Từ điểm nhìn của mình, tôi sẽ cố gắng phân tích để mọi người có thể hiểu được về tương lai của văn học Châu Phi. Bên cạnh đó, tôi cũng đề cập đến những vấn đề về hỗ trợ cho nhà văn mới nổi. Theo tôi, công tác hỗ trợ là một điều cần thiết để khuyến khích và nuôi dưỡng các tài năng trẻ. Không thể xem nhẹ vấn đề này. Khi cá nhân có niềm tin lớn hơn, xã hội cũng theo đó mà tiến triển.

Thường thì văn bản, học bổng, và phê bình làm việc riêng lẻ, tuy nhiên, để chia sẻ ý tưởng và hỗ trợ công việc của nhà văn, nó biến thành quan hệ đối tác lâu dài. ở Châu Phi, mối quan hệ này vẫn chưa phát triển tốt, vì còn thiếu những con đường hỗ trợ cho nhà văn và nhà nghiên cứu văn học. Đối với một nhà sáng tạo, bạn có nghĩ rằng đây chính là một vấn đề? Tại sao mối quan hệ đó vẫn chưa được thiết lập? Làm thế nào để hình thành hệ thống cấu trúc vô cùng quan trọng này?

Thật khó để đưa ra một câu trả lời đơn giản hoặc duy nhất. Về phần mình, tôi muốn tránh đi những lý do to tát, phức tạp. Sự thật là chúng ta cần có nó, và vì thế chúng ta phải tự tạo ra nó. Cũng giống như chúng ta cần một số cấu trúc khác từ các nước tiên tiến hơn và chúng ta đang cố gắng để thiết lập và giải quyết vấn đề dù nó rất khó khăn. Ví dụ: hệ thống giáo dục cho tất cả mọi người, nước sạch, cơ sở hạ tầng tốt, sản xuất lương thực – thực phẩm,… Tất cả những gì góp phần vào quyền con người và sự phát triển bền vững.

Tôi vô cùng cảm kích đối với Ayi Kwei Armah, người đã đưa tôi vào nhóm Nhà văn cư trú Per Sesh và để cho tôi làm việc tại vùng biển xinh đẹp Popenguine, Senegal. Tháng 10 năm 2006, tôi, Aissatou Ka đến từ Senegal, Sule Egya đến từ Nigeria, và Kofi Duodu đến từ Ghana đã thành lập nhóm Nhà văn cư trú Per Sesh với Ayi Kwei Armah là cố vấn. Chúng tôi đến từ các nước khác nhau, nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và cùng nhau hăng hái lao vào các thách thức trong cùng một lúc. Trong nhóm, chúng tôi viết và truyền tay nhau để có được những đánh giá, góp ý, và các thông tin phản hồi, xây dựng. Chúng tôi cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ mục tiêu, trí thức, văn hóa, và linh hồn Châu Phi trong mỗi người. Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời.

Mildred K Barya

Chín tháng ở cùng nhau là khoảng thời gian mà chúng tôi làm việc rất hiệu quả. Là một nhà văn, tôi công nhận rằng, chiến tranh và hòa bình là điều không thể tránh khỏi giữa những ý tưởng cực đoan. Nó là thứ nằm trong mỗi chúng ta. Armah đã chuẩn bị sẵn sàng cho thử thách này. Ông có một số quy tắc buộc chúng tôi phải tuân theo để tránh những rắc rối, va chạm quá mức. Kết quả của chín tháng làm việc đối với mỗi người là: Kofi Duodu – thất bại, vì không tìm được các thiết lập phù hợp với mình; ba người còn lại, trong đó có tôi đã vượt qua và sống sót. Dưới sự hướng dẫn hoạt động của một cấu trúc, trong đó tính sẵn cả thời gian để viết, suy nghĩ, chỉnh sửa và làm việc cùng nhau, chúng tôi đã có đủ động lực và khả năng hoàn thành.

Lần đầu tiên tôi có cơ hội dành toàn tâm trí cho việc sáng tác mà không bị gián đoạn bởi bạn bè và tất cả các hoạt động xã hội khác. Chúng tôi viết hàng ngày và Armah đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông có đủ kỹ thuật và kiến thức cần thiết cũng như tài hùng biện để đánh giá và thiết kế những cuộc hội thảo cho chúng tôi. Chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình được hoàn thành vào tháng 7 năm 2007.

