Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc.
Gồm các truyện sau:
– Tường Vi đỏ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 2.10.2023
– Ranh giới mong manh
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 3.10.2023
– Một thoáng bông hồng đỏ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 4.10.2023
– Vượt ngục
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 5.10.2023
– Về một thời đã cũ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 6.10.2023
Nhà văn Trần Quang Lộc
Thường trú TP Quy Nhơn. Nguyên cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.
– Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
– Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
– Hội viên Hội văn học nghệ thuật Bình Định
Đã xuất bản 4 tập truyện ngắn:
1. Trăng 16
2. Một thoáng hoa hồng đỏ
3. Làng ven sông ngày ấy
4. Làng Krona.
Có tác phẩm tham gia trong các báo, tạp chí, tuyển tập:
Báo Văn nghệ Hội nhà văn, Báo Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, các tuyển tập của Nhà xuất bản Hội nhà văn, tuyển tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, tạp chí văn nghệ các địa phương.
Giải thưởng:
03 giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu
01 Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.
Mời quý vị nghe chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc qua sự thể hiện của các giọng đọc: Võ Đào Phương Trâm, Trần Đăng Kim Trang, nhà thơ Trương Công Tưởng và nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
TƯỜNG VI ĐỎ
Trần Quang Lộc
Rời bến đò Năng An, tôi đi dọc theo con đường làng ngang qua ngôi trường cũ, dẫn đến một xóm nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng mông quạnh. Đường trải bê tông, hai bên là bờ tre xanh nối tiếp nhau chạy về cuối xóm. Gần 20 năm làng quê nhiều thay đổi, tôi không còn nhận ra đây là con đường đất đỏ bazan mang nhiều kỷ niệm hồi còn là anh giáo làng đầy khát vọng!
Đến gốc đa tàn lá sum suê cạnh ngôi đình cổ kính còn sót lại sau chiến tranh, gặp mấy chị thôn nữ đang ngồi tán gẫu, tôi dừng lại hỏi thăm về Tường Vi, cô học trò của tôi ngày trước. Nhưng những người được hỏi đều lắc đầu bảo rằng, ở vùng quê chiêm trũng này, phần lớn con gái được cha mẹ đặt tên như Lài, Lạc, Gái, Lúa,… hoặc lấy thứ làm tên chứ không có đứa nào mang cái tên như vậy. Tôi thất vọng định rảo bước đi tiếp. Bỗng ông cụ đang ngồi vót nan tre gần đó dừng tay, hấp háy đôi mắt nhìn tôi như dò xét:
– Này… chú em! Tôi mới sực nhớ ra. Quả thật trên mười năm trước, làng này cũng có con nhỏ tên Vi. Có phải …trước năm 75 cháu Tường Vi tham gia bộ đội chủ lực huyện?
Tôi mừng rỡ cắt lời ông lão:
– Thưa bác, đúng là người cháu đang tìm rồi! Bác chỉ hộ cho cháu nhà của Tường Vi.
Ông già lặng im trong giây lát như cố lục tìm trong kí ức cũ kỹ của người vừa qua cái ngưỡng “cổ lai hy”, giọng ông chùng xuống:
– Sau chiến tranh, con Vi về quê phụ trách lớp mẫu giáo thôn được ba bốn năm gì đó rồi đăng ký đi bộ đội. Cuối năm 1979 hy sinh trên chiến trường Tây Nam! Ông lão buông tiếng thở dài tiếp, hiện giờ ở đây chẳng còn ai là họ hàng thân thích với cháu Vi nữa chú à!
Sau câu nói của ông già, một cảm giác nhói đau tràn dâng! Tôi đứng lặng người một lúc mới nói được lời cảm ơn ông lão rồi quay về hướng cũ.
Tốt nghiệp ngành sư phạm, tôi được phân bổ về dạy tại trường trung học của một huyện miền biển thuộc diện nghèo lại thiếu an ninh. Ngày đầu tiên đến trường nhận lớp, tôi rất ngạc nhiên vì học sinh lớp đệ ngũ tôi sắp hướng dẫn hầu hết lớn tồng ngồng, không thua kém gì bọn học sinh đệ nhị cấp trên thành phố. Một đồng nghiệp người địa phương mách nhỏ, học sinh ở vùng “xôi đậu” là vậy đó, Có nhiều em đang học lớp đệ ngũ, đệ tứ tự dưng bỏ học nửa chừng ra đi lấy chồng, lấy vợ. Có em tham gia kháng chiến nữa đấy!
Trong số bốn mươi hai học sinh lớp tôi phụ trách, Tường Vi có phần nhỉnh hơn về thể chất. Vi thuộc diện học sinh giỏi toàn diện lại nhanh nhẹn, thông minh, xinh xắn, lúc nào trên môi em cũng nở nụ cười. Nhờ những ưu điểm này mà tôi quyết định giao cho Tường Vi làm lớp trưởng. Vi rất năng động và tích cực giúp tôi trong công tác hướng dẫn lớp.
