Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau 3 năm “giãn”, năm nay mới tiếp tục tuyển sinh chuyên ngành Viết văn. Đáng chú ý, ngoài hệ cử nhân 4 năm thông thường còn có hệ cử nhân văn bằng 2. Đây là lần đầu tiên hệ cử nhân văn bằng 2 Viết văn được tuyển sinh.

Mấy năm gần đây, học Viết văn hay đào tạo Viết văn không còn là độc quyền của Trường Đại học Văn hóa (trước đây là trường Viết văn Nguyễn Du) nữa, liên tiếp các loại hình bổ sung kiến thức cho người cầm bút được mở ra, như: Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam học vài tuần, khoa Viết văn trực thuộc trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội, lớp Sáng tác và Thẩm bình văn chương của trường Đại học Văn hóa kéo dài một vài tuần, bên cạnh đó ở các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, các công ty tư nhân với nhiều hình thức khác nhau cũng có những lớp, những khóa bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đối tượng cầm bút, yêu văn chương.

Điểm tên các đơn vị thiết tha với lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo văn chương thì có vẻ nhiều, rất dễ khiến người ngoài cuộc đặt câu hỏi liệu như thế có “lạm phát”, có “thừa” đội ngũ người cầm bút không?

Thực tế cho thấy, đào tạo hay bồi dưỡng Viết văn không giống như những ngành nghề khác, chả thế mà mô hình đào tạo Viết văn của trường Đại học Văn hóa có tiền thân gắn với tên gọi của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, nhiều học viên trưởng thành từ đây đều đã và đang trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, giữ nhiều vị trí quan trọng của văn chương nước nhà cũng phải lắng nghe dư luận và thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh.

Cử nhân Khoa Viết văn- Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (ảnh HN)

Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội cũng khá dè dặt khi không tuyển liên tiếp các khóa Viết văn.

Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải “xoay hướng” ra các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội để thu hút học viên.

Trước đây, ở những khóa Viết văn đầu tiên (từ khóa 1 – 5) đối tượng theo học, chủ yếu là người cầm bút đã có tác phẩm, thậm chí đã “nổi tiếng”. Độ tuổi người cầm bút theo học thời đó cũng rất “đặc thù”, đã có trải nghiệm cuộc sống. Nhưng sau đó, những đối tượng cầm bút theo học như thế này vắng bóng, thưa thớt, thay vào đấy là đối tượng vừa tốt nghiệp trung học phổ thông có chút khả năng viết, có tình yêu văn chương theo học. Nếu tính từ khóa 6 cho đến bây giờ là 17 năm, lứa sinh viên viết văn vừa rời ghế nhà trường phổ thông chiếm vị trí áp đảo.

Những học viên tốt nghiệp Viết văn từ khóa 6 trở lại đây, dù chưa có thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm còn theo được văn chương, còn “dính dáng” đến văn chương, hay còn làm những công việc liên quan đến viết lách, nhưng chắc chắn một điều là có, thậm chí không ít người “bỏ” văn chương, làm trái ngành trái nghề. Đây là một thực tế cuộc sống xảy ra ở tất cả các ngành nghề, chứ không riêng văn chương. Và thực tế này chúng ta phải chấp nhận.

Vậy nhưng, ngược lại, lại có những người học những ngành nghề khác lại “bén duyên”, “mắc nợ”, đam mê văn chương. Đây chính là một trong những lý do để khoa Viết văn mở ra một hình thức đào tạo mới đáp ứng những đối tượng muốn “rẽ ngang” văn chương: Đào tạo hệ cử nhân văn bằng 2. Chưa bàn đến sự thành công hay không, hoặc thành công đến đâu, nhưng việc mở ra hệ cử nhân văn bằng 2 ngành Viết văn là một đòi hỏi thiết thực và đáp ứng thực tiễn.

Để tìm hiểu và cung cấp thêm thông tin xung quanh việc tuyển sinh ngành Viết văn năm 2016 của trường Đại học Văn hóa, báo Điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với nhà Lý luận phê bình Văn học – Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.