Viết tiểu thuyết, với tôi là một mong muốn tha thiết nhưng vẫn còn đầy khó khăn và thử thách. Vậy mà cuối cùng nó đã được hoàn thành chỉ trong có chín tháng. Aissatou và Sule cũng có được tiểu thuyết đầu tay của riêng mình. Ước mơ trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết của tôi đã được thực hiện. Tôi đã ôm đống bản thảo của mình mà khóc. Tôi, một người chưa bao giờ viết được quá 27 trang, cuối cùng cũng đã tạo ra được một cuốn tiểu thuyết 600 trang. Nó quá sức tưởng tượng, tôi gần như phát điên lên được. Trước đó, tôi đã từng nghĩ rằng, tôi phải mất đến năm năm để suy nghĩ về cuốn tiểu thuyết của mình và chẳng biết khi nào mới có thể bắt đầu. Per Sesh đã giúp tôi cách để có thể từ một nhà thơ trở thành một nhà văn toàn thời gian. Armah và những người khác cho tôi những ý kiến phản hồi, các tư vấn, và cả sự khuyến khích. Đó là một điều hết sức tuyệt vời. Nếu bạn thử nhìn trong thế giới, bạn sẽ thấy không ít sự ích kỷ, điên rồ. Nhưng ở đây, tại nhóm Nhà văn cư trú Per Sesh tôi đã có được những bàn tay thân thiện và nhiệt tình nhất.

Tất nhiên, bản thảo chưa phải là thành phẩm. Chúng tôi vẫn còn phải “dọn cỏ và mạng nhện” trong phần chỉnh sửa. Nhưng, tôi đã có một nơi để bắt đầu. Bằng một cách nào đó, chúng tôi hiểu rằng, không gì là không thể. Công việc của chúng tôi giờ là đánh bóng những gì mà mình đã có.

Mỗi nhà văn đều có khoảng thời gian bắt đầu, và tùy thuộc vào địa điểm, thiết kế và thời gian mà họ có thể viết nhiều hơn hay tốt hơn. Nó là kỹ năng mài dũa và khả năng tư duy sâu của mỗi người. Bạn có thể nhìn vào và nhận ra bản thân đã không giải quyết tốt vấn đề ít nhất là một hai lần. Khi bạn nhận ra sai sót, sai sót đó sẽ trở thành sức mạnh của bạn, nó giúp bạn tập trung hơn vào công việc, biết kỷ luật, biết vượt qua khó khăn, và nhận ra rằng, chất lượng là quan trọng nhất. Nói một cách khác, bạn biết tự thay đổi nhờ kinh nghiệm và trải nghiệm. Thủ công. Thời gian. Địa điểm. Đó là ba điều kiện tối cần thiết. Sau nhóm bốn người của chúng tôi, Nhà văn cư trú Per Sesh đã có một lô thứ hai, và Ayesha Harruna Attah, người nằm trong lô thứ hai này đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô, Mưa Harmattan (Harmattan Rain), nó đã được liệt kê cho danh sách giải thưởng Nhà văn khối Thịnh vượng chung, khu vực Châu Phi năm 2010. Ayesha Harruna Attah đã đủ dũng cảm để bước ra và nói rằng, cuốn sách của cô đã sẵn sàng đến với thế giới.

Đặt vấn đề tài chính sang một bên, tôi nghĩ rằng, Armah đã có một tầm nhìn tuyệt vời. Ông đã làm tất cả mọi thứ cho ý tưởng của mình, và chắc chắn sẽ tiếp tục công việc mà ông đang tiến hành. Một sự tình nguyện đáng kính phục. Armah đã bỏ thời gian, kiến thức của mình và dành nó cho chúng tôi hết 100%. Tôi chưa có được cái khả năng vĩ đại ấy, nhưng, tôi hi vọng rằng, các nhà văn khác của thế hệ Armah cũng sẽ tạo cho những nhà văn trẻ Châu Phi điều kiện mà Armah đã từng tạo ra, đã dành thời gian để hướng dẫn, viết văn và nuôi dưỡng các kỹ năng của giới trẻ, cho họ cơ hội suy nghĩ và chia sẻ niềm đam mê văn học với các bậc lão thành.

