Ở đất nước Trung Á này, hôn nhân ép buộc không đơn thuần là sự ép buộc giữa 2 gia đình mà người phụ nữ còn bị người lạ bắt về làm vợ. Đám cưới hạnh phúc ở Kyrgyzstan thường bắt đầu từ giọt nước mắt?

Truyền thống hay tội phạm?

Tục cướp dâu là một trong những tập tục của Đức – khi vài người bạn của chú rể dụ dỗ cô dâu tới quán rượu gần nhất và đợi cho đến khi chú rể xuất hiện rồi trả tiền đồ uống. Tuy nhiên, nó cũng hiện diện ở Kyrgyzstan hàng trăm năm nay.

Dinara Isakova là một trong những nạn nhân của tục bắt dâu này. Isakova đã bị bắt cóc ngay trong ngày sinh nhật mẹ cô bởi một người bạn nam mà cô vừa quen. Cô gặp anh trong một buổi hòa nhạc, và sau đó anh ta đã đề nghị chở cô về nhà. Một người bạn nam của anh ta cũng đi cùng ôtô, lúc đó cô nghĩ: “Tại sao lại không nhận lời? Tôi đang vội, chúng ta hãy cùng đến tham dự tiệc sinh nhật của mẹ tôi”.

Sau khi rời khỏi buổi hòa nhạc, họ dừng xe trên góc phố để chở một người bạn nam nữa lên xe, tổng cộng có 3 người đàn ông và Isakova trên xe. Họ lái xe ra khỏi thành phố đến Osh – phía bắc Kyrgyzstan, và 3 giờ sau đến nhà bố mẹ của anh ta.

Isakova cho hay: “Tôi đã cố gắng nói với anh ta nên ra khỏi nhà, và việc anh ta đã làm là sai trái”. Trong đầu cô luôn đấu tranh giữa hy vọng bố mẹ cô đến sẽ tìm cách cứu cô và ý nghĩ khác rằng, đây là vận mệnh của cô. “Lúc đó tôi không thể nghĩ được gì, tôi biết rằng, khi anh ta đã đưa tôi về nhà thì tôi sẽ không thể trở về được nữa”.

Đám cưới hạnh phúc ở Kyrgyzstan thường bắt đầu từ giọt nước mắt.

Isakova đã cố gắng kháng cự nhưng không thể thoát được. Cô đã viết cho bố mẹ mình một bức thư thông báo rằng, cô vẫn khỏe, trong phần cuối bức thư cô cho biết, cô đang ở đâu và mong họ đến cứu cô nhưng những tên bắt cóc cô đã cắt đi phần cuối của bức thư. Một tuần sau đám cưới cô diễn ra.

Chuyện trên đã xảy ra 10 năm trước, và sau đó cô đã ly dị. Tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn trường hợp giống Isakova ở Kyrgyzstan, nơi mà nạn bắt cóc cô dâu vẫn còn tồn tại. Trong thực tế, mỗi năm có khoảng 15.000 phụ nữ bị bắt cóc và ép cưới. Ở một số vùng, tục lệ này được mọi người chấp nhận và coi như một nét truyền thống.

Phép vua thua lệ làng

Tuy nhiên, tại thủ đô Bishkek tồn tại tư tưởng của chế độ dân chủ và mong muốn hòa nhập với những thông lệ – tập tục phổ biến của Phương Tây. Vì thế Quốc hội đã thông qua một bộ luật mới, chỉ trích kịch liệt tập tục bắt cóc cô dâu: đối với bất kỳ nạn nhân nào trên 17 tuổi, kẻ bắt cóc sẽ bị bỏ tù tới 7 năm, và hạn tù sẽ là 10 năm nếu nạn nhân ít hơn 17 tuổi.

Cho đến nay, những tên bắt cóc thường tránh tất cả các trường hợp rắc rối dính dáng đến luật pháp bằng việc khai hồ sơ đơn giản bởi dù tục bắt cóc cô dâu được xem như truyền thống thì với những quy định của luật pháp cũ, hành động này vẫn mang tính bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Xô Viết cũ, số người bị bắt cóc vẫn rất nhiều, vượt quá khả năng thực thi của pháp luật.

Theo bà Bubusara Ryskulova – Giám đốc trung tâm khủng hoảng tâm lý tại Bishkek: “Đã đến lúc phải có một bộ luật mới. Nền dân chủ hóa của chính phủ và xã hội sẽ giúp chúng ta thi hành bộ luật này, và cần đảm bảo rằng bộ luật có hiệu lực”.

Bà cho hay, nâng cao tầm nhận thức về bộ luật mới bằng việc tổ chức các buổi diễn thuyết, tọa đàm tại trường học, tuyên truyền đến hộ gia đình, và các chiến dịch đường phố cũng rất cần thiết. Phụ nữ cần phải nhận thức được rằng, họ có thể tranh tụng và những người đàn ông phạm tội có thể bị bỏ tù.

Tuy nhiên, theo bà Ryskulova: “Hầu hết những trường hợp bắt cóc, người bắt cóc không chỉ là chồng tương lai của cô dâu mà còn có sự tham gia của một nhóm bạn của anh ta nữa”.

