Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa – Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.

Giáo sư Lê Đình Kỵ – Ảnh: internet

GS, NGND Lê Đình Kỵ và người bạn đời, cô giáo Ngô Kim Long – Ảnh: tuanvietnam

Thầy đi chầm chậm, lâu lâu lại dừng bước để chờ một phụ nữ trẻ đi sau có hai bím tóc buông dài. Một anh trong ban cán sự lớp – những người đứng tuổi “thạo chuyện” hơn bọn trẻ đưa tay về phía Thầy và reo lên: “Thầy Lê Đình Kỵ kìa. Thầy Lê Đình Kỵ và vợ thầy đấy!”. Chúng tôi nhìn theo. Tôi thầm so sánh: vợ thầy trẻ hơn thầy nhiều. Sau này, từ nơi sơ tán trở về Hà Nội, có dịp lên thăm Thầy trong một căn phòng nhỏ tại tầng 3, nhà C1 – Ký túc xá Mễ Trì, tôi mới biết vợ Thầy tên là Long, tôi gọi là cô Long – và hai bím tóc dài cũng không còn…

Tôi nhớ, dáng thầy thấp đậm, gương mặt ưu tư, trầm lặng. Thầy nói năng nhỏ nhẹ cứ như vừa nói vừa tự lắng nghe mình. Thầy ít cười nhưng khi cười lại rất tươi, ánh mắt xa xăm, lấp lánh… Theo chân bạn bè, thỉnh thoảng tôi lên thăm Thầy và lặng lẽ quan sát. Trước thì không rõ, nhưng từ khi biết thầy – cả thời sinh viên và sau này là cán bộ giảng dạy – tôi thấy “châu tuần” quanh thầy không phải là các hoa khôi, những bóng hồng xinh tươi trong nữ sinh viên mà là một “đám đười ươi thi sĩ” của khoa với những nét lập dị từ trang phục, dáng điệu đến “phát ngôn”. Thầy đón tiếp họ cởi mở, thân mật, và họ cũng nói năng với thầy hào hứng say sưa và “rất dân chủ”. Họ đọc thơ, lúc mắt lim dim, đắm đuối, lúc thầm thì, có lúc lại gào lên, khoa chân múa tay như diễn viên đang vào vai trên sân khấu. Thầy chăm chú lắng nghe và “chịu trận” một cách vui vẻ.

Tôi nhớ, mãi đến năm thứ 4 chúng tôi mới được học chuyên đề: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du – một chuyên đề đã được in thành sách, rất hấp dẫn, nói một cách giản dị là đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán. Đó là cảm tưởng chung của rất nhiều người, không chỉ đối với “dân văn”. Chị Sinh – tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế kế hoạch, vợ thầy Lê Chí Dũng – thời đó là cán bộ giảng dạy trẻ của khoa Ngữ văn cùng thế hệ với thầy Lê Chí Quế, thầy Nguyễn Thiện Giáp, thầy Đinh Xuân Dũng… là một “fan” như thế. Vì thầy Dũng là giáo viên chủ nhiệm, lại là đồng hương Quảng Bình nên thỉnh thoảng tôi xuống nhà thầy chơi. Có lần tôi thấy chị Sinh cầm trên tay cuốn Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, vừa đọc, chị vừa khen nức nở: “Thu ơi, sao anh Kỵ viết hay thế! Chị đọc nhiều lần rồi, càng đọc càng thích; đọc đến đâu, hiểu và thấy hay đến đó. Anh Kỵ tài thật”. Đang hào hứng, bất chợt chị bâng khuâng, giọng trầm hẳn xuống: “Lương anh Kỵ bây giờ là mỗi tuần có thể mua một con gà để cải thiện em nhỉ?”

Bên cạnh chuyên luận nổi tiếng một thời đó, Thầy còn viết giáo trình lý luận văn học: Phương pháp nghệ thuật – 1962, Cơ sở lý luận văn học – 1971, 1984, viết tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học: Đường vào thơ, 1969, Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, 1988, Thơ mới – những bước thăng trầm, 1989 v.v… Sở trường và ưu thế của thầy là nghiên cứu, phê bình thơ. Viết về tác giả nào, dù già hay trẻ, dù đã thành danh hay mới chập chững trình làng; từ Tố Hữu đến Phạm Tiến Duật, từ Chế Lan Viên đến Thái Giang, từ Tế Hanh đến Lưu Quang Vũ… (Đường vào thơ), Thầy đều toàn tâm toàn ý, viết với tất cả suy nghĩ và tình cảm, cả sự sáng tỏ của tư duy và nhạy cảm của trực giác. Các công trình của thầy luôn mang tính phát hiện bởi lối viết tài hoa, tinh tế mà vô cùng sâu sắc. Đặc biệt, thông qua những chân dung tiêu biểu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê… (Thơ mới – Những bước thăng trầm), giáo sư Lê Đình Kỵ đã làm sống lại một thời đại thi ca rực rỡ, có một không hai trong dòng chảy của thơ Việt thế kỷ XX.

Có lẽ vì sống thiên về nội tâm nên bài giảng của thầy “đạm chứ không nồng”, hoặc thầy cố dẫn dắt người nghe – sinh viên – vào chiều sâu của nội dung vấn đề mà ít quan tâm đến sự sôi nổi, hoặc một cái gì đó hơi thiên về hình thức của đối tượng sinh viên “trẻ tuổi và trẻ lòng”, nhiều khi chỉ chú ý đến cách ăn mặc, điệu bộ của thầy hơn là nghe giảng. Học môn của thầy Kỵ, nếu tập trung lắng nghe, mở rộng “tầm đón đợi”, sẽ gặt hái được rất nhiều điều bổ ích, mới lạ. Chẳng hạn, khi giảng Truyện Kiều, đến đoạn Nguyễn Du mô tả cặp đôi “quốc sắc thiên tài” là Kim Trọng và Thúy Kiều gặp gỡ, tự tình, đến câu thơ “Kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu” Thầy dừng lại rất lâu để cắt nghĩa, lý giải cho hết cái hay, cái khéo của Nguyễn Du trong việc khắc họa bức chân dung một cặp tình nhân say nhau đến độ đắm đuối, (có dấu hiệu “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”). Theo Thầy, một người con gái đoan trang khi ngồi đối diện với người đang si mê mình, thì khi người nam đã “cúi nhìn tận mặt” thì người nữ phải “e cúi đầu” chứ lúc ấy mà lại “trừng trừng nhìn lên” thì chẳng ra làm sao!”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên những lời phân tích hài hước nhẹ nhàng mà thấm thía đó của thầy. Và tôi “ngộ” ra rằng: đúng là Nguyễn Du đã chọn cho nhân vật Thúy Kiều ở những khoảng khắc thời gian đó và trong không gian tình tự đôi lứa đó một tư thế rất duyên dáng, rất đậm màu Á Đông.

Dạo tháng 12 năm 1976, nhờ sự thu xếp của giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Lai, lúc đó đang giảng dạy tại một trường đại học ở Cộng hòa dân chủ Đức, thầy có một chuyến xuất ngoại trong khoảng thời gian không đầy một tháng. Lúc đó tôi vừa kết hôn và đang gặp khó khăn về chỗ ở. Thầy gọi tôi lên và nói: “Đời người chỉ có một lần. Cậu lên nhà mình mà ở cho sáng sủa, rộng rãi. Mình đi Đức chừng ba tuần. Trong thời gian đó chắc ký túc xá và phòng hành chính sẽ thu xếp xong chuyện nhà cửa cho cậu”. Tôi hết sức bất ngờ, chỉ biết cúi đầu cảm ơn thầy để dấu những giọt nước mắt sắp trào ra… Ở Đức về, nhìn lại căn phòng, Thầy cám ơn tôi đã dọn dẹp, lau chùi đồ đạc hộ thầy. Cúi xuống gầm giường, Thầy chợt nói: “Ồ, cậu giặt hộ mình bộ quần áo rồi à? Lần trước đi miền Nam mình cũng ngâm vào chậu một bộ như thế, đến lúc lấy ra thì đã mục bủn cả rồi”. (Lúc này, cô Long đã chuyển vào Sài Gòn, thầy sống ở Hà Nội một mình). Thầy kể là sang Đức có mua được mấy chục chiếc nan hoa, mừng lắm vì mặt hàng này trong nước rất khan hiếm, nhưng không ngờ nó lại là nan hoa xe thiếu nhi (hình như hồi đó chưa gọi là xe mi-ni), mà mình lại không có loại xe này. Đoạn, thầy lấy một quả “táo tây” hồng hào, thơm nức, cẩn thận bổ ra làm nhiều miếng, đặt vào một chiếc đĩa với lời mời “giàu chất thơ” và “rất có cánh”: “Mời cậu, một chút hương vị từ Xêbêria xa xôi…”. Đó là thứ trái cây cao cấp nhất mà tôi được thưởng thức vào thời điểm ấy. Và cho tới bây giờ, tôi chưa thấy có một quả táo nào thơm ngon đến thế!

Tôi nhớ, thầy Lê Đình Kỵ sống rất chân thật, giản dị, xa lạ với những gì là hình thức, màu mè, phù phiếm. Tuy ngắn ngủi nhưng thời gian mới ở lại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp, được thầy tận tình chỉ bảo, tôi chập chững bước những bước đầu tiên để vào cái nghề mà bây giờ tôi rất yêu nhưng hồi đó chỉ thấy sợ. Buổi dự giờ đầu tiên để lấy ý kiến nhận xét về bài giảng của tôi là sự hiện diện của những tên tuổi lớn: giáo sư Hoàng Như Mai, giáo sư Lê Đình Kỵ, giáo sư Phan Cự Đệ, giáo sư Hà Minh Đức… Từ trên bục giảng nhìn xuống, tôi “tim đập chân run”, nói năng ngập ngừng, ấp úng. Sau giờ giảng thầy Hoàng Như Mai nói nhỏ với thầy Kỵ: “ giảng bài mà cứ như trò nói với thầy”! Tôi thầm bái phục sự tinh tường của thầy Hoàng Như Mai. Quả thật lúc đó, tôi quên cả nội dung bài giảng, quên lớp lang trình tự mình định trình bày, thậm chí là quên cả mấy chục sinh viên đang ngồi trước mặt (trong đó có khá đông các anh lớn tuổi từ chiến trường trở về mà thường ngày tôi rất “nể”) chỉ thấy những chiếc bóng sừng sững của các thầy… Nhưng các thầy kính yêu của tôi đều là những “tấm lòng cao cả”, đã cho tôi những góp ý chân tình, quí báu, giúp tôi tự tin hơn trước con đường dài đầy gian nan mà mình phải vượt qua. Thầy Kỵ đã động viên và dặn dò tôi rất nhiều, thầy chỉ cho tôi cách đọc và ghi chép tư liệu, cách phải “đi cả hai chân” là giảng dạy và nghiên cứu, cụ thể là vừa phải đầu tư cho bài giảng trên lớp, vừa phải bắt tay vào việc viết phê bình nghiên cứu. Thầy đặc biệt lưu ý và nhiều lần nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: “Cậu phải nhớ là viết phê bình thơ rất khó, nhưng cái khó nhất là phải giấu lý luận đi, để nó tan vào trong cảm thụ phân tích” và nói thêm: “Không gì vô duyên bằng viết phê bình thơ mà lý luận cứ lộ hết cả ra, khô khan, cứng nhắc…”. Những gì tôi có được trong những công trình nghiên cứu, những tiểu luận phê bình về sau đều bắt nguồn từ những bài học nhập môn quí giá, từ những kinh nghiệm và “triết lý” sâu sắc đó của thầy. Sự quan tâm, chỉ bảo của thầy thường không “đao to búa lớn” mà vẫn chứa đựng cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Và quan trọng hơn cả là nó giúp cho người nghiên cứu có được sự lựa chọn phù hợp. Sâu xa hơn, đó là mỹ học của nghiên cứu phê bình thơ và là cách ứng xử có văn hóa, là cách “chơi đẹp” đối với thơ ca nói riêng và văn học nói chung.

Vì mải mê với công việc và dường như những lúc tôi lên nhà đều bắt gặp thầy đang cặm cụi trên một chiếc bàn viết la liệt sách vở, tài liệu tham khảo (nhưng vẫn khoa học và có “lô gíc riêng” theo cách giải thích của thầy khi gặp phải những ai thắc mắc về sự bừa bộn đó) nên Thầy thường rất bận, những lúc phải lo cơm nước cũng chính là khoảng thời gian rỗi rãi để “giải trí” (cũng theo cách nói vui của thầy), mặc dầu vậy, thầy vẫn không tiếc thời giờ để đàm đạo về chuyên môn, về những tác giả tác phẩm mà thầy quan tâm. Những lúc đó trông thầy sinh động, sôi nổi hẳn lên, vẻ đăm chiêu, tư lự được thay thế bằng những nụ cười thoải mái. Trong một lần trò chuyện như thế, tôi nhắc đến bản tham luận khoa học có tên: Tuổi trẻ, cách mạng và thơ ca trong đó có một đoạn văn sống động, có nét có màu mô tả không gian nghệ thuật Trường Sơn – cái nôi trưởng thành của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước mà tôi rất thuộc: “Trường Sơn trong mưa ngàn thác lũ, trong nắng lửa gió Lào, trong bom gào đạn rú…”. Nghe xong, Thầy tỉnh bơ: “À, mình “ăn cắp” của một “tay” sinh viên là công an vũ trang đang học năm cuối ở khoa ấy mà, mình làm sao viết nổi… Phải sống chết với Trường Sơn mới viết được thế chứ”. Tôi hiểu đó chỉ là một cách nói, và chính sự thật lòng đến tận đáy của thầy khiến câu chuyện càng lúc càng thú vị, chân tình. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đều có chung cảm nghĩ là nói chuyện với thầy Lê Đình Kỵ không phải rào trước đón sau, không phải giữ ý, cân nhắc từng câu, từng lời. Theo thời gian, những cuộc chuyện trò đó luôn gợi lại một quãng đời ấm áp, vô tư. Đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên.

Tôi nhớ, khi nhận đề tài nghiên cứu sinh về “Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8 – 1945, qua Thơ thơ Gửi hương cho gió”, từ Sài Gòn xa xôi, Thầy gửi cho tôi mấy cuốn sách (trong đó Thơ mới – những bước thăng trầm Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên đã trở thành công cụ cần thiết để tôi đọc và nghiền ngẫm) và lại dặn dò, nhắc nhở tôi là phải đào sâu suy nghĩ, không được lặp lại người khác, phải tìm ra màu sắc riêng của “cái tôi Xuân Diệu” và sự khác biệt giữa thiên nhiên – tâm hồn trong Thơ mới với thiên nhiên – đất nước trong thơ ca cách mạng sau 1945. Biết tôi được giáo sư Hà Minh Đức nhận hướng dẫn luận án, Thầy chia sẻ: “Vậy là quá tốt. Anh Đức rất am hiểu về lĩnh vực này. Đề tài hay nhưng không dễ viết, phải cố gắng rất nhiều”. Trước ngày bảo vệ chính thức, tôi gửi bản tóm tắt luận án nhờ thầy đọc và hồi hộp chờ đợi những đánh giá đầy sức nặng từ một chuyên gia hàng đầu về Thơ mới. Và thật không ngờ, thầy đọc rất nhanh và gửi ra cho tôi một bản nhận xét qua hình thức chuyển Fax với những lời khen tặng đầy ưu ái, khích lệ. Điều đó trên cả sự mong đợi bởi với tôi, được thầy đọc là đã quí, đâu dám nghĩ là thầy còn viết cả nhận xét cho mình. Tôi gọi điện và nghẹn ngào cám ơn thầy. Thầy tỏ ra rất vui về thành quả bước đầu của cô học trò cũ. Rồi thầy lại hỏi tôi có được mấy bài tạp chí rồi, nên trích đăng dần một vài phần của luận án trước lúc in thành sách chuyên khảo. Ngoài ra, còn phải viết thêm nhiều nữa bởi vì dù muốn dù không, đã ở cương vị giảng dạy đại học thì xong luận án Phó tiến sĩ (hồi đó chưa gọi là Tiến sĩ) thì phải chuẩn bị cho hồ sơ Phó giáo sư… Giờ đây, ngồi đọc lại bản nhận xét đề ngày 24 tháng 10 năm 1995 với những dòng chữ viết tay nhỏ xíu, nghiêng nghiêng mà tôi nâng niu, gìn giữ mấy chục năm nay như một kỷ vật quý giá và nhớ lại những lời chỉ bảo đó của thầy, mắt tôi nhòa lệ. Tôi mang ơn thầy quá nhiều mà chưa một lần báo đáp…

Lẽ ra là tôi có một cơ hội. Đó là dịp Nhà xuất bản Giáo dục có chương trình làm tuyển tập cho các giáo sư, chị Nguyễn Thị Bé, Trưởng ban Văn của nhà xuất bản có nhã ý mời tôi đứng ra tập hợp bản thảo, tuyển chọn và viết lời giới thiệu cho cuốn sách lớn nhất đó của đời thầy. Tôi nhận lời ngay vì đó là một dịp quí để tri ân thầy. Nhưng sau đó, vì những lý do rất chính đáng, cuốn sách được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh. Lúc đó, quả tình tôi rất lấy làm tiếc và buồn, nhưng xét thật khách quan, tôi thấy các anh chị ở khoa Ngữ văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ làm rất tốt bởi họ có nhiều quan hệ gần gũi, đang sống cùng và hiểu thầy hơn.

Thế rồi, tôi không bao giờ còn được nhìn thấy thầy lần nữa. Vào một ngày tháng 10 năm 2009, thầy đã lặng lẽ từ biệt cõi thế để đi về thế giới bên kia…

Trong suy nghĩ của tôi, thầy Lê Đình Kỵ là một nhà khoa học mẫu mực: kết hợp được sự uyên bác, lịch lãm của trí tuệ với độ sâu lắng, tinh tế của cảm xúc, giữa tư duy sắc sảo với độ nhạy bén của trực giác. Trong tình cảm của tôi: Thầy là một bậc sư phụ có trái tim lớn, nhân từ, độ lượng và bao dung. Mỗi lần nhớ về thầy, tôi như được sống lại trong tình thầy trò cao quí mà nồng hậu, dịu dàng. Đó là khoảng trời bình lặng, đầy ắp tình đời, tình người, một mảng ký ức không phai mờ luôn trở đi trở lại và tỏa ấm trong tôi.

Hà Nội ngày 11 tháng 4 năm 2014
L.H.T  
(SH305/07-14)