Bút kí. ANH NGỌC

(Kí ức của một phóng viên chiến trường)

Tối ngày 7 tháng 1 năm 1979, Đài truyền hình và phát thanh đưa tin Bộ đội tình nguyện Việt Nam và Quân đội giải phóng nhân dân Campuchia đã tiến vào Phnôm Pênh, giải phóng đất nước Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pôn Pốt, thì ngay sáng hôm sau, tôi và mấy anh em phóng viên của Báo Quân đội nhân dân được Phó Tổng biên tập Trần Công Mân gọi tới giao nhiệm vụ sang Campuchia công tác gấp. Đại tá, Phó Tổng biên tập giao nhiệm vụ cặn kẽ cho các anh khác mỗi người đi một hướng, làm một việc cụ thể, đến lượt tôi, ông nói tưng tửng: “Còn Anh Ngọc làm thơ, muốn đi đâu thì đi!”.

Và với phần việc được giao đầy chất tùy hứng ấy, sáng hôm sau tôi thích thú khoác ba lô, cùng mấy anh bạn bay vào Sài Gòn, tiếp đó leo lên trực thăng HU-1A, chiến lợi phẩm của Mĩ bay sang Phnôm Pênh.

Chiếc HU-1A thả chúng tôi xuống sân bay Pôchentông rồi vội vã bay đi. Tôi và nhà báo Hồng Phương vẫy xe của một đơn vị đồn trú, tìm lối vào trung tâm thành phố. Thật khác với cảnh chúng ta tiến vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975 trong đoàn tụ và ấm áp, cả Phnôm Pênh bấy giờ mênh mông và hiu quạnh như đã bị bỏ hoang từ những thuở nào – mà có lẽ chính xác là từ ngày 17 tháng 4 năm 1975, khi quân đội Khơ Me Đỏ vào tiếp quản thành phố và đuổi hết dân ra khỏi thủ đô để nhân danh cách mạng, tiến hành cuộc thanh lọc đẫm máu nhất trong lịch sử Campuchia. Những ngôi nhà không chủ, những con phố không người, khắp nơi chỉ thấy những hàng rào dây thép gai và những tấm tôn bịt bùng che chắn, như muốn dấu nhẹm mọi bí mật bên trong, những bí mật đen tối và hãi hùng của một đất nước mà thế giới gọi một cách không ngoa là “cánh đồng chết”. Từ sau những khu nhà lạnh lẽo và âm u ấy, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp trong gió bay ra một mùi gì thum thủm, tanh tanh như mùi prôtít phân hủy chưa lâu. Cứ nghĩ là mùi mắm bồ hóc, vì tôi có nghe nói đến thứ món ăn quen thuộc này của người dân Campuchia, vốn cũng chẳng xa lạ gì với các loại mắm tôm mắm tép của quê tôi. Nhưng sự thật tôi đã nhầm. Đến buổi trưa hôm ấy thì chúng tôi đã mục sở thị cái mùi khó ngửi ấy phát ra từ đâu và đấy là một phát hiện làm tất cả chúng tôi đều kinh hoàng.

Ấy là vào lúc gần trưa ngày 15 tháng 1 năm 1979, sau khi chúng tôi đến Phnôm Pênh được đâu ba ngày. Anh Ba Vũ (Bùi Cát Vũ), một cán bộ chỉ huy Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Phnôm Pênh, báo cho nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi biết quân ta vừa phát hiện ra giữa Phnôm Pênh một khu trường đã bị bọn Pôn Pốt biến thành nhà tù, từng giam giữ rất nhiều tù nhân, và trước khi tháo chạy, chúng đã giết chết tất cả. Anh Hồng Phương và tôi lập tức bám theo xe của anh Ba Vũ và ông Khang Xarin, lúc ấy là Tư lệnh Quân quản Phnôm Pênh của Quân giải phóng nhân dân Campuchia, tìm đến ngôi trường có tên là Tuôn Xleng (Tuol Sleng). Giữa buổi trưa mùa khô Phnôm Pênh, trời cao và xanh ngăn ngắt, loài hoa gì như hoa bằng lăng mà có ai đó gọi tên là “hoa hoàng hậu” đang nở tung những chùm tím ngắt suốt dọc lối đi vào khu trường. Nhưng ấy là chuyện sau này nhớ lại, chứ lúc ấy, thực lòng tất cả chúng tôi không ai còn bụng dạ nào để ý đến mọi thứ xung quanh, bởi càng gần tới khu trường nằm khuất sau cây cối rậm rạp và những bức tường bằng tôn quây kín, thì một mùi tanh tưởi mỗi lúc một bốc lên ngỡ như không thể chịu nổi. Đến khi chúng tôi đặt chân được vào đầu dãy nhà thứ nhất, thì một cảnh tượng khủng khiếp hơn cả cảnh địa ngục đập ngay vào trước mắt: Ở chính giữa mỗi căn phòng mà trước đây là lớp học đều có một xác chết, mỗi xác một tư thế, một kiểu nằm, tất cả đều trần truồng, trương phềnh, đen kịt, bắt đầu rữa nát và bốc mùi hôi thối dữ dội. Và khi tất cả mọi người đều tự động lùi phắt lại, kể cả hai chiến binh dày dạn trận mạc là anh Ba Vũ và ông Khang Xarin, cùng các bạn chiến binh Campuchia Pra Sốc, Xốc Khen, Kiêng Xa Vốt, Du Xà Rơn…, có người đưa vội mùi xoa lên che mũi, có người khạc nhổ như muốn phát nôn, thì đúng lúc đó, cái anh chàng được cấp trên gọi là “nhà thơ muốn đi đâu thì đi” là tôi liền nhớ đến nhiệm vụ của một người làm báo và buộc lòng phải tiến về phía các xác chết với cái máy ảnh trong tay. Cũng cần nói thêm, là với nhiệm vụ được giao có vẻ “ất ơ” như đã nói ở trên, lúc tôi đi công tác, tòa soạn thậm chí còn không giao cho máy ảnh, mà tôi phải cạy cục đi mượn của bạn bè. Nhưng cắc cớ nhất là nhà báo kì cựu Hồng Phương vốn được trang bị một cái máy ảnh rất chất lượng, thì khi ngồi xe trên đường tới hiện trường, loay hoay thế nào lại bị kẹt cứng phim, không làm ăn gì được, đành ngậm ngùi trao nốt cho tôi cuộn phim còn lại. Không biết là may hay rủi, nhưng là nhà báo duy nhất có vũ khí tác nghiệp lúc này, tôi biết mình phải làm gì. Với ý nghĩ cần ghi lại hình ảnh của ít ra một vài anh bộ đội Việt Nam và Campuchia sát cánh bên nhau vào khuôn hình để các bức ảnh thêm sinh động và có ý nghĩa, tôi đã mạnh dạn kéo anh Ba Vũ và ông Khang Xarin đến gần phía các xác chết để chụp, nhưng cả hai người đều tự phát giẫy ra một cách rất hăng hái và…buồn cười. (Sau này gặp lại anh Ba Vũ ở Hà Nội, anh vẫn nhớ sự việc này và vừa cười vừa có ý thanh minh với tôi: “Tại nó thúi quá trời!”).

Và thế là, cầm trong tay cái máy ảnh Practika cũ kĩ, tróc sơn, không đèn, tôi mở ống kính hết cỡ và “liều mình như chẳng có”, bỏ lại sau lưng tất cả mọi người bấy giờ đã lùi xa tít tắp, để một mình tiến đến gần các xác chết. Tôi còn kịp nghe rõ dưới chân mình những con dòi bị dẫm nổ lép bép, và lũ ruồi nhặng thì nhất loạt bay lên vù vù.

Xác chết đầu tiên mà tôi chụp là một người đàn ông nằm ngửa thẳng cẳng trên đường, hai tay dang rộng, một sợi xích buộc từ cổ tay này căng qua ngực thẳng sang tay kia, nên trông ông giống như một cánh ná đã căng dây. Toàn thân ông âm u như một đám mây đen, hai hố mắt trắng dã trợn trừng và hai hàm răng thì nhe ra như dọa nạt. Dường như đã chết rồi nhưng những cơn đau khủng khiếp của kiếp người còn chưa buông tha ông. Xác chết thứ hai cũng vậy, nằm ngửa trên sàn nhà, đầu ngoẹo sang một phía, nhưng đau lòng hơn là trên bụng vẫn còn để nguyên một cái ghế tựa, có lẽ tên cai ngục ác ôn đã ngồi trên chiếc ghế ấy để hành hạ nạn nhân, và – điều này có thể lắm – khi quân ta ập tới thì hắn đã bỏ chạy mà không kịp cả vứt chiếc ghế đi. Xác chết thứ ba có thể là một phụ nữ, nằm sấp, chết rồi mà hai tay vẫn bị còng ở sau lưng. Thực ra là nữ hay nam thì cũng khó phân biệt vì xác đã bắt đầu thối rữa và biến dạng, nhưng trông người này có tầm vóc bé nhỏ, và các đường nét có vẻ gì đó mảnh mai, mềm mại… Nhưng ám ảnh nhất với tôi là khi bước vào căn phòng tiếp theo. Trước mắt tôi là một thân người to lớn, chắc lúc sống phải sức vóc cường tráng lắm, nhưng lúc này thân hình đã bắt đầu phân hủy, mắt mũi, mồm miệng lúc nhúc dòi bọ. Còn trên lồng ngực vạm vỡ ngày nào, bây giờ đang đứng sừng sững một chú gà trống. Đang mải mê kiếm ăn trên xác chết, thấy tôi bước vào, chú gà không hề sợ hãi, mà điềm nhiên ngẩng đầu lên, giương mắt… gà nhìn thẳng vào tôi, ngạo nghễ và thách thức. Có vẻ như chú hoàn toàn tự tin và bình tâm ở ngay chính vương quốc của mình. Chưa bao giờ tôi biết ơn cái máy ảnh của mình như vậy. Nó đã ghi lại được một hình ảnh không thể chân thực và thuyết phục hơn về những nghịch lí của kiếp người ở cõi đời này. Sau này, trong một lần đem tấm ảnh ra công bố, tôi đã chú thích vào phía sau những dòng này: “Nếu con gà này nói được tiếng người, thì chắc nó sẽ nói: – Món thịt người này ngon tuyệt!”. Tôi còn nhớ, lúc tôi khoe tấm ảnh với nhà thơ Thu Bồn, thì anh nói đại ý: Tấm ảnh này có thể thay mọi lời tố cáo tội ác của bọn Pôn Pốt hơn bất cứ bài diễn văn nào. Còn tôi thì thầm nghĩ: Cõi đời này cũng có lúc như thế thật, có lúc chúng ta ăn thịt gà thì cũng có lúc gà ăn thịt chúng ta, có điều những kẻ nào muốn đánh tráo con người thành gà vịt và gà vịt lại thành người, thì đích thị đó là một lũ gà vịt.

Chưa hết, khi tôi chụp xong các xác chết trong những căn phòng ở tầng một gồm sáu cái, đang lò dò leo lên tầng hai để chụp tiếp, thì một con lợn ỉ nặng khoảng chừng năm, sáu mươi cân, lông trắng ởn, mõm mép nhòe nhoẹt máu, mắt long lên sòng sọc, đang từ trên cầu thang gác huỳnh huỵch lao xuống, suýt đâm sầm vào tôi. Hú vía! Quá mù ra mưa, một sự phấn khích nghề nghiệp lạ thường đã giúp tôi bình tĩnh chụp hết năm xác ở tầng hai và leo hết các tầng, vào hết các phòng của ngôi trường khá đồ sộ này để ghi lại cảnh địa ngục trần gian giữa thanh thiên bạch nhật, một bằng chứng tố cáo tội ác diệt chủng ghê tởm bậc nhất thế kỉ hai mươi của bè lũ Pôn Pốt.

Với những thước phim có được chủ yếu là nhờ may mắn ấy, mấy ngày sau, tôi đã kịp gửi về in trên Báo Quân đội nhân dân một số tấm ảnh, mà tôi còn nhớ rõ đó là số báo Quân đội nhân dân ra ngày 1 tháng 2 năm 1979, ở trang cuối đã in bốn ảnh về nhà tù Tuôn Xleng của tôi, trong đó có ba chục xác chết, tôi tin rằng cho đến nay, đấy có thể là những tấm ảnh hiếm hoi, thậm chí chưa chừng là duy nhất về nhà tù Tuôn Xleng, mà bây giờ đã trở thành Bảo tàng Tội ác của chế độ Pôn Pốt, bởi ngay sau khi tôi chụp xong, tôi được biết là do tránh ô nhiễm, bộ đội ta đã buộc phải đem đốt và chôn hết các xác chết (ở ngay trong khuôn viên nhà trường, ai tới tham quan sẽ thấy). Tôi nói thế, vì ít lâu sau, có một nữ phóng viên Nhật Bản sang Campuchia để làm một cuốn album ảnh về nạn diệt chủng Pôn Pốt thì bà đã không tìm đâu ra các tấm ảnh cần thiết về nhà tù Tuôn Xleng, bà phải nhờ đến ông Bùi Tín, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tìm dùm, và ông này đã phải nhờ đến những tấm ảnh của tôi. Lúc trao ảnh cho bà người Nhật, ông Bùi Tín còn gọi tôi sang xem các tấm ảnh mà ông đã ghi rõ tên người chụp là tôi, ông còn nói vui: “Để trả công cho cậu về việc phải ngửi mùi xác chết!”.

Còn nhớ, đang bàng hoàng vì cảnh tượng địa ngục trần gian đúng nghĩa vừa tận mắt thấy giữa ban ngày, chúng tôi bước ra khu vườn phía sau thì gặp một nhóm trẻ em Campuchia, gồm bốn em (nghe nói năm nhưng đã chết mất một em), hai em còn phải bế trên tay, hai em cỡ sáu, bảy tuổi, trần truồng, gầy đét, ngơ ngác như gà con mất mẹ… Một em đang trong tình trạng yếu lả, nằm ngắc ngoải. Nhìn các cô bộ đội bạn đang bế các em mà lòng tất cả chúng tôi đều đau như cắt, chúng tôi phải quay mặt đi để giấu nước mắt…

Ngày hôm sau, tôi đến Trung đoàn 209, Sư 4, Quân đoàn 4 hỏi chuyện bộ đội, tiếp tục gặp gỡ cả quân và dân nước bạn, tiếp tục nghe và ghi lại không biết cơ man nào là câu chuyện về tội ác của bọn Pôn Pốt và thảm cảnh không thể tưởng tượng nổi của nhân dân Campuchia, nhật kí ghi kiểu tốc kí của tôi đã dày đặc, không thể gỡ hết ra đây, chỉ dẫn vài ba câu chuyện đủ sức cho mọi người hình dung ra tất cả thảm nạn diệt chủng này.

Câu chuyện của ông Cay Xỏn, 52 tuổi: Suốt mấy năm qua, mọi người phải làm việc suốt ngày, không bao giờ được nghỉ một ngày, bữa ăn thì chỉ có một chén cháo, đói quá, chặt cây chuối nấu cháo… Lấy vụng một cái bắp mà chúng nhìn thấy chúng cũng giết, không cần súng ống, cứ dao, cuốc mà bổ, giết xong chúng còn rạch bụng xác chết để dọa người khác. Trẻ con năm, sáu tuổi cũng phải gồng gánh, bị đánh đập như người lớn, ai chạy trốn giết ngay. Nhà ông thợ mộc tên Yla có tám con thì bốn đứa bị giết, tuổi từ hai mươi đến hai tám… Có nhà vô cớ bị chúng gọi đi bắn bỏ, năm, bảy người vứt chung vào một hố. Ông bảo chỉ muốn xin đi bộ đội để giết hết bọn chúng, già hơn năm mươi tuổi rồi, nhưng nếu cho vào bộ đội là vào ngay…

Đền Ăng Co – một kì quan của đất nước Campuchia – Ảnh: TL

 

Chị Hom Xôn, một phụ nữ có chút học vấn thì kể, chồng chị đã bị tên Hol giết chỉ vì cho là trí thức ăn hại, chị nói cứ ai biết chữ, có học là chúng giết bỏ, muốn sống thì tốt nhất là không nghe, không nói, không biết gì hết, như câm như điếc vậy may ra mới thoát…

Đang mải mê hỏi han và ghi chép chuyện của các nạn nhân người Campuchia thì thấy một chị trắng trẻo, trông khá xinh đẹp, dù ăn mặc cũng rách rưới, tôi liền hỏi chị mấy câu, và được biết chị là người Hoa, tên là Trần Lý Minh, làm công nhân xưởng dệt. Chị kể cuộc sống của công nhân vô cùng khốn khổ, có một gia đình công nhân bạn chị không chịu nổi khổ nhục, cả nhà bảy người đều tự tử bằng cách cứ hai người tự trói lại với nhau, cả trẻ con và người lớn, rồi cùng nhảy xuống sông Mê Công để chết! Chuyện thật của thế kỉ hai mươi đấy, không thể tin nổi! Chị kể, trước khi chết, ông bố Hoa kiều này còn gửi hai bức thư cho Mao Trạch Đông và Khiêu Xămphon, lên án tội ác ghê tởm ở Campuchia (cũng không hiểu ông ấy gửi bằng cách nào và có đến tay người nhận nổi không?).

Cuốn nhật kí ghi chép của tôi đã kín đặc chữ với lối ghi tốc kí, viết tắt, cô đúc quá mức, và năm tháng đã làm nhòe mờ gần như không đọc nổi, nhưng ấn tượng còn đọng lại trong tôi giờ này vẫn còn nguyên vẹn và chắc sẽ mãi mãi không phai mờ…

May thay, bên cạnh những câu chuyện đau lòng, tê tái và u ám như trên, trang nhật kí thỉnh thoảng lại lóe lên đôi dòng thật ấm áp, như khi nghe chuyện các chiến sĩ ta chiến đấu dũng cảm và khôn ngoan, cuối cùng đã đến kịp để giải thoát cho nhân dân nước bạn trong cơn nước lửa… Chẳng hạn câu chuyện của đồng chí Đào Quang Tuyến, trợ lí tuyên huấn Trung đoàn 209. Đơn vị anh đánh ở khu vực Bờ Ủi, một trận đánh ác liệt, các anh đã khôn ngoan luồn sâu sau lưng địch, vòng sau thị trấn Branhây suốt đêm, vận động chiến xa đến hai mươi cây số với binh lính, xe pháo kềnh càng mà quân địch không hề biết… Sở dĩ được như thế chủ yếu là do nhân dân bạn những nơi quân ta đi qua tìm cách che chở và giấu kín hộ. Bởi vì nhân dân Campuchia đã hoàn toàn không còn tin vào luận điệu tuyên truyền bôi nhọ Việt Nam nữa, đã nghe bao nhiêu điều tốt đẹp về quân tình nguyện và chỉ chờ bộ đội ta tới, càng mau càng tốt. Anh Tuyến kể: Đêm quân ta luồn sâu vào thị trấn Branhây, dân địa phương ra đứng đầy dọc theo hai bên đường, nhưng không dám vỗ tay vì sợ bộ đội ta bị lộ, chỉ có mấy nơi bà con đốt lửa leo lét để bộ đội biết là dân mà không bắn, còn bộ đội thì cứ nói khẽ với đồng bào: Đồng bào cứ yên trí, bộ đội không động đến dân đâu…

Với những dòng ghi chép ấm lòng này, tôi tạm biệt Phnôm Pênh quay về thành phố Hồ Chí Minh ăn cái tết xa nhà đầu tiên của thời bình (ở Việt Nam), để rồi ra tết lại theo trực thăng bộ đội bay lên Xiêm Riệp, đến kì quan Ăng Co với lòng háo hức vô cùng.

***

Nhật kí của tôi ghi rõ, tôi đến Xiêm Riệp vào ngày 4 tháng 2 năm 1979. Đây là địa bàn chiến đấu của Trung đoàn 271, Sư 2 (302), Quân tình nguyện Việt Nam.

Câu chuyện tham quan Ăng Co Vát, Ăng Co Thom và ấn tượng về kì quan thế giới này của Campuchia sẽ xin không kể ở đây, vì có kể bao nhiêu cũng không hết, tôi đã chưng cất tinh túy của những ấn tượng này vào bản trường ca Sông Mê Công bốn mặt, trong đó có hàng mấy trăm câu thơ của chương Khúc ca ru dưới bóng Ăng Co mà tôi đã gửi đến độc giả, thính giả và khán giả của các báo, đài nhiều lần, mà lần nào chính tôi cũng vô cùng xúc động.

Ở đây, chỉ xin gỡ ra từ nhật kí mấy câu chuyện, chi tiết hết sức chân thực, nhãn tiền và… rất lộn xộn về những gì đã và đang diễn ra lúc ấy của nhân dân Campuchia, ngay dưới chân của khu đền kì vĩ đã ngàn năm tuổi này.

Trước hết, trong những năm dưới chế độ Pôn Pốt, Ăng Co cũng đã trở thành một nạn nhân mang đầy thương tích, rất nhiều pho tượng và di tích quý báu đã bị bọn chúng đập phá, nhân danh cái thứ chủ nghĩa vô thần muốn xóa sạch quá khứ. Bọn chúng, cả Khơ Me Đỏ và quan thầy của chúng còn lén lút đào bới nhiều chỗ trong Ăng Co để tìm vàng. Còn với nhân dân thì chúng cấm không cho đến gần, và thực sự với cuộc sống khổ sai tù ngục, cũng không ai còn sức để vãn cảnh hay thăm viếng. Có cụ già kể, nhà cụ ở cách Ăng Co không xa, nhưng cả đời cụ chưa từng được đặt chân tới nơi này – một nghịch lí bi thảm.

Sau giải phóng Xiêm Riệp, chính xác là từ ngày 30 tháng 1 năm 1979, chính quyền mới đã mời nhân dân tự do đến thăm viếng Ăng Co. Tôi đã gặp một bà già vừa khóc rưng rưng vừa ôm pho tượng cụt đầu đưa xuống hồ tắm rửa. Mỗi ngày trung bình có ba đến bốn trăm người dân vào thăm Ăng Co, ai cũng ôm lấy các bức tượng như ôm lấy những người thân của mình lâu không được gặp mà khóc và đều thực hiện nghi thức tắm Phật rất thành kính.

Chứng kiến một cô gái Campuchia gầy gò, tong teo, áo quần đen nhẻm, xơ xác đứng bần thần bên bức phù điêu người vũ nữ Apsara tuyệt đẹp, khiến tôi ngay lúc ấy đã cám cảnh bật lên trong đầu hai câu thơ mà sau này tôi đưa vào một Khúc ca ru… dành tặng các cô gái Campuchia tủi cực, trong bản trường ca đã nói ở trên: Em hai mươi tuổi thì già/ Đá sao ngàn tuổi vẫn là trẻ trung.

Vâng, không thể chân thực hơn. Không phải tôi đang làm thơ, cuộc sống đã mượn lời tôi để thốt lên cái thảm cảnh điển hình của nhân dân Campuchia suốt bao năm dưới ách cai trị của bọn Pôn Pốt.

Chợt có tiếng trẻ con reo, tôi nhìn ra thì thấy mấy em bé chân đất đầu trần đang ngửa cổ nhìn lên ngọn tháp cao vút, trên ấy có mấy con bồ câu đang tha rác về làm tổ, những cọng rác nhỏ rơi lả tả xuống đầu lũ trẻ khiến chúng thích thú chạy theo đuổi bắt. Ôi, những đứa trẻ không nhà cửa, không gia đình, chúng tụ tập với nhau mượn mái đá Ăng Co làm mái nhà trú tạm qua ngày, trong khi những đôi chim bồ câu thì đang tha rác về để xây tổ ấm đoàn tụ của chúng… một đối cảnh giữa loài chim trời và con người thật đau lòng khôn xiết.

Vâng, những đứa trẻ không nhà, không cửa, không gia đình… tôi đã gặp khắp nơi trên đất nước Campuchia ngày ấy. Ấn tượng nhất là một buổi chiều trong sân một bệnh viện cũ của Xiêm Riệp, nơi bao năm bị bỏ hoang phế, các bác sĩ, thầy thuốc đã bị lưu đày hay giết gần hết, nghe đâu trong đó có một bác sĩ giỏi nhất vùng này, tu nghiệp ở nước ngoài về, ông bị bọn Pôn Pốt bắt truyền lại nghề cho chúng, xong việc chúng giết ông luôn, với lời tuyên bố là để “từ nay không còn ai giỏi nghề hơn bọn chúng nữa”… Vâng, ở trong cái mảnh vườn hoang ấy, tôi đã bắt gặp cả một đám trẻ con bơ vơ túm tụm với nhau, trong đó tôi nhìn kĩ một em, chừng năm, sáu tuổi, trần truồng, gầy như một bộ xương di động, đầu gối to hơn đùi, đầu trọc lốc không một sợi tóc, mắt lồi ra… em khoác một cái bao tải rách lững thững bước về phía chiều tà, nói bất nhẫn một chút, em như một xác chết sống lại, đang lần tìm về nấm mộ của chính mình… Ôi, bé con tội nghiệp của tôi, em đi về đâu, có mái nhà nào, bếp lửa nào và vòng tay nào đang chờ em ở cuối chân trời… Thú thực là tôi đã khóc trước cảnh ấy…

Lại nói tiếp chuyện trẻ con. Ở Xiêm Riệp có một con sông nhỏ, nghe nói xưa kia là sông do con người đào, để vận chuyển đá từ các dãy núi cao Cu Lên, Đăng Rếch về xây Ăng Co, dần dà trở thành một dòng sông thuyền bè ngược xuôi tấp nập. Xưa kia, lũ trẻ con vẫn ra sông câu cá, tắm mát, đùa ngịch rất vui… nhưng suốt thời gian cai trị, bọn Pôn Pốt không còn cho trẻ em ra sông câu cá nữa. Con sông không người trở thành một dòng nước chết. Từ sau hôm giải phóng, sông Xiêm Riệp lại tấp nập bà con tứ xứ đứng bên sông để chờ tìm cách xuôi dòng về quê. Tôi đã thấy mấy đứa trẻ ngồi bên sông thả cần câu, đợi cá. Ồ, vui quá, tôi liền đến đùa với một bé, kéo cần câu của nó lên xem có chú cá nào cắn mồi chưa, thì kinh ngạc thấy đầu cần là một sợi chỉ thẳng tuột, không hề có cái lưỡi câu nào, dĩ nhiên cũng chẳng có cả mồi câu… Thằng bé cười hì hì… và chạy vù đi, vui đùa với mấy nhóc bạn. Tôi chợt ngộ ra một điều giản dị mà sâu thẳm, rằng bọn trẻ con đi câu không chỉ để, thậm chí không phải chỉ để kiếm cá mà thôi – đơn giản, chúng đi câu là để chơi đùa, bởi với lũ trẻ, được đùa nghịch chính là điều quan trọng nhất, là món ăn nuôi chúng lớn lên. Thế mà bao năm, trên đất nước Campuchia này, những đứa trẻ không được phép chơi đùa, chúng không được phép làm trẻ con, chúng không hề biết đến một thứ trò chơi nào, ngoài cuốc cày, làm lụng và roi vọt. Tôi bỗng muốn cám ơn dòng sông vô hạn, như cám ơn một thứ đồ chơi thích thú kì lạ đối với lũ trẻ nơi đây. Và tôi quay đầu nhìn lại lâu đài Ăng Co ở phía sau, với những ngọn tháp vàng rực trong nắng chiều, giờ đây nhìn từ xa, tòa lâu đài hùng vĩ bỗng bé lại như một thứ mô hình xinh xẻo, hay đúng hơn, trông giống như một thứ đồ chơi khổng lồ, và trong đầu tôi lại bật lên mấy câu thơ mà sau này tôi đã vô cùng tâm đắc để đặt vào trong một Khúc ca ru… khác, khúc ca ru dành cho các em bé Campuchia đói khát, bơ vơ:

