(The last residence)

Người ta thường nói: “Chết là về với đất, về nơi an nghỉ cuối cùng”. Người sống đưa tiễn người kết đến nghĩa trang chôn cất, cũng mong đó là nơi “an táng”. Mộ là ngôi nhà sau chót của kiếp người. Nhưng bây giờ, tôi không nghĩ thế, không tin thế, ít ra ở miền Bắc này.

1. Tôi không quên mùa Hè năm 2001, cả lớp cùng thầy chủ nhiệm đi đám tang Vương Đình Bình, cậu bạn tóc quăn hóm hỉnh mà tôi quý mến.

Thói quen giờ cao su, xe đón đứa này chờ đứa khác khiến xe về đến Hải Hậu, Nam Định, thì đám đã xong. Chỉ gặp bạn qua tấm ảnh sau khói hương. Mẹ Bình vật vã khóc đứa con trai út. Bình là dân đạo toàn tòng, rất mực hiền và trong sáng, ra đi sau cú ngã xe máy tận Gia Lai khi vào thăm anh trai ở khu kinh tế mới (nhà bạn vốn nghèo) sau khi tốt nghiệp lớp Báo viết 16C (1997-2001), Phân viện Báo chí – Tuyên truyền.

Bố Bình kể trong nước mắt: “Trước khi hạ huyệt, các chú phải tát nước mãi, thả quan tài xuống, nước lại tràn vào”. Chúng tôi đi ra cánh đồng, vùng chiêm trũng hay ngập nước.

Bình nằm trong phần ruộng nhà mình, lũ con gái sợ bẩn không lội xuống. Xá gì, về đến đây mà không thắp hương mộ bạn thì đâu ý nghĩa. Xắn quần tận bẹn, lội xuống, thụt sâu, cắm mãi mới được que hương, vì bùn đắp mộ nhão nhoét. Chịu đày ải như thế, Bình chết hai lần. Ba năm sau cải táng, Bình mới được lên nằm chỗ khô, nơi nghĩa địa đồng làng. Ám ảnh về cái chết đau đớn ấy, về nơi trú ngụ thi hài bạn tôi, ba năm ngâm trong nước ruộng, dọc đường về và suốt đêm ấy, tôi không làm gì được cho Bình ngoài bài thơ khóc bạn – Nằm lại với cánh đồng: “Từ cánh đồng sũng nước/ Mình lau bạn bằng nước mắt”. Chỉ có nước mắt thương xót Bình, nước mắt là tinh khiết nhất để thấm khô bạn tôi giữa nước đồng ngầu cá quẫy.

2. Tôi nghĩ về cái chết từ năm 20 tuổi. Và tôi đã làm một chuyến đi không có trong bất cứ tour du lịch nào trên thế giới: thăm hai nghĩa trang ở Paris. Đưa tôi đi là dịch giả, nhà văn Phan Huy Đường. Là người uyên bác, sâu sắc, tư tưởng hiện đại, tác giả cuốn triết Tư duy tự do (viết bằng tiếng Pháp, in ở Pháp rồi tự dịch tiếng Việt, in tại VN, NXB Đà Nẵng) rất ngưỡng mộ nhà văn, nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre (1905 – 1980). Ông đã gặp Sartre sinh thời và chứng kiến đám tang năm 1980 của nhà triết học đã từ chối Nobel này. Ông đưa tôi đến nghĩa trang rất đẹp, thuộc trung tâm Paris. Thật trùng hợp, năm 1980, tôi sinh 4/4, J. Sartre từ trần ngày 15/4. Cổng vào rẽ phải, là mộ chung của Sartre và Beauvoir. Khi sống, họ không kết hôn, không có con với nhau, thậm chí có lúc nữ sĩ yêu người khác, nhưng họ là tình yêu lớn, định mệnh của nhau, đó ảnh hưởng, cộng hưởng nhau qua nhiều tác phẩm. Chết sau Sartre 6 năm, cũng lìa đời ngày 14/4, Simone de Beauvoir (1908 – 1986) muốn được an táng cùng mộ với bạn đời của mình. Không ràng buộc, không sức mạnh nào hơn tình yêu và niềm trân trọng lớn lao, không giá thú không đám cưới, họ vẫn thuộc về nhau trọn vẹn và mãi mãi, cả sau khi chết. Có lẽ bởi những trùng hợp về tháng Tư mà tôi cảm thấy gần gũi hơn với Sartre, cùng sự ngưỡng mộ ông về tầm vóc, nhân cách dám sống, dám yêu đến cùng. Là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, sách triết học, GS. J. Sartre từng từ chối giải Nobel văn chương 1964. chính ông cũng đã quyết liệt đấu tranh ở phiên toà tại châu Âu, yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Rồi chúng tôi đến nghĩa trang bao la Bắc Paris, nơi có nhiều dòng họ quý tộc và các tên tuổi lớn. Mỗi khu mộ là một công trình kiến trúc cổ kính, cầu kỳ và uy nghiêm, không âm u, bởi hoa, nhiều hàng cây, lối đi đá cổ, đài phun nước kiến tạo xung quanh đã xua đi cảm giác lạnh lẽo của sự chết. Từ cổng vào, đã có tờ rơi, sơ đồ hướng dẫn, bởi nghĩa trang quá lớn, mỗi mộ đều được đánh số, ký hiệu. Cuối nghĩa trang là đài hóa thân, nơi để các bình tro hài cốt và tượng đài tưởng niệm chiến sĩ các nước địa chiến đấu, hy sinh vì nước Pháp. Ở đây, có cả tác phẩm mô tả các lò thiêu người dã man như trại Auschwitz ở Ba Lan, các nạn nhân bị tra tấn bởi phát xít Đức. Và trên hết, giá trị của nghĩa trang này vì đây là nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ lớn của thế giới. Tôi đã đến bên mộ của Chopin, để cảm nhận nhạc ông vẫn vang lên bất tử. Tôi đã đọc thơ tình bên mộ P. É luard. Và xót thương nhà triết học Trần Đức Thảo (1917 – 1993), đã mất trong cô đơn ở Paris cũng vào 24/4, được hoả táng tại lò hoả táng nghĩa trang này.

3. Trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, ông Hai tản cư, nhớ làng quá, càng nhớ khi nghe hai đứa tre bảo nhau: “Quê em ở đâu?/ Em phải nhớ quê em là làng chợ Giàu”. Tâm trạng ông Hai là hiện thân của tác giả, ông yêu làng mình, tự hào về nó. Bà nội tôi cùng làng chợ Giàu, Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh – cái làng nổi tiếng phong lưu, khoáng hoạt, có nhiều Việt kiều Pháp từ xưa, dân làng quen buôn to, làm các nghề kiếm tiền nhiều hơn là thuần nông, nên toàn thuê làng khác sang cấy, gặt.

Khi sống, ông bà nội tôi phải ở xa nhau, nên bà muốn, khi nào bà “hai năm mươi” thì cho bà nằm bên cạnh. Nhưng nghĩa trang chùa Hà bị người sống lấn chiếm dã man, mọi khoảng hở bên cạnh mộ ông tôi bị chiếm chặn hết. Bố tôi mua đất, xây mộ bên hàng nhãn, chuẩn bị để sau này đưa bà về yên nghỉ đất làng, có thể đưa cả ông tôi về đấy, vẹn cả đôi đường.

Về làng, đó cũng là ý nguyện của hai nghệ sĩ lớn – niềm tự hào của làng Phù Lưu – nhà văn Kim Lân (1920 – 2007) và nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923 – 2007). Hơn tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Tài chơi thân với ông Bảy Hổ. Hai trai làng mê tuồng, cùng nhau đóng vở Sơn Hậu, ông Tài vài Đổng Kim Lân, ông Bảy đóng Khương Linh Tá, rồi ông Tài lấy bút danh Kim Lân. Chàng Kim Lân thành em rể Bảy Hổ, khi yêu và lấy cô Tám, em út của bạn mình. Ông Kim Lân mê vẽ, chơi với nhiều họa sĩ tài danh, nên hướng con theo hội họa, bảy con thì năm là họa sĩ. Gen vẽ của các con cô Tám cũng có phần tử bác Bảy, có tài vẽ tranh sơn khắc.

