Đó là khi nhà thơ Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh. Thời đó mà bị bệnh phong (hủi) là đồng nghĩa với chết. Bệnh này được liệt vào dạng tứ chứng nan y nên ông Quách Tấn càng yêu thương bạn hơn. Quách Tấn là người lo chạy vạy thuốc thang nhiều nhất cho Hàn lúc lâm bệnh. Ở Quy Nhơn một thời gian ngắn, Hàn Mặc Tử được đưa vào trại phong Quy Hòa, sống biệt lập trong hóc núi cho đến khi qua đời trong cô quạnh buồn thương. Mãi đến năm 1959, Quách Tấn mới cải táng đưa hài cốt của Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa ra Gành Ráng như hiện nay. Không có tình yêu thương vượt ra ngoài những khuôn khổ bằng hữu thường tình thì không thể có nghĩa cử như vậy.
Lại nữa, trong nhóm bạn thơ nói trên thì Quách Tấn thuộc diện “có điều kiện” hơn bốn người còn lại. Từ năm 1930, Quách Tấn đã làm phán sự Tòa sứ tại Tòa khâm sứ Huế, rồi đổi lên Tòa sứ Đồng Nai Thượng ở Đà Lạt, đến năm 1935 thì xuống định cư tại Nha Trang. Ông lại lấy vợ từ năm 19 tuổi (1929), “hậu phương” như thế là ổn đối với một thi sĩ thời đó rồi. Bốn nhà thơ còn lại, ngoài Hàn Mặc Tử mất sớm từ năm 1940, ba người kia đều thuộc diện “cơ nhỡ” mặc dù thơ họ lừng lẫy cả nước thời bấy giờ.
Riêng Bích Khê thì thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc nhưng tính tình phóng khoáng, lại ưa xê dịch khắp nơi nên có thương bạn Hàn Mặc Tử bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể giúp được gì ngoài mấy bài thơ “khóc bạn” lúc bạn lâm chung. Vì vậy, nhà thơ Quách Tấn, với tư cách là “huynh trưởng” đã thành điểm tựa để những nhà thơ kia làm chỗ đi-về mỗi khi nổi máu giang hồ xê dịch. Ngôi nhà của Quách Tấn ở Nha Trang một thời đã thành “điểm hẹn” của bốn chàng thi sĩ tài hoa lãng tử này.
Ông Quách Giao kể rằng, khi ông được 1 tuổi thì cha ông, tức nhà thơ Quách Tấn đã chuyển chỗ làm từ Đà Lạt xuống Nha Trang. Cả nhà theo ông về định cư trong khu vườn rộng bên cạnh một đầm nước, sau này là chợ Đầm. “Đó là một khu vườn rộng rãi và thoáng đãng, trước mặt là đầm nước mênh mông với nhiều lau sậy, lúc nào cũng nghe ríu ran tiếng chim én gọi bầy chứ không phải tối tăm chật chội như bây giờ đâu”. Nói đoạn, ông Quách Giao chỉ tay về phía những ngôi nhà chung quanh: “Xưa đó là đất của ông cụ tôi cả đấy. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau, chúng tôi không còn sở hữu chúng nữa. Phía sau nhà có cái đình rất lớn tên là Xương Huân”.
Theo cách giải thích của ông Quách Giao thì Xương Huân được tách ra từ một địa danh khác có tên là Cù Huân, xưa là một làng chài nằm bên sông Cái. Dòng sông này khi gần tới biển, nó được vây bọc bởi lau sậy dày đặc ở hai bờ. Nha Trang là cách đọc trại ra từ tiếng Chăm, có nghĩa là dòng sông lau. Người Nha Trang đến giờ vẫn truyền nhau hai câu thơ không rõ của tác giả nào để tả về “dòng sông lau” của quê mình: “Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải/ Tứ biên hoàng diệp dục vi thu”. (Trắng ngợp đôi bờ lau tới biển/ Vàng bay bốn phía lá gieo thu- Quách Tấn dịch). Họ cũng truyền thuyết hóa đầm nước ở ngay trước mặt khu vườn của nhà thơ Quách Tấn. Dân gian kể rằng, thuở khai thiên lập địa, ngay chỗ đầm nước này có một con cù khổng lồ nằm ngủ. Khi bà Thiên Y A Na giáng trần, đất trời rung chuyển làm cho con cù tỉnh giấc. Nó vùng dậy và bơi ra phía biển. Dấu vết để lại của nó là chính là đầm nước này.