Nhà văn Văn Giá (ảnh cung cấp)

PV: Xin hỏi nhà Lý luận phê bình Văn Giá, năm nay có phải năm đầu tiên trường tuyển hệ cử nhân văn bằng 2 ngành Viết văn không? Lý do trường Đại học Văn hóa mở hệ này?

Nhà Lý luận phê bình Văn Giá: Vâng, đây là năm đầu tiên Trường tuyển viết văn bằng 2.

PV: Xin ông cho biết tại sao trường Đại học Văn hóa lại mở hệ này?

Nhà Lý luận phê bình Văn Giá: Lý do là trong đời sống, có không ít những người đã đi làm rồi, vẫn rất đam mê viết văn. Nhưng họ không biết mình phải viết như thế nào, thế nào là hay, là cá tính, là không bị chê vụng, chê dở… Những người này họ đã trải qua công việc, trải qua thực tiễn đời sống, ít nhiều đã hình thành số phận, nghĩa là vốn sống đang rất dồi dào. Nếu mà họ được khích lệ, được trang bị tri thức nghề viết tốt, họ sẽ có nhiều cái để viết hơn là các em học sinh phổ thông mới vào- chúng thường bắt đầu bằng “văn chương ô mai” như cách nói của thầy Hoàng Ngọc Hiến ngày nào. Sống càng sâu sắc, càng có số phận, cơ may viết văn lại càng hay. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, trao đổi qua FB, một số người quan tâm đến loại lớp văn bằng 2 này. Tôi nghĩ: lâu nay mình bỏ trống đối tượng này một cách “vô tâm” quá. Qua mấy năm ấp ủ, nay mới tiến hành thủ tục xong, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý.

PV: Dự kiến hệ cử nhân văn bằng 2 ngành Viết văn sẽ được tuyển hàng năm hay bao nhiêu năm một lần?

Nhà Lý luận phê bình Văn Giá: Tôi nghĩ cứ tiến hành thử một năm đã, không nên quyết vội. Bởi học viết văn cũng kén người lắm. Nó không chấp nhận đại trà, không chấp nhận đánh trống ghi tên. Nó phải dựa trên nền tảng của năng khiếu và lòng đam mê.

PV: Cách thức học tập của Viết văn bằng 2 như thế nào và ông hy vọng gì vào loại lớp này?

Nhà Lý luận phê bình Văn Giá: Lớp Viết văn bằng 2 chỉ học ban tối, không phải học các môn cơ sở nữa, do ngày học ở các trường đại học, họ đã được học cả rồi, mà tập trung ngay vào các môn chuyên ngành, tăng cường giao lưu, tiếp xúc với các thế hệ nhà văn trong và ngoài nước, chú trong tạo điều kiện ở mức cao nhất cho hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm. Nếu theo lớp này, trừ thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tổng cộng chỉ học hơn năm đã ra trường, có Bằng Cử nhân Viết văn.

PV: Vậy còn hệ cử nhân chuyên ngành Viết văn 4 năm như bình thường năm nay tuyển là khóa bao nhiêu rồi, cách khóa trước mấy năm? Tại sao có những thời điểm trường tuyển hàng năm được một thời gian lại không tiếp tục nữa mà ngắt quãng?

Nhà Lý luận phê bình Văn Giá: Hệ 4 năm, nếu tính từ Khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện nay lớp Viết văn đang theo học là khóa 14. Nếu năm nay tuyển là khóa 15. Từ ngày còn là Trường Nguyễn Du, cách tuyển là 3 năm /1 khóa (1 lớp). Ngày tôi chưa về trường này công tác, bắt đầu từ K8 (năm 2006-2010) trở đi là mở hằng năm. Khi tôi về (2007), tiếp tục tuyển K10 đến K14 như bây giờ. Sau đó tôi thấy tình hình số lượng vào học có phần giảm sút, trong khi đó, không được phép chấp nhận hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng, tôi đề nghị trở về với chế độ tuyển sinh như thời Trường Nguyễn Du: 3 năm/khóa. Năm nay tuyển khóa đầu tiên sau 3 năm tính từ K14.

* Xin cảm ơn những trao đổi của ông!

Theo Hiền Nguyễn – Báo điện tử Tổ quốc

Exit mobile version