Nhà văn Bảo Ninh
Tôi đọc ông ấy, đọc tuốt tuột, nhiều lần, trong ảnh hưởng của nhiều miền khí hậu, trong tác động của tuổi, không bao giờ có thể trẻ lại, nhưng chẳng sao, khi còn có thứ nghệ thuật như thế, giản dị, thực sự.
Đeo đuổi ông ấy bao nhiêu lâu từ lúc ông ấy lừng khừng ló mặt, cái này thì ông ấy không biết đâu, thời gian còn dài hơn cả cuộc hôn nhân của chính mình, tôi nhận ra là nói chung nhân vật của ông ấy rất tẻ, không cười, và nếu là nhân vật chính thì không phải là đàn bà, trừ có một lần là một cụ bà bay trên trời.
Giả dụ gặp mẫu người đó ở ngoài đời, e rằng ta sẽ tự động thu mình, nhỏ giọng, nếu đang thì không thể tiếp tục suồng sã. Ở họ tỏa một niềm lặng lẽ, buồn thảm, ảm đạm, sáng trong, sang trọng, không phải của riêng họ mà là của thời thế tiếc thay thời gian qua đi rất lâu, rất lâu vẫn chẳng đổi được gì. Thế nên ngay cả khi nghe ông ấy cười, tiếng cười cộc đi kèm với ánh nhìn quái, có khi ông ấy còn nói bỡn hẳn hoi nữa, thì không hiểu sao trong tôi vẫn nguyên một câu hỏi: BÂY GIỜ ÔNG ẤY CÓ ĐANG KHÔNG BUỒN?
Mọi nhân vật của ông ấy đều đau đáu một hồi ức, một mất mát, một bâng quơ da diết của tuổi ăm ắp ao ước nhưng chưa đủ chín thành tình yêu, một xót thương trước cái chết không xứng đáng đối với người phải chết, một giải thoát không bao giờ là giải thoát. Là thân phận của chính anh ta đấy, dính dáng với rất nhiều thân phận khác, sẻ chia với nhau một phần số chung – của người Việt – trong những khốc liệt chiến tranh, trong những mênh mang hòa bình, nghẹn tắc.
Đấy là thương hiệu chữ nghĩa của ông. Đấy là mâm cỗ chữ nghĩa đắng cay không có thêm một chút xíu nào gia vị hóm hỉnh hài hước lẽ ra phải có ở những kẻ từng trải. Ông ấy dọn đúng một mâm cỗ chữ nghĩa đắng cay ấy ra suốt bao năm nay, còn chúng ta cứ sống, cứ yêu, cứ hì hục đuổi theo những hỉ hả hân hoan thừa mứa lấp lánh vẫn không sao quay mặt được. Có người đọc rộng ngạc nhiên sao ở miền Bắc sau cả một quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa đằng đẵng trước miền Nam mà lại có một giọng văn nhân bản thế. Tôi không chia sẻ nỗi ngạc nhiên này. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng nghệ sĩ đích thực phải là một trí thức đích thực, kiểu người không thể tự giải mẫn cảm, không thể trốn khỏi đòi hỏi trung thực tự thân, họ, kiểu người khốn khổ ấy, dù đời sống riêng có quan phương chừng nào đi nữa thì tự trong cõi riêng sâu nhất của họ vẫn quẫy cựa một tinh thần xét lại lịch sử và xã hội ngay cả khi ở thế đang lên, dù trong miền khí hậu vùng ảnh hưởng nào cũng như nhau thôi. Chỉ độc một giọng buồn thảm, không còn một chút nào bi hùng bi tráng của thế hệ nghệ sĩ đi trước có mấy mươi năm, ông ta mô tả cái thời thất thoát lí tưởng của thế hệ mình, thời của những ngờ vực tự vấn trước đó chưa hề thấy nảy nòi trong chữ nghĩa Việt. Thế mà chính cái người rất giỏi dọn cỗ đắng cay ấy lại từng hất hàm bảo “chuyện xưa kết đi được chưa?”.
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987 với tên Thân phận tình yêu.
Tác phẩm được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Đây được xem là
tiểu thuyết nổi bật của Việt Nam, tới năm 2012 đã được giới thiệu tại 18 quốc gia
với các bản tiếng Anh, tiếng Ba Tư. Tác phẩm đang được dịch sang tiếng Đức.
Giới văn chương cho rằng Nỗi buồn chiến tranh là thành tựu rực rỡ nhất văn học thời đổi mới.
Ảnh: Bìa tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
Anh đọc truyện đó của ông ta chưa? Vẫn cay đắng ấy buồn thảm ấy, nhưng là một đoạn tuyệt mạnh mẽ với cả một dòng chảy chữ nghĩa đương thời, với chính mình. Ở đó, và ở tất cả các tác phẩm của ông ấy, người ta thấy một người lính ngày thôi chiến, thấy một nhà văn chỉ sống một phần tuổi trẻ trong chiến tranh thôi nhưng đã tự đóng đinh cuộc đời mình vào những khao khát xót xa mình đã trải theo cái cách không một ai cùng thời có thể làm. Ở đó, người ta thấy một nỗi niềm Việt, thật sự Việt thời hiện đại, không bị thi vị hóa. Ở đó người ta thấy chất thơ của nỗi đau sâu thẳm và bình tĩnh, không huyếnh hoáng vì chiến công chiến thắng, phút huy hoàng lại đơn độc ngược dòng ngấm lại những gì đã mất, những chân trời. Từ ấy người ta chứng kiến một hiển nhiên ít khi xảy ra: những chân tài – trí tuệ thật có tiềm năng nhận biết sang chấn lịch sử, xét định tra vấn nó và ngay trong hào quang thế thời đã tiên cảm ra những bước suy tàn.
Và thế giới này biết đến chúng ta – người Việt – một phần nhờ những se sắt đau đáu ấy. Là người Việt, tôi không vì thế mà buồn. Những se sắt đau đáu của ông ấy đã không còn là của riêng người Việt. Hàm dưỡng được chữ bằng ám ảnh tinh thần riêng có, ông ấy đã vượt khỏi hệ giá trị Việt trong cách nhìn về những mất những còn.
Khi đọc ông ta vào cái lúc còn trẻ ranh, tôi lập tức nhớ tới Erich Maria Remarque. Bây giờ đọc ông ấy tôi vẫn nhớ ông tây kia, và không chỉ một ông tây, nhưng già rồi tôi hiểu rồi: trong nghệ thuật, chỉ khi nào ngấu được hết những buồn vui thật sự của chính tộc người mình thuộc về/ sống cùng, thành mẻ thành tương thật sự, thì lúc đó mới thành đặc sản tinh thần của thế giới.
Chứ không phải là nhân sự gì cũng khua khoắng tự múa rồi túm lấy áo anh tây hiện đại hậu đương hiện đại mà quay quay quay.
Berlin 07. 07. 2016
LÊ MINH HÀ
THEO NGƯỜI ĐÔ THỊ