Truyện ngắn là một thể loại khó. Điều khó không phải là sự mất nhiều thời gian để tạo nên số chữ dằng dặc như ở tiểu thuyết, hay việc lao tâm khổ tứ nhằm xây dựng hệ thống nhân vật chằng chéo, có khi là vài thế hệ trong một gia tộc, hay kể một đoạn dài của lịch sử… nên việc tìm ra một con đường chuẩn mực nào đó để xác lập phương pháp viết truyện ngắn, tôi e là một tác giả khó nói trọn, bởi tính muôn màu của thể loại này. Xin ghi ở đây vài câu chuyện khi tôi viết, để bạn viết và bạn đọc có thể rút ra điều gì chăng?
Tôi viết cái truyện đầu tay Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương, năm 1984, chỉ hơn 4000 từ, tiêu hết bốn tháng lao tâm khổ nhọc, hao tới ba bốn cân thịt, giống hệt như khi tham gia cả chiến dịch Ban Mê Thuột. Bây giờ ngồi nghĩ lại, sự khó nhọc, tốn kém thời gian ở cái ban đầu là do kĩ năng chưa thành thạo, chứ không phải là thiếu cái tứ, thiếu chi tiết dựng truyện; vì chi tiết từ cuộc sống chiêm nghiệm 11 năm chiến tranh, tôi thừa. Vấn đề ở đây là do thiếu kinh nghiệm viết, nên tính toán chọn cái gì và viết sao cho người ta tin câu chuyện nó là thật, quả quá công phu, đánh vật với văn bản, bao lần xóa và dập. May thay Phạm Tiến Duật và Bế Kiến Quốc thẩm xong, biên tập không cắt đi một chi tiết nào tổn thương tới xương cốt của văn bản. Chỉ duy nhất có chi tiết anh Duật cắt, là khi tôi tả cảnh quàn xác bạn của nhân vật chính, không có áo quan, phải lấy lồ ô chẻ ra ghép làm quan, lấy tăng thủng lỗ chỗ bọc thây… anh Duật nói, sự thật là thế, xong cậu viết như vậy, ai còn dám cho con cái đi lên biên giới bây giờ nữa. Bấy giờ cuộc chiến phía Bắc còn căng thẳng. Điều này làm tôi suy nghĩ, hy sinh cái chi tiết ấy, trong khi họa xâm lăng cần người, thì nhà văn không nuối tiếc; vậy thì ở giác độ nào đó về quan điểm sống, nhà văn cần có cuộc chiến của tâm thế nhà văn, chứ không  phải chỉ là cuộc chiến đã diễn ra. Những bài học cơ bản ấy, nó bổ sung rất nhanh cho tôi vốn hiểu biết về nghề và tôi mang theo nó để khảo cứu chiêm nghiệm sau này, khi tôi bước ra thế giới.
Tôi viết tới truyện thứ hai là Sương đêm cũng lấy từ hồi ức ra. Anh Ngô Ngọc Bội nghe tôi kể một chuyện đi đón xe pháo ở Cầu Chẽ trong chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ ở miền Bắc, thích quá bảo viết, thế là tôi viết và truyện ấy Bế Kiến Quốc đặt tên là Sương đêm. Câu chuyện bảng lảng như sương khói, nói về tình người, tình quân dân, giữa một anh lính Hà Nội và một cô gái nông thôn vùng đồng trũng. Êm và đẹp, Sương đêm được in số Tết và việc viết do có kinh nghiệm rồi, nên chỉ hai ba tuần là xong.
Tôi không ấn tượng với nó lắm vì hình như Sương đêm chưa phải điều tôi lưu giữ qua cuộc chiến. Sau đó là chuyến đi mùa hạ 1985 với vài phóng viên về Quỳnh Lưu ăn ở với diêm dân. Chuyến đi ấy đầy xúc động. Mùa hè năm ấy hạn và nóng, bảy diêm dân đã chết khi làm muối, hạt muối làm ra thấm mồ hôi và máu lại trở nên hiếm hoi khi mang lên biên giới mà bệnh hình thức của ta bấy giờ lại vẫn là điều gây cản trở cho xã hội phát triển. Thực tế chuyến đi ăm ắp, tôi đang đà viết nên hăm hở viết Muối mặn. Viết hai tuần, truyện xong, đưa cho Quốc đọc bị chê là giả, sến. Tin bạn, tôi về đọc lại văn bản, thấy Bế Kiến Quốc nói đúng, bèn xé phăng bản thảo, quyết viết lại chứ không chịu sửa chữa như Quốc đề nghị. Trăn trở tới cả tháng mà không biết bắt đầu truyện ra sao. Bởi truyện ngắn, mỗi câu chuyện cần một giọng kể, không thể chấp nhận nhà văn một giọng; các văn bản, dù có khác về câu chuyện, mà không khác cách kể, thì sẽ thiếu sự sinh động, không tạo được không khí khác nhau. Đặt những truyện bên nhau trong một tập, sẽ trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo, nếu chỉ một giọng văn. Và, Tô Hoài từng gọi đó là loại nhà văn nhà thơ chỉ có một bài, dù anh ta chị ấy có viết cả trăm truyện hay ngàn bài thơ. Phải tới một tháng sau khi các cảm xúc lắng xuống, đủ bình tĩnh nhìn lại các sự kiện, tôi mới viết ra được Muối mặn. Truyện thành công, phản ảnh bệnh thành tích trong Đảng, sự giả dối coi thường thân phận con người được phê phán kín đáo và mạnh mẽ với lối kể nhuần nhuyễn và Muối mặn có tiếng vang để Lưu Quang Vũ chọn làm kịch bản chèo Muối mặn đời em. Vở chèo giật giải nhất liên hoan sân khấu năm ấy cũng là năm Đại hội đổi mới của Đảng. Nhưng Muối mặn viết vẫn có nhược, khi tác giả là tôi khóc khá nhiều lúc viết nó. Dường như có chi tiết có đoạn, tôi cứ bị chi phối bởi cảm xúc, thiếu sự làm chủ khách quan để tạo nên một văn bản không lộ rõ tình cảm của tác giả. Nhà văn nên là kẻ đứng ngoài các sự kiện, như vậy, dù các câu chuyện có kẻ ác hay người thiện, phải để bạn đọc tự cảm giác, chứ đừng hướng độc giả vào sự duy lí hay duy tình chủ quan của mình. Do vậy ở bản thảo đầu tiên Muối mặn thất bại là đương nhiên, khi chưa nén lắng xúc động, thiếu bình tĩnh thì văn bản dễ bị truyện hành, dễ mất tính làm chủ hòng tạo ra một văn bản chặt chẽ để những tay sừng sỏ như Bế Kiến Quốc phát hiện là giả. Văn bản thứ hai thành công khi tôi có sự bình tâm hơn; ở đây, sau một thời gian, mọi cảm xúc với sự thật đã lắng lại dưới đáy lòng và nó nhẩn nha phát ra con chữ; điều này khác với lối làm việc của thi sĩ là chớp lấy cảm xúc mà bật ra ngôn ngữ diễn cảm.
Nhìn lại vài cái truyện  bấy giờ trong thời kì đổi mới, dù có quậy cựa ở Muối mặn, song tự tôi thấy cái giọng tôi vẫn cứ đèm đẹp dù trong sáng, ảnh hưởng từ văn học Nga mà đại diện là Paustovski, hoặc là sự bắt chước Đỗ Chu, tôi sao chép lối viết ở Văn nghệ quân đội hay Văn nghệ trước đó. Song làm sao để thoát ra tấm lưới ấy? Tôi bế tắc vô cùng và rồi tuyên bố không viết nữa. Chính sự tưởng là đoạn tuyệt ấy giúp tôi rất nhiều để nhận thức lại văn học nói chung và xác lập rõ con đường đi tìm cái tôi khi tham gia vào dòng chảy văn học. Tôi chia tay với văn chương ra nước ngoài, suốt gần 10 năm im lặng đọc và lắng nghe. Bấy giờ, sau Đổi mới ở Việt Nam những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp hay Phùng Gia Lộc và dăm tác giả khác làm giọng điệu văn chương thay đổi hơn và đặc biệt ở hải ngoại, tôi tiếp cận với văn chương nhiều nước, trong đó có văn học người Việt ở Mỹ và Pháp. Những sự va đập ấy, phần nào gợi mở cho tôi thêm những cách tiếp cận với văn học hiện đại. Và đặc biệt, cũng từ các thất bại và thành công của các tác giả Việt ở hải ngoại, tôi cũng tự ý thức, mỗi người có một cái tạng để xây nên căn nhà văn học của mình và một nền văn học của một cộng đồng cũng cần giữ các sắc thái riêng của nó, và thế giới hiện đại cũng không cần tới một thứ văn học mà đọc nó chả biết của dân tộc nào, chủng tộc nào. Sắc thái truyện ngắn của cá nhân mỗi người hình thành nên một tác giả cần phải tự khai thác thế mạnh tiềm ẩn ở mỗi người. Tôi xác định thế mạnh của cá nhân tôi là vốn sống, là óc tưởng tượng phong phú khi đan cài chắp nối các tình huống và tạo không khí. Vốn sống thì cuộc sống bạo liệt và trần trụi với sự đậm dầy của chi tiết cứ như dòng sông chảy sùng sục nóng bỏng  trong tôi.
Bắt đầu từ 1996 tôi quay lại viết văn xuôi với các truyện ngắn như Ám ảnh, Một người Đức, Vườn Maria… Trong chùm này, phải nói Một người Đức viết rất cẩn trọng. Bút pháp không có gì mới song ưu thế nổi trội là sự quan sát tinh tế từng nhân vật, từ ngôn ngữ tới hành động của hai con người ở hai quốc gia có chung nỗi đau chia cắt nhưng đều yêu tổ quốc như nhau. Một người Đức được bạn bè ở Đức đánh giá cao. Tiến sĩ văn học Trương Hồng Quang tại Đức so sánh truyện ngắn này với vài truyện ngắn xuất sắc của người Đức. Song thực ra khuôn mặt văn chương ở giai đoạn này vẫn chưa nổi rõ, dù cho là Vườn Maria giật giải Ba cuộc thi truyện ngắn trên tuần báo Văn nghệ và Một người Đức được dịch ra tiếng Đức, tham gia dăm lần báo cáo thảo luận tại vài hội văn học của người Đức và nhiều nhà xuất bản ở trong nước tuyển chọn truyện ngắn hay.
Năm 2000, Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi truyện ngắn hai năm. Nhà văn Chu Lai động viên, anh nói, nếu tham gia phải có một chuỗi y như một chiến dịch; Khuất Quang Thụy thì dặn, có cái nào hay ông gửi ngay nhé. Cũng thời điểm này, Nguyễn Duy sang Đức, rồi Trần Đăng Khoa. Cả hai đều muốn tôi đoạn tuyệt với thơ để tập trung cho văn xuôi. Duy nói toạc, ông làm thơ có khi cả đời cứ như thế này cũng không kịp theo tôi được, văn xuôi ông từng câu từng ý như có phấn. Khoa thì thẳng tuột gạch toẹt tôi khỏi thơ phú và bảo, tạng ông hợp với văn xuôi, thơ ông chả ra gì. Mà cũng chả còn gì mà ẩn ức với thơ, mọi điều muốn nói với gia đình bè bạn bằng thơ đã nói cả rồi. Tôi quyết dành hết tình yêu cho văn xuôi. Ngày ngày đi buôn bán, đêm đêm cứ từ 3 giờ tôi dậy mở máy chòng chọc viết một hơi liền 8 cái truyện ngắn. Việc làm ăn kiếm sống ở Đức rất vất vả. Mùa Noel người Đức hay mua sắm nhất, những thợ khách bị đuổi khỏi nhà máy trở thành kẻ buôn bán lẻ trên hè phố, ở các phiên chợ, phải dậy ăn từ 3, 4 giờ để rời nhà từ 5 hay 6 giờ mà đi xí chỗ bán hàng; tối về ăn cơm xong là đã 9 hay 10 giờ đêm. Lại còn đi lấy hàng bổ sung lượng đã bán. Song tôi không khi nào bỏ viết. Có tuần tôi thèm ngủ quá, ngủ gật trên tay lái khi đi Berlin lấy hàng, suýt chết. Để chạy nốt 5 cây số về tới nhà, tôi phải đái ra lấy nước xoa vào mắt. Nhưng tôi không nản, cũng như yêu ấy, văn học mà ở truyện ngắn không thể để đứt mạch cảm xúc, nó không dành chỗ cho những kẻ nửa vời.
Nhận thức đời sống cũng làm cho người cầm bút xác lập tâm thức viết. Cuộc sống người Việt bấy nay trong chiến tranh hay hòa bình lẫn khi di dân rất khốc liệt. Nó cuồn cuộn như một con sông xiết nhiều ghềnh thác, vì thế tôi chủ trương không né tránh điều ấy. Văn học trước hết phải trung thực với chính mình. Bất biết có được in hay không, phải nói đúng như mình nghĩ và diễn đạt nó sao cho ai ai cũng thấy đời sống tràn ra trên trang giấy. Vì thế những truyện ngắn như Nhà ba hộ, Trong bão tuyết, Vàng xưa hay Lá bùa v.v… viết ở giai đoạn này tôi phả vào nó đời sống không né tránh.
Để tổ chức “chiến dịch” thi lần ấy, như Chu Lai và Khuất Quang Thụy kì vọng, mong chờ, tôi viết rồi gửi về liên tục. Rút kinh nghiệm ở cách xây dựng từng truyện trước, tôi không bỏ thời gian nhấn nhá từng câu, mà viết một mạch khi tràn trề cảm xúc. Như tạc tượng, hay như thợ mộc, cứ tạc thành vuông rồi nhẩn nha đẽo tròn. Những truyện ngắn hình thành rất nhanh và cứ viết cho xong hẳn rồi mới đọc lại để cắt tỉa, giữ lấy xương cốt, còn cái gì bỏ đi, cắt đi mà vẫn giữ được hồn khí thì giữ lại. Không khí trong các đoạn cũng rất quan trọng, nó giúp cho bạn đọc hình dung trạng thái tình huống truyện. Nhân vật của tôi cũng đa dạng, sự hóa thân sống với các nhân vật ngoài đời cũng không ngần ngại cho những kẻ xấu song hành cùng người tốt. Tôi cũng cho rằng, không chỉ có một sự bạo liệt, nếu để đạt một ý tứ nào đó, câu chuyện cần thơ mộng, đẹp mong manh thì hơi khí của văn trong lối kể cũng phải nhẩn nha và tạo nên cái hồn khí lung linh. Vì thế nhiều cặp truyện ở thời kì này đối chọi nhau, Trong bão tuyết khốc liệt trần trụi bao nhiêu thì Cõi ảo hay Gửi người đại tá chờ thư mềm mại bấy nhiêu. Nhà văn phải có nhiều gương mặt, song dù nhẹ nhàng hay quyết liệt, thì chi tiết vẫn hết sức chọn lọc và chen chúc dù không được tham lam, cái gì cũng nhét vào là hỏng ngay văn bản. Tôi viết Phố cũ lột tả cái chật chội về tâm hồn của giới trẻ ở phố cổ 36 phố phường là sự pha trộn dầy đặc hai lối viết trong một và nó đứng được trong khá nhiều tuyển tập truyện hay của nhiều nhà xuất bản. Vàng xưa là truyện vừa kì công nhất. Nó được Trần Đăng Khoa đánh giá như tiểu thuyết rút gọn. Ở đó tôi thử nghiệm lối dựng hình của điện ảnh, từ âm thanh tới hình ảnh xa gần và người đọc có thể hình dung rất rõ cảnh trí, hành động như từng thước phim, vì thế nó hấp dẫn. Kết quả này tôi triệt để khai thác cả trong quá trình xây dựng tiểu thuyết, nó có thể tạo nên hiệu quả lan truyền cảm xúc và cảm giác cho bạn đọc mà ở điện ảnh họ có ưu việt hơn văn học, khi kết hợp với hình ảnh, âm thanh. Không có thước phim chiếu lên màn ảnh song người viết có thể tạo nên hình, tạo nên âm thanh, tạo nên tốc độ khuôn hình nhờ cách đan câu ngắn hoặc cực ngắn chạy trên một đoạn văn bản khi sử dụng nhuần nhuyễn chấm và phẩy, kể cả lối bỏ chủ ngữ ở cổ văn cũng nên dùng. Tất cả kiểu chơi này nhằm tạo thành cảm xúc va đập trực tiếp tới bạn đọc. Cho tới hôm nay tôi viết gần 50 truyện ngắn, cái nào cũng đứng được trong và ngoài nước. Dù tôi viết về cuộc chiến của ta, các ấn phẩm văn chương của người Việt hải ngoại vẫn dùng và xem ra ít nhiều tôi có độc giả không phân biệt chính kiến. Tất cả những điều ấy làm được không phải thần thánh gì, nó là sự lao động với tình yêu không mệt mỏi không khoan nhượng với chính mình. Nhìn lại chặng đường qua ban đầu là ẩn ức, lớn lên chút ít sau là sự khám phá bản thân, những gì tôi đã trải qua, chiêm nghiệm suy ngẫm; sự này đôi khi như tự thú, đôi khi là khao khát mơ ước, bầy tỏ yêu thương hay căm ghét, những tình cảm của tôi, chính cái “ngã” của tôi hay đồng loại, xã hội. Và tuổi càng cao, tôi càng tiết chế tối đa cảm xúc khi viết, để nhìn vào mình hay đồng loại, tỉnh táo khách quan hơn… Do thể tài ngắn nên nếu sống nhiều, lăn lộn nhiều thì việc viết truyện ngắn cho có một văn bản không khó nữa, ai yêu văn học đều có thể viết những truyện ngắn từ sự quan sát tỉ mỉ và sâu sắc quanh mình, cái khó nhất là sao cho hay hơn, lạ và mới hơn mình và khác người. Đây là việc cực kì khó khi vượt qua chính mình. Tôi khuyên các bạn trẻ mới viết đừng đọc lại các truyện mình đã thành công, nhất là các tác phẩm được tung hô nhiều một thời gian.
Tôi thường nghĩ, viết truyện ngắn là phải tự hiểu mình nhất rồi mới nên khám phá thế giới bên ngoài, có như vậy mới tạo nên các văn bản có sức hấp dẫn thu hút bạn đọc. Và điều quan trọng có lẽ nằm trong việc viết thỏa mãn điều gì, hướng tới ai và để cho ai, khi cởi mở tấm lòng mình tới bè bạn, tới đồng đội và nhân dân. Có lẽ điểm mấu chốt làm nên thành bại của một người viết là làm sao cho người ta biết yêu nhau hơn và biết tự đứng trên bàn chân của mình.

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version