Vì thế, đối với phần lớn các trường hợp bắt cóc, dù gia đình cô dâu không đồng ý với tập tục và được khuyến khích đi báo với cảnh sát thì chưa chắc họ đã kiện người bắt cóc. Rất nhiều người cho rằng, danh dự của gia đình sẽ bị bôi nhọ nếu như cô dâu bỏ trốn khỏi nhà chồng vì thế kết quả có thể dẫn đến bạo lực, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Bắt đầu từ năm 2012, 7 phụ nữ đã tới Trung tâm Ryskulova để được tư vấn giúp đỡ, đây chỉ là một con số rất nhỏ trong số những nạn nhân của tục bắt cóc cô dâu ở đất nước này.

Đối với Dinara Isakova, cô chỉ phải chịu đựng những khó khăn thử thách trong một thời gian ngắn: cô và người chồng của mình đã ly dị sau 1 tháng làm đám cưới. Cô cho hay: “Tôi đã nổi loạn, cư xử không tốt cả khi ở nơi công cộng, chúng tôi chỉ suốt ngày cãi nhau”. Điều này khiến chồng cô cảm thấy mệt mỏi. Hiện tại, cô sống tại Bishkek, nhưng khi cô trở lại Osh, mọi người nói rằng: họ không nghĩ rằng ly dị là lựa chọn đúng đắn.

Khi cô ly dị, cô nhận ra rằng, cô phải đối mặt với những lời bàn tán này nọ. Cô nói 1 cách bình thản: “Nếu họ nói về tôi ngày hôm nay, ngày mai họ sẽ bàn tán về ai đó”. Khi được hỏi rằng cô nghĩ sao về luật pháp mới? Cô trả lời rằng: “Luật pháp mới rất quan trọng. Phụ nữ không phải là đồ vật mà đàn ông có thể chiếm làm của riêng”. Chỉ mất một thời gian ngắn, ở thủ đô, thông điệp về luật pháp mới đã ảnh hưởng sâu sắc tới mọi người. Tuy nhiên, trong thực tế, Quốc hội đã thất bại trong việc thắt chặt luật pháp.

Sau một thời gian thông báo trên các phương tiện truyền thông và các cuộc tranh luận chính trị, Ryskulova tại trung tâm giải quyết khủng hoảng cho phụ nữ ở Bishkek cho hay: “Ngày càng có nhiều người hiểu thấu về tầm quan trọng của vấn đề”.

Nguồn gốc hủ tục và những bi kịch đau buồn

Có rất nhiều câu chuyện giải thích lý do về nguồn gốc của hủ tục này. Trên thực tế, có thể gọi đây là phong tục “săn” cô dâu hơn là việc đi đón vợ. Cướp dâu có lẽ xuất hiện từ thời kỳ tiền đạo Hồi, khoảng thế kỷ 12. Bọn cướp bóc hoành hành khắp nơi, chúng cướp ngựa, phụ nữ từ các bộ tộc lớn. Và tục lệ cướp dâu đã được lưu truyền kể từ đó. Hơn nữa, đàn ông Kyrgyzstan còn quan niệm việc cướp dâu đỡ tốn kém về kinh tế và dễ dàng hơn việc tán tỉnh hay yêu đương thật lòng. Chi phí để cưới vợ ở đất nước Kyzgyzstan có thể lên tới 800USD hoặc hơn trong khi thu nhập bình quân đầu người rất kém.

Qua nhiều năm, càng nhiều câu chuyện về phụ nữ Kyrgyzstan bị bắt cóc được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Trong một số trường hợp, cô dâu có được một gia đình hạnh phúc, khi họ biết chấp nhận thích nghi với chồng mới và gia đình mới. Tuy nhiên, phụ nữ nơi đây luôn quan niệm rằng: “Hạnh phúc gia đình đều bắt nguồn từ nước mắt”. Vậy nên, phần lớn các cô dâu đều bị chính người chồng không ưng thuận lạm dụng. Cụ thể, một cô gái Kyrgyzstan đã bị mưu sát và vứt xác bên cạnh sông chỉ sau 4 ngày bị bắt cóc, dù vậy người chồng vẫn không bị phạt với tội giết người.

Hầu hết mọi người quốc gia Trung Á đều không biết cướp dâu là vi phạm pháp luật. Vì vậy, có rất nhiều tội ác vẫn được tiếp diễn. Việc cướp dâu có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, trên đường phố, tại trường học của cô gái, nhà máy hay thậm chí ngay tại nhà. Một nhóm thanh niên, trong đó có cả chú rể sẽ rượt đuổi cô dâu bằng xe ôtô. Mọi sự kháng cự của cô đều không được mọi người xung quanh để ý tới, vì họ coi đó là lẽ thường.

Một số cô gái đã nói dối rằng họ đã không còn trinh tiết nữa, có thể chú rể sẽ tha cho cô gái đó. Thế nhưng, cả quãng đời về sau các cô sẽ bị hắt hủi, không chàng trai nào còn để ý tới nữa. Cô gái trở thành chủ đề gièm pha ở nơi làm việc, gia đình thì bực tức vì cô đã nói dối. Không có gì ngạc nhiên khi tới nay Kyrgyzstan vẫn là một quốc gia nghèo với thu nhập bình quân đầu người là 870 USD. Mặc dù chính phủ Kyrgyzstan đã thực hiện nhiều biệm pháp để dẹp bỏ tục lệ cướp dâu cổ hủ nhưng xem ra mọi nỗ lực đều không hiệu quả.

Theo Văn Hùng – Văn nghệ công an (dịch từ WC)