Một buổi làm việc của nhóm viết sách tranh truyện
thuộc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam –
Đan Mạch của NXB Kim Đồng, tháng 5/2013


Trò chuyện với họa sĩ Tove Krebs Lange và nhà văn Sally Altschuler.

Hoạ sĩ Tove Krebs Lange và nhà văn Sally Altschuler nhiều năm qua được biết tới như hai người bạn thân thiết của những họa sĩ, nhà văn trong Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tia Sáng có cuộc trò chuyện với hai nhà văn và họa sĩ về sách văn học thiếu nhi, nhân chuyến sang Việt Nam trong khuôn khổ Ngày văn học châu Âu vừa qua tại Hà Nội và trong chương trình làm việc với nhóm viết sách tranh truyện thuộc dự án nói trên.

Một thị trường nhỏ nhưng quan trọng

Trước hết xin được cảm ơn ông bà đã nhận lời cho một cuộc nói chuyện, với chủ đề liên quan tới việc viết, minh họa sách, làm sách văn học cho trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi rất nhỏ. Tôi rất mong được biết thêm một chút về ông bà, điều gì chiếm giữ mối quan tâm của ông bà hằng ngày, mối quan hệ của ông bà với trẻ em và với việc viết, vẽ sách cho trẻ em như thế nào?

Tove: Mặc dù tôi không có con nhưng trong cuộc sống hằng ngày, tôi có nhiều dịp tiếp xúc và nhìn ngắm, quan sát trẻ, và đó là nguồn cảm hứng của tôi trong việc làm ra những cuốn sách hay cho lứa tuổi này. Đặc biệt ở lứa tuổi rất nhỏ, thế giới xung quanh thật sự mới mẻ và lúc nào chúng cũng phấn khích được khám phá, và tôi thích điều đó. Tôi đã gắn bó với công việc làm một họa sĩ minh họa sách cho trẻ em suốt 35 năm qua. Tôi không còn nhớ được bao nhiêu cuốn sách mình đã vẽ, nhưng con số phải hàng trăm. Những sách tôi vừa vẽ vừa viết thì ít hơn và gần đây tôi dành nhiều thời gian hơn cho những cuốn sách của mình…

Sally: Tôi đã từng làm giáo viên trong vòng 20 năm, và bắt đầu viết lách khá muộn. Thực sự, tôi có được nhiều trải nghiệm từ việc dạy học. Tôi chỉ làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, với những học sinh không có khả năng cảm xúc và ứng xử bình thường, chúng tôi không có một chương trình học cứng nhắc, vì bạn không bao giờ biết điều gì xảy ra với lũ trẻ cả. Các buổi học chủ yếu là những hoạt động sáng tạo, như kể chuyện, học hát, diễn kịch… Tôi thấy việc chuyển sang viết văn của mình hoàn toàn là một bước nhảy tự nhiên, như thể đến lúc tôi phải làm vậy. Cái khác biệt lớn nhất của nghề văn và nghề giáo là tôi có được sự tự do để làm những việc mà mình muốn làm nhất. Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn vì có thể làm nhiều thứ, không chỉ viết, mà còn thực hiện những dự án như thế này ở Việt Nam, ở Nepal, sáng tác và biểu diễn kịch với học sinh, làm những workshops về viết cho trẻ em ở Đan Mạch… Có rất nhiều điều khác nhau để làm, và mỗi việc đều có vẻ sống động riêng.

Không gian văn học thiếu nhi nói chung của Đan Mạch hiện nay như thế nào, thưa ông bà? Từ người sáng tác tới những đối tượng tiếp nhận, lựa chọn sách cho trẻ em…

Tove: Sách văn học cho thiếu nhi ở Đan Mạch chỉ là một thị trường nhỏ, nhưng là một phần rất quan trọng với những dòng sách tương ứng với các lứa tuổi khác nhau. Điều may mắn là chúng tôi có một hệ thống thư viện hỗ trợ tốt cho mảng văn chương thiếu nhi. Cho nên, mặc dù số lượng ấn bản rất nhỏ, nhưng các nhà văn có thể sống được bằng nguồn thu từ các thư viện, các buổi đọc sách…

Sally: Văn chương là sự sống thiết yếu của một ngôn ngữ, tiếng Đan Mạch là một ngôn ngữ nhỏ nên việc hỗ trợ văn chương là hết sức quan trọng, chính phủ hiểu rõ điều đó và có những cách thức hỗ trợ văn chương. Nếu không thì sẽ chẳng có gì ngoài Harry Potter mất.

