Cùng với Mai Anh Tuấn, Hương Thị là một trong hai gương mặt hiếm hoi của miền Bắc được giải thưởng văn học tuổi 20 lần thứ IV. Sau một thời gian sáng tác dành cho người lớn với vài giải thưởng khác, đầu năm 2013 Hương Thị bất ngờ ra mắt độc giả cuốn sách thiếu nhi mang tên Tũn Tồ.
Hồi còn học ở trường Viết văn Nguyễn Du, Hương Thị chọn chuyên ngành thơ. Thế rồi khi ra trường, như nhiều bạn bè đồng môn, chị chọn báo chí song song với viết văn. Nhưng văn chương ở đây lại không phải thơ mà là văn xuôi. Với nhiều người, bị “nàng thơ” bỏ mình đi thì thấy đau, thấy tiếc… còn với Hương Thị thì đó là một chia tay khá nhẹ nhàng. Chị bảo: “Cảm xúc dành cho thơ tự nhiên không còn nữa và thấy rằng mình có đi mãi cũng vẫn thế. Trong khi văn xuôi dài rộng, cho mình thoả sức tung hoành hơn. Đặt bút viết văn xuôi là được sống với một thế giới mới do mình sáng tạo nên. Trong thế giới ấy, muốn làm gì thì làm”.
Ở mảng truyện dành cho người lớn, nhân vật của Hương Thị thường khá đa dạng nhưng cũng rất gần gũi, rất đời thường. Đó là kí ức về một miền quê không bao giờ trở lại. Là những con người bước chân vào đô thị với cuộc mưu sinh đầy bon chen, phức tạp mà vẫn cứ phải chạy theo cái guồng ấy. Mọi toan tính của nhân vật cứ dần dần bị lộ ra để cuối cùng phải tự mình sống khác đi.
Sang đến tập truyện Tũn Tồ dành cho thiếu nhi thì giọng điệu của Hương Thị khác hẳn: Giản dị, sinh động, hồn nhiên và vô cùng ấp áp. Tũn Tồ đã tái hiện phần nào cuộc sống của những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước giải phóng, mà giờ đây họ là thế hệ 7X, 8X.
Nếu ở trong tập sách hành trình về với tuổi thơ của tác giả gặp lại người thân, bạn bè một thủa như anh Mèo, chị Tễu, chị Xám, Bống, Bầu, Nâu, Công… thì độc giả như cũng được tìm thấy người quen của mình. Đó là kí ức về một khu tập thể mà nhà nọ sát vách nhà kia, nhà nào nhìn bề ngoài cũng giống nhau, muốn phân biệt phải tìm cách đánh dấu. Trẻ con chỉ cần vài bước chân là í ới rủ nhau đi học, đi chơi… Thời đó cách đây đã trên dưới 30 năm nhưng dường như nhiều người vẫn cứ ngỡ như chỉ vừa mới qua thôi. Những trò chơi tinh nghịch, những buổi trốn ngủ trưa… chỉ có thể ở những khu tập thể ngày xưa mà đôi khi chúng ta thấy may mắn được sống ở đó. Trẻ con bây giờ không còn được sống như thế nữa. Tính cộng đồng và sự chia sẻ của những đứa trẻ hàng xóm đã khác. Tất cả những điều này người đọc có thể dễ dàng tìm thấy trong từng trang sách Tũn Tồ.
Tũn Tồ là nhân vật chính của cuốn sách, tuổi chuột, bé nhất nhà. Lúc mới đẻ ra ngắn tùn tũn nên cả nhà nhất trí gọi là Tũn. Tũn không cao to khỏe mạnh giỏi giang như anh Mèo, chẳng thông minh nhanh trí như chị Tễu, cũng chẳng vẽ đẹp như chị Xám, lại hậu đậu, mải chơi, học hành mãi vẫn lẹt đẹt. Tuy vậy, nhưng Tũn tốt bụng, thật thà, tâm hồn trong trẻo đáng yêu.
Tũn Tồ có nhiều điểm chung với nhân vật Nôbita trong nhóm bạn của mình. Tuy nhiên, bên cạnh Nôbita là chú mèo máy thông minh, thần kỳ luôn có mặt đúng lúc để giúp đỡ thì Tũn đời thường hơn. Mọi câu chuyện của Tũn giản dị, dường như tuổi thơ ai cũng có những lúc như vậy, khi thì bị bạn nghi lấy cắp đồ chơi, lúc thì bí mật nuôi đàn chuột đỏ hỏn vì thấy xung quanh ai cũng có con vật để nuôi như nuôi gà, nuôi mèo, nuôi cá…
Với 43 phần trong cuốn sách, mỗi phần như một câu chuyện nhỏ xinh được rút ra từ những trang nhật ký tiêu biểu mà tác giả lựa chọn và gửi đến bạn đọc. Gấp cuốn sách lại, có biết bao cảm xúc đan xen trong mỗi chúng ta, từ tủm tỉm, khúc khích, sảng khoái đến ngạc nhiên, ngậm ngùi, nuối tiếc…
Lý do để Hương Thị viết cho thiếu nhi là vì: “Ấu thơ như một giấc mơ, khi tỉnh dậy rồi khó lòng có lại được, chỉ có thể kéo dài nó bằng cách hồi tưởng. Cuốn sách này tôi dành tặng tuổi thơ tôi, tặng các em nhỏ và cả những người từng là trẻ nhỏ. Có thể bạn đọc nó rồi quên, nhưng đừng bao giờ quên tuổi thơ của chính mình, bạn nhé”.
Trong khi thị trường sách thiếu nhi nội địa đang lép vế, các cây bút trẻ dù có rẽ ngang sang mảnh đất văn chương thiếu nhi với một vài tác phẩm cũng đáng quý. Nếu như mỗi nhà văn, mỗi người cầm bút chỉ cần viết cho thiếu nhi một cuốn sách thì tủ sách thiếu nhi sẽ dày dặn hơn. Với Hương Thị, hi vọng Tũn Tồ không phải là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên và cuối cùng trong chặng đường đến với văn chương rộng mở ở phía trước.