Một đêm tháng 11/2013, biên kịch Nguyễn Khánh Dương nhảy vào chat Facebook với họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Cuộc trò chuyện nhỏ khởi đầu cho sự hồi sinh của một bộ truyện tranh “bom tấn”, đồng thời hồi sinh một nền truyện tranh tưởng như đã tàn lụi.
Long Thần Tướng được gây quỹ cộng đồng để hồi sinh từ “tro tàn” (bộ truyện gốc sáng tác 10 năm trước), rồi ra mắt tập một của bộ mới vào tháng 11/2014. Sau đó, Khánh Dương, Thành Phong và một người bạn nữa, họa sĩ Hoàng Anh Tuấn (của nhóm B.R.O) sáng lập công ty Comicola chuyên tổ chức sản xuất truyện tranh.
Họ lấy đâu ra các tác giả và tác phẩm? Chính là từ những họa sĩ truyện tranh thân quen lâu năm mà 10 năm nay phải theo đuổi các nghề khác để kiếm sống. Hội thảo Nghề vẽ truyện tranh Việt Nam sáng 6/9 trong Ngày hội truyện tranh Comicday tại Hà Nội là dịp để họ nhìn lại sự hồi sinh này.
“Nền truyện tranh Việt Nam nào?”
Khi Long Thần Tướng ra đời, họa sĩ Thành Phong được nhiều tờ báo hỏi: “Bộ truyện này có tác động như thế nào với nền truyện tranh Việt Nam?”. Anh trả lời bằng một câu hỏi ngược lại: “Nền truyện tranh Việt Nam nào?”.
Nhưng theo Khánh Dương, Comicday 2015 chính là lời đáp thỏa đáng cho câu hỏi đó. Cách đây chưa đầy 1 năm, chỉ với một ít tác phẩm, cái gọi là “nền truyện tranh” đó chưa thành hình. Nhưng hiện tại, không thể phủ nhận sự tồn tại của nó với Long Thần Tướng, Học sinh chân kinh, Nhóm máu O, Project ICON, Nhật ký Mèo Mốc, Bad Luck, Vùng trời hư cấu… hay lâu năm nhất là Học sinh chân kinh, những tác phẩm đủ sức tạo nên cộng đồng hâm mộ riêng.
Đến nỗi, năm 2013, khi báo chí hỏi “Truyện tranh Việt Nam đang ở đâu trên thế giới”, Thành Phong nói “Tôi không thấy nó ở đâu cả”, nhưng nay, Khánh Dương và Anh Tuấn tự tin tuyên bố trước gần 500 độc giả trong hội thảo, truyện tranh Việt Nam đang dần đủ lực vươn ra thế giới.
Anh Tuấn cho biết: “Sau Comicday ở TP.HCM ngày 30/8, một tổ chức của Indonesia liên hệ với chúng tôi đề nghị tổ chức một lễ hội truyện tranh châu Á. Chúng tôi đang làm việc với họ. Tôi và Dương đã bàn với nhau từ rất lâu rồi, rằng truyện tranh Việt Nam không thể không vươn ra thế giới”.
Còn Khánh Dương tiết lộ: “Bad Luck đã nhận được nhiều lời đề nghị chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài hoặc chuyển thành phiên bản hoạt hình. Tôi chắc chắn truyện tranh Việt Nam đủ chất lượng cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực, và sau khi tiến ra châu Á, chúng tôi sẽ xem truyện tranh Việt Nam còn tiến xa đến đâu nữa”.
Hồi sinh từ Long Thần Tướng và nhiều hơn nữa
Tại Comicday, mỗi tác giả đều được sắp xếp cho một vị trí ngồi vẽ và giao lưu với độc giả. Suốt cả ngày, họ không lúc nào ngơi nghỉ trừ lúc ăn trưa. Khoảng 2.000 lượt độc giả đã đến, mua sách và các sản phẩm lưu niệm bán kèm: sổ tay, móc khóa, áo phông, áp phích…
Truyện tranh Việt Nam đã bắt đầu mang dáng vẻ quốc tế: một nghề có “hệ sinh thái” phong phú. “Hệ sinh thái” chính là thứ nuôi sống truyện tranh, đó là những sản phẩm đi kèm này, chứ không phải là tiền bán sách, theo Khánh Dương.
Cầm trên tay cuốn Long Thần Tướng tập 1, độc giả Lê Tuấn Anh (học sinh trung học tại Hà Nội) nói với Thể thao & Văn hóa rằng bạn… chưa biết đến bộ truyện này. “Em hâm mộ các bộ truyện Nhật ký Mèo Mốc, Bad Luck, Vùng trời hư cấu… chủ yếu đọc qua mạng nên đến đây, nhưng xem qua Long Thần Tướng em thấy cũng rất ấn tượng”.
Còn Phạm Thanh Bình (sinh viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) quan tâm nhất đến tác phẩm Tôi vẽ, không phải là truyện tranh mà là giáo trình dạy vẽ truyện tranh do Comicola xuất bản.
Đây đều là hai ví dụ cho thành công của Comicola nói riêng và nền truyện tranh Việt Nam nói chung. Bởi một nền truyện tranh thực thụ không chỉ xoay quanh một tác phẩm, dù là Long Thần Tướng hay bất cứ truyện nào khác, nó phải sản xuất ra những giá trị mới của các tác giả ngày một trẻ hơn (về tuổi nghề).
Thành Phong, Khánh Dương, Anh Tuấn và Phạm Kiều Oanh (thành viên còn lại của B.R.O), Gehena đều là những họa sĩ có thâm niên hơn 10 năm truyện tranh và gần 30 năm tuổi đời. Nhưng tiếp nối họ đang là những họa sĩ trẻ hơn.
Và trong hàng trăm độc giả dự Comicday, có nhiều bạn trẻ hơn nữa cũng ôm ấp niềm đam mê này. Đó là dấu hiệu cho thấy một nền truyện tranh đã hồi sinh và có thể “sống” tiếp.
Theo Nha Đam – Thể thao & Văn hóa