Có bằng cấp, học vị, Từ Tắc Thần (Xu Zechen) không lấy giới trí thức làm nguồn cảm hứng mà chọn viết về những thân phận ở đáy cùng xã hội. Tác phẩm của nhà văn này mang đến tiếng nói riêng cho thế hệ người cầm bút ‘sau 1970’ ở Trung Quốc.
Những nhà văn “hậu 1970” ở Trung Quốc từ lâu được xem như thế hệ bị phủ mờ trên văn đàn Trung Quốc. Thế hệ này chưa có được ánh hào quang của những tượng đài văn học sinh ra trong những năm 1950-1960, cũng không đình đám, thành công về mặt doanh thu, có tầm ảnh hưởng đến độc giả trẻ như các cây bút 8X.
Nhưng với Từ Tắc Thần, một nhà văn sinh năm 1978, sự khác biệt nói trên càng khiến cho người cầm bút thuộc thế hệ anh “cảm thấy kiên nhẫn hơn để làm việc cực nhọc trong im lặng”.
Nhà văn Từ Tắc Thần.
Sống và làm việc tại Bắc Kinh, Từ chọn trở thành nhà văn để đưa thêm tiếng nói về những phận người trong một đô thị rộng lớn, vốn đang lặng lẽ đấu tranh với cuộc mưu sinh.
Những nhân vật như thế đã xuất hiện trong tiểu thuyết Running Through Zhongguancun của anh (Tạm dịch: Băng qua Trung Quan Thôn), khiến tác giả này trở nên nổi tiếng. Anh viết tác phẩm này vào năm 2006, nói về chuyện tình yêu của một người bán đĩa DVD lậu tên là Đôn Hoàng (Dun Huang). Truyện sẽ được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu rộng rãi hơn.
Xuất thân là người nhà quê, Từ Tắc Thần luôn thấy gắn bó với những thân phận nhỏ bé, thiệt thòi, nghèo khó. Từ đó, anh đưa họ vào trong trang viết.
Lớn lên ở vùng quê Đông Hải, tỉnh Giang Tô, cả tuổi thơ của Từ là chuỗi ngày rong ruổi đi chăn thả gia súc, trồng lúa và lang thang ngoài đồng…
Anh chỉ bắt đầu đọc sách một cách nghiêm túc từ khi đi học trung học. Những cuốn sách anh đọc thường là đi thuê hay mượn từ các bạn cùng lớp.
Anh còn nhớ như in cảm giác đọc đi đọc lại cuốn Vòng đời vây bủa của nhà văn nổi tiếng Tiền Chung Thư và cuốn Tess of the D’Urbervilles (Tess nhà d’Urbervilles) của Thomas Hardy. Những cuốn sách đã nuôi dưỡng tình yêu văn chương của anh.
Muốn trở thành một luật sư nhưng giấc mơ này tan tành khi Từ làm bài thi đại học không tốt. Anh đành chọn học ngành Văn học Trung Quốc tại một cao đẳng ở quê nhà. Lúc ấy, điều này khiến annh cảm thấy cực kỳ thất vọng.
“Ngày này sang ngày khác tôi đọc sách như ngấu nhiến nhưng vẫn không biết thật sự mình muốn làm điều gì trong đời”, anh nhớ lại giai đoạn đó.
Ý tưởng muốn trở thành một nhà văn đến với Từ vào một buổi chiều hè năm 1997, khi anh vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết Family Clan của Trương Vĩ.
“Tôi quá háo hức khi nhận ra rằng: trở thành một nhà văn thì tuyệt vời xiết bao”, anh nói. “Một nhà văn giỏi có thể chuyển tải tất cả những gì bạn muốn nói theo một cách đúng đắn và tuyệt vời”.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng và ở lại trường làm công việc giảng dạy, Từ bắt đầu viết lách và có sách xuất bản. Vùng quê nhỏ đi vào thế giới văn chương của anh trong loạt truyện Đường hoa (“Flower Street”).
Là một nơi được lát đá xanh nằm bên bờ một dòng kênh, Đường hoa là con đường hư cấu, làm bối cảnh cho những câu chuyện bình dị của cuộc sống mà Từ sáng tạo nên. Con đường của này cũng mang âm hưởng của vùng đất hoàn toàn hư cấu kiểu như “quận Yoknapatawpha” của tiểu thuyết gia Mỹ William Faulkner hay “Macondo”, một thị trấn trong trí tưởng tượng của đại văn hào Garcia Marquez.
Năm 2002, Từ nghỉ việc và đến Bắc Kinh để tiếp tục theo đuổi việc học. “Tôi quyết định như thế bởi vì ý tưởng bỏ đi và khám phá thế giới lúc nào cũng luẩn quẩn trong tâm trí tôi trong suốt nhiều năm trời”, anh nói.
Tại Bắc Kinh, Từ lấy bằng thạc sĩ ngành văn học Trung Quốc, và hiện tại, anh là biên tập viên của tạp chí Văn học Nhân dân.
Nhưng Bắc Kinh với tác giả này không chỉ có thế. Sống ở đây, anh kết giao với những người bán rong đĩa DVD lậu, và người làm giả giấy tờ, văn bằng. Anh cùng sống lén lút với họ khắp nơi ở Trung Quan Thôn cũng như mọi ngóc ngách của thủ đô.
Và những người công nhân, làm thuê, bán hàng rong, tội phạm… trở thành nhân vật trong trang viết của Từ. Anh bộc bạch, càng viết càng cảm thấy công việc này có ý nghĩa dường nào với bản thân mình.
Anh xem Bắc Kinh là một ví dụ tiêu biểu cho những đô thị trung tâm đang đương đầu với các vấn đề thành thị hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
“Trang viết của tôi trở thành một phương tiện để tôi khám phá các vấn đề này, những vấn đề mà tôi đặc biệt quan tâm”, anh nói.
Với Từ Tắc Thần, Trung Quan Thôn chứa đựng trong nó những đặc điểm của một vật mẫu hoàn hảo, nơi mà đủ mọi loại người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội tụ hội về. Nơi này ở Bắc Kinh vốn được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của Trung Quốc với các chợ điện tử giá rẻ và tập trung nhiều trụ sở đầu não ngành công nghệ cao.
“Thật không cường điệu khi nói rằng nếu chúng ta hiểu được Trung Quan Thôn, chúng ta có thể hiểu về Bắc Kinh và phần còn lại của đất nước”, nhà văn chia sẻ.
Với tác giả này, thực tế xã hội ấn tượng diễn ra mỗi ngày ở Trung Quốc là nguồn chất liệu dồi dào cung cấp cho các nhà văn nhiều vấn đề thú vị để nghiền ngẫm và sáng tác.
“Tôi hài lòng khi ghi lại qua trang viết của mình những gì thế hệ chúng tôi cảm thấy về thời đại mình đang sống”, anh nói.
Hiện tại, Từ Tắc Thần đang viết một tiểu thuyết nói về nỗi khắc khoải, lo âu trên hành trình mưu cầu cảm giác an toàn và sự yên bình nội tại của thế hệ sau 1970 ở Trung Quốc.
Nguồn: eVan.