Thực ra, đầm nước có thể là cú rẽ dòng sau biến thiên ở một thời điểm nào đó của con sông Cái. Cũng có thể nó là một đoạn sông chết còn sót lại nhưng khác với những dòng sông chết ở một số nơi, đầm này là đầm hở vì nó thông ra sông Cái. Sự thông thủy này đã biến nó thành chỗ để giới thương hồ tụ hội về đây trao đổi sản vật từ thượng nguồn chở xuống và cá tôm từ biển mang lên.
Một cách tự nhiên, đầm nước này hình thành 12 bến đỗ, mỗi bến tập trung một loại sản vật để cung cấp cho những ai có nhu cầu mua bán, trao đổi. Nhà thi sĩ Quách Tấn ở cạnh đình Xương Huân, cũng là cạnh bến Đình, một trong 12 bến như đã nói trên đây. “Thuở nhỏ, mỗi khi các nhà thơ bạn ba tôi về đây chơi, các chú ấy thì đàm đạo văn chương nơi chiếc ghế đá trước nhà còn lũ trẻ chúng tôi thì đùa nghịch tại những bến này, nhất là các bè nổi của bến Lồ Ô”, ông Quách Giao kể.
Theo trí nhớ của ông Quách Giao, đình Xương Huân có cây me cổ thụ, cành của nó vắt ngang phía sau nhà ông, lúc nào cũng lúc lỉu trái nhưng đám trẻ trong xóm không dám trèo hái vì sợ sự nghiêm khắc của ông Quách Tấn. Ông sợ đám trẻ té ngã khi leo trèo chứ không phải tiếc mấy trái me. Trong một lần về “nghỉ” tại nhà Quách Tấn, Yến Lan đánh bạn với đám trẻ con trong xóm. “Chú Yến Lan thấy đám trẻ con chúng tôi “chảy dãi” mỗi khi ngước nhìn từng chùm me ấy, chú trèo lên mái nhà và hái “tặng” chúng tôi. Có lần ba tôi đi làm về bắt gặp, sợ ông la rầy là làm hư lũ trẻ, chú chống chế: “Anh Tấn ăn me chín được không?”. Chùm me thuở ấy từ tay chú Yến Lan cứ theo mãi ba tôi”, ông Giao hồi tưởng.
Trong hồi ký của mình, Quách Tấn viết: “Hình ảnh ấy (vụ hái me cho lũ trẻ) suốt mấy mươi năm vẫn sống trong lòng tôi. Mùa thu năm Mậu Thân (1968) lòng bỗng nhớ Yến Lan da diết, tôi ra đứng tần ngần dưới gốc me. Bỗng một trận lá me vàng tuôn xuống làm sống dậy bóng dáng cố nhân! Gần 15 năm ly biệt, không một tin đưa! Bồi hồi, tôi viết được một bài lục bát:
“Me thu lã chã mưa vàng
Bóng thu hiu hắt bóng chàng năm xưa
Bấy chầy cách trở nắng mưa
Đời Ly Tao ngọt hay chua hỡi lòng”.
Chả là, sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp tại Bình Định cùng với Yến Lan, năm 1954, Yến Lan thì tập kết ra Bắc còn Quách Tấn trở lại Nha Trang, tiếp tục sống trong ngôi nhà cũ trông ra đầm nước ấy. Ông Quách Tấn có làm rất nhiều thơ để “nhớ” những người bạn đã từng gắn bó với ông tại mảnh vườn này. Bài lục bát trên đây là một trong số đó.
Trở lại với câu chuyện bốn chàng thi sĩ lãng tử vẫn thường lui tới Bến Đình. Trong bốn người bạn đặt chân đến khu vườn Quách Tấn thì có lẽ Bích Khê là muộn nhất. Bích Khê và Hàn Mặc Tử có một tình bạn khá đặc biệt thông qua người cháu gọi Bích Khê bằng cậu ruột, đó là người đẹp Mộng Cầm, người tình trong mộng của Hàn thi sĩ. Qua giới thiệu của Hàn Mặc Tử, Bích Khê nhanh chóng thân thiết với Quách Tấn ngay trong lần gặp đầu tiên tại Nha Trang.
Trong hồi ký của mình, Quách Tấn có đề cập đến việc “giữ chân” Bích Khê tại Nha Trang để chữa cho lành bệnh lao phổi nhưng Bích Khê từ chối và trở lại quê nhà rồi mất vào đầu năm 1946. Bích Khê gần như tin tưởng tuyệt đối vào người bạn lớn hơn mình 6 tuổi này nên ông đã trao gần như toàn bộ trước tác cho Quách Tấn giữ gìn. Trong cuốn hồi ký “Đời Bích Khê”, Quách Tấn nói khá kỹ đến câu chuyện này. Vô hình trung, nhà ông đã thành “kho chứa” các trước tác thơ văn của cả Hàn Mặc Tử lẫn Bích Khê là vậy.
Còn với Chế Lan Viên, người bạn nhỏ tuổi nhất trong nhóm, Quách Tấn cũng dành cho Chế một tình cảm đặc biệt. Lúc Chế Lan Viên ra Thanh Hóa dạy học, ông có nhận “dạy kèm” cho một cậu ấm. Bố cậu ấm ấy ra yêu cầu là Chế phải dạy cả ba môn là Pháp văn, Quốc văn và chữ Hán. Hai môn đầu đối với Chế Lan Viên thì không khó khăn gì, song môn Hán văn thì chàng trai nổi tiếng thông minh này bó tay. Nhưng để tìm ra được một mối “dạy cua” này đâu phải dễ! Thế rồi dịp may đã đến với chàng.
Trong một lần trao đổi thư từ qua lại với Quách Tấn, Chế Lan Viên có “kêu than” về chuyện dạy Hán văn này. Nghe vậy, Quách Tấn “mở đường máu” cho bạn. Theo đó, cứ hàng tháng, Quách Tấn gửi ra cho Chế một lá thư kèm theo một bài vỡ lòng về chữ Hán có phần ghi chú âm và nghĩa cũng như cách viết chữ Hán như thế nào. Chế Lan Viên như cánh đồng khô hạn gặp mưa rào, ông nhanh chóng tiêu hóa ngay bài “thầy Tấn” gửi ra rồi truyền đạt lại cho cậu ấm nọ. Nhứt cử lưỡng tiện, cậu ấm cũng biết thêm chữ Hán như thầy Chế Lan Viên, trong khi thầy Chế lại có thêm thu nhập từ gia đình cậu ấm nọ. Giai thoại trên chưa được kiểm chứng, song điều này là có thật: Chế Lan Viên cùng với Yến Lan, cứ mỗi mùa hè là hai ông đáp tàu về “Ô Y hạng” ở Nha Trang để chơi với Quách Tấn. Chính hai ông đã đặt lại tên cho bến Đình thành bến Phong Kiều, dựa vào câu thơ trong bài “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn: “Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng”. Ông Quách Giao đã xác nhận rằng, trong một lần đàm đạo thơ văn, ba của ông đã dọc cho hai người bạn nghe bài thơ này, trong đó có câu thơ vừa dẫn. Chế Lan Viên chợt thốt lên: “Tại sao chúng ta lại không đặt tên cho bến Đình này là bến Phong Kiều?”. Và bến Phong Kiều của riêng mấy chàng thi sĩ nọ xuất hiện ở Nha Trang từ đó.
Bến Phong Kiều cạnh Ô Y hạng nhà Quách Tấn dĩ nhiên là khác với bến Phong Kiều trong thi phẩm “Phong Kiều dạ bạc”của Trương Kế, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Song chính cái bến Phong Kiều cạnh Ô Y hạng bên nhà Quách Tấn đã thành bến đỗ của nhiều thi sĩ lừng danh mỗi khi có dịp “đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp” như một câu thơ “tự kiểm” mà Chế Lan Viên từng viết.
Nha Trang, lập Đông năm Bính Thân 2016
Nguồn báo Văn nghệ