Trong vòng khoảng mười lăm năm, Nhất Linh và Khái Hưng đã sát cánh bên nhau ở trên nhiều phương diện. Họ là “đôi bạn” thân thiết nhưng còn hơn thế, Nhất Linh và Khái Hưng kết hợp với nhau để trở thành linh hồn của Tự Lực văn đoàn, nhóm văn chương quan trọng nhất của giai đoạn hiện đại hóa văn học Việt Nam. Thông thường, ta rất hiếm gặp các tác phẩm ký tên chung mà lại là tác phẩm văn chương nhiều giá trị, nhưng ba cuốn sách ký “Nhất Linh và Khái Hưng” – tập truyện ngắn Anh phải sống cùng tiểu thuyếtGánh hàng hoa và tiểu thuyết Đời mưa gió – đã là kinh điển trong lịch sử văn chương Việt Nam. Nhìn kỹ vào sự kết hợp giữa hai nhân vật rất lớn này, ta thấy nổi lên một số đặc điểm nổi bật.
Tuy cách nhau chừng mười tuổi (Khái Hưng sinh năm 1897 còn Nhất Linh sinh năm 1905) nhưng Khái Hưng Trần Khánh Giư và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vẫn có điểm tương đồng: cả hai đều có một giai đoạn sớm dường như tin tưởng vào các giá trị truyền thống, sau đó mới trở nên quyết liệt đường lối “theo mới”. Ở Khái Hưng, điều này tương đối dễ hiểu, vì xuất thân và vì học vấn ban đầu, còn ở Nhất Linh, tuy khá lạ lùng, nhưng khi còn rất trẻ, cho đến giữa thập niên 20 của thế kỷ 20, cũng có khuynh hướng “trọng cổ”: Nhất Linh viết và cho xuất bản từ rất sớm hai cuốn tiểu thuyết đậm hơi hướm cổ, là Nho phong vàNgười quay tơ. Trong giai đoạn này, thậm chí Nhất Linh còn mặc “đồ ta” và rất đả phá chuyện “ăn mặc tân thời”[1].
Nhưng thú vị hơn là những gì mà Khái Hưng và Nhất Linh bù trừ cho nhau, để sở trường của mỗi người trở thành sở trường chung của cả hai. Điều này đặc biệt quan trọng, vì sự kết hợp này sẽ dẫn dắt cả một trào lưu văn chương đầy giá trị.
Nhất Linh, trước hết là năng lực tổ chức, tầm nhìn của một thủ lĩnh. Điều này không đợi đến khi Phong hóavà Tự Lực văn đoàn ra đời mới được thể hiện, mà trong cuộc đời mình, lúc nào Nhất Linh cũng rất giỏi sắp xếp, xây dựng, trong một tinh thần “tự lực” rất đáng nói. Trong gia đình, người cha mất sớm, Nhất Linh tuy là con trai thứ ba nhưng chính là người đặt lại tên cho các em, để bảy anh em nhà Nguyễn Tường mang những cái tên tạo thành một câu đầy ý nghĩa: “Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế” (sau này Thạch Lam lại đổi tên lần nữa, từ Vinh sang Lân). Khi còn rất trẻ, cũng loay hoay không biết chọn con đường nào cho cuộc đời (Nhất Linh từng học mỹ thuật, rồi làm cho sở Tây), nhưng giai đoạn ấy qua rất nhanh: khi biết có học bổng “như Tây du học”, mặc dù lẽ ra không đủ điều kiện, Nhất Linh đã liên hệ với các quan đại thần trong Huế rồi xoay xở để có thể sang Pháp học ba năm (ông còn xin học bổng cho cả Thạch Lam nhưng bị từ chối). Vì chỉ có ít thời gian học ở Pháp, Nhất Linh quyết định chọn ngành khoa học để có thể kết thúc sớm; hiện nay, trong tàng thư của gia đình Nguyễn Văn Huyên, vẫn còn bức ảnh hồi cuối thập niên 20 chụp chung mấy thanh niên sau này sẽ trở thành những trí thức Việt Nam rất nổi tiếng: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường và Nhất Linh.
Nhất Linh, đó còn là một tinh thần quyết liệt và triệt để. Khi tờ Phong hóa mới khởi động, ông đã nhanh chóng thấy cần phải có một nhà xuất bản, nhưng còn nhanh chóng hơn, ông biết rằng không thể giao công việc này cho người ngoài, mà phải tự lo liệu, quản lý: trong lịch sử ngắn ngủi của mình, “An Nam xuất bản cục” đã ấn hành một số tác phẩm rất quan trọng của giai đoạn đầu Tự Lực văn đoàn: Hồn bướm mơ tiên vàNửa chừng xuân của Khái Hưng, Vàng và máu của Thế Lữ và tập truyện ngắn Anh phải sống của Nhất Linh và Khái Hưng. Đây là một lưu ý quan trọng cho nghiên cứu văn học: hiện nay có vẻ như các nhà nghiên cứu không mấy biết rằng nhà xuất bản Đời nay có một tiền thân, là An Nam xuất bản cục; điều này dễ dẫn tới những sai lầm về niên đại, đặc biệt xung quanh tập Anh phải sống (tập truyện này thường được ghi niên đại theo những lần tái bản của nhà Đời nay, nhưng ấn bản sớm nhất phải là 1934, của An Nam xuất bản cục).
Ta không lạ khi các tiểu thuyết của Nhất Linh đều có nội dung rất dứt khoát, từ bỏ cái cũ để hướng tới cái mới, ngay các nhan đề cũng thể hiện tinh thần quyết liệt ấy: Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng, những nhan đề sách chỉ gồm hai chữ giống như các khẩu hiệu đanh thép.
Nhưng khi kết hợp với Khái Hưng, các tác phẩm của “Nhất Linh và Khái Hưng” đều có nhan đề ba chữ: Anh phải sống, Đời mưa gió và Gánh hàng hoa (riêng với Gánh hàng hoa, khi bắt đầu đăng trên Phong hóa, Nhất Linh ký bút danh, nên tên tác giả được ghi là “Khái Hưng và Bảo Sơn”, sau mấy kỳ mới trở thành “Nhất Linh và Khái Hưng”). Những nhan đề ba chữ này như thể là trung bình cộng của “tinh thần Nhất Linh” và “tinh thần Khái Hưng”. Những cuốn sách thuộc giai đoạn đầu trước tác của Khái Hưng rất đặc trưng với nhan đề bốn chữ: Hồn bướm mơ tiên và Tiêu sơn tráng sĩ. Ở Khái Hưng, ta luôn luôn thấy sự êm ả, mềm mại, lúc nào cũng có một dáng vẻ mơ màng rất khó nắm bắt. Nếu chỉ có sự quyết liệt và những khẩu hiệu – dẫu cao đẹp – Tự Lực văn đoàn hẳn đã không thể trở thành Tự Lực văn đoàn như ta biết; Tự Lực văn đoàn rất cần đến sự hỗ trợ từ “phần của Khái Hưng”.
Tên ban đầu của Khái Hưng là Trần Giữa, sau này Khái Hưng tự đổi tên thành “Giư”, và khi biết đến danh tướng Trần Khánh Dư đời Trần thì thêm tên đệm “Khánh” vào. Từ sự ám chỉ đến Trần Khánh Dư mà Khái Hưng có bút danh “Bán Than” thời kỳ tiền Phong hóa, và “Khái Hưng” cũng chính là đảo tự của “Khánh Giư”[2].
Khái Hưng thuộc thế hệ kinh qua toàn bộ đoạn cuối của giáo dục nho học ở Việt Nam; giống nhiều người khác, lúc đầu ông học chữ nho rồi mới chuyển sang học chữ Pháp, vào học ở trường Paul Bert, tiền thân của trường Albert Sarraut. Cũng giống Nhất Linh, Khái Hưng có tài hội họa nhưng cũng nhanh chóng từ bỏ. Sau nhiều thăng trầm của cuộc đời, Khái Hưng dạy học tại trường tư thục Thăng Long và sẽ trở nên thân thiết với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đồng nghiệp ở đây. Họ sẽ nhanh chóng cùng nhau tạo nên một sự nghiệp tuyệt đẹp cho Tự Lực văn đoàn, cho văn chương Việt Nam nói chung, mà một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất, sớm sủa nhất là tập truyện ngắn Anh phải sống.
Xuất bản lần đầu năm 1934, Anh phải sống gồm 15 truyện ngắn, tất cả đều có dung lượng nhỏ, rất ý vị và văn phong vô cùng gọn ghẽ. Một lưu ý nhỏ: trong mục lục ấn bản Anh phải sống 1934, truyện “Nùng Chi Lan” và truyện “Cánh buồm trắng” được ghi là của Tứ Ly (bút danh thuở ban đầu của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long); chi tiết này sẽ cần được tìm hiểu kỹ càng hơn.
Các truyện ngắn có thể chỉ là một hoạt cảnh (“Dưới bóng hoa đào”, “Nắng mới trong rừng xuân”, “Đầu đường xó chợ”), là sự gặp lại sau nhiều năm tháng (“Tháng ngày qua”, “Cánh buồm trắng”, “Nước chảy đôi dòng”), viết lại một tích cũ hoặc có hơi hướm cổ, khá đậm nét Thế Lữ (“Véo von tiếng địch”, “Giết chồng báo thù chồng”). Một số truyện lại đặt ra những tình huống kỳ lạ, như “Tình tuyệt vọng” kể về một thanh niên thầm yêu vợ bạn nhưng được chính người chồng hóa giải niềm u uẩn; “Bóng người trên sương mù” về một người vợ đã chết nhưng hóa thành bướm để cứu chồng đang lái tàu hỏa khỏi rơi xuống vực; “Tình điên” là câu chuyện Giao giả làm người tình của Cúc để cứu Cúc khỏi bệnh điên; “Sóng gió Đồ Sơn” viết về sự nhường nhịn tình yêu giữa hai người bạn gái; “Bên dòng sông Hương” là truyện thể hiện rõ hơn cả tư tưởng bài trừ quan lộ và nếp sống cũ: “Nghe những lời bình phẩm, chàng chỉ cười. Vì thực ra chàng chẳng cần gì trinh tiết, chẳng cần gì tứ đức tam tòng. Chàng cho những cái đó không có liên can gì đến ái tình, không có dính dáng đến hạnh phúc. Yêu là yêu chứ không có là gì khác nữa.”
Và truyện ngắn mở đầu của tập, một truyện hết sức nổi tiếng, “Anh phải sống”, giống như một khẩu hiệu, một “mệnh lệnh” ngay từ đầu: “phải sống”. Với Nhất Linh và Khái Hưng, nhất là Nhất Linh, “phải sống”, nhưng là sống trong sự mới mẻ và cao thượng. Tất cả những truyện trong Anh phải sống đều có thể tóm tắt về một điểm trung tâm: “tình cao thượng”. Chẳng hạn như trong “Tháng ngày qua”, Giao yêu vợ của Minh rồi bỏ đi, bảy năm sau mới gặp lại, chỉ còn hương hoa nhài nhắc anh nhớ đến cái lần thiếu điều đã bị dẫn dụ vào con đường tình ái lầm lạc; ở “Nắng mới trong rừng xuân”, cô gái Minh mang trọng bệnh đã cố vui một ngày bên người bạn Đặng Phương, để ký ức về cô sau này là cái đẹp, là vạt nắng trong rừng; “Đầu đường xó chợ” là lòng cảm thông sâu xa với những hạng người cùng cực trong xã hội, thể hiện bằng hành động lấy thêm nhiều thuốc phiện hơn cho người phụ nữ nghèo khổ đến mua thuốc về cho chồng.
Còn riêng phần Khái Hưng, thật lạ lùng khi ta thấy một trong những tác phẩm sớm sủa của ông là truyện ngắn “Véo von tiếng địch” mượn câu chuyện Trương Chi đầy bi thảm, thì tác phẩm cuối cùng của ông sẽ là vở kịch Khúc tiêu ai oán mượn câu chuyện Ngũ Tử Tư bên Trung Quốc. Cuộc đời sáng tạo trong vòng mười lăm năm của Khái Hưng trầm bổng như tiếng địch, tiếng tiêu, và về cơ bản sau này ông sẽ có sự tồn tại trong hậu thế một cách mơ màng, lơ lửng, và kể cả những giai đoạn không được hiểu đúng, không được trân trọng, thì văn chương của Khái Hưng vẫn mơ hồ ở đâu đó, êm ả nhưng nhiều đau xót, không bao giờ để người ta thực sự quên được ông.
Anh phải sống, như đã phân tích ở trên, thật ra là một cách biểu hiện bằng văn chương – một văn chương rất gọn, nhẹ và đẹp – của tư tưởng trung tâm ở Tự Lực văn đoàn, những con người tràn ngập một tinh thần cách mạng đầy thơ mộng. Được phát biểu bằng văn nghị luận, tư tưởng ấy ta có thể tìm được trong Mười điều tâm niệm, dưới ngòi bút của Hoàng Đạo, lý thuyết gia của nhóm: “cần phải có một cuộc đời mới, với một tinh thần, một linh hồn mới. Đó là cuộc đời của các bạn, của phái trẻ chúng ta. Trong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới.”
Blog Nhị Linh
[1] Các chi tiết liên quan đến tiểu sử Nhất Linh chủ yếu lấy từ cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường. Nhất Linh. Hoàng Đạo. Thạch Lam của Nguyễn Thị Thế, xuất bản lần đầu năm 1972 ở Sài Gòn, ở đây dùng bản in năm 1992; Nguyễn Thị Thế là con thứ năm trong gia đình Nguyễn Tường, em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo và chị của Thạch Lam.
[2] Các chi tiết liên quan đến tiểu sử Khái Hưng chủ yếu lấy từ “Tiểu sử Khái Hưng” trong tập Truyện ngắn Khái Hưng, Sài Gòn, 1972.
(Nguồn: Book Hunter Club)