(Nghĩ về văn mạch trữ tình trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà)

“Thể loại chọn nhà văn”, ai đó nói chí lí. Và đúng từ suy nghiệm nghề nghiệp của tôi. Cành phong hương (NXb Hội Nhà văn, 2014) là tập truyện ngắn thứ mười bốn của Võ Thị Xuân Hà. Chị có viết hai cuốn tiểu thuyết Tường thànhTrong nước giá lạnh. Nhưng công bằng mà nói, theo tôi, dẫu thuộc loại đọc được nhưng hai cuốn tiểu thuyết không nói được sở trường mà chỉ là sở đoản của nhà văn. Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà cố kết được ba văn mạch chính: trữ tình – hiện thực nghiêm nhặt – triết luận. Ngay từ năm 1993 Võ Thị Xuân Hà gây ấn tượng với độc giả bằng truyện Đàn sẻ ri bay ngang rừng với mô-tip “bóng đè”. Một truyện ngắn viết táo bạo, có người nói quá lên là bạo liệt, xuất hiện trong thời điểm ấy kể cũng là một hiện tượng văn chương đáng chú ý. Hơn mười năm sau mô-tip “bóng đè” một lần nữa bùng phát và làm nóng dư luận trong truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Những tưởng Võ Thị Xuân Hà đi trước một nhịp và sẽ trung thành với văn mạch được khơi nguồn từ Đàn sẻ ri bay ngang rừng với một cảm quan đầy tính hiện thực nghiêm nhặt, lối viết sắc lẻm và gây cấn, quyết liệt đến tận cùng. Nhưng, theo tôi, Võ Thị Xuân Hà ngay từ đầu đã thể hiện là một ngòi bút biến ảo, người có khả năng khai thông, cố kết cùng lúc những văn mạch khác nhau trong sáng tác truyện ngắn.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Có thể nói Lúa hát khởi đầu văn mạch trữ tình trong sáng tác truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà. Ra mắt độc giả tập truyện ngắn đầu tay Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào (1992), nhưng để thêm một ấn tượng thực sự đủ đầy về một Võ Thị Xuân Hà đắm đuối trong văn chương trong lòng độc giả, nếu có thể nói, phải bắt đầu từ truyện ngắn Lúa hát (1994). Lúa hát là một truyện ngắn xinh xắn, đầy nữ tính, làm vỡ òa ra và phát lộ một Võ Thị Xuân Hà tinh tế, uyển chuyển và biến ảo trong cách phát hiện những “vỉa chìm” của đời sống. Độc giả tri nhận sức sống của kiểu truyện ngắn trữ tình, hay gọi cách khác là truyện ngắn giàu chất thơ, được chạy tiếp sức bởi Võ Thị Xuân Hà. Câu chuyện được kể cực kì đơn giản: một chuyến đi nhờ xe của một phụ nữ nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn lên thành phố mua muối về bón cho lúa. Anh lái xe và người phụ nữ nông thôn đi mua muối là hai cá thể vốn trước đó hoàn toàn xa lạ nhau. Phút chốc, trong cái khoảnh khắc hiếm có của đời người sau khi họ chia tay nhau, người phụ nữ nông thôn bỗng nhận ra bao điều lấp lánh của giá trị sống qua cái kỉ vật mà người lái xe tặng – chiếc bật lửa “Cô không còn nhớ đến người lái xe sáng nay, chẳng cần biết anh trôi dạt phương nào. Anh không phải là cuộc đời của cô. Nhưng có một điều mà cô sẽ luôn luôn phải nhớ đến, đó là sự có mặt của chiếc bật lửa. Sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ. /Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và đức Phật từ bi của họ, và cả họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ”. Câu kết của truyện ngắn để lại nhiều dư vị, dư âm và liên tưởng. Một câu hỏi gieo vào tâm trí độc giả: Mối tình nào vậy? Vì sao nó tan vỡ. Ai sẽ là người đau khổ nhất? Không ai biết cả, trừ nhà văn, phải thế chăng?! Nếu thậm xưng thì có thể nói Lúa hát là kiểu văn xuôi “có cánh” trở nên rất hiếm hoi trong không khí sáng tác văn chương hôm nay.

