BBT: Báo điện tử “Giáo dục quốc học” (www.guoxuejiaoyu.com), do Viện Quốc học thuộc Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc và Báo Nhà văn nhí chủ quản), ngày 23-5-2010, đã đăng tải truyện ngắn “Yêu mẹ như mẹ đẻ” của Ninh Tử viết về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu rất đời thường, sâu sắc và cảm động.

Chúng tôi giới thiệu truyện ngắn trên, qua bản dịch của bạn Vương Quốc Hùng, để bạn đọc thưởng thức.

Cám ơn Dịch giả Vũ Phong Tạo đã giúp chúng tôi hiệu đính và biên tập tác phẩm dịch này!


I

Nhận được điện thoại của bà, tôi ngạc nhiên.

Bà nói: “Huệ Minh, ở nhà việc đồng áng rảnh rỗi rồi, ta muốn đến chỗ con ở một thời gian, giúp con trông nom Tiểu Bảo…”.

Tôi không biết nói sao, lần này, bà chắc chắn sẽ tới.

Bởi bà không hay biết trước khi Quân Tử mất một tháng, chúng tôi đã ly hôn. Có nghĩa là đối với mẹ của Quân Tử, tôi đã không còn bất kỳ quan hệ nào nữa, chỉ có điều chúng tôi còn chưa đem chuyện này nói với những người nhà của mình. Quân Tử không muốn nói, còn tôi cũng không biết phải mở miệng thế nào. Một năm trước, Quân Tử đem lòng yêu người khác, anh cứ một mực đòi rời bỏ tôi và đứa con gái mới 4 tuổi của chúng tôi.

Tôi đau đớn, phẫn nộ, oán hận, nhưng vẫn ký tên vào đơn thoả thuận ly hôn. Tôi giành được quyền nuôi con gái. Khi căm giận nhất, đến con gái tôi cũng không cho anh đến thăm. Không ngờ, một tháng sau thì anh bị tai nạn xe cộ tử vong.

Tại nhà tang lễ, tôi không dám nhìn thẳng lần cuối vào khuôn mặt của anh sau khi đã được chỉnh hình, song vẫn đi đưa tiễn anh với tư cách một người vợ, bởi anh chưa kịp cưới  người đàn bà kia về nhà.

Tiểu Bảo quá bé, thậm chí không biết đau thương. Tôi đau đớn đến nỗi không khóc nổi, cho đến lúc bà mẹ chồng từ nhà quê vội lên, hai tay run run ôm chặt lấy tôi, mãi đến lúc dựa vào lòng lạ lẫm của bà, tôi mới cùng bà ôm đầu khóc thảm thiết như điên như dại.

Bà vừa khóc vừa nói đi nói lại: “Quân Tử mất đi rồi, hai mẹ con con làm thế nào…”. Bà đâu biết rằng, thực tế Quân Tử đã rời bỏ, tách biệt với cuộc sống của mẹ con chúng tôi từ lâu. Chỉ có điều, lần này anh ấy đã biến mất hoàn toàn.

Trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định vĩnh viễn sẽ không nói cho bà biết sự thật, để cho Quân Tử mang theo điều bí mật đó.


II

Xong việc tang của Quân Tử, bà ở lại nhà tôi mấy hôm. Trong mấy ngày đó, tâm trạng tôi rối bời, bà ở đây mà tôi cũng không chăm sóc được gì. Tôi không ngờ rằng, người phụ nữ nông thôn trên sáu mươi tuổi lại ít học đó còn kiên cường hơn tôi rất nhiều.

Năm hôm sau ngày Quân Tử mất, bà làm cho ba người mẹ con bà cháu chúng tôi một bữa cơm tối vô cùng thịnh soạn.

Tiểu Bảo ăn rất ngon lành, còn tôi thì không thể nuốt nổi. Bón cho Tiểu Bảo ăn xong, bà giao cho bảo mẫu, rồi khuyên tôi: “Huệ Minh, ở làng quê vẫn có câu: Sống chết do số trời. Quân Tử nó không có phúc, bỏ lại hai mẹ con mà đi, nhưng con phải cố mà nuôi dậy Tiểu Bảo nên người…”.

Giọng nói địa phương Hà Nam của bà rất nặng, nhiều câu tôi nghe không hiểu. Làm con dâu bà mấy năm trời, ngoài việc cứ hai năm về ăn tết hai ngày, mỗi tháng đúng ngày gửi tiền cho bà một lần, thì mẹ con chúng tôi chưa tâm tình trao đổi thật sự bao giờ – Chỉ là người thân trên danh nghĩa rất chi xa lạ.

Bà bảo: “Người mất thì đã mất rồi, bây giờ cần chăm sóc cho người sống kìa, tiếp tục sống cho tốt!”.

Đạo lý rất đơn giản, rất thực tế ấy khiến tôi không cách gì nói lại được, nhưng tôi vẫn cần thời gian.

