“Biểu tượng là cái nhìn thấy được mang một kí hiệu dẫn ta đến cái không nhìn thấy được” (E. Junger). Thế giới biểu tượng do con người sáng tạo ra nhằm thực hiện yêu cầu biểu đạt. Biểu tượng mang tính quy ước và gợi liên tưởng. Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, “Biểu tượng cơ bản khác với dấu hiệu là một quy ước tuỳ tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức”.

Với nữ giới, viết văn là một sự giãi bày. Viết như một nhu cầu thể hiện những khát vọng thầm kín. Đối với đa phần các nhà văn nữ, mỗi tác phẩm là tiếng kêu của nỗi ám ảnh, là những ẩn dụ cuộc đời. Vì lẽ đó, trong thế giới nghệ thuật của giới nữ, tư duy biểu tượng đậm nét. Khai mở thế giới tâm hồn, biểu tượng “làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận” (Jean Chevalier,  Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới). Nhiều tác phẩm khước từ những hình ảnh quá rõ ràng mà sử dụng biểu tượng như là một phương thức để giải mã đời sống bên trong. Ở một số tác giả nữ, hệ biểu tượng trở thành thủ pháp nghệ thuật, tư duy biểu tượng trở thành phong cách.

Cổ mẫu và phép biện chứng tâm hồn

Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là cổ mẫu. Trong văn xuôi của các nhà văn nữ, mẫu gốc được sử dụng như những mã thẩm mĩ. Theo Bachelard trong cuốn sách Phân tâm lửa, bốn yếu tố vật chất cơ bản khơi gợi trí tưởng tượng của con người là Nước, Lửa, Đất và Trời. Trong bốn mẫu gốc đó, Bachelard đã lấy lửa ra làm đối tượng hàng đầu để phân tâm. Lửa là mã thẩm mĩ đầu tiên xuất hiện trong nền văn hóa chung của nhân loại. Lửa là biểu tượng có tính nhị nguyên, lửa thiêu đốt và lửa cũng là sự tái sinh. Trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), những ngọn lửa từ bản năng trả thù bố đã thiêu đốt Mai, thiêu đốt cả một thời con gái. Không có đám cháy – giàn thiêu tội lỗi ở cái chốn ăn chơi Muôn Hoa, Mai và bố sẽ phạm tội loạn luân do sự sai khiến của bản năng hận thù. Mai muốn trả thù cha, trả thù tàn độc bằng chính thân thể trinh nguyên của đứa con gái 16 tuổi. Nhưng lửa cũng là sự cứu chuộc, bởi chỉ trong sự đổ vỡ, ông mới nguyên lành trở lại. Đúng như nhận định của Bachelard, “Lửa đốt cháy và thiêu hủy cũng là một biểu tượng của sự tẩy uế và tái sinh”.

Trong truyện ngắn nữ, nhiều hình ảnh của cuộc sống đời thường được tri nhận như những biểu tượng văn hoá. Trong truyện Lúa hát (Võ Thị Xuân Hà), hình ảnh chiếc bật lửa khúc xạ qua độ tinh tế của tâm hồn thăng hoa thành biểu tượng. Dẫu cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ và người đàn ông chỉ thoáng qua như một trò đùa nghiệt ngã của số phận, “nhưng… sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ”. Trong Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), khi người đàn ông đốt hết những gì liên quan đến người vợ phản bội, ngọn lửa hận thù đã thiêu cháy tâm hồn ông: “Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ”. Đến Gió lẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã thành công khi sử dụng biểu tượng lửa có tính chất nhị nguyên để soi chiếu và lí giải hành vi nhân vật. Trong truyện, ngọn lửa tuổi thơ đã rút cạn niềm tin, rút cạn một phần sự sống của Em. Em trở thành “con nhỏ câm” từ đó. Nhưng cũng từ lửa, lửa đã trả lại tiếng nói cho Em.

Nước cũng xuất hiện với tần số cao trong văn xuôi các nhà văn nữ. Nước là yếu tố gây ra những tưởng tượng sâu xa nhất trong con người về sự sống và sự chết. Một trong những biến thể của Nước là Biển. Biển xuất hiện thành hệ thống trong thế giới nghệ thuật của các nhà văn nữ. “Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển: đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh” (Jean Chevalier). Biển – tình yêu (Hoàng hôn biển – Trần Thị Thiên Hương); biển – cứu chuộc (Biển hồ lai láng – Trần Thanh Hà); biển – khát vọng (Thuyền trên núi – Trần Thuỳ Mai); biển và hành trình đi tìm cái đẹp (Mùa biển, Lời nhắn của biển – Võ Thị Xuân Hà); Biển ấm (Nguyễn Thị Thu Huệ); biển – tội ác (Tịnh Tâm viên – Quế Hương); biển – tái sinh (Biển cứu rỗi – Võ Thị Hảo)… Nhiều nhân vật nữ của Võ Thị Hảo gắn liền với biển. Trong quan niệm của nhà văn, biển là sự cứu rỗi, thanh lọc, tẩy rửa tội lỗi, cái xấu, cái ác. Có nhân vật nữ của Võ Thị Hảo sinh ra từ biển (sự sống) và trở về với biển (cái chết/tái sinh). Nàng Âu Lạc từ biển mà ra, “phù sa biển bọc lấy nàng như một lớp dầu màu nâu bóng”. Từ biển, trước biển, người đàn bà thuở khai thiên lập địa sung sướng, nhẹ nhõm vì không có hành trang, “không có triết lí và tôn giáo để thắt buộc”, “không có sự e thẹn và một người đàn ông”, “không có những ràng buộc công, dung, ngôn, hạnh” (Hành trang của người đàn bà Âu Lạc). Biển cứu rỗi, biển tái sinh, biển cũng làm cho thị – “một con điếm mạt hạng” bị vất bỏ bên đường thành Nữ Thần Trôi Dạt (Biển cứu rỗi). Môtip hiển linh – phong thánh – sự hoá thân cho thấy sức sống hằng cửu của biểu tượng và vai trò của vô thức tập thể trong đời sống nhân loại.

Theo văn hoá phương Đông, Trời – Đất – Nước gắn liền với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Nước, mưa, sương, biển, sông, đất… trở thành tiếng nói tâm hồn trong nhiều truyện ngắn của giới nữ. Nước là âm tính, biểu hiện sự mềm mại, uyển chuyển. Đất là biểu tượng phồn thực, sinh sôi nảy nở. Trên Đất, trong Nước con người sống lại thuở ban sơ. “Tôi cởi áo quần cùng Thản hứng mưa, cười hú hét. Thân mình tôi đẫm nước, trắng ngần. Da thịt được mưa tưới tắm săn lại nõn nà, làm dịu vết thương vĩnh viễn của kiếp đàn bà” (Đàn sẻ ri bay ngang rừng – Võ Thị Xuân Hà). “Như thuở hồng hoang. Đôi người chân trần, thân trần che chiếc lá sen đuổi nhau trong mưa” (Tre có hoa – Quế Hương). Đất – Trời – Nước – Cõi thế, Âm – Dương giao hoà, một cuộc hôn phối đậm chất huyền thoại giữa cõi người và cõi tự nhiên.

Trong hội họa Phục hưng, khỏa thân trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Những bức tranh, hình ảnh về một thân xác trần trụi tuyệt mĩ trở thành biểu tượng của sức sống tràn đầy, sung mãn, một bản lai diện mục đầy tính nhân văn. Trong văn xuôi nữ, hình ảnh khỏa thân biểu tượng cho bản thể nguyên sơ – Người Gái Thiên Nhiên/ Gái-Muôn-Đời (Bích Khê). Trong những trang văn đậm sắc thái nữ quyền của Võ Thị Xuân Hà, vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người được đặc biệt tôn vinh. Hình ảnh phụ nữ khỏa thân trở đi trở lại, khiêu khích, thách thức, biểu hiện cho niềm kiêu hãnh tính dục: “Tôi trần truồng đếm sao trời” (Đàn sẻ ri bay ngang rừng); “Tôi nằm phơi dưới cơn mưa, đồng lõa với đất trời… Tôi nằm đón từng hạt mưa phả trên cơ thể…”; “Tôi ngủ trên cỏ, trần truồng, thích thú… Mưa đã làm mềm những ngọn cỏ, làm mềm mặt đất. Những giọt nước trời đem cái ẩm ướt quyến rũ mê hoặc sự yếu đuối. Cái ẩm ướt đồng lõa với sự trần tục” (Trong nước giá lạnh); “Thuỷ đứng trần truồng giữa sân… Thiên thần. Khỏa thân giữa lớp bụi trần tục” (Bay lên miền xa thẳm).

