Ranh giới giữa các tác giả và độc giả đang dần biến mất… phải chăng là tương lai của việc kể chuyện (storytelling)?
Sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học và công nghệ thông tin của thời đại ngày nay, cùng sự bùng nổ của video và các phương tiện nghe nhìn khiến nhiều người băn khoăn không biết liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hoá hay không?
Thực tế, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng về sách dưới dạng sách báo điện tử hay truyền thông xã hội có thể là triển vọng tốt cho văn hóa đọc trong tương lai.
Diện mạo của cuốn sách truyền thống có thể thay đổi nhưng ranh giới giữa tác giả và độc giả đang dần biến mất. Dạo qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter… có thể thấy rõ được điều đó.
Andy Weir, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “The Martian” (Người sao Hỏa) cho rằng phương tiện truyền thông xã hội đã giúp loại bỏ các rào cản giữa ông đối với độc giả của mình.
Trên các “fan page” (trang dành cho fan hâm mộ) và các tài khoản truyền thông xã hội của tác giả lớn như JK Rowling và George RR Martin luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Thỉnh thoảng, nhà văn Rowling sẽ “tweet” một chi tiết mới liên quan đến “Hogwarts” (trường chuyên đào tạo các phù thủy và pháp sư trẻ tuổi trnong bộ truyện Harry Potter của J.K.Rowling) để làm thỏa trí tò mò của người hâm mộ và như vậy cũng là cách để tác phẩm vẫn giữ được độ “hot” của mình.
Để làm cho mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả trở nên gắn kết hơn, nhà văn Rowling thường khuyến khích một số cuộc tranh luận thông qua truyền thông xã hội. Và vì là tác giả của bộ truyện Harry Potter, nữ nhà văn có mọi quyền để chia sẻ về cuốn sách đến những độc giả hâm mộ.
Nhiều tác giả cảm thấy vui vẻ và khá thoải mái để chia sẻ cho độc giả những câu chuyện ngoài lề tác phẩm đã được xuất bản của họ. Trong một trao đổi qua email giữa Huffington Post với Andy Weir, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “The Martian” (Người sao Hỏa), ông đã chia sẻ về tác động tích cực nền tảng xã hội đối với cuốn sách nổi bật của mình: “Phương tiện truyền thông xã hội đã loại bỏ các rào cản giữa tôi đối với độc giả của mình”, ông viết.
“Độc giả cảm thấy được kết nối trực tiếp, gần hơn với tôi bởi vì họ có thể nhắn tin trực tiếp cho tôi và tôi sẽ trả lời họ. Tôi không phải là một thực thể vô danh như các tác giả khác trong quá khứ. Độc giả của tôi biết người đứng đằng sau câu chuyện, biết về thú tiêu khiển, sở thích của tôi, và mối quan tâm của tôi. Điều đó nuôi dưỡng một kết nối gần gũi hơn. Thay vì những gì độc giả biết đó là “một cuốn sách”, thì đó là “một cuốn sách của một người mà tôi biết”.
Nữ nhà văn Elizabeth Gilbert cho rằng cuốn sách nổi tiếng “Eat, Pray, Love…” không thể tồn tại nếu không có mối quan hệ của cô với những người bạn trên Facebook.
Nữ nhà văn Elizabeth Gilbert (1 trong 4 nhà văn được đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008 do tạp chí Time bình chọn), tác giả của cuốn tự truyện “gây chấn động” là “Eat, Pray, Love…” nói với tờ The Huffington Post rằng cuốn sách của cô “sẽ không thể tồn tại nếu không có mối quan hệ của tôi với những người bạn theo dõi Facebook của mình”. Cô nói thêm, “Vào thời gian viết cuốn “Eat, Pray, Love…”, tôi đã viết dành trực tiếp đến độc giả của tôi, bởi vì tôi biết họ rất rõ, tôi hiểu họ. Đối với tôi, phương tiện truyền thông xã hội đã “hòa tan” biên giới giữa tác giả và độc giả, thay vào đó là sự thân mật thực sự”.
Một vài tác giả khác cũng chia sẻ cảm xúc tương tự về sự gần gũi với độc giả của họ thông qua truyền thông xã hội nói chung, Facebook nói riêng. Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Brasil Paulo Coelho chia sẻ: “Mối liên kết giữa tôi với độc giả chưa bao giờ mạnh mẽ hơn như thế. Bây giờ tôi thực sự có thể tương tác với độc giả. Tôi tin rằng sách trong tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn, và tôi cần phải sẵn sàng cho việc này”.
Truyền thông xã hội giúp cho người đọc có thể đắm mình vào thế giới câu chuyện của các tác giả họ hâm mộ. Điều nguy hiểm duy nhất có thể xảy ra là khi cảm giác thân mật được thành lập – khi tác giả và độc giả được đặt bình đẳng – người đọc đôi khi bắt đầu cảm thấy quyền sở hữu nội dung cuốn sách.
Các tác giả lúc này phải đối diện với nỗ lực hết mình để tăng ý nghĩa, giai điệu và nội dung cho cuốn sách được hấp dẫn hơn và độc giả cảm giác được khám phá những điều mới mẻ hơn.
Theo Minh Khánh – Dân Việt (dịch từ Huffing Post)