Tôi vừa được Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch mời đi làm giám khảo cuộc liên hoan trình diễn thơ của các câu lạc bộ thơ toàn quốc tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ngồi xem và nghe mấy ngày mới thấy té ra vấn đề chủ quyền biển đảo biên giới trong tâm thức của người cầm bút, cả chuyên và không chuyên, nó thường trực và nhiều đến thế nào. Có những cựu chiến binh lên vừa đọc thơ về Trường Sa Hoàng Sa vừa khóc, có những “tam thơ”- ba người cùng đọc 1 bài thơ – cùng lúc gầm lên: “Hoàng Sa – Việt Nam…” khiến cử tọa ngồi dưới cứ rưng rưng. Có đại tá chính ủy và có cả những cháu học sinh vừa đậu vào đại học, có cô giáo cấp 2 tận Hòa Bình và bác cựu phó bí thư tỉnh ủy Gia Lai… ai cũng có trong thơ mình những câu hào sảng nhất có thể, những tình cảm thiêng liêng, những khẳng định chắc nịch về Trường Sa Hoàng Sa, về biên giới hải đảo. Tôi phải ghi trong sổ tay: chưa bao giờ được nghe nhiều đến thế cái tên Hoàng Sa Trường Sa, vang lên một cách kiêu hãnh và tự tin, dõng dạc và… công khai đến như thế…

Đến giờ nếu hỏi rằng cái sự tiếc lớn nhất của tôi đến nay là gì tôi nói ngay: đi hụt chuyến Trường Sa.

Tôi đã ứa nước mắt khi trả lời điện thoại đồng chí cán bộ của Bộ tư lệnh hải quân rằng tôi đã không thể đi được chuyến đi ấy dù đã cố gắng hết sức sắp xếp công việc, nhưng té ra, có những công việc không phải do mình quyết mà được, nó liên quan đến nhiều người khác, nhiều bộ phận khác nên mình không thể bỏ. Nhiều bạn văn của tôi đã có mặt ngoài ấy, có người được đi đến 2 lần như Phạm Xuân Nguyên. Nhớ lần ấy, khuya rồi, điện thoại réo hiện tên PXN. Mở ra thì nghe tiếng gió gào và sóng giật đùng đùng, một lúc mới nghe Nguyên nói: mày nghe gì không, gió và sóng Trường sa đấy. Rồi Nguyên đọc thơ, đọc hổn hển như để kịp với sóng Viettel chập chờn giữa đại dương, bài thơ còn hôi hổi mùi mồ hôi và nhịp quay chân vịt tàu hải quân.

Thì ra bà Ngô Doãn Thanh, phó bí thư, chủ tịch HĐND TP Hà Nội dẫn đoàn của quân dân chính Đảng thủ đô ra thăm Trường Sa đã yêu cầu có 5 xuất cho hội liên hiệp VHNT Hà Nội cử các văn nghệ sĩ tiêu biểu và được việc đi. Thế là có Phạm Xuân Nguyên, đương nhiệm phó chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội khi ấy chứ bây giờ Phạm Xuân Nguyên là chủ tịch rồi. Nhà phê bình văn học ra Trường Sa thì biết làm gì? Thế là Nguyên chọn món dễ nhất để làm là làm… thơ. Và ông đã đọc qua điện thoại cho tôi trọn vẹn bài thơ bảy khổ làm ở Trường Sa với lời quảng cáo: Không thể hay hơn. Bài thơ dài miên man, ông vừa đọc vừa (có vẻ như) khóc, thi thoảng thấy dừng hẳn lại dù là điện thoại di động đang kết nối thì phải trả tiền. Thi thoảng lại quát lên, như bác Hoàng Trần Cương nạt thơ, thi thoảng lại thì thầm như tâm sự, như sợ ai nghe thấy, lúc thì gào như Nguyễn Ngọc Phú trước… micro và cử tọa… Tôi mở loa ngoài cho cả nhà cùng nghe. Và quả là cả nhà xúc động dù lúc ấy tôi rất tếu táo chọc Nguyên là chọn thơ dễ nhất để làm, và vì làm vội nên nó… dài.

Một bạn văn nữa là nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh mới đi chuyến tắp lự đây. Tạp chí tôi in cái ghi chép của chị mà tôi đọc đến ba lần vẫn thích. Đàn bà làm thơ nên chị lặng lẽ nhưng chỉn chu, quan sát và ghi nhận, đến khi về đất liền, khi các bác nhà văn nam như Đào Thắng, Hoàng Minh Tường… băm bổ hết những điều to tát thì chị chậm rãi nhưng thủ thỉ những ngóc ngách Trường Sa. Ngóc ngách nhưng nó là một phần đời sống, thậm chí là phần rất quan trọng. Và hấp dẫn. Chị lôi người đọc vào một thế giới đầy mới lạ với cảm xúc vừa tươi rói vừa ngổn ngang và lại đầy cảm thông chia sẻ. Trường Sa vừa mới lạ lại vừa thân quen, vừa xa ngái vừa gần gụi. Nó khiến lòng mình chùng xuống giữa cái ngổn ngang bất tận có phần đến phũ phàng đương diễn ra hôm nay…

Không đi được Trường Sa thì tôi đi biên giới trên bộ. Ấy là mấy cái đồn biên phòng xa nhất của tỉnh Gia Lai. Mới thấy Tổ quốc mình nó thiêng liêng đến thế nào khi mình chân bên này chân bên kia đất nước. Vẫn chí là một rẻo đất ấy, cánh rừng ấy, con song dòng suối ấy, nhưng khi là biên giới, nó trở nên thiêng liêng lạ lùng. Có cảm giác vào đến đồn Biên Phòng là vào một thế giới khác, trong veo và bình an, nhẹ nhõm và yên ổn, thậm chí là đầy chất thơ vì rất nhiều hoa lá cây cảnh, dù bên kia không phải là đất mẹ, dù về nghiệp vụ thì các chiến sĩ biên phòng vẫn đầy các phương án tác chiến, vẫn căng mình ra chứ không nhởn nhơ như lũ khách chúng tôi. Ngủ mấy đêm ở đồn biên phòng, tôi đã làm bài thơ Đêm Biên giới:

đêm biên giới nồng nàn cơn rượu núi

mắt lên men loang loáng ánh rừng

tim run rẩy nhịp mềm như tay vẫy

phía xa nào em có ngóng trăng lên

đêm biên giới anh ngồi nghe suối quẫy

gió nôn nao đánh thức giấc mơ ngày

bước một bước bên kia là đất khác

ngọn cỏ thiêng liêng nhoi nhói đẫm sương chờ

đêm biên giới giăng tiếng cười chật núi

chân trần mơn man quấn quýt cỏ xanh

vòng xoang khép một trái tim bừng mở

mắt chớp vào nhau ta chết nhau rồi


đêm biên giới thấy mình như kẻ khác

Tổ quốc vọng về thảng thốt tiếng chim kêu

những khẩu súng đứng yên bình trên giá

sức trai tràn trề một dáng cựa mình khuya

đêm biên giới anh nhớ về em đấy

căn phòng khuya cơn mưa nhỏ chợt về

một tin nhắn chập chờn loang ngược chốt

lính biên phòng tựa núi hướng về sông…

Lên đến biên giới, bỏ lại sau lưng phố phường náo nhiệt, con người như được gột rửa đến trong veo và tinh khiết. Sống với bộ đội, nửa thanh thản nửa ân hận, thấy mình nhỏ bé và có gì đấy ích kỷ. Tất nhiên, những người lính ấy, họ lại luôn hướng về phía phố. Hướng về cái “quầng sáng bồn chồn thương nhớ” với tất cả niềm tin rằng, những gì họ đang chịu đựng ấy, họ chấp nhận thiệt thòi ấy, những người phía sau sẽ biết cách để giữ gìn để xây dựng và ứng xử công bằng. Cái cách họ quý người cầm bút khi chúng tôi lên thăm chứng tỏ một niềm tin trong trẻo của họ đối với hậu phương, mà những con chữ của nhà văn chúng ta là cầu nối…

Những chuyến đi, thấy Tổ Quốc mình rõ hơn, và cũng là một cách để nhìn lại mình…

Nguồn: Văn nghệ trẻ

Exit mobile version