Thường mỗi buổi chiều tan học, Vi cứ lẽo đẽo theo tôi suốt từ cổng trường cho đến khi tôi bước chân lên chuyến đò ngang cuối ngày sang bên kia sông trở về thị trấn Sông Vệ. Những lần đầu Vi còn e dè không dám gợi chuyện. Sau thành quen và thường hỏi tôi về cuộc sống ở những vùng thôn quê chưa có bóng dáng chiến tranh, về việc học tập của đám học sinh trên thành phố, về ngôi trường sư phạm tôi đã theo học. Vi tâm sự: Lẽ ra năm nay em phải học lớp đệ tam hay đệ nhị rồi thầy ạ! Tuổi thật của em mười bảy rồi chứ có bé bỏng gì đâu. Nhưng sống trên miền quê vừa nghèo lại vừa “tranh tối tranh sáng” thế này biết làm sao hơn hả thầy?. Vi ước mong sau này sẽ được vào học trường sư phạm rồi ra làm cô giáo và nhất là được dịp biết về thành phố biển quê tôi.
Thật lòng mà nói, tuy rất bức xúc vì vừa mới ra nghề đã bị điều động đến vùng quê chiến tranh rình rập từng ngày. Nhưng bù lại, được một cô học trò thông minh, học giỏi, năng động phụ giúp công tác điều hành lớp, tôi cũng đựơc an ủi phần nào. Tình thầy trò chúng tôi ngày càng gắn bó hơn. Giờ Việt văn nếu vắng Tường Vi lớp học trở nên buồn tẻ, tiết dạy thiếu sinh động. Những buổi chiều từ trường đến bến đò ngang không có Vi đi bên cạnh, tôi cảm thấy lòng mình trống vắng!. Những hôm tôi bị ốm hoặc khu vực trường có biến cố phải tạm nghỉ học, Vi rủ bạn gái lội bộ gần năm cây số đến nhà trọ thăm tôi và giúp tôi nhiều thứ lặt vặt.
Một hôm, tình cờ bắt gặp trong ánh mắt của Vi nhìn tôi đang tiềm ẩn một điều gì đó rất lạ, không phải là ánh mắt của một cô học trò đối với thầy mà là ánh mắt của một cô gái đang đến tuổi biết yêu! Tôi thầm nghĩ vậy.
Về phần tôi, thú thực, đôi lúc cũng phải giật mình khi phát hiện ra, ngoài quan hệ thầy trò, tôi còn dành cho Tường Vi một thứ tình cảm nào đó rất mơ hồ, rất khó nhận dạng. Là một thầy giáo tuổi đời còn quá trẻ, nhưng tôi vẫn ý thức được rằng, cần phải loại ra khỏi đầu óc của mình những suy nghĩ lệch lạc, thứ tình cảm mơ hồ có thể làm tổn thương đến tình thầy tró vốn rất hồn nhiên trong trẻo, đánh mất nhân cách của người thầy mà xã hội rất trân trọng.
Quả thật cuộc sống vô thường không biết đâu mà lường trước! Gần cuối năm học, tôi rất ngạc nhiên phát hiện ra học lực của Tường Vi bỗng dưng giảm sút đến tồi tệ: bài học ít khi thuộc, bài kiểm tra chỉ đạt điểm bốn, điểm năm!. Giáo viên bộ môn cứ than phiền với tôi về Tường Vi. Lúc ấy, tôi nghĩ rất đơn giản rằng, đây là thời kỳ chuyển biến về tâm sinh lý của một cô gái đang đến tuổi dậy thì!
Để giúp Tường Vi yên tâm tập trung vào việc học, tôi dần dần tránh xa em và thường tỏ ra nghiêm khắc hơn trong tình cảm thầy trò. Mặc khác, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp Vi khắc phục khó khăn và hy vọng, Vi sẽ nhận ra, rằng chỉ có học tập tốt sau này mới có cơ hội thi đỗ vào trường sư phạm và trở thành cô giáo như em hằng mơ ước. Nhưng hy vọng bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu! Mọi cố gắng của tôi đều mang lại kết qủa không mong muốn! Lực học của Vi ngày càng sa sút, thi thoảng còn bỏ giờ, đi trễ, về sớm!
Một hôm, trong tiết Việt văn, bắt gặp Vi đang ngồi ngủ gật. Một hiện tượng lạ chưa từng gặp ở cô học trò chăm ngoan nầy. Tôi gọi em lên bảng thuyết giáo:
– Vi! Là một lớp trưởng em phải làm gương cho các bạn noi theo. Đàng này, lực học ngày càng giảm sút lại còn tỏ ra vô kỷ luật trong giờ học. Em đã đánh mất niềm tin của bạn bè, làm tiêu tan mọi hy vọng của thầy cô rồi đó. Nếu cứ tiếp tục học kiểu này thì em nên thôi học ở nhà giúp cha mẹ.
Thấy cô học trò cứ cúi mặt xuống gầm bàn, đôi bờ vai run rẩy, tôi càng điên tiết:
– Thầy nói oan cho em phải không? Với quyền hạng của giáo viên hướng dẫn lớp, tôi cho em tạm nghỉ 3 ngày làm bản kiểm điểm, kể từ chiều nay. Em hãy thu xếp sách vở đi ra khỏi lớp!