Ông Bảy chụp nhiều ảnh về làng Phù Lưu, và một trong các phim để đời của ông là Đến hẹn lại lên (1974). Quá yêu làng nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đã thuyết phục đạo diễn, NSND Trần Vũ (quê Nam Định) về quê mình chọn cảnh,cảnh đẹp nhiều là được chấp nhận rồi, biết trước thế, ông Bảy tự tin lắm. Cả đoàn phim, họa sĩ NSND Đào Đức, phó quay phim Đỗ Phương Thảo (mẹ hoạ sĩ Lê Thiết Cương, anh Cương cho biết dịp Hè ấy cũng được đi theo đoàn phim),các diễn viên: Như Quỳnh (cô Nết), Vũ Đình Thân (vai An), Cao Thượng (vai Bình) kéo quân về chợ Giàu. Chính bối cảnh ngôi làng cổ nên thơ này đã góp phần vào thành công của bộ phim giờ đây vẫn được nhắc đến như một tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Hè 2007, hai người bạn thân cùng xa trần gian. Tháng Sáu, NSND Nguyễn Đăng Bảy mất, ông được hoả táng và đưa về chôn ở nghĩa trang làng. Sau hơn một tháng, 22/7/2007 nhà văn Kim Lân qua đời. Một năm sau, tro thi hài ông được đưa về chôn bên người vợ – bà Nguyễn Thị Tám qua đời từ năm 2001. Mới ngoài 50 tuổi, nhưng các con trai của hai ông, cũng là anh em họ, đã nghĩ, sau này chết chỉ mong con cháu đưa ngay về nghĩa trang làng. Đó là nhà quay phim Nguyễn Lê Văn, trai trưởng, con duy nhất nối nghiệp cha. Rất yêu làng Phù Lưu, năm 2004, bác Văn đã làm phim tài liệu 20 phút Khoảnh khắc về làng. Đó là doanh nhân Nguyễn Dũng, con trai thứ năm của nhà văn Kim Lân, không theo nhưng am hiểu nghệ thuật. Anh Dũng nói: “Tôi theo làm phụ quay Đến hẹn lại lên cho bác Bảy, rồi mới du học Đức. Tôi hay về làng, từng đưa thày tôi khi còn khỏe về dự hội, việc làng, tuy không phải con trưởng, lại nắm rõ các quan hệ họ mạc nhất trong nhà, vì có điều kiện gần gũi khi thầy u còn sống.. Còn gì hơn khi chết đi được về quê, nằm nghĩa trang cùng thầy u mình”.

4. Không phải lốc mà là bão đô thị hoá làm các làng quê bị bê – tông hoá mọi thứ, từ đường làng trở đi. Đình chùa di tích nhiều nơi bị phá. Rồi với đà không quy hoạch, pháp luật không nghiêm trị, những kẻ không biết sợ ai sẽ liều mà phá cả nghĩa trang lấy đất không chừng.

“Mộ mới nổi đầy đồng, như những chiếc nón xanh”. Nghĩa trang chật, người ta chôn người thân vào ruộng nhà mình, có cái gì bất định được đâu. Khi sống đến thở còn thiếu oxy, nữa là lo chuyện mình sẽ ra sao sau khi tắt… thở!

Người Việt mình chưa có thói quen hoả, điện táng. Nhưng hình thức này sẽ phổ biến không xa, khi đất quá đắt và ít ỏi Đắt như đất nghĩa địa Paris, phải chôn nhiều tầng kiểu “chung cư mộ”, cũng đến lúc chẳng còn. Người chết sẽ phải chịu thua thiệt trong cuộc đua với người sống.

Biết thế, mà tôi vẫn ước ao khi mình chết, sẽ được nằm trong đất. Nhưng đất ở đâu? Nghĩ lung lắm mà không thể trả lời. Theo quy hoạch, các nghĩa trang sẽ bị đưa ra khỏi thành phố. Thủ đô đã vào top lớn nhất thế giới do nhập hơn một tỉnh, vẫn lo đến khi mình tạ thế, tôi sẽ nằm đâu? Dù biết, đó sẽ là nơi tạm trú không chắc cuối cùng.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version