Đọc tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn, người yêu thơ dễ dàng hình dung được một chặng đường phát triển thi ca Việt Nam thông qua tác giả.

Tên tác phẩm: Tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn

NXB Văn Học

Bây giờ bất kỳ tác giả nào cũng có thể làm tuyển tập cho mình, miễn có… tiền. Tuy nhiên, để có tuyển tập do nhà xuất bản bỏ chi phí đầu tư thì hơi khó. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã được Giải thưởng Nhà nước nên cũng ưu tiên được phát hành một tuyển tập dày hơn 400 trang in ấn công phu với dòng chữ “sách Nhà nước đặt hàng”, thể hiện sự đặc cách cho một tác giả có thành tựu.

Bìa “Tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn”

Phan Thị Thanh Nhàn nổi tiếng với bài thơ Hương thầm do Vũ Hoàng phổ nhạc, đã được hát đắm đuối khắp cả nước gần 20 năm qua. Một Hương thầm cũng đủ để một người phụ nữ làm thơ không quá day dứt hoặc tiếc nuối về bao nhiêu ngày tháng nhọc nhằn sáng tạo. Tuy nhiên, trong bài thơ Hương thầm có một câu thơ không được đưa vào bài hát (do cảm thụ chủ quan của nhạc sĩ, hoặc do giới hạn khúc thức của giai điệu) nhưng lại gói ghém ít nhiều vẻ đẹp của tác phẩm: “Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực”. Câu thơ này không chút gì rộn ràng, lại chuyển tải được mùi hoa bưởi lan tỏa suốt tác phẩm.

Nếu không in tuyển tập, thì Hương thầm vẫn bay cùng tên tuổi Phan Thị Thanh Nhàn vào lòng công chúng. Thế nhưng, có tuyển tập thì “hương thơm ấy” có thêm cơ hội “thấm sâu vào lồng ngực” những ai quan tâm đến văn chương thực sự!

Trong tuyển tập, phần văn xuôi gồm truyện thiếu nhi, tản văn và chân dung văn học chỉ giống như gia vị nêm nếm để độc giả hiểu thêm hành trình bút mực của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Quan trọng nhất và chiếm vị thể chủ đạo vẫn là thơ. Dĩ nhiên, phải như vậy thì khi đọc tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn mới nhận ra một nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có viết văn xuôi, chứ không thể thấy… một nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn có làm thơ.

Đọc tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn, người yêu thơ dễ dàng hình dung được cả một chặng đường phát triển thi ca Việt Nam thông qua một tác giả. Những tác phẩm mang dấu vết một thời như Bài thơ tải đạn, Gương mặt sư đoàn, Mùa gặt Triệu Phong hoặc Chân dung người chiến thắng được in lại có thể giúp bạn đọc hôm nay chia sẻ một giai đoạn lịch sử mà các sáng tác thi ca phải cổ súy nhiều chất “ca” hơn chất “thi”. Đáng mừng thay, Phan Thị Thanh Nhàn đứng trong hàng ngũ văn học kiêm nhiệm nhiều chức năng xã hội khác, vẫn có được những câu thơ cho riêng mình. Vượt trội là bài thơ Con đường theo thể lục bát: “Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều, nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em”.

Từ tuổi đôi mươi đến tuổi tri thiên mệnh, thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn luôn thầm thì một giọng điệu nhỏ nhẹ, dẫu khi bơ vơ bẽ bàng: “Nhớ ai, em vẽ số không tròn đầy/ Số không – giọt lệ cầm tay” hay dẫu lúc mòn mỏi ngóng trông “Ước chi tôi là cá/ Giữa biển đời cần lao/ Gặp được người tri kỷ/ Biết kiên trì thả câu”.

Dù ghét yêu thế nào, cũng phải khẳng định Phan Thị Thanh Nhàn là một gương mặt thơ trong thế kỷ 20. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Phan Thị Thanh Nhàn không những tiếp tục viết mà còn được dịp ngoảnh lại những gì đã viết: “Bài thơ tôi viết ngày xưa/ Tình sao chân thật ngây thơ ngọt ngào/ Bây giờ tóc bạc tuổi cao/ Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương”.

 

Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Exit mobile version