Đề tài ‘yaoi’, truyện tranh về tình dục đồng giới nam ở Nhật, gây chú ý khi được đưa ra trong đợt hội thảo truyện tranh tại Hà Nội cuối tuần qua. Yaoi được bán công khai ở Nhật nhưng vẫn là loại truyện cấm kỵ bên ngoài biên giới nước này.

Chuỗi hội thảo quốc tế 3 ngày về truyện tranh Nhật Bản được Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả người Nhật, Malaysia, Singapore và Việt Nam tham dự.

Bìa cuốn nghiên cứu “Fantasies of Cross-dressing: Japanese Women Write Male-Male Erotica” của giáo sư Kazumi Nagaike.

Bài thuyết trình về thể loại yaoi của nữ giáo sư, tiến sĩ Kazumi Nagaike được trình bày hôm 23/3 rất thu hút sự quan tâm của người nghe. Ban đầu, nhiều khán giả cười khúc khích khi diễn giả giới thiệu đề tài, thậm chí cười rộ lên khi những hình minh họa trong các truyện tranh đồng tính được chiếu lên màn hình. Nnhưng tất cả đều lắng nghe chăm chú và sau đó đặt nhiều câu hỏi cho diễn giả.

Đưa đề tài truyện tranh về đồng tính nam, đặc biệt không chỉ tình yêu mà còn mô tả trực diện tình dục đồng tính, vào một hội thảo về truyện tranh dành cho phái nữ, giáo sư Kazumi Nagaike đã khiến người nghe phải thay đổi cách nghĩ thông thường. Thứ nhất, truyện tranh không chỉ dành cho trẻ con, có rất nhiều loại truyện tranh dành cho người lớn (cả nam và nữ) và đề tài rất đa dạng. Thứ hai, truyện tranh dành cho phái nữ không chỉ nói về tình yêu nam nữ.

Phụ nữ cần một thể loại truyện tranh khác, trong đó “chứa chấp” được những tâm sự thầm kín khác của họ, điều mà truyện tranh dành cho phái nữ thông thường (shojo manga) không làm được. Họ tìm đến yaoi (tiếng Nhật), tên tiếng Anh là BL, viết tắt của boys’ love, nghĩa là “tình yêu giữa các chàng trai”. Yaoi là từ chỉ các thể loại phim và truyện, nhưng trong bài thuyết trình của mình, Kazumi Nagaike chỉ đề cập đến mảng truyện tranh.

Chính vì thế người sáng tác và đọc yaoi chủ yếu là nữ giới. Cần nhấn mạnh, yaoi chỉ thể loại truyện có đề cập đến tình dục, có cảnh mô tả tình dục từ ít đến nhiều, từ che giấu đến lộ liễu. Còn nếu viết về tình yêu nam – nam đơn thuần, không đề cập nhiều đến tình dục, ở Nhật có một thể loại truyện khác là shounen-ai.

Trình bày những thông tin cơ bản về yaoi, giáo sư Kazumi Nagaike đưa người nghe đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao phụ nữ lại sáng tạo và thưởng thức truyện về đồng tính nam một cách có chủ ý như vậy?”. Thay vì đi sâu vào đặc điểm thể loại yaoi và những tác giả, tác phẩm nổi bật, Nagaike khai thác khía cạnh tâm lý phụ nữ khi sáng tác và đọc yaoi.

Giáo sư Nagaike trích lời học giả Nhật Yukari Fujimoto cho rằng phụ nữ sáng tác yaoi là để “tự giải thoát khỏi nỗi đau bị động trong hoạt động tình dục”. Cùng quan điểm này, học giả Azuka Nakajima chỉ ra rằng phụ nữ mong muốn thoát khỏi khái niệm “nữ tính” do xã hội áp đặt, như vẻ đẹp dịu dàng hay khả năng sinh sản. Chính vì thế, yaoi thường có các nhân vật nam xinh đẹp, yếu đuối và là nạn nhân bị cưỡng hiếp như một sự nhập vai của người phụ nữ. Còn nhân vật nam mạnh mẽ, nam tính, đóng vai trò đàn ông trong mối quan hệ với nhân vật nam xinh đẹp, lại được mô tả như người tình lý tưởng của phụ nữ, theo học giả Mark McLelland.

Bởi vậy, các nhân vật nam và mối tình của họ trong yaoi chính là sản phẩm tâm lý của phụ nữ, và khi ra đời đã trở thành một sản phẩm văn hóa dành cho phụ nữ.

Truyền thông đại chúng Nhật để ý đến sự mở rộng phạm vi của độc giả yaoi, đặc biệt ngày càng có nhiều độc giả nữ trẻ tìm đến thể loại truyện này. Truyền thông Nhật cho rằng những độc giả này chưa trưởng thành về tình dục, muốn giải thoát và chống lại xã hội. Nhưng chính nam giới cũng dần dần trở thành độc giả của yaoi, kể cả những người không đồng tính. Và một điều trái khoáy là những độc giả nam này lại được chấp nhận dễ dàng hơn ở Nhật so với những người nữ cùng sở thích. Tuy nhiên, bản thân các độc giả nữ cho rằng sở thích của mình là hoàn toàn chấp nhận được về mặt xã hội.

Một khía cạnh khác của yaoi, mà giáo sư Nagaike không ngần ngại nhắc đến trong bài thuyết trình, là những truyện yaoi mô tả quá lộ liễu hành vi tình dục, được xem là ấn phẩm khiêu dâm dành cho nữ giới ở Nhật, và bị giới hạn độ tuổi tiếp nhận. Bà kết luận rằng việc này cho thấy sự hợp lý về tâm sinh lý, bởi nam giới lấy hình ảnh người nữ làm đối tượng trong ấn phẩm khiêu dâm.

Pham Mi Ly

Giáo sư Kazumi Nagaike hiện giảng dạy tại Đại học Oita, Nhật Bản. Chị đã có nhiều năm tìm hiểu thể loại yaoi và thuyết trình về đề tài này ở nhiều nước trên thế giới. Nagaike cho biết, tại Nhật, cùng với việc bày bán yaoi công khai, người ta thảo luận rất cởi mở về chủ đề này.

Tại Việt Nam, các sản phẩm yaoi như phim, phim hoạt hình, truyện tranh, truyện chữ hầu như đến với độc giả qua con đường Internet và chưa được phát hành có bản quyền.

Nguồn: eVan.