Giáo sư Kawaguchi đến Hoa Kỳ tham dự hội thảo về Phong Hóa – Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, theo lời mời của Diễn Đàn Thế Kỷ online, với đề tài thuyết trình “Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học Cận Đại Việt Nam.”


Ông sinh năm 1949 tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Tokyo năm 1976, giảng dạy Văn hóa, Văn học Việt Nam từ năm 1984 cho tới nghỉ hưu năm 2013, với chức danh Giáo sư danh dự, Đại học Ngoại ngữ Tokyo.


Giáo sư Kawaguchi chuyên nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn. Trong nhiều tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật về nhiều khía cạnh của văn học Việt Nam của ông, có thể kể đến các tác phẩm dịch sang tiếng Nhật như Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng (dịch chung, 1984), Nắng Trong Vườn (Thạch Lam, 2000), các công trình nghiên cứu như “Thạch Lam – Tác phẩm và Quan niệm Văn học” (1996), “Nhân vật trong Tiểu thuyết của Nhất Linh – Suy nghĩ về 3 tác phẩm” (1999)…



*****


Trong thời kỳ từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, những thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng chẳng hạn, ở trong quá trình hiện đại hóa và cho thấy quang cảnh của một thành phố hiện đại. Dân người ở những thành phố này có lối sống hiện đại, làm nảy sinh phong tục thành thị. Họ đi đến rạp hát để nghe hòa nhạc tây, hoặc đi xem phim. Ở Hà Nội thấy mọc lên những cửa hiệu chuyên tô điểm sắc đẹp cho phụ nữ. Những cô thiếu nữ tân tiến thì đường ngôi rẽ lệch, quần trắng, áo màu, giày cao gót. Họ chơi quần vợt.

Hiện đại hóa lối sống như thế này làm biến đổi ý thức của người dân thành thị.

Về văn học Việt Nam, những tạp chí đóng vai quan trọng cho sự hình thành văn học hiện đại trong thời kỳ đầu thế kỷ 20 là “Đông Dương tạp chí” (1913-19) do Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm chủ bút và tạp chí “Nam Phong” của chủ bútPhạm Quỳnh (1892-1945). Nguyễn Văn Vĩnh dịch nhiều tiểu thuyết hiện đại Pháp để đăng “Đông Dương tạp chí”. Còn Phạm Quỳnh thì ngoài tác phẩm văn học Pháp ra, cũng viết nhiều bài khảo cứu về những lĩnh vực như triết học, lịch sử và chính trị của Pháp. Một trong nhiều khảo cứu về văn học của Phạm Quỳnh có bản Bàn về tiểu thuyết viết vào năm 1921, và bản này đọc dễ hiểu, đầy sức thuyết phục, góp ích để cho người Việt Nam lúc bấy giờ suy nghĩ vể cách kết cấu tác phẩm và quan niệm về văn học. Có thể nói luận thuyết này rất quan trọng trong những luận thuyết bàn về văn học lúc bấy giờ.

Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời vào năm 1925. Quyển tiểu thuyết này là tác phẩm báo hiệu sự xuất hiện tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Quyển này với chủ đề ý thức về cái tôi và chống lại lễ giáo phong kiến đã mở ra phương hướng mới cho những tiểu thuyết truyền thống Việt Nam như tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết lịch sử chương hồi, v.v.. Nhưng tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách này chưa thoát khỏi phạm vi phỏng tác tác phẩm văn học Pháp, chưa vững bền về hai mặt lối kết cấu và cách xây dựng nhân vật.

Sau, nhà văn Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn cũng đề cập đến tác phẩm này, phê bình như sau:

Khi mới ra đời, Tố Tâm được người ta hoan nghênh vô cùng. Từ Bắc đến Nam, không ai không biết đến Tố Tâm ; có nhiều bạn gái học thuộc lòng cả quyển sách nữa ; nhưng cũng như tác phẩm của Từ Trẩm Á, Tố Tâm bây giờ không còn ai nhắc đến. Cuộc kén chọn của thời gian đã loại cuốn tiểu thuyết đó như nhiều tiểu thuyết của các văn sĩ khác, Tố Tâm bị số phận đó vì cái nghệ thuật không vững bền ; cuốn tâm lý tiểu thuyết ấy chỉ phân tách có cái tâm lý hời hợt bề ngoài, một cái thái độ của tâm hồn mà thôi.(“Theo giòng – vài ý nghĩ về văn chương”, 1941)

Những nhà văn đóng góp công lao lớn nhất cho sự hình thành văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có thành viên là những nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, sau có thêm hai nhà văn Xuân Diệu và Trần Tiêu tham gia, và cũng có những cộng tác viên như Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, v.v.. Riêng về bìa, minh họa, ngoài Đông Sơn ra, cũng có những họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ nhưNguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc chẳng hạn, phụ trách.

Ở đây tôi xin phép chọn ba nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam để suy nghĩ về những tác phẩm thời kỳ đầu của hai nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng và về quan niệm văn học của Thạch Lam trong quá trình hình thành văn học hiện đại Việt Nam.

Báo ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là báo Phong hoá và báo Ngày nay. Phong hoá, số 1 được ấn hành vào ngày 16 tháng 6 năm 1932 do Phạm Hữu Ninh chủ trì. Sau đó, Nhất Linh thay thế Phạm Hữu Ninh, chủ trì từ số 14 (ngày 22/9/1932) của báo này. Trên Phong hoá số này Khái Hưng viết cho đăng truyện ngắn đầu tiên, Kong Ko Dai Jin. Trong truyện này có hai nhân vật đi mua sơn, một là người Việt và một khác là người Nhật tên là Độ Bộ Thất Lang xuất hiện. Truyện này kể một chuyện quái lạ xảy ra trong đêm tại nhà hai người ngủ trọ. Đọc truyện này chúng ta mới biết được rằng tác giả Khái Hưng có quan tâm đến văn hoá Nhật bản thí dụ như Võ sĩ đạo.

Sau truyện này Khái Hưng tiếp tục viết mấy thiên truyện ngắn để đăng Phong hoá, rồi từ số 20 cho đến số 29 Khái Hưng liên tiếp cho đăng tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên. Chính quyển tiểu thuyết này là tác phẩm đánh dấu đây chính là tác phẩm đầu tay mở ra con đường chính thức đến với văn chương của ông và đồng thời tác phẩm này là tiểu thuyết đầu tiên cho Tự Lực Văn Đoàn.

Trong quyển tiểu thuyết này, Khái Hưng miêu tả hai nhân vật Ngọc và Lan, Ngọc là sinh viên trường Canh nông ở Hà Nội và Lan là chú tiểu tu hành ở một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Nhân dịp nghỉ hè, Ngọc đến thăm ngôi chùa này. Lan thật ra là con gái. Hai cha mẹ của Lan đã mất, và theo lời hứa với mẹ, Lan ghé thân vào cửa Phật để tu hành. Đến phần cuối truyện, Ngọc phát hiện chú tiểu Lan là cô gái cải trang thành con trai, và yêu Lan nhưng Lan không thay đổi quyết tâm để tiếp tục tu hành ở ngôi chùa, không chấp nhận tình yêu của Ngọc. Cuối cùng, hai người chia tay nhau, và Ngọc trở về Hà Nội.

Quyển tiểu thuyết này có đặc trưng về lối cấu tạo là chuyện kể ở chùa. Người thanh niên sống ở tục trần, đến thăm ngôi chùa, nơi linh thiêng, và yêu sư cô cải trang thành chú tiểu. Sau khi hai người nói chuyện với nhau về lý tưởng của đời người, hiểu được nhau để rồi chia tay nhau với ý niệm lý tưởng của sự yêu đương, và người thanh niên trở về với cõi đời thường. Quyển tiểu thuyết này kết thúc không sầu thảm. Tác giả miêu tả khéo léo hai nhân vật cố gắng sống một cuộc đời có lý tưởng. Có thể nói tác phẩm này là một tác phẩm rất quan trọng vì nó báo hiệu sự xuất hiện của nhà văn Khái Hưng, và là tác phẩm xứng đáng có tên tuổi trong lịch sử văn học Việt Nam với tư cách là tác phẩm đã đóng vai quan trọng cho sự hình thành văn học hiện đại Việt Nam.

Tiểu thuyết Nửa chừng xuân là tác phẩm tiêu biểu nhất cho nhà văn Khái Hưng.

Trong tác phẩm này Khái Hưng miêu tả lối sống đáng quý của phụ nữ là giữ gìn được cái tôi trong xã hôi phong kiến. Tiểu thuyết này là một tác phẩm có ý nghĩa lớn và giá trị nghệ thuật cao trong lịch sử văn học hiện đaị Việt Nam.

TLVD_3_3.jpg

(Nhà văn Khái Hưng thời trẻ)


Nhưng ở đây, tôi không dám nói thêm nữa về quyển này, vì bản thân Nhất Linh đã nói rất thích đáng, nên tôi xin dẫn bài đó để giới thiệu lời bình phẩm của Nhất Linh. Bài này Nhất Linh viết làm bài tựa cho Nửa chừng xuân, và đăng trên Phong hoá, số 86 (23/2/1934).

Giữa lúc mới, cũ găng nhau, quyển Nửa chừng xuân ra đời.

Cô Mai, vai chính trong truyện là người đã hy sinh cho cái xã hội khắt khe nửa cũ, nửa mới này; cô Mai là hình ảnh trăm nghìn cô con gái khác đã suốt đời chịu một vết đau thương vì sự trái ngược của hai nền luân lý: mới, cũ, của hai quan niệm : gia đình và cá nhân.

Bọn trẻ, nhất là về phái yếu, đương ở vào thời kỳ náo nức ham sống, sống một cách hoàn toàn sung sướng, nếu gặp sự cản trở về đường tình ái, tất nhiên là thất vọng, chán nản. Chán nản rồi quyên sinh. Cảnh ngộ này đã dùng làm luận đề cho biết bao tiểu thuyết.

Cô Mai trong Nửa chừng xuân cũng thất vọng, nhưng cô khẳng khái không chịu khuất phục bằng cách quyên sinh, cũng không chịu khuất phục bằng cách trở về với cái cũ – việc mà cô có thể làm được – cô cứ cứng cỏi mà sống yên lặng không than vãn, vui lòng hy sinh hạnh phúc ở đời. Tuy đã vì đời chịu mang một vết thương không bao giờ mất, tuy đã thấy hạnh phúc mình tan tác như cánh hoa tơi bời trước gió, Mai vẫn tỏ ra là một người yêu đời, yêu đời một cách tha thiết.

Vì thế nên cô Mai trong Nửa chừng xuân là một người bạn nhẫn nại đời đời an ủi những người cùng một cảnh ngộ như Mai, cùng chịu những nỗi đau thương của mối tình thất vọng. Mai lại vừa là một người bạn cứng cỏi để cấm đoán những người đã chịu đau khổ về cái cũ, đừng vì muốn tránh sự đau khổ, lại hèn nhát trở về với cái cũ đó.

Mai đã nhủ bảo cho người khác biết trọng sự hy sinh, cho rằng đời có hy sinh mới là đời đáng sống, rồi biết lấy cái thú vị chua chát của sự hy sinh để an ủi, dỗ dành mình trong những ngày thất vọng và để khuyến khích mình dẫu sao cũng vui vẻ, mạnh mẽ mà sống. (Nguyễn Tường Tam, Ngày 13 tháng hai năm 1934)

Quyển tiểu thuyết này liên tiếp đăng trên báo Phong hoá, nhưng cách cho đăng khác với thông thường. Nửa chừng xuân của Khái Hưng đăng trên báo Phong hoá từ số 36 (3/3/1933) cho đến số 63 (8/9/1933). Chương cuối cùng là ‘Trên Đồi’. Thế nhưng, năm sau Khái Hưng viết thêm một chương nữa để cho đăng Phong hoá làm hai kỳ số 99 và số 100. Đó là chương cuối cùng của quyển Nửa chừng xuân hiện nay, ‘Bên lò sưởi’, trong đó tác giả miêu tả cảnh hai người Mai và Lộc nói chuyện với nhau bên lò sưởi về lý tưởng của đời người. Khái Hưng nói tại sao viết thêm là vì tác giả có ý muốn gây thêm hứng thú cho người đọc.

Thiết nghĩ rằng nguyên do khiến tác giả viết hai quyển tiểu thuyết này là có sự tương quan đến tình huống văn học lúc bấy giờ và vấn đề xã hội phụ nữ.

Nhưng ở đây tôi không bàn thêm nữa về hai vấn đề này.

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh đứng đầu, được thành lập năm 1933. Tuyên ngôn và tôn chỉ của nhóm này đăng trên Phong hoá số 87 (2/3/1934).

Phần đầu tuyên ngôn là như sau:

Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.

Và, tôn chỉ gồm có 10 điều như sau :

1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi : mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.

2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chú ý làm cho Người và cho Xã hội ngày một hay hơn lên.

3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.

5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.

7. Trọng tự do cá nhân.

8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.

10. Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Tiểu thuyết tiêu biểu nhất của nhà văn Nhất Linh là tiểu thuyết Đoạn tuyệt(1935). Trong quyển này tác giả dùng hai nhân vật Dũng và Loan miêu tả sự đối lập, xung đột tư tưởng mới cũ. Dũng và Loan cũng xuất hiện trong tiểu thuyếtĐôi bạn (1938). Thêm nữa, nhân vật chính trong truyện ngắn Thế rồi một buổi chiều cũng là Dũng. Hai nhân vật này trùng lặp với nhau trong những truyện này.

Tôi xin lấy hai tác phẩm Thế rồi một buổi chiều và Đoạn tuyệt để xem xét.

Truyện ngắn Thế rồi một buổi chiều, câu chuyện tiến triển ở một ngôi chùa ni cô. Trong truyện này nhân vật Dũng xuất hiện với hình tượng là một thanh niên bị truy đuổi, chạy trốn vào chùa ni cô, và được một ni cô trẻ tuổi xinh đẹp che chở

Qua những cuộc trò chuyện với Dũng, người ni cô nảy sinh tình yêu với Dũng, thấy cảm kích trước cuộc đời dám hành động của Dũng. Chuyện kết thúc với cảnh ni cô cùng Dũng rời bỏ chùa chạy trốn. Trong truyện này Nhất Linh xây dựng nhân vật Dũng với hình tượng một thanh niên vì dấn thân vào cuộc đời hoạt động, cuộc đời sống vì người khác nên bị truy đuổi. Nhân vật này lại xuất hiện trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt, tiểu thuyết đầu tiên của Nhất Linh. Và lại, trong tiểu thuyết này Nhất Linh lại xây dựng nữ nhân vật Loan.

Trong Đoạn tuyệt, Dũng và Loan là bạn bè từ thuở nhỏ, và thầm yêu nhau. Dũng vì có tư tưởng mới nên bị gia đình từ bỏ, bỏ nhà ra đi. Cũng như Dũng, Loan là người tân học có cách suy nghĩ mới. Cha mẹ vì món nợ ép gả Loan cho Thân, con trai của một nhà giàu có nhưng giữ lại gia phong cổ hủ phong kiến. Truyện này bắt đầu với khung cảnh như thế này. Nhất Linh miêu tả chủ đề xung đột mới cũ và ‘đoạn tuyệt’ với cái cũ qua hai nhân vật Dũng và Loan, Dũng là người xung đột với cha mẹ, bỏ nhà ra đi, Loan là người về làm dâu nhà nặng nề tư tưởng lễ giáo phong kiến rồi xung đột với gia đình chồng, do vụ giết chồng mà thoát khỏi nhà chồng.



(Nhà văn Nhất Linh)


Đoạn tuyệt được kết cấu rất khéo léo làm cho độc giả cảm thấy rất hay.

Tại sao Nhất Linh viết Đoạn tuyệt ? Lý do này chúng ta có thể tìm thấy trong tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn. Như trên đã nêu lên, những điều tôn chỉ từ điều 5 cho đến điều 8 là như sau:

5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho

người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả

quý phái.

7. Trọng tự do cá nhân.

8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

Nhất Linh lấy những điều tôn chỉ này làm chủ đề cho Đoạn tuyệt. Có thể nói tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh cũng như thế. Nhưng ở đây tôi không đề cập đến tiểu thuyết Đôi bạn.

Nhất Linh xây dựng hai hình tượng mới Dũng và Loan, thanh niên Dũng vì có hoạt động cải cảch xã hội mà bị truy đuổi, chạy trốn và cô Loan với cá tính mạnh mẽ, nói lên được ý kiến của mình. Nhất Linh viết để cho độc giả suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời theo lối mới.

Cuối cùng, xin nói một chút về nhà văn Thạch Lam. Thạch Lam là nhà văn mà tôi đặc biệt quan tâm, nhất là đối với phong cách và thế giới tác phẩm của ông.

TLVD_3_4.jpg


(Nhà văn Thạch Lam)


Tôi xin lấy vài tác phẩm của Thạch Lam để xem xét quan niệm văn học của nhà văn này.

Trong tập phê bình văn học “Theo giòng” (1941) có một thiên ‘Tiểu thuyết để làm gì ?’ Thạch Lam nói về ý nghĩa độc giả đọc tiểu thuyết như sau :

Ấy chính tiểu thuyết sẽ đem sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng ta. Ta sẽ được biết nhiều trạng thái và thay đổi của tâm hồn mà nhà văn diễn tả, nhận xét được những mầu sắc mong manh của tâm lý, chúng ta sẽ tập cảm súc sâu xa và mãnh liệt, biết rung động hơn, trước những vẻ đẹp của trời đất, trước những hành vi cao quý của người trong truyện. Và khi biết phân tách và suy xét ngay chính tâm hồn của mình: chúng ta sẽ sống đầy đủ hơn.

Và, trong lời tựa cho tập truyện ngắn đầu tay “Gió đầu mùa” (1937), Thạch Lam nói về văn học (= văn chương) như sau :

… văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

Thạch Lam nghĩ tác động của văn học gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con người như thế này. Quan niệm văn học này vừa là của Thạch Lam đồng thời vừa là quan niệm liên quan đến tôn chỉ của Tự LựcVăn Đoàn.

Thạch Lam thể hiện quan niệm về văn học của ông trong phần lớn là truyện ngắn.

Thạch Lam viết tác phẩm theo phong cách khác với hai nhà văn anh ruột Nhất Linh và Hoàng Đạo. Các thiên truyện ngắn có đặc điểm phong cách thiên về cảm giác, mở ra lĩnh vực mới về phong cách viết văn trước đó chưa từng có trong văn học Việt Nam. Dù theo hình thức tiểu thuyết nhưng lối viết văn đó gần với lĩnh vực của lối kể chuyện theo thể thơ hơn là theo thể văn xuôi cốt để kể chuyện. Cảm xúc nảy sinh trong lòng độc giả sau khi đọc tác phẩm của ông không phải thứ tình cảm như sự cảm động mà hơn thế nữa nó là thứ tình cảm rất thơ mộng.

Nhà văn Khái Hưng của Tự Lực Văn Đoàn gửi bài tựa cho tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” của Thạch Lam, nói như sau:

Nếu ta có thể chia ra hai hạng nhà văn, nhà văn thiên về tư tưởng, nhà văn thiên về cảm giác, thì tôi quả quyết đặt Thạch Lam vào hạng dưới. Ở chỗ mà người khác dùng tư tưởng, dùng lời có khi rất rậm để tả cảnh, tả tình, ông chỉ nói, nói một cách giản dị cái cảm giác của ông. Các cảm giác ấy bao quát hết tư tưởng của tác giả và của độc giả, và của độc giả nhiều khi đi xa hơn, sâu hơn trí, vì có cái cảm thấy mô tả không thể dùng tư tưởng để mô tả, để giải phẫu cái cảm giác của ta ra được, dù là một cái cảm giác nhẹ nhàng, cái rung động khẽ như cánh bướm non ấy là một tình cảm sâu xa.(Khái Hưng, 3/9/1937)

Về nhà văn Thạch Lam, tôi đánh giá cao nhất là ở chỗ thông qua các tác phẩm cụ thể ông đã chỉ ra khả năng mới mẻ về lối viết văn bằng tiếng Việt. Trong văn học Việt Nam thời kỳ từ những năm 1930 cho đến đầu những năm 1940, Thạch Lam chọn những đối tượng vô hình như tâm hồn con người, tâm lý con người, rồi dưới ngòi bút của mình ông làm chúng trở thành những hình hài cụ thể khiến cho độc giả cảm nhận được, về điểm này ông đã đạt được những thành quả có giá trị văn chương rất cao, có thể nói rằng chính nhà văn Thạch Lam là nhà văn của tâm hồn.

Tôi xin nói tóm tắt bài nói chuyện của tôi bằng một lời.

Tự Lực Văn Đoàn là nhóm văn học đặc sắc đa dạng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong quá trình hình thành văn học hiện đại Việt Nam.

Kawaguchi Kenichi
(Giáo sư danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo)

(Nguồn: Khoa Văn học và Ngôn ngữ)