Nhà ở, học bổng và hội thảo không phải là nỗ lực của một người. Nó là tình yêu, là hi vọng, là thiện chí để ngay cả khi không có đủ tiền, không có sản phẩm tức thời, không thể sống nhờ vào thành phẩm văn chương, người ta vẫn hỗ trợ cho nhau để văn bản có thẻ tồn tại và được chăm sóc. Thật không may, người ta thường chỉ muốn hỗ trợ cho “những dự án hữu hình, rõ ràng với những kết quả khả thi và chính xác”. Các liên kết văn bản có nền văn hóa cá nhân, quốc gia và toàn cầu không hoàn toàn được đánh giá cao. Một nhà văn có thể không hoàn toàn minh chứng được rằng họ nhất định sẽ thành công trong dự án là điều khiến cho các đầu tư chùn tay. Người ta quên mất rằng, hỗ trợ cho văn bản văn học cũng giống như hỗ trợ cho giáo dục, cần phải có thời gian cho quá trình và hi vọng rằng cuối cùng bạn sẽ có một thành phẩm chất lượng. Có thể, nó không thành công ngay trong bước đi đầu tiên, nhưng nó có vai trò làm bàn đạp cho nhữn mục tiêu sau này.

Làm thế nào để chúng ta tới gần với các nhà văn triển vọng của Châu Phi? Chúng tôi, một nhóm nhà văn Châu Phi có cùng mục tiêu và chí hướng, chúng tôi cố gắng nuôi dưỡng các linh hồn văn chương Châu Phi bằng cách tập trung sáng tác, hội thảo, kết nối các nhà văn lại với nhau và thúc đẩy sự phát triển của các tác phẩm được viết bởi họ. Với nhà văn trẻ triển vọng Goretti Kyomuhendo, chúng tôi bắt đầu hội thảo vào năm 2009. Đến nay, đã có hai cuộc hội thảo lớn ở Uganda dành cho những nhà văn mới nổi. Giấc mơ của chúng tôi là lục địa. Uganda là nơi bắt đầu bởi vì nó quen thuộc và là nơi đặt chân của chúng tôi.

Chúng tôi vẫn còn chậm so với các nước khác, nhưng chúng tôi đều đặn huy động các nhà văn và thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo. Chúng tôi đang làm mọi thứ để nâng cao đời sống, hỗ trợ tiền bạc, thời gian, trí tuệ cho các nhà văn. Và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin rằng, mỗi người đều có thể đóng góp. Mục đích của chúng tôi là đào tạo và nuôi dưỡng tài năng văn học từ khắp nơi trên lục địa và tạo kết nối bằng văn bản giữa họ. Chúng tôi cùng nhau đánh giá và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn đến từ thế giới văn bản, những thách thức, và cả những khó khăn. Chúng ta không thiếu những câu chuyện để viết, vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải khám phá ra cách tốt nhất để truyền đạt lại những câu chuyện ấy.

Với thời gian, chúng tôi sẽ xây dựng nơi cư trú và tạo ra học bổng cho các nhà văn Châu Phi chi tiêu trong thời gian dài làm việc trên các trang dự án cá nhân và những phúc lợi bền vững. Đây không phải là một cuộc thi. Nó là giấc mơ của Châu Phi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, tiện nghi cơ bản nhất cho các nhà văn của châu lục như máy tính, truy cập internet, công trình nghiên cứu,…

Sẽ thật là tuyệt vời khi tất cả các nhà văn Châu Phi đều có suy nghĩ rằng phải quan tâm đến tương lai văn học Châu Phi và dành chút ít thời gian, tiền bạc, và bất cứ điều gì để có thể hỗ trợ, hướng dẫn cho những nhà văn mới nổi. Trên thế giới, có cả hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn nhà ở, hội đồng nghệ thuật, học bổng và hội thảo được thành lập để hỗ trợ cho các nhà văn, nhưng Châu Phi thì vẫn chưa có. Tôi chắc chắn rằng, đã có kế hoạch để thực hiện hệ thống này, có niềm đam mê, tình yêu và các nỗ lực để xây dựng, duy trì sự tồn tại và phát triển của nó. Đây cũng là điều mà tất cả chúng ta cần phải quan tâm, chú trọng và chung tay góp sức. Chúng ta không thể chơi trò chơi ngẫu hứng với điều này, bởi, đây là tương lai của cả châu lục.

Thái Lương

(Lược dịch theo http://pambazuka.org)

(Nguồn: Văn nghệ số 4/2013)