Có nhiều nhà văn Việt Nam ở thế hệ lớn tuổi hơn lo lắng rằng ngày nay các tác giả trẻ không quan tâm viết cho thiếu nhi nữa. Các nhà văn trẻ ở Đan Mạch có quan tâm nhiều tới mảng sáng tác cho trẻ em không, thưa ông bà?

Tove: Khá nhiều sách tôi cho bạn xem trên trang của một số nhà xuất bản là của những tác giả khá trẻ, chừng 24, 25 tuổi… và cũng có nhiều nhà văn trẻ theo đuổi công việc này. Ở Đan Mạch, có hai trường đào tạo viết văn: một trường dạy viết những thể loại văn chương người lớn, và một trường đào tạo hai năm chuyện về việc viết cho trẻ em. Thường những người tham dự các trường này đã từng học một trường nào trước đó rồi, họ có thể là thủ thư, giáo viên… Ngoài ra các workshop, hội thảo khác nhau cũng là nguồn khơi gợi cảm hứng sáng tác cho các tác giả.

Còn những người tiếp nhận – những cầu nối đưa sách tới các em thì sao? Các ông bố bà mẹ đọc sách và chọn sách cho con cái họ như thế nào, thưa ông bà? Nhiều bố mẹ ở Việt Nam, tôi quan sát thấy, thường lo lắng vì không biết làm thế nào để chọn sách đúng cho trẻ…

Tove: Ở Đan Mạch, bố mẹ đọc sách cùng con hằng ngày và thường xuyên. Và như tôi quan sát thấy, trẻ em tiếp xúc với sách từ rất nhỏ, bọn trẻ rất thích cảnh đọc sách cùng bố mẹ chúng trước khi đi ngủ… Việc chọn sách cho con cũng khá dễ dàng, giá sách văn học cho trẻ em khá cao nên chủ yếu bố mẹ sẽ mượn sách cho con thông qua hệ thống thư viện hoặc đưa các em bé tới các góc đọc của mình trong không gian thư viện. Các nhà xuất bản cũng phân nhóm các sách thích hợp với từng độ tuổi để có thể chọn mua. Còn việc chọn sách đúng hay không, tôi nghĩ, các bố mẹ không nên lo lắng quá. Một lần tôi có một hành trình dài trên tàu với một đứa trẻ hai tuổi rưỡi, và chỉ một hình ảnh cái ô tô trên tờ tạp chí người lớn cũng đủ để đọc cho em nghe và chơi với em rất vui. Hẳn nhiên, luôn có được sách hay cho trẻ bên mình thì rất tuyệt vời, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đọc từ bất cứ cái gì chúng ta có. Điều quan trọng, nhất là với lứa tuổi rất nhỏ, là cách bố mẹ đọc/chơi cùng trẻ em như thế nào, và phải làm sao để cho trẻ yêu thích việc đọc sách đó…

Sally: Đúng thế, ở Đan Mạch, nếu không đọc sách cho con trước giờ đi ngủ, các ông bố bà mẹ sẽ bị xem là các phụ huynh tệ! Và có một cách để biết sách đó có hợp với trẻ hay không là xem phản ứng của chúng.

Ông bà đã sang Việt Nam nhiều lần, trong nhiều năm, tiếp xúc với nhiều đối tượng “người lớn” khác nhau, ông bà có thấy điều gì khác biệt trong cách người lớn ở Việt Nam đối xử với trẻ em không?

Sally: Khi tôi mới sang Việt Nam, tôi có một cảm nhận rằng: trẻ con ở Đan Mạch thường được xem như là một giá trị tự thân, còn trẻ em ở Việt Nam thường được đối xử như là những đứa trẻ đang trở thành người lớn. Tôi nghĩ rằng trẻ con ở nơi nào cũng vậy, chỉ có điều, tôi thấy, ở Đan Mạch, có một quan niệm được chấp nhận rộng rãi là xem tuổi thơ như một giá trị, và giá trị vì chính nó. Vì thế, người lớn không áp đặt những mục đích giáo dục cụ thể cho các em nhỏ, và mọi người tin rằng chúng sẽ tốt hơn khi lớn dần lên nếu có một tuổi thơ hạnh phúc hồn nhiên. Hiện nay, tôi cũng nhìn thấy những sự thay đổi dần dần ở Đan Mạch. Càng ngày người ta càng chú trọng vào việc xem trẻ con nên học những gì… Trẻ con bị bắt học nhiều hơn, và tôi không thích tình huống đó cho lắm.