  Ước gì nhặt lấy Ăng Co
Bỏ vào trong túi làm đồ em chơi
Để khi em ngủ say rồi
Đá xòe mái đá che trời cho em…

Chính vì sự thật bi thảm của 3 năm 8 tháng 20 ngày sống dưới chế độ Pôn Pốt và không khí giải phóng như một trận mưa rào sau nắng hạn mà Quân đội cách mạng Campuchia và Bộ đội tình nguyện Việt Nam mang lại, mà bất cứ nơi đâu đi qua, tôi đều được nhân dân và bộ đội bạn ôm lấy mà kể lể muôn vàn câu chuyện bi thương và cảm động. Ngay dưới chân Ăng Co này cũng vậy…

Đó là câu chuyện của sư ông Tếp ở chùa Xvai, người đã từng phải bỏ chùa bốn năm, về đi cày cho công xã, tóc đã mọc xõa dài, nay mới lại được tự do trở lại tu hành, ông cứ xuýt xoa nói: “Thế giới đâu, đến đây mà xem, Pôn Pốt, Yêng Xary nói Việt Nam xấu như thế, mà Việt Nam lại tốt như thế”. Ông còn cười nói: Phụ nữ Campuchia xưa vốn người đẹp, ăn mặc đẹp mà bây giờ thân tàn ma dại. May có Việt Nam đến cứu kịp. Ông bảo già rồi nhưng cũng rất muốn xung phong đi bộ đội… Mà không chỉ mình sư ông, nhân dân cả vùng này đều nhất tề xin đi bộ đội để đánh bọn Pôn Pốt. Sư ông còn cho biết là nhân dân bây giờ rất thích nghe nói chuyện chính trị – “chuyện chính trị”, ông nói đúng như vậy – vì bà con thấy chính trị cách mạng là thiết thân, là cơm áo, có nơi ngồi phơi nắng cả ngày nghe bộ đội nói chuyện mà không biết chán, như ở Phum Puốc ấy…

Nhiều bà con đứng bên đường đón bộ đội tình nguyện đi qua, rất muốn hỏi thăm quê hương, tên tuổi, đơn vị… nhưng vì không biết tiếng Việt nên chỉ ôm lấy mà khóc, nói được mỗi từ “thương lắm…”. Có bà cụ chín mươi tuổi, khi bộ đội sau mấy ngày ở cùng, chia tay lên đường thì giữ chặt một anh bộ đội, nói “con đừng đi nữa, ở với má, má nuôi, con đi má buồn lắm”. Thấy có anh bộ đội mặc áo rách, các bà các chị cứ bảo “lấy vợ đi, người ta khâu cho”. Có bà cụ bị mù, bảo “không nhìn thấy, nhưng nghe giọng dễ thương lắm, thương hết lòng”. Dân ở Phum Liêngđay (vùng Bà Đá, nơi có chùa Bantia Xơrây nổi tiếng) nhất tề truyền nhau câu nói mà tất cả Bộ đội Việt Nam chúng tôi ai nghe cũng vô cùng cảm động, ấy là câu: “Bộ đội đẻ ra dân lần thứ hai – Bộ đội Việt Nam là linh hồn của dân Campuchia”…

Quả thực, sổ tay của tôi đã ghi đầy những câu nói ấm lòng như vậy, nhưng ngòi bút của tôi đã bất lực, những tấm lòng của nhân dân Campuchia đối với Bộ đội tình nguyện Việt Nam thật không bút nào ghi kịp, ghi hết được, chỉ xin xác thực một lần nữa bằng lời kể của chính phía Bộ đội Việt Nam, đồng chí Vũ Công Thắng, Trung đội trưởng Trung đội 3, có lẽ thuộc Trung đoàn 66, Sư 10, Quân đoàn 3, đơn vị giải phóng vùng Ăng Co(?), một chàng trai quê ở Thái Bình. Trong đêm nằm mắc võng bên tôi ở sân bay Xiêm Riệp, anh đã vui vẻ kể bao chuyện cho tôi nghe, xin ghi lại vài chuyện:

Anh em ta bây giờ rất khoái đi truy quét bọn tàn quân, vì được dịp xuống cơ sở, tức là về với dân, hôm nào cũng đi từ mờ sáng, đêm nào cũng khuya mới về vì vui quá, dân không cho về. Dân mời ăn thì nói đùa “Việt Nam – Campuchia – xamakhi – xi bồ hóc” (Việt Nam – Campuchia – đoàn kết – ăn mắm bồ hóc!), còn các chị thì tíu tít khuân dừa ra, luôn miệng mời “boòng hụp tức đôn” (anh uống nước dừa đi). Dân Campuchia rất cẩn thận, trân trọng với mái tóc, (vào nhà bà con cứ thấy có tóc dắt quanh tường, để dâng Phật), nhưng hễ thấy bộ đội Việt Nam dừng chân là lại bế trẻ con ra nhờ các chú cắt tóc cho, rồi bắt bộ đội hôn trẻ con để lấy phước khiến nhiều anh bộ đội trẻ xấu hổ, đỏ cả mặt. Dân mang cho bộ đội không thiếu một thứ gì, có gánh cũng không xuể… Có gia đình có hai con gà “tích tích” (gà con) cũng bắt bộ đội mang đi một con cho bằng được, nếu không lại giận. Hễ bộ đội xuất hiện ở đâu là bà con kéo đến kín đặc, từ vài người đến vài trăm người. Đồng bào nói nếu bộ đội đến chậm mấy ngày thì dân chết hết rồi, bọn chúng đã đào huyệt sẵn, bảo “giết hết không cho chúng mày sống mà theo Việt Nam”, hễ ai biết nói tiếng Việt là chúng giết ngay. Đáp lại tình cảm của nhân dân, tôi biết có anh bộ đội trẻ nhà mình cũng nghịch ngợm, bày tỏ tình yêu thắm thiết của mình với các cô gái và bà con nước bạn nói chung bằng một câu thơ lục bát nửa tiếng Việt, nửa tiếng Campuchia, tiếc là tôi quên mất câu lục trên, chỉ nhớ câu bát dưới là “boòng mơ tích tích, boòng xro lanh chà rờn” (anh nhìn chút chút, nhưng anh thương nhiều…”. Chết cười!

Còn rất nhiều chuyện buồn vui nữa về đất nước và con người Campuchia mà tôi đã gặp trong hai tháng 1 và 2 năm 1979 ấy, nhưng thôi, kể bao nhiêu vẫn là những câu chuyện về một đất nước đã rơi vào thảm họa diệt chủng kinh hoàng và đã vùng lên, với sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của Bộ đội Việt Nam, lật đổ ách cai trị tàn bạo, từng ngày từng giờ đang hồi sinh, xây dựng lại cuộc sống mới hạnh phúc trên cái nền tang thương của quá khứ chưa xa.

Chi tiết cuối để tạm kết lại bài viết còn sơ sài này tôi muốn dành để nhớ lại hình ảnh đầy tính biểu tượng của chị Von Xavay, nữ nghệ sĩ cung đình, chuyên múa điệu Apsara nổi tiếng của Campuchia, khi tôi may mắn được gặp chị ở Việt Nam, chỉ mấy tháng sau khi rời Campuchia. Sau câu chuyện về thảm cảnh của những trí thức, nghệ sĩ Campuchia trong những ngày sống dưới chế độ Pôn Pốt, bị hành hạ, lao động nặng nhọc quần quật và đói ăn khát uống như thế nào, khi nghe tôi tò mò hỏi về tư thế tay của người vũ nữ múa Apsara trong những phù điêu ở Ăng Co, gương mặt chị bỗng nhiên sáng bừng lên, không cần lí giải gì nhiều, chị đột nhiên dịu dàng đưa hai bàn tay, cánh tay lên để thay lời miêu tả… Chao ôi, không, trước mắt tôi bấy giờ không còn thấy đâu đôi tay sần sùi đầy sẹo với chai của một người nông dân lam lũ hôm nào trên cánh đồng, đó là hai cánh của một đóa hoa sen đang xòe ra trước mắt tôi, mềm mại và nuột nà, trên hai cánh sen hồng tươi đó, một làn hương vô hình tỏa ra thơm ngát… Đứng trước người con gái Campuchia bé nhỏ, yếu ớt mà mang trong mình sức mạnh vô biên của cái đẹp ấy, tôi đã ngộ ra rồi, một đất nước, một dân tộc đã sản sinh ra một vẻ đẹp kì diệu như điệu múa Apsara, một đất nước đã làm nên một kì quan vĩ đại như Ăng Co, đất nước đó nhất định sẽ vượt qua tất cả mọi kiếp nạn, nhất định sẽ hồi sinh và trường tồn.

Vâng, chúng ta tin chắc như vậy.

12 tháng 6 năm 2017
A.N

Văn nghệ quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài