Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012. Tạp chí Sông Hương vừa nhận được bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến, xin giới thiệu cùng bạn đọc, như một nén nhang tưởng niệm…

                                                                                                               Nhà văn Nguyễn Mộng Giác – Ảnh: internet

Trường thiên tiểu thuyết là thuật ngữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng để gọi thể loại mà ông sử dụng khi viết Mùa biển động: một tiểu thuyết dài nhiều lần hơn mức trung bình, chia thành nhiều tập, đưa ra một tuyến nhiều nhân vật, sống trong một giai đoạn lịch sử dài, và những hoàn cảnh khác nhau.

Có thể nói Nguyễn mộng Giác là “chuyên gia” về thể loại này: ông còn là tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử, lấy thời kỳ Tây Sơn làm bối cảnh, bộ truyện Sông Côn Mùa Lũ, bốn cuốn, dài khoảng 2000 trang, viết tại Sài Gòn từ tháng 5/1978 đến tháng 3-1981, tu chính tại Hoa Kỳ 1990, và nhà An Tiêm của Thanh Tuệ xuất bản, cùng năm, tại Cachan-Paris và California. Sách được tái bản trong nước.

Như vậy, mấy chữ trường thiên tiểu thuyết đã mất nghĩa đầu tiên của nó: trước kia, nó chỉ là truyện dài, khác với Trung thiên tiểu thuyết là truyện vừa, và đoản thiên tiểu thuyết là truyện ngắn. Từ ngày báo Phong Hóa, năm 1932, đưa ra từ truyện ngắn, thì dần dần người ta chỉ còn dùng hai chữ truyện dài, truyện ngắn. Cũng cần thêm rằng, hai chữ truyện ngắn mượn của người Anh, dịch từ short story, chớ người Pháp và người Trung Quốc, thầy ta lúc ấy, không có khái niệm truyện ngắn, hiểu theo quan niệm bây giờ.

Tiểu thuyết trường thiên không phải là một phát minh son trẻ. Đông Châu liệt quốc hay Tam quốc chí đã là truyện trường thiên hay, đọc lại không chán và không thấy dài. Người Pháp có truyền thống tiểu thuyết trường thiên từ Rabelais đến Balzac, Zola, Jules Romain, v.v..

Ở Việt Nam, người thí nghiệm tiểu thuyết trường thiên đầu tiên có lẽ là Nhất Linh, phần nào dưới ảnh hưởng của các tác gia Pháp nói trên, và một số tác phẩm bề thế khác của Tolstoi mà ông rất hâm mộ. Ông trình bày quan niệm và dự tính sáng tác qua lời giới thiệu bộ truyện Xóm Cầu Mới, khởi thảo từ 1940 viết dang dở và in năm 1973: “Xóm Cầu Mới là bộ trường giang tiểu thuyết gồm một loạt truyện dài, đặt dưới tên chung Xóm Cầu Mới. Mỗi truyện dài lại có tên riêng. Những truyện dài có liên can hoặc xa hoặc gần đến cái xóm Cầu Mới, mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới ngụ cư trong xóm. Tuy có cái tên chung, và tuy các nhân vật có thể có mặt ở trong hết cả hay một số lớn các truyện, nhưng độc giả có thể đọc một truyện mà không cần đọc truyện khác cũng không bị thắc mắc hay ngơ ngác […]. Tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.”.

Đoạn trích dẫn dông dài, nhưng nói lên được những nét chính của thể loại tiểu thuyết trường thiên – thời đó gọi là trường giang – như các tác gia phương Tây đã quan niệm. Ý định Nhất Linh chỉ thực hiện được một phần mười: hai tập Xóm Cầu Mới chỉ ngoài 700 trang là đi trước; nhà Phượng Giang đã xuất bản mười năm sau khi Nhất Linh quá cố, ngày nay gia đình đã in lại, có phụ lục hồ sơ sáng tác, Nxb Văn Mới, 2002, California, Xóm Cầu Mới là một tác phẩm hay, hành văn giản dị, các nhân vật được mô tả tinh vi trong dáng điệu, lời nói, nếp suy nghĩ và rung cảm. Đời sống hàng ngày của những con người tầm thường trong một xã hội tầm thường, đó là nội dung nghệ thuật Nhất Linh mà ít người đạt tới.

Bộ Dòng sông Thanh Thủy gồm ba cuốn: Ba người bộ hànhChi bộ hai người và Vọng quốc, tổng cộng hơn 600 trang, Nhất Linh viết rất nhanh, ba bốn tháng gì đó (1960-1961). Tác phẩm kể lại hoạt động chính trị của một số cán bộ Việt Quốc và Việt Minh sang hoạt động tại Côn Minh khoảng 1944. Tuy có hình thức một tiểu thuyết trường thiên, nhưng Dòng sông Thanh Thủy chỉ là một truyện dài, vì chỉ mô tả số phận một vài nhân vật chính, chứ không gợi ra được một khung cảnh xã hội lớn lao. Điều đó nhắc lại rằng: tiểu thuyết trường thiên, hay chu kỳ, không phải do số trang, mà còn do cơ cấu nội tại. Những kẻ khốn nạn (Les misérables) của Victor Hugo hay Jean-Christophe của Romain Rolland, thậm chí Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu) của Marcel Proust, tuy là dài, vẫn không phải là tiểu thuyết chu kỳ. Ở Việt Nam, hai tập Bão biển (1969) và Đất mặn của Chu Văn, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn (1985) là truyện dài, nhưng Vỡ bờ hai tập (1962 và 1970) của Nguyễn Đình Thi, tuy gọi là tiểu thuyết, lại mang vóc dáng một tác phẩm trường thiên, vì tính cách sử thi đã làm sống lại cả xã hội miền Bắc trong năm năm chuyển mình, chuẩn bị cuộc Cách mạng tháng Tám. Vỡ bờ thuộc vào tác phẩm lớn lao, đã được tác giả ôm ấp và sáng tác trong hai mươi năm, từ 1948. Những tiểu thuyết riêng lẻ của Tô Hoài, từ Quê Người, 1941, Giăng Thề, 1944 đến Mười Năm 1957, lấy làng dệt Nghĩa Đô làm khung cảnh, cũng mang dáng dấp tiểu thuyết chu kỳ; trong ý tác giả, dường như Người ven thành, 1972, và Quê Nhà, 1981, cũng nằm trong chu kỳ này.

Ở miền Nam trước 1975, Khu rừng lau của Doãn Quốc Sĩ là một bộ trường thiên quan trọng vì ghi lại tâm trạng một lớp thanh niên theo kháng chiến chống Pháp rồi bỏ kháng chiến, di cư vào Nam. Những truyện của Võ Hồng gom lại, cũng có tính cách trường thiên tiểu thuyết về đời sống tại miền nam Trung bộ thời kháng chiến chống Pháp.
 

Chân dung nhà văn Nguyễn Mộng Giác do Họa sĩ Đinh Cường vẽ