Tove: Tôi hiểu rằng mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa có một cách ứng xử riêng… Tôi đã đi nhiều vùng trên đất nước bạn, tôi thấy trẻ em Việt Nam thường nhút nhát, xấu hổ lúc mới tiếp xúc, nhưng những đứa trẻ mà tôi được tiếp xúc vẫn giữ được sự hồn nhiên hạnh phúc của tuổi thơ… Hẳn nhiên, làm bạn với trẻ em là một điều khó khăn, ở nơi nào cũng vậy.

Cần những cuốn sách Việt cho trẻ em Việt

Những gì mà dự án Đan Mạch đã làm ở Việt Nam nhiều năm qua, trong đó có việc hỗ trợ các cuộc thi, các hội thảo sáng tác, lập các tủ sách, các chuyến tàu kể chuyện… thực sự đã góp phần thức tỉnh chúng tôi về mảng sáng tác văn học thiếu nhi như thể luôn bị bỏ quên ở Việt Nam này. Tôi rất thích ý tưởng mà ông bà đã đưa ra từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện bộ sách Lúc Búc: cần có những cuốn sách của từng địa phương, viết và vẽ bởi các tác giả và các họa sĩ địa phương cho trẻ em của địa phương đó.

Tove: Tôi rất vui khi được làm việc với các bạn nhà văn, họa sĩ trẻ ở Việt Nam và tôi thấy các bạn có rất nhiều tiềm năng. Mỗi đất nước cần có nhà văn, họa sĩ của đất nước họ vì mỗi đất nước có một khí quyển văn hóa riêng, điều này tôi nghĩ đặc biệt quan trọng với văn chương cho thiếu nhi. Khi đề xuất ý tưởng thực hiện một bộ sách cho trẻ em từ 0 – 6 tuổi, với các nhân vật là những bạn nhỏ người Việt, không gian sống Việt Nam, theo kiểu “hiện thực”… mà kết quả là bộ sách Lúc Búc đang tiến hành của chúng ta, chúng ta đã nói cùng nhau rất nhiều lần về ý tưởng đó, và các nhà văn, họa sĩ luôn phải ý thức rằng họ đang tạo dựng một không gian sống trong truyện của các bạn nhỏ Việt Nam chứ không phải bất cứ nơi nào khác.

Tôi cũng biết rằng các bạn trẻ chưa có nhiều cơ hội xuất bản mảng sáng tác này ở Việt Nam, nhưng ngay cả ở Đan Mạch, việc xuất bản sách hiện nay cũng khó khăn hơn nhiều vì nhiều trẻ em bây giờ chỉ chơi với Ipad. Trẻ em đang có những thay đổi trong môi trường internet. Khi trẻ con online nhiều, chắc chắn rằng cách nghĩ của chúng cũng thay đổi. Một điều tôi nhận thấy là người ta có thể sẽ mất khả năng tập trung cao vì cùng lúc có thể làm rất nhiều việc, như là có thể nhắn tin trong khi đang xem ti vi, nghe nhạc… Tất nhiên tôi thích các cuốn sách của mình được xuất bản sách dưới dạng in và cả ebook, nhưng có một nghiên cứu khá lớn ở Đan Mạch đã chỉ ra rằng, việc dùng máy tính nhiều, online facebook nhiều đã làm con người lo âu nhiều hơn.… Sẽ là một trải nghiệm rất khác nếu như bạn ngồi xuống, trong một không gian yên tĩnh, cô lẻ, dành một giờ đồng hồ với một cuốn sách chẳng hạn. Và vì thế, việc làm ra những cuốn sách và làm sao để trẻ em thân thuộc với sách từ khi còn rất nhỏ là một điều rất ý nghĩa

Xin được hỏi sâu thêm về việc viết và vẽ minh họa cho lứa tuổi rất nhỏ. Có điều gì thực sự khác biệt trong việc tạo ra những cuốn sách cho độ tuổi này không, thưa ông bà?

Sally: Viết tranh truyện cho lứa tuổi rất nhỏ, như những gì chúng ta đang làm với bộ sách Lúc Búc, khác biệt rất nhiều so với việc viết các thể loại khác và cho độ tuổi khác. Bởi vì bạn phải ý thức rất nghiêm ngặt về việc những đứa trẻ sẽ hiểu cuốn sách như thế nào, cách chúng hiểu, cách chúng nghĩ, phải tuân thủ điểm nhìn của chúng và bản thân tôi đã phải học rất nhiều về những điều này. Viết cho tuổi teen, hay từ khoảng lên chín lên mười gần với việc viết cho người lớn hơn, vì lứa tuổi đó có thể đọc những truyện khá dài, với nhiều lớp nghĩa. Dĩ nhiên thường khi bắt đầu, bạn có thể cân nhắc kĩ lưỡng việc viết cho ai, nhưng bạn sẽ quên đi những điều này khi viết và chỉ nghĩ là viết những câu chuyện. Nhưng với sách cho lứa tuổi rất nhỏ, ý thức về điểm nhìn của trẻ là thiết yếu.

Tove: Với lứa tuổi rất nhỏ, từng lời, từng nét vẽ của câu chuyện, hình ảnh cần đảm bảo tính sáng rõ để chúng có thể nhận biết được, ngay cả khi đó là những câu chuyện về loài vật hay nhân cách hóa.

Tôi không biết việc phải chú ý kĩ lưỡng tới từng đối tượng tiếp nhận cụ thể có thể là một nguyên nhân khiến nhiều người viết ở Việt Nam ngần ngại sáng tác cho thiếu nhi chăng. Vì họ sợ phải “đánh mất mình”, trong khi sáng tác thường được xem như cái gì riêng tư, cá biệt….Ông bà nghĩ gì về điều này, ông bà có cảm thấy thoải mái khi viết với ý thức rõ rệt về độc giả không?

Sally: Không, thực ra đây là hai kiểu viết khác nhau rõ ràng. Viết cho trẻ nhỏ cần đến một kiểu kĩ năng khác, với những kỉ luật viết khác. Còn chuyện đánh mất mình hay không, ngay cả ở những cuốn tranh truyện tưởng chừng đơn giản nhất, người đọc, tùy vào mức độ tiếp nhận khác nhau cũng có thể khai thác ra những lớp nghĩa sâu xa và những hình tượng, những vấn đề, lớp ý nghĩa này gắn bó rất chặt chẽ với cá nhân các tác giả của chúng.

Tove: Tôi nghĩ khi ta viết, cũng như khi ta vẽ, ta thường dễ say đắm với ngôn ngữ và hình ảnh – đó là điều cực kỳ tuyệt vời. Nhưng khi viết cho lứa tuổi nhỏ, ta sẽ phải đi ra khỏi nỗi say đắm với chính mình và dành tình yêu với đứa trẻ đó… Viết cho trẻ nhỏ có thể có nghĩa là sẽ không ai biết tới bạn, không ai công nhận bạn và bạn biết rằng tất cả hạnh phúc là khi thấy lũ trẻ vây quanh tác phẩm mà bạn đã hoàn thành, những cuốn sách bạn đã làm ra… Tôi thực sự hiểu rõ điều đó khi tôi cảm thấy sách của mình vô giá trị vì không có ai động đến nó, và nó cứ nằm yên trên giá sách.

Như vậy, ở đây không phải chỉ là vấn đề kĩ năng mà là vấn đề về tình yêu và cảm hứng với trẻ nhỏ….

Tove: Tôi không có ý nói việc đuổi theo danh tiếng là điều gì không tốt… Có điều khi viết cho trẻ nhỏ, bạn có thể sẽ phải chấp nhận việc không được công nhận… Chẳng hạn sẽ nhiều người thốt lên, kể cả đồng nghiệp viết lách: viết ra mấy cuốn sách trẻ con thế này thì đáng gì! Nhưng tôi nhìn những cuốn sách cho trẻ nhỏ và tôi hiểu rằng những tác giả đó, những họa sĩ đó đã nỗ lực tuyệt vời như thế nào.

Ông bà có thể có một vài gợi ý, cho các nhà văn, họa sĩ… muốn theo đuổi mảng sáng tác cho thiếu nhi ở Việt Nam.

Sally: Điều quan trọng là khi bạn có một ý tưởng cho câu chuyện, hãy tin mình có thể đi theo nó, và thành thật đi theo nó.

Tove: Một cách nghiêm túc, tôi nghĩ các bạn hãy đọc nhiều, càng nhiều càng tốt, và đọc với suy nghĩ phê bình, không phải chỉ để thưởng thức mà còn để nhìn ra những hướng đi, những cách viết, cách vẽ khác nhau, để thấy tại sao nhà văn/ hoạ sĩ lại làm như vậy.

Nguồn: Tia sáng

Exit mobile version