Tính theo âm lịch, hôm nay mùng 5 tháng Tư (25/4/2012) là ngày giỗ đầu nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011). Chiều nay, tôi sẽ tới ngôi nhà nhỏ đầy ắp sách, thắp hương cho anh và mong được gặp lại cuốn sách ấy.

Nhà văn Trần Hoài Dương với cây khế cổ thụ ở Tràng An, Ninh Bình (ảnh: Trần Quốc Toàn)

Năm ấy, khi tổ chức cuộc thi truyện rất ngắn, trên tạp chí Thế Giới Mới, việc đầu tiên tôi làm là tìm truyện rất ngắn hay, từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây… để mình tìm hiểu thêm và giới thiệu với bạn đọc. Tôi tìm tới nhà văn Nguyễn Khải nhờ chỉ dẫn, nhà văn giới thiệu truyện Những vết sẹo. Giới thiệu nhưng không có để cho mượn. Ông Khải chỉ nhớ, mình đã đọc truyện này trên báo Văn Nghệ, từ những năm 60 của thế kỉ trước. Tôi tới 43 Đồng Khởi TP. HCM cơ quan phía Nam của Báo Văn Nghệ tính mượn báo cũ tìm kiếm, nhưng ở đây chỉ có báo từ 1975. Người của báo gợi ý, thử hỏi nhà văn Trần Hoài Dương, người từng làm trưởng ban văn xuôi báo Văn nghệ xem sao. Tôi đến, nhà văn Trần Hoài Dương cũng không có báo nhưng ông nói ngay: “Để mình cho Toàn mượn bản chép tay”. Rồi ông đưa ra, không chỉ bản chép tay một truyện Những vết sẹo của Duy-li-an Ka-va-lec mà nguyên một cuốn sách chép tay dày hàng trăm trang, chép nhiều tác phẩm quý hiếm ngày ấy. Những tác phẩm dịch từ các nền văn học  lớn, Nga, Pháp, Ấn Độ… (các tác giả Pus-Kin, Sê-Khốp, Pau-Tôp-Xki,  An-Tô-Kôn-ski, Đô-Đê,Tagor…) Tôi được mượn để sao chép và thật kinh ngạc trước tình yêu văn học anh Trần Hoài Dương thể hiện qua việc thực hiện sách này. Những tác phẩm văn học nước ngoài có trong ấy, dù  đã in và phát hành, nhưng không dễ mua. Chép. Truyện “Đôi gi đá” của Tô Hoài in năm 1943 mà chưa in lại, nay mượn được. Chép! Chép cả bằng tiếng Nga những bài thơ Nga. Không nhiều, nhưng gặp được tác phẩm hay của bè bạn, anh Dương cũng chép. Cứ chép như thế mà thành sách.

Chữ anh Dương rất đẹp, tròn trĩnh, đều đặn. Riêng những chữ hoa khá bay bướm. Thứ sách chép tay này làm giàu thêm thư viện vốn đã rất nhiều sách in của anh Dương.

So với sách in, thì thứ sách chép tay cho riêng mình, không cần giấy phép xuất bản kia,  ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị nếu ai được đọc. Ở truyện Những vết sẹo nói trên, ngoài văn bản truyện còn dòng phụ chú phía dưới, tôi đoán là không có trong bản in mà anh Dương chép lại: “Truyện này đã được giải nhất trong cuộc thi viết về đề tài hòa bình do Ủy ban bảo vệ hòa bình của Ba Lan và Hội nhà văn Ba Lan tổ chức. Anh Phạm Hổ dịch”. Chữ “anh” trong phụ chú rất Trần Hoài Dương. Dù là chép tay cho riêng mình, nhưng xưng hô vẫn phép tắc, lịch sự. Nhà văn Tô Hoài cũng để lại bút tích trong sách chép tay này. Ông viết bên tiêu đề truyện “Đôi gi đá” của mình “Kỉ niệm Hà Nội với Trần Bắc Quỳ 3/68” và kí tên.

Mặt trước và mặt sau tấm hình nhà văn Trần Hoài Dương chụp với cây bạch dương

Là sách chép tay nhưng nhà văn Trần Hoài Dương cũng làm bìa cho sách của mình. Bìa 1 là hình chụp một hàng cây bạch dương với lời chú “Yêu rồi, yêu mãi bạch dương”. Anh Dương giữ mãi tình yêu này. Một nhà báo bạn tôi kể: “Khi được biết tôi từng du học ở Liên Xô, Trần Hoài Dương thốt lên: “Cây bạch dương đẹp thật đấy!”. Rồi anh lấy làm tiếc là chưa từng được nhìn thấy tận mắt cây bạch dương. Rồi anh hỏi tôi rất nhiều về bạch dương, hỏi rất kỹ, cặn kẽ đến từng chi tiết, như thể anh đang chuẩn bị thực hiện một chuyên luận về loài cây này vậy. Tôi chưa từng thấy ai mê cây bạch dương đến thế” (theo Phạm Bá Thủy – Thế Giới Mới). Nhà văn Trần Hoài Dương đã giữ tình yêu bạch dương tới cuối đời mình. Ngày về với miền xanh thẳm, anh để lại trong phòng văn của mình bức hình khổ lớn anh chụp với loài cây vừa thẳng, vừa mềm mại kia.

Tôi may mắn được anh tặng một phiên bản bức hình này, ở mặt sau anh viết “…tặng Trần Quốc Toàn tấm hình mình chụp bên cây bạch dương – loài cây mình yêu quý từ thời niên thiếu (qua các tác phẩm cổ điển của nền văn học Nga, những Pushkin, Ê-xê-nhin, Blốc…). Mãi gấn cuối đời mới được gặp”. Trần Hoài Dương đã yêu từ tờ bìa rồi được gặp ở ngoài đời, trang cuối. Với người đọc này, như thế là, cuốn sách viết tay đã kết thúc có hậu. Và đã là sách hay, sẽ lại có người tìm đọc.

Trần Quốc Toàn

Nguồn: vanvn.net.

Exit mobile version