng đời con phải học, con có nhìn thấy những chiếc xe con đậu ở đầu làng ta không? Mẹ chỉ ước ao được đi một vòng quanh làng…
Mùa nghỉ hè anh theo mẹ đi khắp vùng quê xa gần ăn xin. Đi xin không xấu đâu con ạ! Kẻ giàu nứt đố còn muốn giàu, mẹ con mình đi xin có gì là xấu. Mẹ đi xin vì muốn cho con ăn học.
Những đêm hè nằm trên chiếc chõng tre, Thuyết thường gối đầu vào tay mẹ, nghe mẹ thì thào kể chuyện. Mẹ bảo trên trời có muôn triệu vì sao, mỗi ngôi sao cũng to và sáng, khi lìa khỏi cõi đời ngôi sao cũng vụt tắt.
– Thế ngôi sao nào mang số phận của mẹ và con?
– Mẹ không biết được! Nhưng có một ngôi sao của mẹ. Vì mẹ nghèo hèn nên ngôi sao đó nhỏ thôi con ạ! Nó cũng hay đi lang thang như đời mẹ! – mẹ cười, rồi vỗ về Thuyết: – Còn ngôi sao của con thì sáng và to lắm!
Thuyết ngủ trong tiếng lào thào kể chuyện của mẹ. Anh muốn đi tìm ngôi sao của mẹ và của mình. Anh muốn vượt lên trên sự bải hoải, bất lực của trí tuệ, giải đáp cho mẹ ngôi sao của kiếp người…
Làng anh thờ Thành hoàng một vị ăn mày. Cả làng quanh năm cày cuốc nhưng khi nông nhàn là bị gậy ra đi. Ra đi tung hoành khắp đất nước. Hàng năm ra Tết, chọn ngày tốt lành, đi cầu sự may rủi, ở đâu có con đường và làng xóm là gặp người làng anh.
Mẹ bảo nghề ăn mày đâu có xấu. Trời hỡi, xin một chút lộc bé nhỏ, bố thí của người hơn mình. Người có cơ làm giàu, ném một chút xương xẩu có sao đâu. Người sang, đủ no say cho một bát gạo, chuộc lại lỗi lầm khi họ nhẫn tâm sát phạt đồng loại lúc giàu. Gạo, thịt, của cải, hoa cỏ trái cây là của lộc trời chứ của riêng ai? Hãy đừng xấu hổ con ạ! áo xống có rách rưới nhưng gần gũi với sự nghèo khổ của tổ tiên hơn. Trẻ thì lụi cụi, còn già thì nương nhờ vào chiếc gậy và bị, rách rưới xua được tà ma và quỷ sứ đấy con ạ!
Họ đi rồng rắn và lũ lượt. Ai thèm trấn lột đứa ăn mày, màn trời chiếu đất.
Anh từng theo mẹ khắp mùa hè nóng bỏng. Để mùa cắp sách đến trường có manh áo mới tinh thơm, theo trẻ vào trường học chứ. Suốt cả thời thơ ấu anh chỉ có một ước mơ, làm sao tìm cho được ngôi sao số phận đem về cho mẹ. Còn của anh không tìm thấy cũng được…
– Chú ơi! Ăn đi kẻo nguội rồi! – Nhị khẽ lay vào tay anh. Bây giờ anh mới kịp nhìn thấy nó, con gái mẹ Môn hàng xóm nhà anh. Cái lần mẹ anh ra thăm anh ở trường đại học, mẹ thì thào kể với anh:
– Mẹ nói điều này hay lắm con ạ! Nhưng con đừng ngắt mẹ, cho mẹ là mê tín nhớ! Đúng là trời cho của con ạ! Cái con mẹ Môn đen đúa là vậy mà cầu khẩn thánh thần hay sao đẻ ra một đứa con gái đẹp như tiên. Nó bảo một đêm nó nằm ở hè cứ mở mắt ra nhìn sao. Thế rồi có mang. Chắc ngôi sao cho nó con phải làm quan to con ạ!
Lần ấy mẹ ép Thuyết phải lấy vợ, cho mẹ có cháu bồng. Anh chiều theo ý mẹ. Nhưng nàng dâu của mẹ làm sao có thể chịu khổ được. Nàng đã viết thư cho anh lời vĩnh biệt. Em yêu anh và phục tài trí của anh. Nhưng em không thể sống ở Tổ ưuốc mình được. Nhà khoa học gì mà sống không bằng đứa ăn mày. Chả hiểu nàng nói thật hay mỉa mai anh. Nàng đã ở luôn nước ngoài khi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ.
– Kìa ăn đi chú, kẻo nguội! – Nhị khẽ lay vào tay anh.
*
* *
Những năm tháng học ở trường Đại học anh càng quyết tâm nghiên cứu về thần học. Anh muốn giải đáp cho mình và mẹ. Anh muốn đời mẹ được sung sướng, hạnh phúc vì có đứa con cho mẹ hiểu được cội nguồn của kiếp người. Anh muốn chỉ ra cho bộ óc ngây thơ, tốt bụng của người quê anh, nhận ra được bản ngã chân thực của họ. Hãy đừng coi thường những người tay bị, tay gậy kia, ở dưới hai bàn chân phồng rộp tóe máu là sức mạnh của đất mẹ. Trên đầu họ là bầu trời đầy sao, chứa đầy niềm lạc quan vốn có của con người. Họ sống với cây cỏ thiên Nhịên. Họ đi nghiêng nghiêng lệch về trái đất, như ngã về cùng mặt trời. Đầu họ nghĩ gì nào? Chỉ biết họ gần gũi với ngày hôm nay… chẳng khát khao gì Nhịều lắm, một cuộc sống no đủ, vui vầy…
Anh muốn đi theo dân làng ra quân. Mẹ bảo anh đã là người có học phải ở nhà mà học chữ, để mẹ và Đàm ra đi. Mẹ bảo anh phải học cho giỏi, cho mẹ đi một vòng xe. Mẹ bảo, anh ra đời vào cái ngày thằng quan phủ xô ngã cha anh, vì ông đói rách đến xin ăn, vì ông cũng có ước mơ như mẹ, nghèo hèn nhưng muốn nhìn vào chiếc xe jép của chúng…
Trường Đại học cho anh bao điều thú vị nhưng cũng dành cho anh bao sự xót xa vì nghèo hèn, thiếu thốn. Nhưng trong anh chứa sự nén chịu, anh không học cho mình, anh học cho mẹ. Mẹ bảo thánh thần, chắc tốt hơn con người.
Anh đã mụ đi trong thế giới của thánh thần. Anh nhìn nơi đâu cũng thấy sự lý giải cao siêu của tạo hóa. Có buổi trưa đói ăn không ngủ được, ra ngồi ở quán tán dóc cùng bạn bè, anh đã gặp mẹ.
Mẹ như một diễn viên có tài, bộ mặt tỉnh bơ của thiên thần vào quán. Anh sợ quá suýt buột miệng gọi mẹ. Mẹ như không nhìn thấy anh, giơ tay trước mọi người:
– Xin quý ông… quý bà bớt chút lộc trời!…
Anh cố kìm sợ òa khóc. Nếu anh khóc anh sẽ ôm chầm lấy mẹ. Thảng thốt chạy đến gốc xà cừ cạnh trường ngồi thổn thức. Chờ cho bạn bè đi hết, mẹ đến tìm anh.
– Con buồn lắm phải không?
– Vâng! Con buồn lắm mẹ ạ!
– Đừng buồn con ạ! Khổ mấy mẹ cũng chịu được. Mẹ chỉ mong con nên người…
Mẹ rũ nơi hầu bao ra đủ các loại tiền lẻ. Mẹ cười, dúi vào tay Thuyết.
– Mẹ ơi! Mẹ cầm lấy mà đi đường chứ!
– Con lo cho mẹ làm gì. Từ đây về nhà mẹ lại xin – Rồi mẹ ngửa mặt nhìn trời, giống như một nhà hiền triết – ở đâu gặp được người thì thần thánh cho mẹ niềm vui. ở đâu có con người, ở đó có niềm thương mến. Mẹ tin đời sẽ như vậy con ạ! – Thuyết không thể trả lời cho mẹ.
Con tàu dừng lại ở ga xép, anh và Nhị đi theo lối tắt về nhà. Trăm ngàn con đom đóm lập lòe, mẹ bảo đó là mắt của cô hồn đấy. Họ rủ nhau đi rong chơi trong đêm. Đừng đụng đến họ làm gì con ạ.
*
* *
Anh theo Nhị về đến nhà thì trời vừa sáng. Vẫn mấy gian nhà tranh trống trải ngày nào. Chỉ khác là người xúm đông xúm đỏ ra vào. Con Đàm, em gái anh chạy ra ôm chầm lấy anh khóc tức tưởi:
– Khổ lắm anh ơi! Sao anh không vứt quách đi mà về sống cho có mẹ có con… Giờ anh về thì không còn mẹ nữa rồi!… Anh ơi!
Anh không nói được lời nào. Phường bát âm đã tụ tập đông đủ. Theo phong tục của làng, một số người đàn ông và đàn bà ăn mặc rách rưới như lúc còn sống người đi ăn xin thường mặc. Mẹ anh nằm ngay ngắn trên giường, mặc bộ áo dài mà lúc sống chưa hề được mặc. Mắt nhắm nghiền như ngủ. Mọi người chờ anh về là nhập quan. Một ông già, dùng hai đoạn tre đập vào nhau hô lên.
– Ớ vía! Ba hồn chín vía bà Thống ở đâu về nhập quan…
Tức thì tiếng kèn, trống, thanh la nổi lên. Mấy người ăn mặc rách rưới xõa tóc ra khóc than, ai oán. Tiếng khóc làm cho người nghe ảo não. Cũ xưa… xa xôi và day dứt. Có lẽ đó là ngôn ngữ gần gũi của các sắc tộc, từ mông muội đến văn minh. Người hiền kẻ ác nghe đều hiểu được.
Anh như thấy mẹ, mặc áo quần xa lạ từ xe tang chạy ra. Mẹ đã nhập cùng Thế giới thần linh rồi con ạ! Chỉ thương con côi cút sống khổ trên trần gian này mà thiếu mẹ. Thuyết đi giật lùi. Con Đàm ở phía sau khóc vống sang: ối mẹ ơi! a a a… à à à…! Sao mà mẹ khổ thế mẹ ơi! Cả đời mẹ nuôi thần thánh mà lúc chết mẹ không cháo cơm!
Anh muốn tìm kẽ nứt mà chui xuống vì xót xa, bất lực. Tiếng quát làm cho im bặt tiếng khóc và kèn trống:
– Dừng lại! Chuẩn bị hạ huyệt!
Anh đi cạnh những ngôi mộ đã được xây. Bọn trẻ con chăn trâu nghịch ngợm vẽ lên đó vô số hình người ăn mày. Thuyết giật mình nhớ lời mẹ dặn anh, khắc cho mẹ một tấm ảnh bằng đá ngộ nhỡ lúc mẹ ra đi đột ngột. Anh chưa kịp cho mẹ một tấm ảnh nào…
Làm xong ba ngày cho mẹ, Thuyết vội vã ra đi. Anh cần phải hoàn tất thủ tục để lấy chứng chỉ học vị, vả lại nếu kéo dài thời gian ở nhà, anh biết phân bua làm sao với em gái và họ mạc.
Anh men theo con đường mòn ra ga. Mừng rỡ vì kịp giờ tàu. Giật mình khi có tiếng gọi phía sau. Một cô gái ăn mặc giản dị nhưng không giấu nổi vẻ đẹp đang gọi anh. Anh không nhận ra con cái nhà ai, ngượng ngùng hỏi lại:
– Cô gọi tôi ạ!
– Kìa chú Thuyết! Chú không nhận ra cháu ư?
– Kìa! Nhị! Sao hôm nay nom cháu khác quá!
Xấu hổ, hai gò má Nhị ửng đỏ, miệng nói qua hơi thở:
– Chú đi… Ngoài đó khó khăn… cháu biết… cháu có chút quà gửi chú tiêu…
Bàn tay Nhị run run đặt vào tay Thuyết, rồi ù té chạy.
Anh không kịp cám ơn Nhị một lời. Nhưng anh cũng kịp nhận ra khuôn mặt thánh thiện của Nhị, giống như nét mặt của mẹ mỗi lần giúi vào tay anh tiền ngày còn học ở trường đại học.
T.N.T
(SH số tháng 4 – 1994)
Tạp chí Sông Hương
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài