Cuốn sách tập hợp những bài bút ký phần lớn đã được đăng tải trên mục Sách và Người – báo TT&VH của nhà báo – nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang sắp ra mắt. TT&VH giới thiệu tới quý độc giả bài viết của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng về tác phẩm này.

1. Cầm bản thảo Đi về không điểm đến của Nguyễn Quỳnh Trang, một cuốn bút ký về chân dung các nhà văn, tôi hy vọng đây không phải là sách phê bình văn học, một thứ mà tôi ít tìm thấy những tiếng nói cá nhân và thành thực. May quá, cô gái viết văn này chỉ phác họa những ấn tượng khi gặp các nhà văn và đọc văn của họ theo cách rất đàn bà của mình.

Cuộc sống không may mắn, loay hoay rồi vẫn một mình nuôi con, trông nom mẹ già, vô cùng vất vả, không làm mất được sự vui tươi lẳng lơ chẳng cần giấu giếm, mặc dầu vậy cũng rất khó khăn đến với yêu đương, chưa muốn nói là những chuyện khác. Có lẽ càng gian khó, Quỳnh Trang càng viết đáng để đọc hơn.

Văn chương hay nghệ thuật cũng cần có tuổi, cần sự từng trải và nói như Phan Việt cũng trong cuốn sách này: Bất hạnh là một tài sản.


Nguyễn Quỳnh Trang hiện làm việc tại báo TT&VH.

2. 39 bút ký về 37 nhà văn, nhà phê bình, dịch giả, trong đó có Nguyên Ngọc, Dương Tường, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Minh Thái là già hơn cả, còn lại phần lớn là những nhà văn trẻ, và ít là trung niên.

Quỳnh Trang thích đọc những người thuộc thế hệ mình, gần với mình, còn những người già trên, theo cô là những người chơi được, thậm chí Dương Tường còn nhắn tin gọi bạn Quỳnh Trang đi uống cà phê. Cô mến cái ông già tám mươi này còn buộc mình vào dù bay do ca nô kéo, bốc lên giờicao 50 thước với cái quần đùi sặc sỡ, cũng như cô mến Nguyễn Huy Thiệp thuộc loại khó chịu với nhiều người nhưng vô cùng ân cần với thanh niên.

Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, nếu cuốn sách này in ra, nhuận bút có thể trả được một tháng thuê nhà, nhưng thôi cứ làm, dù sao văn chương còn hơn các thứ khác. Phần lớn những bài bút ký ở đây đã được đăng tải trên mục Sách và Người của báo Thể thao&Văn hóa, như một cách sống với văn chương và có chút nhuận bút làm báo.

Chúng tôi cũng đã sống bằng những đồng nhuận bút còm nên hiểu được điều này và hiểu việc mình làm cho cái gì. Quỳnh Trang không đọc hộ sách cho bạn đọc, cô chỉ trình bày cách đọc của mình và nhân đó viết rộng hơn cảm nhận về nhà văn trước tiên như một con người. Cô nhận thấy những điểm giống nhau trong cùng một nghề nghiệp và điểm khác nhau của các cá tính sáng tác, đặc biệt thông qua những nhà văn học hành, hoặc định cư ở nước ngoài có cái khác hẳn với các nhà văn lớn lên và sống ở nền văn hóa xã hội Việt Nam.

Một đằng tìm kiếm sự khác biệt trong văn chương, một đằng tìm kiếm sự khác biệt trong diễn tả. Một đằng thiên về tư duy mạch lạc, kiểm soát một cách lý tính đời sống và cảm xúc của mình, một đằng rất cảm tính, nông dân, ưa nhậu nhẹt và đầy những ẩn ức không về chính trị thì về tình dục. Hữu Thỉnh hỏi nữ nhà văn xinh đẹp Di Li thế này: Mày viết được mấy cái? (truyện ngắn). Dạ cháu viết được 20 cái. Sao mày viết nhiều thế mà tao chẳng biết mày là ai nhỉ. Thật là một cuộc đối thoại tuyệt vời, có lẽ cũng đầy tính văn học, và như thế thì chân dung vị Chủ tịch hội Nhà văn còn dễ chịu hơn.


3. Nếu không tìm kiếm được những câu chuyện đời thường của các nhà văn thì mục điểm sách của Quỳnh Trang rất… nhạt, với những câu văn diễn tả công việc xuất bản thuần túy và những ý tưởng sâu sắc chả để làm gì. Nhà văn hiện lên qua những câu nói, những hành vi của người thường nhưng vô thức xã hội đã thấm qua đó, mà những câu nói đó trở nên sinh động.

Nguyễn Thị Minh Thái thì: Bà hướng dẫn chúng tôi cách sống sao cho phù hợp với cuộc đời này. (Thật là buồn cười, thế thì thành nhà văn thế nào) Với Nguyễn Thị Thu Huệ thì: Mọi thứ còn nguyên mà sao cô đơn thế, bởi cái cần nhất để lưu giữ mình với đời sống này là tình người thì đi vắng.

Nếu bảo rằng, tùy bút của Quỳnh Trang là phê bình thì không phải, cô không có ý định làm việc ấy, nhưng tính phê bình, câu nói phê bình xuất hiện khá nhiều, và có thể nói cũng sắc sảo. Chẳng hạn đoạn viết về Nguyễn Huy Thiệp: Bạn cũ thì xa lánh. Người sắp là bạn lại không dám đến gần vì cho rằng ông là người suy nghĩ sâu xa, lắm mưu mẹo. Thậm chí có người bảo ông ác, ác trong cả văn chương lẫn cuộc đời… Lấy danh hiệu nhà văn nổi tiếng, ngẫm ra chẳng phải là việc vui thú gì. Đó là một nhời phê rất trực diện, và trong đó nó cho thấy sự cảm thông với nhà văn qua cách nói phản đề.

Lời phê Đỗ Phấn thế này : Đến năm 2006, Đỗ Phấn quyết tâm dồn sức vào văn chương, cùng một lúc, ông viết sáu đến bảy cuốn tiểu thuyết. Và… Nhưng dù sao, tôi vẫn thích tranh của Đỗ Phấn hơn tiểu thuyết ông viết. Vì tranh trong lành bao nhiêu, tiểu thuyết lại u ám trái ngược bấy nhiêu… Họa sỹ/ nhà văn Đỗ Phấn nếu có tiếp tục sáng tác, không cẩn thận, dễ sa vào “gần như là viết“. Cách nói năng như vậy, cũng đáo để, bốp chát dưới cái vẻ nói cho vui, chúng xuất hiện đầy rẫy trong loạt tùy bút này, khi nói và nhận định về con người và văn chương của họ. Tôi nghĩ rằng, hình như người ta đọc Quỳnh Trang không kỹ lắm, nên chẳng hề có một phản ứng nào với những nhận xét về nhà văn của cô.
Tập ký chân dung văn nghệ sĩ Đi về không điểm đến sẽ ra mắt lúc 15h00, thứ Hai, ngày 12/8 tại Like Cafe, số 10 Khúc Hạo (HN).

4. Tùy bút văn học chứng tỏ Quỳnh Trang hơn là một độc giả của các nhà văn. Cô xét đoán tình cảm của họ, cách thức họ ứng xử trong cuộc sống thường ngày và văn học. Dẫu có vẻ trẻ trung xinh đẹp, nhưng thực ra Quỳnh Trang là người từng trải, tinh tế, viết về văn học để nâng cao hơn những câu chuyện của mình.

Như chúng tôi thường nghĩ nghệ thuật sinh ra nghệ thuật, ví như Picasso sinh ra các họa sỹ hiện đại, và ông được sinh ra từ những người trước đó như Goya, Velázquez, El Gretco, và nói như Hoàng Ngọc Hiến mà Quỳnh Trang dẫn trong sách: Văn đẻ ra văn. Nhà văn không thể nghèo nàn, họ phải làm giàu bằng chính hiểu biết về nhà văn khác.

Tất cả những bài tùy bút này tập hợp lại cũng cho thấy một diện mạo văn học Việt Nam hoàn toàn khác trước. Lối xây dựng hình tượng văn học và theo tuyến các nhân vật không còn bóng dáng. Những câu chuyện cá nhân nhà văn được “mông má” cho lâm ly cũng hết thời, văn học sa vào tự sự hoặc rất lý trí phân tích kiểu này, kiểu nọ, hoặc cảm tính đến buông thả, hoặc lấy chuyện tình dục mê đắm được coi như là một thủ pháp nghệ thuật.

Nhà văn – nghệ sỹ đang tìm lối đi cho tâm trạng của cá nhân mình, nhưng lại tưởng đó là tìm đường cho chúng sinh. Nó đang va phải bức tường của cuộc sống ở một xã hội cụ thể không có gì dành cho văn chương cả. Thế nhưng có lẽ văn học là duy nhất còn lại của cái dân tộc khốn khó này đang hủy hoại mọi thứ mà mình có.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version