(Đọc Tương lai văn học của Frédéric Badré)


1.

Để trả lời câu hỏi về “tương lai” của “văn học” thì phải lập một dự án kiểu như Nhảy dù lên Mặt Trăng. Ngay từ đầu Badré đã nói rằng: “Tương lai văn học không phải là một tập văn châm biếm và cũng không còn liên hệ nữa đến một lịch sử văn học” (tr. 25, Tương lai văn học).

Tại sao lại đặt “châm biếm” và “lịch sử văn học” vào cùng một thức điều kiện, trong cùng một câu “như đinh đóng cột” làm vậy? Hoặc “châm biếm” là nghiêm túc như “lịch sử” hoặc “lịch sử” ngang hàng với “một tập văn châm biếm” (tất nhiên, đó là một “lịch sử văn học” nào đó!)

Tôi nghĩ Frédéric Badré đã nghiêm túc coi “lịch sử văn học” như một sự “châm biếm” đối với một phần đáng kể của văn chương đương đại. Xem điều ấy theo tinh thần của tư tưởng Heidegger, triết gia hiện đại chủ yếu thường được trích dẫn trong cuốn sách này, thì “Lịch sử văn học” (mà nếu không có thì không thể có “tính văn học”) có vai trò là cái Tồn tại, đối với văn chương hiện đại trong vai trò là cái Hiện hữu/ Hiện có, mà “châm biếm” là cần thiết để chống lại sự quên lãng do các “điều kiện thị trường toàn cầu” (tr.15, Sđd) áp đặt lên văn chương khiến cho sách trở nên cùng một loại với “tất cả đều bán được và tất cả phải biến mất trong sự đổi mới tức thời và liên tục những sản phẩm thế chỗ” (tr.14. Sđd) và do vậy mà chẳng có gì để góp nhặt thành một lịch sử (văn học). Sự quên lãng, do đó, chính là sự quên lãng đối với lịch sử/ lịch sử văn học. Cái lịch sử đó ở vào vị thế của cái Tồn tại, có trước, mà Hiện hữu văn chương sẽ ở vào vị thế con người để đón nhận “món quà” hay “lời kêu gọi” của lịch sử đó nhằm làm cho nó được tiếp tục, được hiện ra, tức là làm cho nó có một tương lai, trở thành tương lai.

Tuy nhiên, cụm từ “sự quên lãng” có lẽ là quá nhẹ đối với tình trạng mà vì nó Badré đã quyết định “đưa ra một giải trình soi sáng đặc biệt trên phạm vi văn học hiện đại” (tr.25, Sđd). Cần phải chỉ rõ nội chất thực sự của tình trạng ấy qua sự phê phán Badré đưa ra đối với thuyết “chống chủ nghĩa theo thời phái sinh” thể hiện trong một tiểu luận khảo sát về phong trào chống toàn cầu hoá của một nhà văn trẻ ở Italia tên là Alessandro Baricco.

Badré dẫn ra một luận điểm của Baricco, trong đó Baricco lập luận rằng khi ta mua một tấm vé vào phòng hoà nhạc – chẳng hạn, để nghe Beethoven – thì không phải là ta đã mua “một ít âm nhạc” (tr.21, Sđd.) mà ta đã “mua một thế giới. Mua một nhãn hiệu” (tr.21, Sđd.). Baricco tiếp đó thực hiện một cú nhảy giả – siêu hình, đánh đồng cái “thế giới” Beethoven (âm nhạc), tên tuổi Beethoven (nhạc sĩ) với (thí dụ) cái “thế giới” của Nike (tiêu thụ) và “nhãn hiệu” Nike (giày thể thao). Cái kết luận đến ngay: hãng Nike tạo ra thế giới và nhãn hiệu của mình vì lợi nhuận/ đồng tiền và “theo những gì tôi biết thì Beethoven sáng tác để có tiền”. (tr.22, Sđd).

Sự “quên lãng” của Baricco là: “Beethoven là một nhãn hiệu. Những tác gia thuộc phái ấn tượng Pháp là một nhãn hiệu. Kafka là một nhãn hiệu…” (tr.22, Sđd). Thì sự “châm biếm” của Badré là: “Tất cả những cuốn sách của Kafka hầu như chỉ được xuất bản sau khi ông mất. Vậy phải chăng ông sáng tác để lấy tiền tuất? Baricco đã im lặng ở điểm cốt yếu này.” (tr.23, Sđd.). Vậy, cái “điểm cốt yếu” ấy chính là sự phân biệt.

Ở đây, cái đối vị của sự phân biệt lại không phải là một sự không phân biệt nào đó – sự đồng quy, đồng dạng, đồng nghĩa, v.v… – bởi lẽ đây là sự phân biệt từ bản chất, sự phân biệt mà nếu không có thì không thể xuất hiện hay hình dung được các khái niệm khác nhau như “tên tuổi” và “nhãn hiệu” (cũng: “thương hiệu”). Cũng như vậy, có một sự phân biệt “bản thể luận” giữa “tính văn học” với tác phẩm văn chương, từ đó, một vết đứt gãy toác rộng ra giữa “tính văn học” với “tính hàng hoá” (- bestseller chẳng hạn)… Như vậy, cái đối vị với sự phân biệt ở đây chính là sự quên lãng hay thậm chí là sự phủ nhận tính phân biệt bản thể luận nói trên.

Và thậm chí “quên lãng” còn tồi tệ hơn phủ nhận: Không cần Tồn tại, chỉ cần Hiện hữu, không cần “tính văn học” mà thay vào đó bằng “tính bán chạy”,…; trước và sau thì đã có tính tương đối của chất bọt xốp đồng dạng trắng tinh của sự “quên lãng”. Đó chính là chủ nghĩa hư vô.

“Chủ nghĩa Hư vô” là từ khoá quan trọng hàng đầu trong cuốn sách này. Như chính Badré ghi nhận, “sự tàn phá của chủ nghĩa Hư vô” (tr.26, Sđd) là cái nền của bức tranh văn học trên đó ông dựng lên các hình hài con người và sự kiện – 1945 với Chủ nghĩa Hiện sinh, 1953 với Tiểu thuyết Mới, 1968 với phái Tiền phong và tạp chí Tel Quel, 1983 với sự “Kết thúc tính văn học”; và trong những khoảng cách quãng thời gian là “Những cái tên như Paulhan, Blanchot, Drieu La Rochelle”… (tr.25, Sđd). Trong “bức tranh” này, thực hiện các mối liên hệ giữa “hình” và “nền” là các tạp chí văn học – văn chương quan trọng như Tạp chí Nước Pháp Mới (la Nouvelle Revue Francaise), Văn chương Mới (Lettres Nouvelles), Người Paris (Le Parisien), Tel Quel, và quan trọng nhất là vai trò của Frédéric Badré như một chứng nhân cùng tờ tạp chí văn học mới mẻ Đường hiểm (LR) mà ông là một thành viên sáng lập.


2.

Sau phần dẫn nhập về một thế giới của “xã hội cảnh tượng” và một “chủ nghĩa Hư vô hoàn hảo”, cuốn sách này trình bày ba phần nội dung: I- Những kẻ âm mưu, II- Sự kết thúc văn học, III- Phục hồi toàn bộ.

Trong phần (I) Những kẻ âm mưu, Badré nêu lên trước hêt cái tên Jean Paulhan (1884 – 1968) với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông này, cuốn Những đoá hoa xứ Tarbes(1941). Paulhan là một trong những người sáng lập Tạp chí Nước Pháp Mới (NRF) và một trong những “ông tổ” của việc nghiên cứu văn chương từ phía những cơ chế ngôn ngữ của nó. Theo đó, ông “lật tẩy những ảo tưởng của những nhà tu từ học tưởng rằng chỉ cần đùa với từ ngữ là đủ để phát minh ra tư tưởng và những ảo tưởng của những nhà văn hiện đại nhìn thấy nơi từ ngữ một trở ngại cho tư tưởng”. (Xavier Darcos – Phan Quang Định dịch – trong Lịch sử văn học pháp – Nxb Văn hoá Thông tin, H.1997, tr.567).

Tiếp đó, Badré nêu tên Roland Barthes (1915 – 1980) với một trích dẫn từ tác phẩm Sự thú vị của văn bản, theo đó coi loại văn bản để thưởng thức là loại văn bản “làm lay động những cơ sở lịch sử, văn hoá, tâm lý của độc giả, sự bền lâu của khẩu vị, những giá trị và hoài niệm” và do vậy là loại văn bản “tạo ra biến cố” trong mối tương quan giữa người đọc “với ngôn ngữ” (tr.38, Sđd). Điều đó xem ra phù hợp với ghi nhận của Badré: “Đối với Paulhan thì văn học là một phương tiện, chắc chắn không phải là một môn giải trí” và “tham vọng của ông (Paulhan) là sửa đổi độc giả một cách kín đáo” (tr.37, Sđd).

Ở phân đoạn thứ hai của phần (I), Badré kể phác sự hình thành nhóm sáng lập tạp chí Đường hiểm (LR) của ông. Philippe Sollers – giống như Paulhan, sẽ còn được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách này – vốn là một trong những người đầu tiên của nhóm Tel Quel. Ông này là một nhà cách tân từ thời Tiểu thuyết Mới và cách ông giới thiệu về một bản thảo nghiên cứu Paulhan của Francaise Meyronnis – người đồng hành thứ hai – cho Badré, rằng đây là “một công cụ nhằm đảo lộn ý nghĩa của văn tự” (tr.41, Sđd.) cho thấy ông vẫn còn hứng thú với những cuộc thám hiểm “quyền lực của văn bản”. Badré nhắc đến tác phẩm của Meyronnis, cuốn Trục của Hư vô (mới quá, ở đây chúng ta chưa được biết!) ít nhất thì cũng để ta hiểu rằng Hư vô vẫn trong tầm ngắm của họ. Và Meyronnis giới thiệu Yannick Haenel. “Những kẻ âm mưu” là những nhà văn mà, như Badré đã dẫn Barthes để nói, mang một sức mạnh tinh thần khiến họ ở vào một vị thế mâu thuẫn thường xuyên với xã hội, với các nhà văn và với chính họ. Đó là bởi khi họ muốn “viết một cách đúng đắn” đều là khi mà “văn học trú ngụ trong khu vực nguy hiểm đối với lý trí” (tr.38, Sđd). Điều này được Badré qui chiếu về một số tên tuổi: Mallarmé, mà thơ là “ma thuật của ngôn từ”, “ngôn ngữ của thơ ca là khoa học về chữ nghĩa” (Xavier Darcos…, đã dẫn); Lautréamont và Rimbaud – những tiền bối của Siêu thực, và những nhà Siêu thực Artaud, Bataille.

Phần (I) này rất ngắn, nhưng cho phép ta rút ra vài điều về “tính văn học” từ cái nhìn của Badré. Ông đã nhắc đến, theo một trình tự liên tục, từ Văn chương là gì? của J.P.Sartre đến Những bông hoa xứ Tarbes của J.Paulhan và Sự thú vị của văn bản của R.Bathes. Ở đó, như đã dẫn, văn chương phải lay động đến nền tảng lịch sử – tâm lý – thẩm mỹ của người đọc, và rất quan trọng là phải “tạo ra biến cố” ngôn ngữ trong tâm trí con người. Như thế để làm gì nếu không phải để “sửa đổi độc giả một cách kín đáo”.

Badré cũng có ý nhấn mạnh đến điều Paulhan cho rằng tác động của văn chương có gì đó mạng “tính ma thuật”. Hãy bỏ qua khía cạnh/ hơi hướng thần bí vốn luôn thịnh hành/ được ưa thích trong những gì liên quan đến tâm trí con người, ta thấy trong thái độ đề cao và gìn giữ tính bí ẩn của vẻ đẹp và tác động văn chương nói chung là một ý muốn mạnh mẽ bảo vệ địa vị ngoại lệ cho khu vực văn học, một “ngoại lệ văn hoá” mà Badré sẽ nhắc đến.

Mối đe doạ thì Badré đã nêu lên ngay từ đầu sách: thế giới ngày nay đang thay đổi từ bản chất ở những lĩnh vực như Tình yêu, Chiến tranh, Chính trị…; trong đó Con Người đang phải đối diện với sự giải mã toàn bộ bộ gen và một “chủ nghĩa hư vô thị trường” đang vươn lên thống trị tất cả. Đó là cái mà Guy Debord phân tích trong cuốn Những bình luận về xã hội cảnh tượng (năm 1998) mà Badré đã dẫn (tr.13, Sđd).

Một “xã hội” chỉ như là những “cảnh tượng”, hay nói như Badré dẫn lại Debord là “đồ giả không bản sao” – liệu điều này có còn chỉ là một lối nói ẩn dụ? Trở lại với tư tưởng từ Heidegger, đó là một Hiện hữu không có Tồn tại. Trước cái viễn tượng (đã và đang thành hình) xã hội đó, cái bí ẩn của văn chương có vai trò như một loé sáng từ cái bí ẩn của Tồn tại.

Ở đây, chúng ta nhìn nhận những điều này trong một bối cảnh tư tưởng rất cụ thể. Theo đó, cái Tồn tại là một bí ẩn chứa đựng trong “những cơ sở lịch sử, văn hoá, tâm lý của độc giả, sự bền lâu của khẩu vị, những giá trị và hoài niệm” (R.Barthes, đã dẫn) mà sự “lay động” do văn chương sẽ là một “món quà” để đưa nó vào Hiện hữu.

Đó là cái Badré gọi là “quyền lực kỳ lạ” của một số nào đó những tên tuổi văn chương. Ông dùng tên tuổi một “nhà tiên tri của phong trào Siêu thực” là Lautréamont (1846 – 1870) làm dẫn dụ. Nổi loạn, cuồng bạo, đầy ám ảnh, v.v… – đó là một motif còn trở lại nhiều, nhưng tất nhiên phải được nhìn dưới một ánh sáng khác mà Badré soi vào, với tính cách là một hiệu quả đặc biệt” trong lĩnh vực văn chương. Để làm gì? – Có lẽ chính là để khắc phục cái trống rỗng cũng rất bạo lực của “xã hội cảnh tượng” và những thứ “đồ giả không bản sao” – những thứ đang đưa đến tình thế “tiền bạc đồng dạng hoá tất cả” (tr.24, Sđd) và do đó mà xoá nhoà sự phân biệt bản thể luận giữa SáchHàng hoá.

 

(Còn tiếp…)

 

Nguyễn Chí Hoan

Exit mobile version