Khoảng hơn mươi năm lại đây, người ta bắt đầu đồn đại về những câu văn “bất hủ” hay “kinh dị” của học trò như thể một hiện tượng mang tính quy luật và phổ biến. Thường thì, đến cả những “hạt sạn” trong các công trình tầm cỡ được xây dựng bởi các vị học giả cũng chẳng tạo được sự chú ý đến thế. Huống hồ, đây chỉ là những trang văn đầu đời lấp lem của học trò. Nhưng, vấn đề lại nằm ở cái thời điểm “đầu đời” đang lặp lại với tần suất cao hơn, mức độ nghiêm trọng hơn những nhầm lẫn “kinh dị” làm méo mó đi những áng văn chương tinh túy của nước nhà. Nói gọn hơn, chẳng ai nỡ cười cái tầm viết của học sinh nhưng lại phải giật mình trước tâm hồn của các em để rồi sực nhớ đến sinh mệnh của văn chương – một thực thể luôn vỗ về nhân loại suốt mấy nghìn năm qua.

Vẫn biết, văn chương đang tìm cách xác lập một chỗ đứng riêng biệt có tính đẳng trị trong thượng tầng kiến trúc của xã hội. Nói chính xác, là cuộc cấu trúc lại hay giành lại vị thế trước văn hóa thị giác, trước các trò chơi giải trí và nhu cầu giải thoát các nhu cầu bản năng, dục vọng. Nhưng, suy đi tính lại, cách tân, đổi mới, lạ hóa… văn chương vẫn không thể “vắt vẻo” trên cao mà vẫn phải đồng hành, “chung lưng đấu cật” với những suy tư, thắc mắc, cắc cớ của thế sự mà những trang văn học trò chính là phép thử lớn nhất; là một dạng “hàn thử biểu” cho sinh mệnh của bản thân loại hình nghệ thuật ngôn từ.


(Ảnh Internet)


Khác với một thời, chúng ta tìm người có văn để đi làm thầy giáo, luật sư, thậm chí cả chiến sĩ công an. Một thời lấy giá trị nhân văn thô mộc nhưng đậm đà tình yêu từ một dáng tượng La hán, vầng trăng Hàn Mặc Tử, chiến thắng lịch sử oai hùng, một dáng lược đồ Tổ quốc hình chữ S để tạo nền tảng tâm hồn, nhân cách cho những người cán bộ đó. Bởi thế, mới chuyện đặt người thi văn vào tình huống “đã thấy chị Dậu đi phá kho thóc Nhật” để buộc người viết phải bộc lộ hết suy nghĩ, tâm sự và mẫn cảm văn chương giàu giá trị nhân văn. Ngẫm ra, một thời, văn chương có giá lắm chứ. Nói không ngoa, nhìn lại những thế hệ cán bộ 7x giờ đang dần trở thành cán bộ chủ chốt trong các ngành khoa học xã hội, thấy họ thật sâu sắc và chỉnh chu.

Hơn mười năm trở lại đây, chúng ta đang tích hợp rồi chẻ nhỏ những thô mộc kia thành những “chất văn” tinh luyện. Học trò miền núi, vùng sâu đã chiếm dần các giải thi học sinh giỏi; đề thi ngữ văn ngày một cập nhật, hiện đại và khoa học (xét ở nhiều góc độ tham chiếu). Tuy nhiên, những thứ văn chương kinh dị kiểu như mệt đâu thì chấm câu, “nhà có điều kiện” nên không cần ngắt nghỉ bỗng dưng tràn lan các bài thi học trò. Kinh sợ hơn là sự nhạo báng văn chương bằng sự nhầm lẫn các sự kiện, tên nhân vật theo kiểu cụ Mết là chồng bà cụ Tứ; Quản ngục ngày xưa từng là học trò Huấn Cao; thậm chí còn văn sử bất phân kiểu A Phủ tham gia lực lượng rồi hi sinh ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các thầy cô giáo và dư luận xã hội hẳn sẽ rất nực cười và ngao ngán cho sự lười nhác, chán ghét văn chương đó. Nhưng chính bản thân những người đang ươm mầm cho nền văn học mước nhà, cho nguồn cán bộ khoa học xã hội lại chính là những người mơ hồ và chủ quan nhất cho căn bệnh nguy hại đó. Bởi lẽ, họ vẫn tin vào đội ngũ học sinh giỏi trưởng thành từ văn mẫu, đọc chép, viết những câu văn cho “miếng mở bài truyền kiếp”, có sự sướt mướt mà tỉnh queo chờ điểm cao và hận điểm kém. Hoặc giả có phút chạnh lòng ngẫm đến sự xuống cấp đó thì các thày, cô lại đổ lỗi cho xu thế xã hội, cho văn chương khó mưu sinh. Trong khi, họ quên rằng, chẳng có ai làm tầm thường hóa được văn chương đi nếu không có những đáp án chấm ý để thổi phồng sự sơ sài, nghèo nàn của những trang văn theo kiểu đoán ý Trạng lợn trong những câu chuyện tiếu lâm.

Tuy không có đủ lí luận để lí giải, không có đủ tầm bao quát để suy xét, nhưng nhiều thầy, cô giáo đứng tuổi vẫn xót xa cho thứ chữ nghĩa ngày càng lụn bại của học trò, cho cách dạy văn mà đánh mất những xúc cảm văn chương, không đánh thức được tình cảm thẩm mĩ của học trò. Dạy văn mà dường như chẳng để cho người học được rung động bằng trái tim mình, một “tấc đất cắm dùi” để cảm nhận, ngược lại phải “lĩnh trọn” cả một đống lí thuyết áp đặt làm nhàu nát cả những trang văn đằm thắm kia. Hẳn, nếu được chứng kiến cảnh ấy, chính các nhà văn sẽ không khỏi đau lòng trước sự phản cảm ghê gớm của những cách dạy văn như thế.

Lí giải về sinh mệnh văn chương nhìn từ những trang viết học trò thì có nhiều nhưng xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, phải kể đến việc ngành giáo dục chưa một lần nghĩ đến đặc thù nghệ thuật của văn chương để rồi từ cách tuyển chọn, đào tạo những thày, cô giáo dạy văn không hề có năng khiếu và không được đào tạo chuyên sâu về năng khiếu. Thứ hai, phải để đến tâm lí “qua sông phải lụy đò” khi thi văn của học trò và xã hội để rồi bằng mọi cách chúng ta đưa cả những người không viết nổi một câu văn đi qua những cửa ải đó. Khi chủ trương phát triển con người và đào tạo nhân tài càng chú trọng đến văn chương của những nhà giáo dục được thực thi thì những kẻ thực sự cơ hội lại càng biến văn chương thành sảo thuật. Tất thảy những ai yêu văn chương khi nghĩ đến điều đó hẳn cũng đang lúng túng như trên con tàu đắm dần mà quên mất rằng sinh mệnh của nó vốn dĩ do bản thân chúng ta định đoạt. Chừng nào văn chương còn thì con người sẽ giữ được nhân cách mình trong sáng.

Phương Mai

Nguồn: Tổ quốc

 

Exit mobile version