Âm thanh quá đỗi quen thuộc với dân Hà Nội từ đầu thế kỷ trước đã trở thành danh từ để gọi tàu hỏa hơi nước. Nó là phương tiện vận tải phổ thông rẻ tiền nhất phù hợp với số đông dân chúng cả thành thị lẫn thôn quê. Tất nhiên chỉ những vùng có tàu hỏa đi qua. Mạn Tây Bắc từ Cao Bằng sang Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xuống đến tận Hòa Bình không có tàu hỏa.


Ảnh minh họa: Internet


Chẳng hiểu vì sao ta quen gọi là tàu hỏa Bắc – Nam mà không phải là ngược lại. Kể cả trong văn bản hành chính cũng đều dùng cụm từ này. Tàu hỏa hơi nước lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam là vào năm 1881 khi người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho dài 70km. Chuyến tàu đầu tiên vào năm 1885 còn phải vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà ở Bến Lức. Đường sắt Bắc – Nam mãi đến tận năm 1936 mới được xây dựng. Nghĩa là tàu hỏa và đường sắt có mặt ở miền Nam trước khi có tuyến đường sắt Bắc – Nam năm chục năm có lẻ.


Mới chỉ vài chục năm thôi, trước năm 1993 ở Hà Nội nói đến tàu hỏa có nghĩa là đầu máy hơi nước. Tàu hơi nước chạy qua Hà Nội một quãng dài từ Ngã Tư Vọng lên đến đầu cầu Long Biên. Đó là một công trình kỳ vĩ đầy mê say của lũ trẻ Hà Nội nhiều thế hệ. Chiếc đầu máy hơi nước với thiết kế khỏe khoắn để lộ gần hết phần cơ khí ra bên ngoài sơn màu đen đỏ trắng tuyệt đẹp. Những bánh xe khổng lồ có vành thép bán nguyệt đối trọng. Những tay đòn lớn đan chéo nhau nhịp nhàng chậm rãi. Miệng lò than trong khoang lái lúc nào cũng rực hồng hắt lên gương mặt bóng loáng của những công nhân lái tàu. Những chiếc xẻng xúc than mòn vẹt sắc lẻm. Bình hơi chính khổng lồ án ngữ trên đầu máy là nơi lũ trẻ đặt ra nhiều câu hỏi nhất. Có thật nó là chiếc nồi to nhất thế gian? Nhiều đứa còn cho rằng hơi nước phụt ra là để đẩy cả đoàn tàu đi. Mãi về sau lân la hỏi các bác lái tàu mới biết chẳng có một cái nồi nào cả. Nước được đun bằng các ống thép chạy vòng vèo trong ấy.


Tàu hỏa hơi nước là một đồ chơi kỳ thú sống động của trẻ con ở phố. Nhiều đứa trốn học ra các điểm chắn tàu Nguyễn Khuyến, Điện Biên Phủ, Trần Phú đón xem các chuyến tàu qua lại. Chúng dỏng tai nghe đến thuộc lòng các hiệu còi tàu vọng ra từ ga Hàng Cỏ. Có thể biết chính xác lúc nào thì tàu chuyển bánh. Nghển cổ ngóng vào trong ga đón xem những đợt khói trắng đầu tiên phả lên nền trời. Và tiếng xình xịch bánh sắt chậm rãi nhịp nhàng tiến lại gần. Vài đứa hiếu kỳ hơn còn leo lên cầu vượt Khâm Thiên để nhìn tận mắt vào trong cái ống khói khổng lồ hì hục nhả hơi ướt mèm.


Những ngày hè rỗi rãi, lũ trẻ đi men theo đường sắt từ quãng Trần Phú lên cầu dẫn Phùng Hưng. Cây cầu dẫn đường sắt được xây dựng cùng với cầu Long Biên còn y nguyên dáng vẻ mềm mại uy nghi với hàng lan can thép uốn hình số 8 liên tiếp qua hết cây cầu. Những mố cầu xây đá hộc kiểu vòm mái vững chãi chạy vòng quanh khu phố cổ sầm uất Phùng Hưng, Cửa Đông, Hàng Vải, Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Giấy, Nguyễn Thiếp, Hàng Đậu. Đi bộ trên cầu dẫn có thể nhìn bao quát toàn cảnh những ngói nâu tường cũ một thời Hà Nội cổ kính êm đềm. Người ở xa về ngồi trên tàu hỏa cao hơn nhìn xuống vô cùng choáng ngợp với ánh đèn lộng lẫy giăng mắc khắp thành phố. Ngày ấy những miền quê từ Gia Lâm trở ra hầu như tối om trên suốt hành trình từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai. Những năm chiến tranh trên toa tàu khách cũng chỉ có vài ngọn đèn bão treo dưới giá để hàng. Lúc thắp, lúc hết dầu khói bay cay mắt.


Những năm chiến tranh có vài trường đại học sơ tán lên vùng núi phía Bắc dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, như: Trường Xây dựng, Kiến trúc, Sư phạm, Tài chính, Quân sự… Tàu hỏa là phương tiện duy nhất của sinh viên Hà Nội. Sinh viên thường mua vé tàu cho đến hết học kỳ đầu tiên năm thứ nhất. Những năm còn lại là đi nhờ. Nhảy tàu xuống chỗ chắn Trần Phú, Điện Biên Phủ. Hình như những người lái tàu cũng biết điều đó và họ giúp đỡ sinh viên nghèo bằng cách luôn giảm tốc độ khi về đến đấy.


Tiếng tàu hỏa tu tu xình xịch quen thuộc đến mức có cô gái ngoại thành vào Hà Nội tìm đến một ông lang nổi tiếng ở Bờ Hồ khám bệnh. Cô gái khai bệnh lúc nào cũng nghe như có tiếng tu tu xình xịch trong đầu. Ông lang giữ cô lại chữa trong vòng một năm. Bệnh khỏi. Cô có thêm một em bé và ở lại luôn trên phố. Dân phố có thêm thành ngữ “Tu tu xình xịch” để chỉ những phụ nữ nhập cư lỡ làng.


Tàu hỏa hơi nước biến mất từ năm 1993. Thành phố luyến tiếc âm thanh thân thương của nó suốt gần một thế kỷ. Không còn tiếng “tu tu xình xịch” nữa. Những phụ nữ lỡ làng giờ cũng gọi là bà mẹ đơn thân. Dịch ra tiếng Anh là Single mom.


Nguồn SGGP