Với đôi mắt dân dấn nước, Vi ngước mặt nhìn tôi vừa như nhận lỗi vừa như trách cứ. Tôi giục:
– Thôi! Em ra khỏi lớp được rồi đó. Ngày đến lớp nhớ phải nạp bản kiểm điểm và chép bài đầy đủ!
Quyết định dứt khoát và bất ngờ của tôi khiến Tường Vi úp mặt vào lòng bàn tay khóc nức! Một lúc sau, em lặng lẽ ôm cặp rời khỏi phòng học trước sự ngỡ ngàng của cả lớp.
Ngay chiều hôm ấy, trên con đường ra bến đò ngang trở về nhà trọ, tôi lại tự trách mình quá nóng vội đưa ra hình thức xử phạt quá nghiêm khắc dành cho một cô học trò chăm ngoan mới lần đầu sai phạm!
Ngày hôm sau, nghĩ sao tôi lại nhờ một em học sinh gần nhà bảo Vi đi học trở lai.
Cậu học trò cung cấp cho tôi một nguồn tin khiến tôi bàng hoàng, choáng váng: Tường Vi đã được một cơ sở bí mật móc nối đưa vào hoạt động cách mạng từ giữa học kỳ I của năm học! Bạn thân của Vi còn cho biết thêm, ban ngày Vi đến trường, ban đêm tham gia hoạt động nội tuyến. Tin về Tường Vi không cần phải kiểm chứng, bởi đây là chuyện thường xảy ra trên những vùng “xôi-đậu” thời bấy giờ!. Tôi chỉ biết buông tiếng thở dài! Thế là cả lớp đã mất đi một người bạn tốt, một lớp trưởng mẫu mực; tôi mất đi một cô học trò ngoan hiền đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp về tình thầy trò. Đêm hôm đó, tôi không thể nào chợp mắt và nhận thức ra rằng, cuộc chiến tranh khốc liệt quá, tàn nhẫn quá! Không những gây ra những đau thương tang tóc cho dân thường vô tội mà còn cướp đi những hoài bảo, những ước mơ của lứa tuổi còn đang trên ghế nhà trường! Khuôn mặt thanh tú thấm đậm nước mắt của Tường Vi vào buổi chiều hôm ấy cứ ám ảnh mãi, Mất Tường Vi, lòng tôi thật trống rỗng! Lớp học thiếu sinh động, tiết dạy nhạt phèo!
Rồi một lúc nào đó, bỗng dưng trong đầu tôi lại loé lên ý nghĩ rất lạ lẫm và cũng rất thực tế: rằng lòng người thay đổi bất thường, Tường Vi còn trẻ người non dạ, sống chủ yếu bằng cảm tính, bằng trái tim. Có thể Vi lấy việc tôi đuổi học làm hận thù!? Từ suy nghĩ đó, những buổi chiều tan học, trên con đường từ trường đến bến đò Năng An, tôi cứ thấp thỏm lo âu tưởng tượng có một họng súng đen ngòm lẩn khuất sau lũy tre xanh sẵn sàng hướng về phía tôi nhả đạn! Vài vụ thanh toán nhau theo kiểu này đã từng xảy ra trên những vùng quê còn đang tranh tối tranh sáng.
Đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, tôi quyết định chuyển công tác về thị trấn. Ơ đơn vị mới tuy an ninh hơn, việc đi lại thuận lợi hơn, đám học trò thị trấn chăm ngoan hơn, nhưng hình ảnh của Tường Vi ngày càng in sâu trong ký ức.
Khoảng giữa mùa xuân năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng. Ủy ban hành chánh các cấp được thành lập. Thị trấn Sông Vệ tôi đang tạm trú vào những ngày đầu tiếp quản như nét giai điệu nhiều cung bậc, giàu âm sắc bổng chùng xuống bè trầm! Phố xá đóng cửa. Con đường Quộc lộ I băng ngang qua thị trấn đã được khai thông cũng tuyệt nhiên không một bóng người lai vãng, ngoại trừ lực lượng du kích địa phương chia nhau thành từng nhóm nhỏ cầm loa phóng thanh, len vào ngỏ ngách ra rả kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền Sài gòn khẩn trương ra trụ sở Ủy ban khai báo.
Hình như đã sàn lọc từ trước, ngay tuần lễ đầu tiên của chính quyền mới, lượng giáo viên trường tôi đang công tác bị sa thải gần một nửa vì lý lịch bản thân. Tôi may mắn được giữ lại chủ yếu giúp Ban giám hiệu ổn định trường lớp chờ năm học mới sẽ giảng dạy theo phương pháp mới, theo chương trình mới. Đặc biệt, tôi còn được chánh quyền Cách mạng quan tâm cho tham dự khóa học chính trị sơ cấp 2 tháng, tổ chức vào ban đêm tại hội trường ủy ban thị trấn.
Ban ngày đúng 9 tiếng túc trực tại trường. Ban đêm ngồi thêm gần 5 tiếng cho khóa học chính trị. Chương trinh khóa học cực kỳ căng thẳng bởi những phạm trù, những thuật ngữ khó hiểu của triết học Marx, bởi cách truyền đạt còn khá lúng túng của giảng viên về duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, về thời kỳ quá độ từ chủ nghỉa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội…Sau mỗi buổi học có thảo luận, có đánh giá thái độ học tập và mức độ tiếp thu bài của học viên. Không ít thầy giáo theo học chưa được một tuần đã vội làm đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Nghỉ học chính trị cũng đồng nghĩa vĩnh biệt nghề!
Mặc dù rất bận rộn công tác dạy và học, nhưng tôi vẫn dành thời gian hiếm hoi để suy gẫm về những gì mình đang làm; nghĩ về cuộc chiến còn đang tiếp diễn ngày càng khốc liệt trên các tỉnh phía Nam trong đó có thành phố quê tôi; nghĩ về người thân, về bạn bè đang trên đường chạy loạn. Thi thoảng nửa đêm bừng tỉnh cơn ác mộng, tôi ngồi bật dậy chắp tay lẩm nhẩm nguyện cầu chiến tranh sớm kết thúc, đất nước thanh bình, con người sống trong tình yêu thương của Chúa!
Một buổi tối lớp chính trị sơ cấp phải nghỉ sớm vì máy phát điện của thị trấn hết nhiên liệu đột ngột. Về nhà trọ chưa kịp tắm rửa, anh Hai Be, chủ nhà trọ gọi tôi đến thuật lại nguyên văn bản tin BBC vừa mới phát lúc 19 giờ: Thành phố Quy Nhơn vừa được quân giải phóng tiếp quản lúc 12 giờ trưa nay 31/3…. . Tin vui đến bất ngờ nhưng tôi chưa vội bày tỏ cảm xúc. Thời bấy giờ, trên các nhật báo miền Nam có quá nhiều tin vịt! Ai dám tin vào một cơ quan truyền thông nước ngoài không có cơ sở kiểm chứng?! Sáng hôm sau đến trường, vừa chạm mặt tôi tại văn phòng, anh Hiệu trưởng hồ hởi chia vui: Chúc mừng cậu. Quy Nhơn đã hoàn toàn giải phóng rồi. Tin BBC tối qua đó. Một đồng nghiệp góp chuyện: Chúc mừng! Cơ hội về quê của cậu đã mở ra rồi.
Tin vui được xác tín! “Cơ hội về quê của cậu đã mở ra rồi đó”. Câu nói của anh đồng nghiệp cứ choáng hết tâm trí và thúc giục tôi xin thôi dạy về với quê hương. Cuối buổi học, tôi đem chuyện xin về nguyên quán trình bày với hiệu trưởng.
Chức vụ hiệu trưởng do chính quyền cũ bổ nhiệm, nhưng gia thế khủng lại lệch về phía cách mạng: Bố là quan chức bộ ngoại giao đang công tác tại Hà Nội, Chị ruột giữ chức Trưởng phòng Giáo dục huyện, anh cả là Phó giám đốc Công An. Có thế lực, có chức quyền, nhưng hiệu trưởng trường tôi sống giản dị, dễ gần. Với riêng tôi, anh rất nể phục và thân thiện! Sau khi nghe xong nguyện vọng của tôi, anh ngẫm nghĩ một lúc, giải thích:
– Chủ trương hiện nay của chính quyền mới là đưa mọi công dân trở về nguyên quán để dễ quản lý. Trường họp của cậu nên thư thư lại đã. Chờ học xong khóa chính trị kết nạp vào hàng ngũ Đảng, chúng tôi sẽ làm thủ tục chuyển cậu về công tác nơi cậu sinh sống. Anh giảng giải thêm – Mới giải phóng nên an ninh chưa kịp vãn hồi, đời sống xã hội còn phức tạp! Quộc lộ I từ Vĩ tuyến 17 trở vô hiện đang bị cắt đứt từng đoạn, một vài địa phương tàn quân Mỹ Ngụy còn đang quấy phá, xe cộ không lưu thông được. Câu sẽ đi bộ hàng trăm cây số đấy!
Tôi nói dứt khoát:
– Được các anh cho về nguyên quán dù phải đi bộ hàng ngàn cây số tôi cũng thỏa lòng!
Thấy tôi đã quyết, nội nhật hôm sau, anh hiệu trưởng cho họp Ban giám hiệu và làm thủ tục thuyên chuyển.
Cầm chứng nhận công tác và giấy giới thiệu đi đường do lãnh đạo huyện ký khoe với anh chị chù nhà. Anh Hai Be bảo:
– Theo anh, chú nên nán lại một thời gian, đợi đường sá thông thương xin chuyển công tác cũng chưa muộn. Nhưng chú đã quyết anh không cản.
Hôm từ gĩa thị trấn, tạm biệt ngôi nhà trọ nhiều kỷ niệm, chia tay anh chi Hai Be, tôi thức dậy sớm chuẩn bị hành trang. Anh Hai nắm tay tôi căn dặn:
– Khi nào đường sá thông thương, nhớ ra thăm anh chị.
Chị Hai dúi nào ba lô của tôi một gói xôi đậu to tướng, giọng chị nghèn nghẹn:
– Từ đây về Quy Nhơn gần 200 cây số, đi bộ mất cũng năm ngày. An ninh còn phức tạp, đi đường phải hết sức thận trọng nghen chú!
Tôi cứ nắm chặt lấy bàn tay của anh chị, nước mắt rơm rớm…
Rời nhà trọ, trời còn ẩm ướt sương đêm. Quốc lộ I không một bóng người, trăng hạ tuần sáng rực trên con đường thiên lý Bắc – Nam, trên cánh đồng Mộ Đức loang loáng nước. Là một tỉnh nhỏ vừa mới tiếp quản, an ninh chưa ổn định, có nguy cơ cao bị cướp giật dọc đường! Nhưng hình ảnh người thân sắp đoàn tụ lấn áp sự sợ hãi. Tôi cứ lặng lẽ đi về phương Nam.
Dọc đường, mệt nghỉ, khỏe đi. Đói, đã có gói xôi đậu to tướng của chị Hai và một ít tiền giấu kỹ trong lai áo. Tối gặp đâu ngủ đó. Trên quãng đường dài từ thị trấn Sông Vệ đến Sa Huỳnh tôi lọt qua 16 trạm kiểm soát hết súc nghiệm ngặt. Chặt chẽ thế cũng đúng thôi. Địa phương vừa mới tiếp quản, miền Nam còn đang đánh lớn, biết đâu bọn tề điệp lợi dụng mọi sơ hở cài người vào quấy phá chính quyền cách mạng còn rất non trẻ.
Cuộc hành trình sang ngày thứ 2. Khoảng xế chiều, trạm kiểm soát Bình Đê xuất hiện ngay phía trước mặt. Đây là trạm kiểm soát cuối cùng địa phận tỉnh Quảng Ngãi
Trạm kiểm soát Bình Đê đóng trên đỉnh đèo, giữa núi đồi hoang vắng, giáp giới với tỉnh Bình Định. Đây là trạm kiểm soát nổi tiếng nghiêm ngặt nhất trên tuyến Quốc lộ I. Trạm trưởng tính đa nghi như Tào Tháo thời Tam quốc: “thà giết nhầm hơn bỏ sót”.
Theo hiệu lệnh của nhân viên, tôi dừng lại cách xa cổng trạm hơn 10 mét. Trước mặt tôi lúc này là tốp lính cộng hòa áo quần te tua, mặt mũi hốc hác như ma đói vừa mới đến trước tôi không lâu. Họ đang hồi họp, lo lắng chờ nhân viên trạm khám xét giấy thông hành. Một anh lính mặt còn non choẹt nói với tôi, giọng rặt Nam bộ:
– Sau ba tháng quân trường, bọn em bị đẩy ra Vùng I chiến thuật, chủ yếu làm bia đỡ đạn. Chính quyền cách mạng xét thấy bọn em chưa có nợ máu nên mở lượng khoan hồng cho về nguyên quán.
Qua câu chuyện của người lính trẻ, tôi được biết thêm đôi nét về đám tàn quân bên thua cuộc. Họ là những sinh viên bị động viên. Sau ba tháng quân trường bị đẩy ra mặt trận Quảng Trị. Là tân binh chưa từng tham gia trận mạc nên chính quyền Cách mạng cho về nguyên quán. Xuất phát từ Quảng Trị, hơn hai tháng trời đi bộ trên con đường thiên lý Bắc – Nam dưới cái nắng miền trung gay gắt. Bọn họ đi đầu trần, quần áo rách bươm. Có anh bàn chân sưng tấy phải xé ống quần bó lại để tiếp tục cuộc hành trình đầy bất trắc. Dọc đường ngày đi đêm nghỉ. Đói, vào nhà dân xin cơm. Dân nhiều kẻ còn căm ghét lính cộng hòa “bắt gà bẻ bí” nên một giọt nước cũng không bố thí. Cũng không ít người thiện tâm, không những đãi cơm mà còn dành phần cho cả nhóm mang theo ăn dọc đường. Cũng có ngày đói lã, chỉ uống nước cầm hơi!
Cậu lính trẻ hạ giọng đủ nghe:
– Đói, bọn em không sợ, gian khổ mấy cũng không sợ, chỉ sợ bị… thủ tiêu dọc đường!
Trạm trưởng Bình Đê nước da tai tái như người bị sốt rét, khuôn mặt lưỡi cày, còn hằn sâu nét hận thù giai cấp. Lão ngoắc tôi lại ra lệnh xuất trình giấy tờ tùy thân. Bình tĩnh và tự tin, tôi đưa cho lão các loại giấy tờ cần thiết. Thấy lão cứ lật qua lật lại các văn bản, tôi đoan chắc trình độ văn hóa của lão chưa hết lớp 2. Cuối cùng, lão trả lại giấy tờ tùy thân, nhìn tôi bằng ánh mắt sắt lạnh, phán một câu khiến tôi hồn phi phách lạc:
– Anh là sĩ quan cảnh sát ngụy cải trang. Anh trở lại hàng ngũ và chờ lệnh!
“Trở lại hàng ngũ” có nghĩa là…tiêu rồi! Thôi thì đàng nào cũng chết, tôi lật từng trang văn bản và chỉ cho lão những con số và chữ ký với dấu son đỏ chói, phân tích:
– Anh xem kỹ lại. Giấy chứng nhận tôi là giáo viên do ông Trưởng phòng Giáo dục ký cách đây vài ngày. Còn đây là giấy giới thiệu đi đường do ông Phó chủ tịch lâm thời huyện Mộ Đức cũng vừa mới ký.!
