Sartre đã mổ xẻ tuổi thơ mình thành thực đến trần trụi bằng ngòi bút sắc sảo của một nhà văn tuổi lục thập, để giải mã câu hỏi lớn: Điều gì đã đưa ông đến với nghiệp văn chương?
Có mặt tại buổi ra mắt cuốn Ngôn từ tại Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Chắc hẳn tất cả mọi người học văn không ai chưa từng nghe tên Jean-Paul Sartre, ông tổ của triết học hiện sinh và dòng văn học dấn thân.”
Độc giả Việt Nam biết đến bậc thầy tư tưởng người Pháp này qua tiểu thuyết nổi tiếng Buồn nôn, luận văn Thực tại và hư vô, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, tiểu thuyết Những con đường tự do, kịch Cô gái điếm lễ độ, tập truyện Bức tường đóng kín…
Ngôn từ là cuốn sách mới nhất của ông được xuất bản tại Việt Nam, bản dịch của nhà văn Đoàn Anh Thuận và dịch giả Lê Ngọc Mai. Tác phẩm được viết khi Jean-Paul Sartre bước sang tuổi lục tuần nhìn lại và phân tích 12 năm đầu đời của chính mình, trong bối cảnh phức tạp của thế giới giai đoạn giữa Cách mạng Tháng Mười Nga và Thế chiến thứ nhất.
Dấu mốc quan trọng tiếp theo trong cuộc đời ông là trận ốm nặng năm lên bốn tuổi và tuổi thơ cô độc, không bạn bè. Bù lại, được nuôi dạy trong gia đình có ông ngoại là thầy giáo ngoại ngữ, cậu ruột từng đoạt giải Nobel nên từ nhỏ Sartre đã đọc và “làm bạn” với Montaigne, Descartes, Pascal, Flaubert, Hugo,… Mọi người xung quanh đều khen ngợi Sartre là thần đồng văn chương và gieo vào đầu ông suy nghĩ theo đuổi nghiệp viết trong tương lai.
Đặc biệt, Ngôn từ không chỉ làm nhiệm vụ tái hiện chân dung nhân vật của một cuốn tự truyện thông thường, mà còn cho thấy sự hình thành của một nhà văn, cũng như lý do Sartre thay đổi quan niệm về văn chương. Cuốn sách có thể coi như lời giã biệt thứ văn học trưởng giả, xa rời đời sống nhân dân của Sartre để chuyển sang văn học dấn thân, nhập cuộc.
Sartre viết: “Văn hóa chẳng cứu vớt được gì cũng chẳng cứu vớt được ai, nó không bào chữa được. Nhưng đó là một sản phẩm của con người: con người tự chiếu mình vào đó, nhận ra mình trong đó; duy nhất chỉ có nó, tấm gương phê phán ấy cho con người thấy hình ảnh của mình.”
Buổi ra mắt cuốn sách tại Trung tâm văn hóa Pháp với sự tham gia của nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên cho rằng, Ngôn từ thể hiện khát vọng thành thực mãnh liệt của Sartre, khát khao được bày tỏ con người và mong muốn mà không ngại va chạm hay định kiến xã hội. Sartre đã đứng tách mình khỏi cậu bé là chính ông ngày xưa để phân tích, mổ xẻ và viết nên bản kiểm thảo chân thực nhất về đời mình.
Tuy là một cuốn sách kinh điển, kén người đọc nhưng từng lớp độc giả khác nhau sẽ tìm được cách đọc Ngôn từ khác nhau. Độc giả có thể đọc để cảm nhận một phong cách văn chương với mạch logic chặt chẽ, giọng điệu dí dỏm hay tìm hiểu cách triết gia trải nghiệm, suy ngẫm lại những năm tháng đầu đời của mình. Cũng có những người đọc sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ trở thành thành thần đồng, giống như Jean-Paul Sartre
Theo Thiên Trang
Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài