Với tiểu thuyết lịch sử, người viết và người đọc thường bị/tự ràng buộc bởi khuôn định của cái gọi là sự thật lịch sử. Tâm lí đó đã vô tình mặc định cho nhà văn “nhiệm vụ” khôi phục, tái tạo, trình hiện quá khứ hầu người đọc đương thời. Thật ra, viết tiểu thuyết lịch sử không phải là đi tìm sự thật trong thì quá khứ hoàn thành, mà nó như cuộc tra vấn quy luật nhân quả trong một diễn trình. Tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú của Hồ Thủy Giang đang làm công việc như thế.
Người anh hùng áo chàm với tư tưởng hòa hiếu nhân văn
Lưu Nhân Chú là ai? Theo thông tin lịch sử, Lưu Nhân Chú quê Thái Nguyên, là vị tướng tài năng xuất chúng có công lớn cùng với Nguyễn Trãi phò giúp Lê Lợi, dẫn dắt nghĩa quân Lam Sơn giành đại thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỉ XV, được vua Lê Thái Tổ phong ngôi Tể tướng. Tiếc rằng, năm 1433 Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay nhưng còn nhỏ, Lê Sát làm phụ chính vì ghen ghét mà ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại Lưu Nhân Chú. Như vậy, tư liệu để lại về danh nhân này là rất ít so với một con người, một cuộc đời, một thời đại. Đằng sau một tầm vóc như Lưu Nhân Chú là biết bao những ẩn mật mà nếu được nhận diện đúng-rõ-đủ hơn thì chúng ta sẽ không chỉ được đến gần hơn với cha ông, mà còn hiểu thêm nhiều tầng bậc của lịch sử đất nước.
Nhà tiểu thuyết lịch sử vừa phải đảm bảo được tính chính xác tương đối theo phương diện nào đó về “cái đã có” (sự thật lịch sử), vừa phải nói lên được “cái có thể có” (hư cấu nghệ thuật) về lịch sử trong tác phẩm của mình. Bằng không, nhà văn hoặc là biến mình thành nô lệ của thông tin, hoặc là trở thành một kẻ phản bội thông tin. Chọn Lưu Nhân Chú làm hình tượng trung tâm, Hồ Thủy Giang hẳn phải biết trước những thử thách cũng như những vẫy gọi từ nhân vật lịch sử này.
Thông tin lịch sử có thể bị mờ khuất bởi nhiều lớp che phủ. Đôi khi đơn giản là vì những lưu chép nặng tính chủ quan, nhiều giới hạn của người viết sử nên thông tin chẳng bao giờ có thể đủ đầy so với trùng trùng lớp lớp ẩn tích của quá khứ. Lưu Nhân Chú cũng là một lịch sử như thế. Quan trọng là trên con đường của mình, nhà tiểu thuyết khai thác các dấu chỉ lịch sử ra sao.
Dường như bám chắc câu hỏi này, trên hành trình khám phá, Hồ Thủy Giang đã đan trộn rất nhuyễn các yếu tố hiện thực và lãng mạn, sự thật và hư cấu, trong đó có các thái cực chiến tranh và tình yêu, cống hiến và tư lợi, hận thù và bao dung, hủy diệt và bất diệt hóa, quân tử và tiểu nhân… để viết nên câu chuyện nhuốm màu huyền sử, khốc liệt mà đẹp đẽ, say mê mà thuyết phục.
Lưu Nhân Chú đặc biệt ở chỗ không chỉ tài nghệ cao cường mà còn mang tư chất kẻ sĩ, không chịu cúi đầu hàng giặc để hưởng vinh nhàn mà âm thầm nung nấu chí lớn, cũng không phải là kẻ võ biền chỉ biết đụng tay mà còn biết nhìn rộng nghĩ sâu. Khi xung trận, Lưu Nhân Chú đặc biệt ưu tiên dùng mưu sách, quan tâm việc bày binh bố trận, đặc biệt luôn ý thức tránh tối đa sự sát phạt giết chóc đau thương. Không giáp trụ, chẳng long đao, chỉ mong manh tấm áo chàm quê nhà, Lưu Nhân Chú dù trong binh lửa vẫn bình tâm tĩnh trí, đánh giặc bằng gươm đao mà coi nhẹ gươm đao. Đấy không chỉ là một võ tướng mà còn là một văn nhân. Chẳng thế mà khi chiếm thành, ông đau đáu nghĩ phương kế, để rồi không tốn một giọt máu, khác hẳn với cách nghĩ của số đông – “bọn lấy chém giết làm tiếng hò reo”. Chẳng thế mà sau bao công trạng hiển hách, sắp đến buổi tế cờ phong chức sắc, trong khi bao người đang háo hức tham vọng thì ông ung dung một mình ngồi thổi sáo. Phận sự hoàn thành, đại nghiệp dựng xong, ông lại bị kẻ tiểu nhân (dù đã từng cùng nhau xông pha sống chết trong chiến trận) ghen ghét hại chết. Người đọc có thể tiếc nuối khi ông không được chết lẫm liệt như một vị tướng cầm quân giữ nước mà chết âm thầm trong ngục thất, nhưng con người ấy đủ can trường, trải nghiệm, tầm vóc văn hóa để khi đón nhận kết cục oan nghiệt đã không hề oán thán. Ông ra đi thanh thản nhẹ nhàng như một thảo dân nước Việt, yêu hết tâm can và chết rũ sạch mình.
Ở đây, vẻ đẹp của nhân vật toát lên từ phẩm tính bao dung trong tư tưởng người Việt – tư tưởng hòa hiếu nhân văn. Nếu như minh sư Nguyễn Trãi là người khởi dựng thì tướng quân Lưu Nhân Chú chính là người thi triển một cách xuất sắc tư tưởng ấy: “Mưu phạt nhi tâm công bất chiến tự khuất” (thu phục lòng người thì không đánh mà tự quy thuận). Trước khi đánh thành Lam Sơn, Lưu Nhân Chú khẩn thiết đề xuất: “Bẩm chúa công, khi chiếm lại thành Lam Sơn ta không nên đánh thẳng vào binh sĩ. Thần đang nghĩ đến một chiến thuật không tốn binh đao mà giặc phải quy hàng”. Trong trận tiêu diệt tàn quân của địch, trong khi nhiều người say máu lao lên chém giết, thì Lưu Nhân Chú yêu cầu viên tướng giặc Thôi Tụ: “Làm chủ soái, nhìn thấy cảnh quân sĩ rụng đầu như sung thế kia mà không động lòng sao? Ngươi mau leo lên cái đài cao kia cầm loa hạ lệnh toàn bộ quân sĩ buông vũ khí quy hàng để chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy kia”. Đấy là lí do giải thích cho tầm cao của một danh nhân quân sự.
Hegel nói, những nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử là những con người “biểu hiện tư duy của dân tộc”. Hình tượng Lưu Nhân Chú ở đây có sức hàm chứa vấn đề của người Việt, của lịch sử dân tộc Việt. Có lẽ, đây chính là điều mà Hồ Thủy Giang nhìn ra như một khoảng sáng qua lớp sương mờ thời gian. Nó chưa bao giờ chỉ là bài học của quá khứ, mà còn là vấn đề của đất nước hôm nay. Đọc quá khứ để nhìn hiện tại, ngẫm lịch sử để nhận thức thực tại và đặt ra những câu hỏi cho tương lai – làm được việc đó cũng có nghĩa là tác giả đã treo được câu chuyện của mình lên chiếc đinh lịch sử vậy.
Đời thường hóa, lãng mạn hóa lịch sử
Nếu chỉ dừng lại và chuyên chú vào vấn đề phẩm tính, tư tưởng hòa hiếu nhân văn của dân tộc, hẳn tiểu thuyết này dễ rơi vào tính luận đề khô nhàm đơn điệu. Hồ Thủy Giang dường như rất hiểu điều này, nên đã khéo léo đan vào câu chuyện của mình những yếu tố lãng mạn, những chi tiết đời thực, để câu chuyện lịch sử kia không trở thành một “mẫu vật” trong bảo tàng mà thực sự là con người, là đời sống với không khí của thời đại và hoàn cảnh của nó.
Người đọc đặc biệt chú ý tới âm giai huyền hoặc từ cây sáo của Lưu Nhân Chú – một tướng quân xông pha trận mạc. Tiếng sáo Lưu tướng quân cứ ngân đi ngân lại tha thiết mê mị nhiều lần trong tác phẩm. Khi thì đẫm trĩu suy tư, lúc thì ăm ắp thương nhớ. Đặc biệt, tiếng sáo mang sức mạnh đầy quyền lực: “- Xin tướng quân thổi nữa đi. Trong chiến tranh, nhiều khi âm luật cũng là vũ khí. Chắc tướng quân chưa quên tích truyện Thạch Sanh dùng cây đàn mà đuổi được giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi”. Đến mức, tiếng sáo đã thu phục hoàn toàn đối phương bên kia trận tuyến là Vương Thông: “Chinh chiến ở Đại Việt bao năm, tôi những tưởng chiến tranh toàn là máu lửa và chém giết. Từ đêm nay, có lẽ trong con tim binh nghiệp sắt đá của tôi sẽ có thêm tiếng sáo của Lưu tướng quân”. Chi tiết nghệ thuật này đắc địa bởi nó không phải là thứ vẽ vời dông dài mà trở thành phần bổ hoàn vào tính cách, tư tưởng của nhân vật.
Bên cạnh đó, hình ảnh những người nữ trong cuộc đời Lưu Nhân Chú cũng rất đẹp và ý vị. Lưu tướng quân có Ngọc Tiêm – một người vợ tuyệt vời, tuyệt đối yêu chồng và hoàn toàn đáng được chồng yêu. Ấy thế nhưng trong lòng người chồng ấy đôi khi vẫn thấp thoáng hình ảnh một nữ nhi khác, đó là Slao, người yêu thầm nhớ trộm và cuối cùng đã lấy thân mình chắn mũi tên giặc để chết thay Lưu Nhân Chú. Cảm xúc, tình yêu, những phút xao lòng… đã làm cho một câu chuyện tưởng chỉ đơn thuần chính sử được pha màu thường nhật, với tất cả thành thật luyến ái của con người. Nhân vật lịch sử không cao vời như một đấng bậc để ta ngưỡng vọng chiêm bái, mà hiện lên dung dị với tất cả giá trị Người phổ quát mà nó vốn có.
Tuy nhiên, đi hết tiểu thuyết lịch sử Tể tướng Lưu Nhân Chú, người đọc vẫn ít nhiều nuối tiếc. Chất điện ảnh – thử nghiệm mới của tác giả tuy đem lại những hấp dẫn nhất định, nhưng cũng khiến nhiều trường đoạn rơi vào sống sượng. Hơn nữa, nhịp điệu kể chưa được điều tiết hợp lí để đưa người đọc thực sự hòa cảm vào những mạch tuyến khác nhau của câu chuyện. Và việc tác giả đưa vào phụ lục các nhân vật, sự kiện, vấn đề lịch sử đành rằng là tiện cho quá trình đọc của độc giả, nhưng lại vô hình trung khuôn hẹp phẩm tính gợi mở, hư cấu nghệ thuật của tác phẩm.
(Phạm Văn Vũ – Văn nghệ Quân đội)