Thấy tôi có vẻ quyết liệt, trạm trưởng cầm tờ giấy lật qua lật lại vài lần nữa rồi quắc mắt nhìn tôi, quát:
– Thôi dược, để tôi xác minh lại.
Quay sang anh du kích mang AK đang đứng gần đó, trạm trưởng nheo nheo mắt mấy cái rồi hất đầu về phia đám tàn quân. Nhận mật hiệu của thủ trưởng, biết mình phải làm gì. Anh nhân viên lệnh cho đám lính:
-Nầy các anh, theo tôi lại đằng kia nghỉ mát rồi tính sau!
Những con người đói lả lảo đảo bước theo anh du kích đi về phía bìa rừng. Trạm trưởng đích thân dẫn tôi đến một phòng tạm giam gần đó, mở cửa ấn tôi vào rồi lập tức khoá lại. Dưới ánh sáng lờ nhờ của căn phòng, khoản mươi con người, nam có, nữ có, chắc họ cũng trong hoàng cảnh như tôi đang ngồi ủ rũ, mặt lộ nét lo âu. Tôi ngẫm nghĩ, trong lúc giao thời chưa có luật pháp, sinh mạng của chúng tôi hoàn toàn nằm trong tay của gã trạm trưởng hắc ám!
Vì mệt, vì đói, tôi ngồi tựa lưng vào vách tường vôi, mắt nhắm nghiền, một lúc sau chìm dần vào cơn ác mộng. Trong mơ, thấy một đoàn người trẻ tuổi, thân hình gầy đét, quần áo tả tơi bê bết máu tươi đang bấu víu nhau lảo đảo ngược về phía hoàng hôn. Máu từ trên trán, từ ngực, từ bụng của họ vọt ra xối xả hòa thành dòng suối đỏ lòm tuôn ra phía biển. Một hình người đầu vỡ toang hoát, đôi tròng mắt bật ra ngoài tách hàng vói tay về phía tôi níu kéo. Tôi thét lên một tiếng kinh hoàng. Người ngồi bên cạch vỗ nhẹ vào vai tôi:
– Làm gì mà kêu thét khủng khiếp thế anh bạn?
Lúc này đầu óc tôi nặng chịch, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân nóng ran, ngồi bất động như pho tượng trong bóng tối lờ nhờ của phòng tạm giam…Khoảng xế chiều, có tiếng chìa khoá tra vào ổ khua lách cách, cánh cửa bật mở, căn phòng vỡ òa ánh sáng. Một cô gái còn rất trẻ mặc quân phục, đeo súng ngắn bên hông xuất hiện. Tôi nghĩ bụng, đây là một cán bộ cấp trên đến quyết định số phận của chúng tôi. Nữ cán bộ bước vào phòng tạm giam đảo mắt nhìn khắp mọi người một lượt…Cái ánh mắt ấy bỗng chiếu thẳng vào người tôi rồi dừng lại. Nhờ nét mặt và đôi mắt quen thuộc, tôi nhận ra ngay cô gái ấy chính là Tường Vi! Trời ơi! Tôi kêu thầm rồi co rúm người, mắt cụp xuống và đinh ninh, đời mình đến đây là kết thúc! Vi sẽ không bao giờ tha thứ về cái tội bị tôi đuổi học. Nếu không xử bắn ngay lập tức thì cũng bị đưa lên núi học tập cải tạo ít nhất là vài ba năm rồi cuối cùng bỏ mạng chốn rừng sâu nước độc vì sốt rét ác tính! Trong lúc đang hoang mang đến cực điểm, Tường Vi lao thẳng về phía tôi, giọng thảng thốt:
– Thầy! Cố kềm nén xúc động đang trào dâng một lúc, Vi tiếp, em cứ ngỡ sẽ không còn được gặp lại thầy nữa! Vậy mà…
Sau đó, Vi đưa tôi vào một phòng khách gần trạm kiểm soát. Lúc này chỉ còn có tôi và Vi. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, im lặng, … Một lúc lâu, Vi lên tiếng bằng giọng hờn trách pha chút ngậm ngùi:
– Em đã biết nguyên nhân thầy xin chuyển trường. Thầy lo xa như thế cũng phải. Với con nhỏ Tường Vi ngây thơ, ngờ nghệch lại đa cảm thì ai dám tin tưởng một điều gì?! Nhưng…có một điều thầy chưa hiểu được, đó là sau khi thầy rời trường cũ, có những buổi chiều em lang thang trên con đường từ trường đến bến đò ngang rồi đứng tần ngần nhìn sang bên kia sông như kẻ vô hồn cho đến lúc trời chạng vạng …
Bằng giọng của người có lỗi:
– Tường Vi… Em hãy tha lỗi cho tôi. Hiểu được hoàn cảnh của em thì đã quá muộn! Sau ngày em thôi học, lương tâm tôi luôn bị dằn vặt … Nhưng thôi, Vi nhắc lại làm gì chuyện cũ. Tất cả là do chiến tranh mà. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi đi vào thực tế
– Vi biết đấy, bây giờ tất cả đã đổi khác rồi. Cũng như em, đâu còn là cô học trò như ngày xưa mà đang là nữ cán bộ đàng hoàng chững chạc. Còn tôi, một nghi phạm đang chờ xét xử.
Lại rơi vào im lặng…Vi bỗng thở dài đầy tâm sự:
– Thưa thầy! Theo em được biết, mặc dù tỉnh Bình Định đã được chính quyền Cách mạng tiếp quản, nhưng vẫn còn vài huyện miền núi tàn quân Mỹ Ngụy chưa rút kịp, chờ cơ hội quấy rối! Thầy về trong lúc này là vô cùng nguy hiểm. Hay là thầy cứ ở lại đây tiếp tục giảng dạy. Khi nào cuộc sống mới được ổn định, đường sá thông thương, xe cộ hoạt động trở lại, lúc ấy thầy xin chuyển công tác ….?
Tường Vi nói chưa hết câu thì có lệnh từ huyện gọi về gấp nhận công tác mới. Vi vội đứng lên nắm chặt lấy tay tôi bùi ngùi không nói. Tôi an ủi:
– Thế nào sau này tôi cũng trở lại tìm em, lúc đó thầy trò ta sẽ có thời gian để nói những gì mà hiện giờ chưa thể nói được. Em hãy bảo trọng, cuộc chiến ác liệt chưa thật sự kết thúc!
Đêm hôm đó nằm trong nhà tạm giam nghĩ về cuộc chiến ngày càng tàn khốc đang diễn ra tại các tỉnh phía nam, nghĩ về Tường Vi tuổi đời còn quá trẻ, nghĩ về nhóm tàn quân của phía bên kia tôi vừa mới gặp chiều nay trước cổng trạm. Nửa đêm về sáng lại chìm sâu trong giấc ngủ mê đầy mộng mị. Lúc nhân viên trạm đánh thức, tôi ngồi bật dậy, mặt trời đã lên khỏi bìa rừng phía đông. Trạm trưởng đưa cho tôi một phong thơ, giấy giới thiệu đi đường do Chủ tịch huyện Đức Phổ ký với một bì lương khô. bảo tất cả của cô Tường Vi gửi. Tôi mở thư của Vi ra đọc, nét chữ viết vội, nội dung ngắn gọn:
Thầy kính
Chiều nay, nghe anh trạm trưởng nhắc đến tên thầy em rất mừng và không giấu được những giọt nước mắt! Những năm tháng xa thầy, em mong ước dù chỉ một lần được gặp lại thầy, người mà em vô cùng quý mến khi thầy mới về trường công tác. Như một người lính thực thụ, từng tham gia những trận đánh lớn trên núi Đình Cương, trên các huyện miền núi Trà Bồng, Ba tơ…nhiều đồng đội hy sinh, vậy mà em may mắn còn sống sót để rồi ước mơ của em chiều nay đã trở thành hiện thực. Như một phép mầu, em vô cùng xúc động thầy ơi!
Lẽ ra, em phải đến tiễn thầy một chặng đường, nhưng em không thể. Mong thầy thứ lỗi. Em gửi thầy các loại giấy tờ cần thiết, nó sẽ giúp thầy an tâm hơn trong cuộc hành trình. Mặc dù cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc đang rình rập. Thầy phải hết sức cẩn trọng. Như thầy đã hứa, dù trong hoàng cảnh nào thầy cũng trở lại thăm miền quê khốn khổ này. Em sẽ mãi chờ thầy
Em
Tường Vi
Đọc xong thư của Tường Vi, mắt tôi cay xè, cổ họng nghẹn cứng!
Rời trạm kiểm soát Bình Đê, xuôi dốc xuống chân đèo. Lúc này, hình như có một lực đẩy từ phía sau lưng? Tôi cố ghìm chân nếu không muốn lao xuống vực thẳm. Đúng như lời của mấy anh thợ rừng đã nói, leo dốc thì dễ, xuống dốc phải hết sức cẩn thận.!
Đến chân đèo, tiếp giáp với huyện cực bắc của tỉnh Bình Định, gió từ biển khơi thốc lên lồng lộng, tiếng sóng vỗ rì rầm, biển Sa Huỳnh mênh mông vỡ òa trước mắt.
Qua khỏi cầu Bình Đê chừng non cây số, xuất hiện trước mặt tôi một cảnh tượng kinh hoàng, trước đây chỉ thấy trong những bộ phim chiến tranh thế giới. Suốt một cung đường chừng 10 cây số la liệt xác người: xác lính, xác thường dân, xác trẻ thơ cũng có, hầu hết đang phân hủy mạnh, mùi tử khí bốc thấu mây xanh. Xen lẫn xác người là xe cơ giới bị cháy sém. Ba lô, túi xách, hòm rương bị bật nắp vất ngổn ngang. Tận phía cánh đồng dưới chân núi, 2 chiếc trực thăng bị bắn rơi nằm chỏng gọng lên trời. Dọc hai bên quốc lộ I, nhà cửa tan hoang, những cây dừa bị bom đốn giữa thân đổ gục. Một trận chiến ác liệt giữa quân giải phóng với nhóm tàn quân thuộc sư 22 vừa mới diễn ra chừng vài ba ngày trước đó. Lực lượng du kích kết hợp với dân địa phương đang thu dọn chiến trường. Thoáng thấy tôi, một toán du kích tay cầm súng AK, lưng cài mã tấu tiến đến xét hỏi, nét mặt hầm hầm đáng sợ.. Tôi xuất trình đầy đủ các giấy tờ tùy thân, họ cho đi tiếp nhung phải để lại bì lương khô với chai nước lọc.
Thừa nước đục thả câu. Có thể bọn lưu manh đóng giả du kích địa phương trấn lột những người đi đường! Gần đến thị trấn Tam Quan, tôi bị mấy anh thanh niên tướt đoạt cặp kính pilot gọng vàng và cây bút paker chính hiệu tôi đã cất giấu kỹ dưới đáy ba lô! Họ bảo, những thứ nầy là tàn dư của Mỹ-Ngụy!
Sau năm ngày lội bộ gần 200 cây số trên Quốc lộ I, chứng kiến những hình ảnh bi thảm do chiến tranh vừa mới để lại, tôi về đến Quy Nhơn vào một ngày đầu tháng 4.
Thành phố lúc này rực rỡ cờ sao, không một dấu vết chiến tranh, nhưng phố xá buồn hiu như thị trấn Sông Vệ trong những ngày đầu tiếp quản. Hỏi thăm một người dân còn trụ lại, anh ấy bảo: Trước khi thành phố được tiếp quản, có tin đồn, sẽ diễn ra một trận đánh quyết liệt giữa hai bên ngay tại đây.. Do vậy, bà con rủ nhau chạy về Nam lánh nạn. Chỉ còn một số ít trụ lại. Trong số này cũng có những thành phần bất hảo. Anh chỉ tay về phía những chiếc xe ba gát đang lạn lách trên một góc phố tiếp, họ lợi dụng an ninh chưa ổn tranh nhau đi hôi của!
Hèn chi, ngôi nhà của tôi trên trục phố chính cửa ngõ toang hoác, trong nhà không còn một thứ gì ngoài chiếc bàn thờ với bộ bàn ghế cũ.
30/4 năm 75, hai miền thống nhất. Ai quyết chí ra đi thì đã ra đi. Ai còn ở lại lần lược trở về cùng với chính quyền cách mạng xây dựng lại cuộc sống mới. Không bao lâu thành phố hồi sinh, mọi hoạt động trở lại nhôn nhịp như nó vốn có. Bố mẹ tôi lo khôi phục lại nghề mộc dân dụng, tôi tiếp tục đi dạy dưới danh nghĩa giáo viên lưu dung. Đôi lúc đứng trên bụt giảng da diết nhớ về Tường vi, cô học trò của tôi ngày trước.
Thời ngăn sông cấm chợ, an ninh nghiêm ngặt, đành phải gác lại lời hứa với Tường Vi vào buổi chiều năm ấy!
Khi cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, tôi xin thôi dạy chuyển sang phụ giúp ba tôi phát triển mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Cuộc sống dễ thở hơn.
Ngày tôi thực hiện được lời hứa thì Tường Vi đã hóa thân thành một loài hoa mang tên em thắm đỏ, rực rỡ trên vùng đất Tây Nam của tổ quốc vào mỗi độ xuân về.
Trời đã về chiều, Gió từ lòng Sông Vệ thổi lên lồng lộng. Tạm biệt ông lão tốt bụng, tạm biệt miền quê cũ từng bị chiến tranh tàn phá, tôi lên chuyến đò ngang cuối ngày về lại thị trấn, nơi trước đây gần 20 năm tôi từng ở trọ. Thị Trấn Sông Vệ ngày nay đã hoàn toàn đổi mới. Dọc theo hai bên Quốc lộ I, nhà cao tầng san sát, phố xá tấp nập nhộn nhịp như một đô thị thu hẹp.
Ghé vào khách sạn mini thuê phòng, luôn tiện hỏi thăm nhà anh chị Hai Be. Chị lễ tân ngạc nhiên nhìn tôi:
-Đây là nhà của chú Hai Be. Vợ chồng chú vào Nam định cư nên bán lại. Em tu sửa thành nhà nghỉ phục vụ khách vãng lai.
Bắt ghế ngồi trên ban công tầng 3 nhà nghỉ nhìn thị trấn Sông Vệ nhộn nhịp vào đêm. Bất chợt, những kỷ niệm vui buồn của một thời đã xa trên miền quê nghèo ùa về, thấy nao nao buồn!
Tôi đứng lên lấy túi xách rút laptop ra khởi động và gõ phím. Ba chữ in hoa nét đậm TƯỜNG VI ĐỎ lần lược xuất hiện trên màn hình vi tính. TƯỜNG VI ĐỎ, tên truyện tôi sắp viết thay lời xin lỗi muộn màng, là nén tâm hương dành cho Tường Vi, cô học trò cũ đã vĩnh viễn nằm xuống trên mặt trận Tây Nam của tổ quốc ở tuổi hai mươi, cũng là người con gái đã làm cho trái tim tôi lần đầu xao động!
TQL