Văn mạch trữ tình khởi từ Lúa hát có sức sống trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà hai mươi năm qua. Đến Cành phong hương – văn mạch trữ tình được “nâng cấp”, bổ sung thêm tính chất triết luận về đời sống. Đọc Võ Thị Xuân Hà thời điểm hiện tại thấy cái chất trữ tình suy tư về kiếp người rất rõ. Nếu như ở Lúa hát tác giả chú ý đến những khoảnh khắc độc sáng, làm phát lộ rực rỡ cái Đẹp trong đời người thì ở Cành phong hương chú ý đến chu trình nhân quả của kiếp người trong cõi nhân sinh khi được sống bình thường đã là một hạnh phúc, đã là một đặc ân của Tạo hóa. Mặc dù tín điều của nhà văn là không lay chuyển “Tôi mãi là một người biết tin vào cái Đẹp”, nhưng niềm tin bây giờ không còn run rẩy, non tơ và tươi xanh như trong Lúa hát, mà dày dặn, trải nghiệm sâu xa hơn. Cũng vì thế đắng đót hơn, góc cạnh hơn. Nếu trước đây ngòi bút Võ Thị Xuân Hà lay động độc giả khiến họ yêu hơn cái Đẹp thì bây giờ khiến họ tin hơn vào cái Đẹp. Cuộc sống trong Cành phong hương “đa sự”, con người thì “đa đoan” hơn bất kì lúc nào. Cành phong hương là truyện được dùng đặt tên cho cả tập với một không gian nghệ thuật đặc trưng – miền sơn cước. Riêng tôi thấy khi nào Võ Thị Xuân Hà chuyển dịch ngòi bút của mình về những không gian ngoài đô thị, ngoài những khối bê tông, lồng kính, chật chội và ồn ào, bụi bặm, lúc đó chị viết có vẻ như thoát hơn, bay hơn, mê đắm hơn. Trong truyện này hiện lên “một mùa thu duyên dáng đến ngọt lịm”, trong truyện này có loài cây phong hương “mềm mại trong gió, dẻo dai trong gió, và kiên cường với gió”. Tiếp xúc với Võ Thị Xuân Hà nhiều năm, đến bây giờ đọc Cành phong hương, tôi cứ hình dung nữ nhà văn xinh đẹp và tài hoa này là một cây phong hương vậy! Nhờ “cành phong hương” mà truyện của Võ Thị Xuân Hà vỡ òa ra một ngoại cảnh xa mà gần, ảo mà thực (nhìn chung đa số các nhà văn bây giờ thường “nhốt” nhân vật của mình trong những không gian bé tí, tù túng). Nhờ ngoại cảnh mà nhân vật được “phóng thích” và hành xử khoáng đạt hơn. Đã lâu tôi mới đọc được những câu văn đẹp đến nao lòng “Những cây phong hương vào mùa thu lá ngả màu đỏ tươi, rồi dần chuyển sang màu huyết dụ. Đi từ xa tới lữ khách sẽ nhìn thấy trong thấp thoáng xóm núi những cây phong hương rực một màu đỏ, như báo hiệu sự chín đẫm của mùa thu. Trong gió ngàn của hương rừng gió núi, phong hương lặng lẽ khiêm nhường tô thắm vẻ đẹp miền sơn cước”. Truyện được kết bằng câu văn rất đỗi mơ hồ “Nụ cười sơn cước phảng phất trên môi nàng…”. Những kết truyện của Võ Thị Xuân Hà trong văn mạch trữ tình thường như thế – phiêu diêu, siêu thoát và gợi liên tưởng.

Nhân vật nữ của Võ Thị Xuân Hà, trong bản tính là những “ngọn lửa dịu dàng” (tên một truyện trong tập). Không phải vô cớ mà ông bố chồng nói với con dâu “ Con là ngọn lửa dịu dàng của căn nhà này”, còn bà mẹ chồng dẫu khó tính đến đâu cuối cùng cũng phải công nhận “Nhưng thực sự nó là nàng dâu quý của gia tộc ta”. Dường như người nữ trong truyện của Võ Thị Xuân Hà thường cố gắng để trở thành người phụ nữ tuyệt vời trong mắt người khác (người đàn ông thốt lên “Em rất giỏi và hiền thục” – Thế kỷ hai mươi mốt). Phải chăng “dịu dàng” và “hiền thục” muôn đời vẫn là những phẩm tính hàng đầu của nữ giới? Nhân vật nữ của Võ Thị Xuân Hà thừa thông minh, tài hoa. Họ đáng khâm phục, nhưng họ đáng yêu lại vì dịu dàng và hiền thục. Những người nữ trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà có cái khả năng “giữ lửa”, vì thế trên từng câu chữ, trong từng cảnh ngộ và tình huống toát lên cái hơi ấm của tình đời, tình người. Nhân vật nữ của Võ Thị Xuân Hà dư dật cái năng lượng đặc biệt – “hòa khí”- có khả năng điều hòa những đối cực âm -dương, biết cách thuần hóa những nỗi đau của mình và người.

Tôi thích cái giọng thiết tha, đắm đuối với đời, với người của Võ Thị Xuân Hà (tôi thấy lúc nào đó chị có ý định “đay nghiến” ai hoặc điều gì tự nhiên thấy câu chữ lập tức văng khỏi ngòi bút). Giọng này có lẽ sát hợp với văn mạch trữ tình. Chị thường viết những câu văn thật hồn nhiên, đọc xong là ấn tượng ngay mà không thấy ngượng ngùng “Trên giường của chúng mình. Hãy nằm xuống, để anh ngắm em” (Thế kỷ hai mươi mốt). Những người yêu nhau thường nói với nhau những câu nồng nàn như thế. Tất nhiên! Nhưng cách nói của nhân vật chàng trai trong truyện này thật âu yếm, nhưng cũng thật giản dị. Nói tự đáy lòng, từ sự ham muốn chính đáng, không phải lối nói ve vuốt “nịnh đầm”. Một nàng dâu không quản ngại gian khổ dồn sức chăm sóc bố chồng những ngày cuối đời ông “Mỗi khi tôi lật người để lau rửa cho ông, ông thường rỉ ra những giọt nước mắt đau đớn (…). Tôi nắn bàn tay ông, nhẹ như xoa một cành cây khô sắp rụng: cha yên tâm, con không thiệt thòi đâu. Chúng con yêu nhau mà (…). Tôi lắc lắc cánh tay ông: cha thấy con có già quá so với chồng con không?”. Câu cuối của cô con dâu có cái gì đó thật kiềm chế để không bật ra một tiếng thở dài khi biết thời gian đang sầm sập mang tuổi già đến với mình trong khi chồng còn đang xuân xanh. Cái giọng này tôi cứ hình dung như thể Võ Thị Xuân Hà rút ruột mình ra mà viết chứ không phải là trí trưởng tượng thuần túy của nhà văn mách bảo.

Văn mạch trữ tình Võ Thị Xuân Hà rất giàu ấn tượng thị giác. Nhờ ấn tượng này mà câu văn trở nên sống động, sinh sắc như “đập vào mắt” độc giả khi nhà văn miêu tả các tư thế của nhân vật, nhất là nhân vật nữ. Tôi chưa đọc được ở đâu về người phụ nữ mặc váy ngồi trên sô-pha như cách viết của Võ Thị Xuân Hà “Nàng ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế” (Hương gai cầu trên đại lộ X). Có một cái gì đó thật ưu tư và trễ nải, thậm chí có thể buông xuôi trong tâm thế nhân vật. Võ Thị Xuân Hà rất chú ý đến “phái tính” của giới mình, chị chú ý đặc biệt cái tư thế ngồi của người phụ nữ “Chủ quán là một thiếu phụ. Chị ngồi quay lưng ra đường. Ngay cả khi khách bước vào cũng cứ chìa cái lưng đập vào mặt khách một thân hình khá thon thả (…). Tôi nhìn chằm chằm vào cái lưng mặc đồ đen” (Cành phong hương). Đọc những câu văn này độc giả ước đoán nhân vật nữ này phải có một nỗi niềm u uẩn nào đó đang muốn giấu mà không được. Cũng từ ấn tượng thị giác mà câu văn của Võ Thị Xuân Hà rất nhiều màu sắc “Căn phòng tràn ngập màu tối” (Hương gai cầu trên đại lộ X), “Cánh lá đào reo vui mỗi ngày mỗi lớn lên xanh hơn” (Sương đào phai), “Cuối năm những vạt rừng đổ lá vàng” (Mỹ nhân làng Nhan), “Trĩu theo làn gió là những cánh hoa phượng đỏ chấp chới” (Nhật ký Facebook), “Cơn gió nhẹ thổi từ cánh đồng làm cho bông hoa chao như ánh lửa”, “Trước cửa quán rủ xuống những cánh lá phong hương đỏ sẫm vào màu thu” (Cành phong hương), “Ánh lên một vầng màu vàng lấp ló sau ánh điện là giò lan kiếm tiên vũ” (Bông kiếm tiên vũ), “Nhưng trong ký ức nàng vẫn chỉ lưu giữ biển hoa vàng rực rỡ nơi ấy” (Biển hoa vàng), “Tuyết rơi trắng xóa trên vùng biên viễn nước Việt vào những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi mốt” (Thế kỷ hai mươi mốt). Một lối văn nhiều màu sắc ắt hẳn chủ sở hữu nó phải là một người luôn tươi tắn, không chỉ ở ánh mắt, nụ cười, làn da mà là sự tươi tắn tự trong tâm hồn. Nói một cách văn vẻ thì những màu sắc của tự nhiên rất có thể là ánh phản của những sắc màu tâm hồn người cầm bút sáng tạo.

Đọc Cành phong hương theo cách “nhấm nháp”, chợt thấy cái nhã thú văn chương được phục hiện trên những trang văn đẹp. Và lại thấy văn mạch trữ tình vẫn thao thiết chảy trong truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà. Riêng tôi tin rằng, chính nhờ văn mạch này mà độc giả luôn nhớ tới và yêu mến một cây bút nữ viết truyện ngắn có phong cách và thành tựu văn chương trên văn đàn đương đại Việt Nam./.

 

Bùi Việt Thắng

Hà Nội, tháng 8 năm 2014

(Văn nghệ Công an số 238, ngày 15/12/2014)