Biểu tượng và nữ tính vĩnh hằng

Trong cội nguồn văn hoá tâm linh của dân tộc, Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Rừng là những cổ mẫu biểu trưng cho nữ tính vĩnh hằng. Với tính chất là những biểu tượng có ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu, huyền thoại Mẹ bồi đắp cho những vấn đề của cuộc sống thực tại. Trong văn xuôi các nhà văn nữ, Mẫu – Đàn bà trở thành chuỗi biểu tượng phổ biến (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc – Võ Thị Hảo, Tiểu thuyết đàn bà – Lý Lan). Tiểu thuyết đàn bà là những trang đời của bốn thế hệ đàn bà, vĩ đại, vị tha nhưng bùng nhùng trong nỗi khổ tiền kiếp. Xuất hiện ngay ở dòng đầu cuốn tiểu thuyết, con-đàn-bà trở thành biểu tượng mang tín ngưỡng nguyên sơ, chi phối trực tiếp đến cấu trúc văn bản. Những thế hệ đàn bà mang “hình bóng những người của trăm năm trước”, mỗi người một số phận, phúc hoạ khác nhau nhưng họ tượng trưng cho phẩm hạnh, lòng hi sinh và đức vị tha. Mẫu tính đó khiến cho chiến tranh, giết chóc, đố kị, hờn ghen lùi xa, nhoè mờ, chỉ còn lại niềm tin vào cuộc sống.

Văn xuôi Đỗ Bích Thuý là những nỗi niềm trăn trở rất đàn bà, về đàn bà. Theo tâm sự của nhà văn, những trang sách của chị “dành cho những người đàn bà – người đã án ngữ trong kí ức của tôi về vùng đất thân yêu bạt ngàn cây rừng, hoang vu gió, tầm tã mưa, sôi sùng sục nước dưới những dòng sông ngoằn ngoèo cuộn chảy…”. Nhân vật phụ nữ của chị âm thầm, nhẫn nhịn nhưng khát sống, khát yêu. Chị đã sử dụng thành công những biểu tượng mang đặc trưng tư duy người miền núi để giải mã thế giới tâm hồn ngỡ phẳng lặng nhưng không lặng sóng của những người phụ nữ suốt đời không vượt nổi cái ngưỡng cửa cao, suốt đời loay hoay dẫm lại chín vết chân của mình trên chín bậc cầu thang (Ngải đắng ở trên núi); những người phụ nữ cay đắng nhận ra rằng “làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá); “Giống như cái cối nước, cứ đứng mãi một chỗ, làm mãi một việc, ngày một già đi, khô héo đi, chẳng lẽ lại như thế thôi sao?” (Giống như cái cối nước). Trên từng trang văn của Đỗ Bích Thuý, có biết bao người phụ nữ “tóc bạc, mỏi chân, cũng chỉ có chín bậc cầu thang với cái ngưỡng cửa” (Sau những mùa trăng). Cái bờ rào đá và cái cổng gỗ lim kiên cố từ bao đời đã chặn đứng những cơn khát cháy lòng của người phụ nữ, đóng khép biết bao phận đàn bà. Vậy mà chị dâu vẫn âm thầm bước qua ngưỡng cửa đêm đêm vì một tiếng khèn lá đánh thức một thời hạnh phúc, mẹ già vẫn lần theo tiếng đàn môi chảy tràn qua bờ rào đá mà đẩy cánh cổng gỗ lim… Những hình ảnh đó (in nghiêng – L.T.H) không chỉ là hiện thực đời sống mà còn là những kí hiệu gợi liên tưởng đến cái “không nhìn thấy được”, do đó đã trở thành những biểu tượng đầy ám ảnh trong văn xuôi Đỗ Bích Thúy.

“Biểu tượng tiết lộ mà che giấu và che giấu mà tiết lộ” (G. Gurvitch). Biểu tượng nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa. Để khai mở thế giới tâm hồn, các nhà văn nữ đã xây dựng biểu tượng đêm một cách linh hoạt để làm nổi rõ phức cảm bên trong (Đêm bướm ma, Đêm Vu lan – Võ Thị Hảo, Đêm dài – Võ Thị Xuân Hà). “Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm, vô thức được giải phóng” (Chevalier). Trong đêm, thời gian âm tính, người nữ hiện ra toàn vẹn, là mình, là tôi. Đêm đồng loã với vô thức và bản năng? “Đêm đến, màn đêm bao phủ sự bí mật của con. Con thao thức, con hồi tưởng và con khát khao!” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban). Đêm là dung môi để dòng hoài niệm, ám ảnh sống lại, là khoảnh khắc con người thấu rõ lòng mình, nhận rõ độ xào xạc bên trong? Từng đêm, từng đêm, “tiếng khèn lá từ ngoài suối vọng vào… Đêm thứ tư, đêm thứ năm… đến đêm thứ bảy… Chị dâu đang đứng ở chân cầu thang, hơi nóng rừng rực đang toát ra từ đôi cánh tay trần phơi dưới ánh trăng, từ đôi mắt thăm thẳm của chị” (Sau những mùa trăng – Đỗ Bích Thúy).

Biểu tượng màu sắc – những diễn ngôn đa trị

Theo Juan Eduardo Cirlot, biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Trong nhiều tác phẩm của nữ giới “màu sắc vẫn luôn luôn và ở mọi nơi làm bệ đỡ cho tư duy biểu tượng” (Jean Chevalier). Văn Võ Thị Xuân Hà gợi nhiều ám ảnh từ biểu tượng màu – đặc biệt là màu đỏ và máu. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, màu đỏ và máu xuất hiện với tần số lớn: “máu loang đỏ lòm lòm trên những bông hoa gai màu trắng sữa”, “mặt trời ngả màu đỏ bầm, màu máu chúng tôi trộn lẫn máu sẻ”, “những vì sao trên bầu trời không xanh mà đỏ bầm”… Chiến tranh khúc xạ qua trường nhìn của nữ giới thật bạo liệt nhưng lấp lánh vẻ đẹp nhân bản.

Trong tác phẩm của Đoàn Minh Phượng, triết lí về sống – chết thể hiện rõ qua hệ thống biểu tượng màu sắc. Nhà văn đã dành hơn hai trang trong tiểu thuyết Và khi tro bụi để triết luận về màu sắc: “Màu tím là màu của quỷ và màu hồng là màu của Phật”, “Có lẽ cái chết không có màu hồng hay màu tím phôi pha nhạt nhoà của một giấc chiêm bao, mà là màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối”, “Hôm nay, với tôi, cái chết mang màu đỏ thắm nao lòng của dòng máu đang chảy ra khỏi thân thể”… Nhà văn triết lí về cõi chết: “Ở một nơi không còn ý nghĩ, các bảng hiệu không được viết bằng chữ, không thể hiểu được bằng lí lẽ, mà được nhận ra bằng màu sắc”. Màu sắc trong Và khi tro bụi mang nhiều lớp nghĩa, trở thành chuỗi biểu tượng (phổ biến là màu trắng, đen, xám và không màu), tồn tại như một thành tố văn hoá, góp phần tô đậm thêm sự chông chênh của con người giữa hai nền văn hoá Đông – Tây.

Văn học hướng tới nhiều nẻo đường để đi vào đời sống bên trong bí ẩn của con người, diễn giải cái tôi đa bản thể. Vốn nhạy cảm với thế giới tâm hồn, các nhà văn nữ ngày càng khai mở được đời sống tâm linh, mà biểu tượng chính là chiếc chìa khoá nhiệm màu thông diễn được cõi riêng tư vô cùng phức tạp. Dẫu là cái được quy ước nhưng biểu tượng có tính năng sản, tính đa nghĩa. Đọc văn bản từ tư duy biểu tượng cho thấy độ mở trong việc diễn giải văn bản. Diễn giải tác phẩm từ hệ thống biểu tượng góp phần hướng tới những chân trời đa dạng cho việc đọc (R. Jauss)

L.T.H

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version