Tonvinhvanhoadoc.vn: Những ngày này, không khí chuẩn bị cho Hội nghị Những người viết văn Trẻ lần thứ 9 đang tưng bừng.Nhưng cũng có những cây viết do nhiều lí do không được tham gia một Hội nghị có thể gọi là “Dạ hội văn chương”. Các bạn viết trẻ vẫn có mặt ở rất nhiều vùng miền trên cả nước, âm thầm sáng tạo và nỗ lực học hỏi.Tôn vinh văn hóa đọc xin được giới thiệu TÂM SỰ VỀ VIẾT VĂN của PHAN ĐỨC LỘC, một trong số các cây bút như vậy
Phan Đức Lộc
Ngay từ những ngày học cấp hai, tôi đã âm thầm nhen nhóm ước mơ trở thành một nhà văn, trong khi bạn bè tôi đa số đều mong muốn tương lai sẽ là giáo viên, bác sỹ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào khác có thể kiếm được thật nhiều tiền. Tôi giấu nhẹm ước mơ nhỏ nhoi ấy vào một ngăn kín đáo nhất của trái tim mình. Bởi chỉ cần “nó” bị “lộ” ra, lũ bạn sẽ cười thối mặt tôi mất.
Cứ thế, hằng đêm, khi làm xong bài tập về nhà, tôi lại mang cuốn vở nháp ra để tập tành sáng tác. Đầu tiên là những bài thơ ngộ nghĩnh có vần. Rồi tiếp đến tôi “lấn sân” sang cả tản văn, truyện ngắn. Viết rồi xóa, xóa rồi viết, tôi loay hoay trong mớ ngôn từ còn nghèo nàn của bản thân rồi có lúc hoang mang đặt ra câu hỏi: “Viết để làm gì?”. Tôi không biết nữa. Ngày ấy, viết, với một chàng trai nội tâm như tôi, đơn giản là vì thích, chỉ thế thôi. Và hễ có tiếng bước chân vào căn buồng nơi tôi đang miệt mài bên trang giấy, tôi liền luống cuống lấy sách che lại như đang phạm tội quả tang. Số bản thảo nguệch ngoạc trong ngăn bàn cứ đầy dần lên cho đến một hôm, bà tôi quét dọn nhà cửa, tưởng đấy là “rác” và định mang đi vứt thì mọi bí mật của một cậu nhóc bị “phanh phui”. Vốn là người thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, ví dặm, hò vè, bà tôi đọc qua rồi tấm tắc khen: “Cháu viết hay mà! Sao không thử gửi đến các tòa soạn báo”. Tôi cười trừ: “Hàng xóm mà nghe được câu này của bà, họ sẽ nói “cháu hát bà khen hay” đấy bà ạ”.
Mặc dù thế, gợi ý của bà vẫn quanh quẩn trong đầu tôi suốt nhiều ngày liền. Nhà tôi ngay sát bưu điện, nên với những đồng tiền lẻ bà cho, thay vì việc mua quà vặt ăn như mọi lần, tôi sẽ dành dụm mua tem và phong bì để chuẩn bị cho “âm mưu” viết bài gửi báo. Còn nhớ, vào năm cuối cấp hai, tôi đã gửi không dưới chục bài nhưng thời gian trôi qua, tất cả đều bặt vô âm tín. Cho đến một buổi chiều năm lớp 10, tôi đi học về thì nhận được một tin đầy bất ngờ từ cô nhân viên bưu điện: “Lộc ơi, cháu có bài đăng trên tạp chí Văn học và tuổi trẻ này. Lên ký tên nhận nhuận bút nhé!”. Tim tôi đập thình thịch vì vui sướng. Và năm mươi nghìn là món tiền “lớn” đầu tiên mà chàng trai lúc nào cũng bị chê là “mọt sách” làm được. Tôi đem tờ polime màu hồng ấy đặt vào lòng bàn tay nhăn nheo của bà, đôi mắt bà ánh lên hạnh phúc. Và ngay phiên chợ hôm sau, bà mua một cân lòng lợn và hai cân bún về làm một bữa liên hoan nho nhỏ. Trong bữa ăn, bà cứ nói đùa: “Cả nhà được nhờ Lộc Cộc rồi” làm tôi vừa ngượng, vừa hãnh diện.
Lên cấp ba, nhờ có sự động viên của cô giáo dạy Văn và cô bạn thân nhất quả đất, tôi vẫn viết đều đặn. Phần lớn sáng tác xuất hiện liên tục trên tờ nội san của nhà trường phát hành đều đặn mỗi năm vài số. Và cũng có đôi bài được đăng trên tờ Áo Trắng. Nhưng sau đó, vì tham vọng đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, vì áp lực về một cánh cửa đại học phía trước, niềm say mê viết lách đành bỏ ngỏ để nhường thời gian cho việc ôn luyện. Ước mơ trở thành một nhà văn vẫn như một hòn than hồng lặng lẽ bén nhiệt trong tâm khảm tôi. Để rồi, ngày tôi quyết định điền dòng chữ “Khoa Sáng tác, lý luận và phê bình Văn học – Đại học Văn hóa Hà Nội” vào tờ phiều đăng ký dự thi, bà tôi tỏ ra vô cùng lo lắng: “Học ngành đó rồi sau ra trường có xin được việc không?”. Tôi chả biết phải giải thích thế nào cho bà hiểu. Xã tôi chưa có ai học ngành này. Cũng chẳng có ai định hướng cho tôi cả. Đấy là tự tôi yêu thích, nên tôi đặt bút lựa chọn. Quả thực, đầu óc tôi vô cùng mơ hồ. Tôi có nên mạo hiểm?
Tôi không mạo hiểm với con đường ấy, song rốt cuộc đã chọn một con đường còn mạo hiểm hơn: Học viện Cảnh sát nhân dân. Và khi được khoác lên mình bộ cảnh phục màu xanh lá cây, tôi tự nhủ mình, tay phải sẽ cầm súng và tay trái nhất định sẽ cầm bút. Môi trường học tập kỷ luật ở ngôi trường vũ trang này thoạt nghĩ có thể sẽ làm khô khan tâm hồn của một chàng trai mộng mơ, lãng mạn. Nhưng sau những tháng ngày được rèn luyện một cách bài bản, tôi nhận ra rằng, nơi đây thực sự đã dạy tôi cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và cẩn thận; nơi đã tạo nhiều điều kiện rất tốt về mặt thời gian cũng như cơ sở vật chất để tôi tiếp tục chinh phục ước mơ nhà văn từ thời tấm bé. Vừa học, vừa viết là một trải nghiệm thú vị trong đời sinh viên của tôi. Những bài thơ, tản văn, truyện ngắn tôi viết giờ không chỉ “lên sóng” lẻ tẻ trong phạm vi những tờ nội san cấp trường nữa, mà đã bắt đầu chạm đến một số tờ báo cấp Trung ương như: Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ trẻ, Mực tím, Giáo dục và thời đại…
Tuổi hai mươi, khi nhìn các bạn viết trạc tuổi nườm nượp post hình bìa sách lên các trang mạng xã hội, thú thực, tôi khá sốt ruột. Bạn bè tôi, người thì khuyên chờ viết chắc tay một chút rồi ra sách hẵng chưa muộn, người thì bảo cuốn sách là tấm vé thông hành để chính thức bước vào làng Văn nên được in càng sớm sẽ càng tốt. File word lưu trữ trong máy tính ngày càng đầy lên. Tôi vò đầu bứt tai chọn lọc trong hơn một trăm bài viết đã đăng báo cũng được một tập sách mong mỏng. Công đoạn tiếp theo là gửi đến một nhà xuất bản nào đó. Nhưng tôi đã do dự khá lâu vì không tìm được địa chỉ phù hợp, vì sợ rằng một khi bản thảo bị từ chối, tôi sẽ hoài nghi về chính mình lắm. Đúng là được đăng báo đã khó, được xuất bản sách lại càng khó hơn! Một anh bạn thân của tôi từng ví von thế này: “Đăng báo nhiều mà chưa ra được sách cũng giống như người phụ nữ mang thai quá chín tháng mười ngày mà chưa trở dạ sinh con”. Và tôi quyết tâm sẽ “sinh” đứa con tinh thần ấp ủ bao lâu này bằng được.
Thật may mắn khi tôi được kết bạn Facebook và thường xuyên trò chuyện với cô Võ Thị Xuân Hà – một nhà văn tâm huyết với các cây bút trẻ. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của tôi, cô bảo: “Bên cô vẫn còn một vài kế hoạch cho năm 2016 này. Cháu gửi bản thảo sang để cô đọc thử nhé!”. Tôi “vâng ạ” rồi tức tốc gửi ngay. Thư gửi đi rồi, tay còn run, đầu còn nóng và tim còn loạn nhịp vì hồi hộp đan xen một chút hy vọng. Và cứ như vậy, tôi lặng thầm chờ đợi hồi âm từ cô… Một tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Cô nói ngắn gọn rằng bản thảo của tôi có thể in được. Cảm xúc trong tôi vỡ òa như cái lần đầu tiên nhận được tờ năm mươi nghìn tiền nhuận bút bài viết đăng trên Văn học và tuổi trẻ. Suýt chút nữa, tôi đã nhảy cẫng lên. Ngồi “chém gió” với hội bạn thân, tôi thầm mường tượng về hình hài cuốn sách, rồi chợt mỉm cười như đứa trẻ được nhận quà làm đứa bạn cùng phòng thắc mắc: “Hôm nay thằng Lộc nó bị ma ám hay sao ấy bọn mày ạ!”.
Mọi chuyện đến với tôi khá thuận lợi. Tập sách còn mỏng, nên cô Hà khuyến khích tôi viết thêm. Tôi gửi bổ sung mười truyện ngắn nữa vào tập bản thảo cũ hợp thành một tập truyện ngắn và tản văn. Cô Hà thẩm định sơ bộ rồi giảng giải: “Cháu là tác giả mới, nên xuất hiện bằng truyện ngắn trước sẽ lợi thế hơn. Cố viết thêm cả hai thể loại để có hai cuốn sách riêng nhé! Thời gian từ giờ đến đợt làm sách còn dài, nếu cháu chịu khó viết, cô sẽ đợi. Viết truyện ngắn phải đánh nhanh, thắng nhanh, cứ rề rà mãi đôi khi sẽ bị bỏ dở”. Tôi lao vào viết như thể ngày mai không còn cơ hội được cầm bút. Những ý tưởng cuộn lên trong đầu khiến chiếc bàn phím không ngừng lách tách mỗi ngày. Và sau chừng hơn tháng, cả tập truyện ngắn cũng như tập tản văn đều đã đảm bảo về số lượng chữ, còn chất lượng… thì phải chờ cô Hà nhận xét. Rồi tôi cũng nhận được những cái gật đầu đồng ý của công ty Thiên Đức – nơi cô Hà đang làm phó giám đốc. Hợp đồng phát hành được ký kết nhanh chóng, và không lâu sau đó, cuốn sách đã ra đời.
“Chuyện dang dở” – tập truyện ngắn đầu tay này của tôi một cuốn sách nhỏ xinh, giản dị, khiêm nhường ghi dấu một kỷ niệm êm đềm cho tuổi hai mươi mốt. Về hình thức, cá nhân tôi cho rằng bìa sách nhẹ nhàng, tối giản, chất lượng giấy ổn. Còn về nội dung bên trong, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đánh giá: “Cháu đã biết cách viết truyện ngắn. Song cần phải tạo được dấu ấn trong việc sử dụng ngôn ngữ để thể hiện cá tính, phong cách riêng”. Tôi thầm cảm ơn bà đỡ của đứa con so này rồi tự đọc đi đọc lại nó rất nhiều lần và cũng “nhặt” được không ít “sạn”. Kỳ thực, tôi chẳng dám bình luận nhiều. Bởi vì suy cho cùng, độc giả sẽ là “ban giảm khảo” đánh giá khách quan nhất một tác phẩm văn chương. Nó được khen hay hoặc chê dở, tôi đều hoàn toàn tôn trọng quan điểm bạn đọc. Tôi chỉ xin được chia sẻ thêm một chút chuyện nhỏ ngoài lề thế này, cả tên cuốn sách và tên nhiều truyện ngắn bên trong đã được thay đi, đổi lại rất nhiều lần. Và suy cho cùng, cái tên “Chuyện dang dở” hình như vẫn ẩn chứa nhiều dụng ý hơn cả? Bây giờ thì tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì ít ra, dù thành công hay thất bại, cuốn sách đã có một số phận riêng.
Quá trình thư từ trao đổi với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tôi đã học được rất nhiều điều, từ việc nhỏ nhất như dùng dấu chấm, dấu gạch ngang thế nào là đúng cho đến những việc ngoài sáng tác như đức tính kiên trì, chăm chỉ, bền bỉ. Như trong một bài phỏng vấn, cô đã từng phát biểu đại ý rằng, văn chương cần một chút năng khiếu, phần lớn còn lại phải là sự nỗ lực, tìm tòi, khám phá. Khi chưa viết được cái gì ra tấm ra món, tôi thầm nghĩ để làm nhà văn không khó, chỉ cần có nhiều tác phẩm đăng báo và in sách là được. Và khi đã có bài in trên mấy chục tờ báo lớn, nhỏ, sở hữu một cuốn sách riêng và sắp cho ra lò một tập sách khác, tôi mới vỡ lẽ ra, làm nhà văn chưa bao giờ là dễ. Song, “không gì là không thể”. Tôi viết ra đôi dòng mộc mạc này, không vì mục đích PR cho cuốn sách mới mà chỉ ước mong được trải lòng mình và tìm thấy những nhịp tim đồng điệu. Giờ đây, mỗi lần mở màn hình laptop ra và định viết một cái gì đó, tôi không ngừng tự đặt ra câu hỏi: “Viết thế nào để không bị hòa lẫn?”.
Con đường nào gập ghềnh và nhiều chông gai nhất? Đối với tôi, đó là con đường sáng tác. Có lẽ kiếp trước lỡ đắc tội với chữ nghĩa, nên kiếp này còn mắc nợ văn chương. Để chạm đến danh xưng “nhà văn” cao quý, tôi cần phải cố gắng rất nhiều. Trong tôi, ngọn lửa đam mê từ thuở ấu thơ vẫn còn nồng nhiệt. Và cốt yếu, ngọn lửa đó có sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào hay không?