Sau đó, bà trở về quê. Lúc tiễn bà lên xe, tôi dúi cho bà ít tiền. Tôi nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi đưa cho bà tiền.

Tôi chưa kịp nói, thì bà lại nói trước: “Huệ Minh, sau này đừng gửi tiền cho mẹ, cuộc sống ở nhà cũng tạm ổn. Con còn phải nuôi con, khó khăn hơn mẹ nhiều!”.

Nước mắt tôi bỗng nhiên trào ra. Bà đi về rồi.


III

Sau khi bà về, tôi thuê một bảo mẫu trọn ngày – đưa đón Tiểu Bảo, dọn dẹp nhà cửa. Tôi phải cố gắng kiếm tiền. Lúc li hôn Quân Tử nhận lo mọi chi phí cho Tiểu Bảo, nhưng bây giờ, anh còn đâu.

Cuộc sống bắt đầu bận rộn, bận rộn đến mức, dần dần chẳng còn thời gian đau buồn nữa.

Sau khi biết bà đã về nhà an toàn, tôi cũng không gọi điện cho bà, nhưng chẳng ngờ, bà lại muốn tới, thật sự muốn tới. Mà tôi lại không tìm ra lí do gì thích hợp để từ chối.

7 giờ sáng xe lửa tới. 6 giờ tôi đã thức dậy, ra ga xe lửa. Nhưng đợi tới gần 8 giờ, bà mới từ ga đi ra, lưng đeo chiếc túi không to không nhỏ. Tôi đỡ lấy chiếc túi, cơ thể bất ngờ bị chùng xuống. Chiếc túi rất nặng, có lẽ là quần áo. Lẽ nào bà dự tính ở dài lâu?

Tôi vừa nghĩ, vừa hỏi: “Mẹ, xe lửa đến muộn à?”. Bà hơi ngần ngại, lắc đầu: “Không. Là mẹ đi lạc đường, đi lại mấy vòng, hỏi mấy người mới ra được”. Bà đeo cái túi nặng như vậy đi lòng vòng gần một tiếng.

Đột nhiên tôi thấy thương bà: “Mẹ, là con không tốt, lẽ ra con nên vào trong ga đón mẹ”. Bà ngẩng mặt cười: “Xe lửa dài vậy, con biết tới chỗ nào đón chứ? Không sao, lần sau thì mẹ biết rồi”. Sau đó bà chìa tay cầm lại chiếc túi trong tay tôi. “Đưa mẹ, con xách sao nổi!”.

“Mẹ!”. Tôi gỡ tay bà, cứ cầm chiếc túi. Bà đã hơn 60 tuổi, tóc bạc quá nửa, da tay thô ráp, nếp nhăn đầy mặt, song tự nhiên tôi có cảm thấy bà còn khoẻ hơn mình. Bất giác thấy mình như người già. Trong mắt bà, tôi luôn là người đáng thương, cần được chăm sóc.


IV

Về đến nhà, chúng tôi gặp bảo mẫu ngay cổng. Cô sắp đưa Tiểu Bảo đi học.

Lần trước, mấy hôm được chăm sóc, Tiểu Bảo đã quen hơi bà. Sau khi bà đi, nó luôn la hét ầm ĩ đòi ăn món cá bà làm, nên nhìn thấy bà, nó liền gọi: “Bà nội!”. Bà chùi chùi tay vào áo, ngồi xuống bế bổng nó lên, trông rất là thân mật. Điều đó đột nhiên khiến tôi tỉnh ngộ: Dù cho Quân Tử đã mất đi, dù cho chúng tôi đã li hôn, tình cảm bà cháu vẫn gắn bó thân thiết tận trong máu mủ ruột thịt.

Hai bà cháu ôm nhau thật lâu.

Lúc tôi mở cửa, bà còn đứng mãi đó trông theo bảo mẫu dẫn Tiểu Bảo đi xa. Tôi gọi   bà. Bà đáp một tiếng, rồi tỏ vẻ băn khoăn, hỏi: “Thuê bảo mẫu thế này, một tháng phải trả bao nhiêu tiền?”.

Sau khi nghe tôi trả lời, bà hơi kinh ngạc: “Đắt thế! Huệ Minh, con cho bảo mẫu nghỉ đi, mẹ sẽ chăm lo cho Tiểu Bảo”.

Tôi vội giải thích: “Hàng ngày Tiểu Bảo đều phải đi nhà trẻ, đường thì xa, phải đi tới mấy tuyến xe, mẹ lại không thuộc đường xá trong thành phố, bảo mẫu không thể nghỉ…”.

Bà gật gật đầu: “Vậy qua mấy ngày rồi cho nghỉ. Mấy hôm nữa là mẹ biết đưa đón Tiểu Bảo rồi”. Giọng bà nói rất kiên định, tựa như đã hạ quyết tâm ở lại đây.

Tôi và bà còn hàn huyên mấy câu. Sau khi vào phòng ngủ, mở túi của bà, thấy bà đem cả áo rét, tôi thót tim: “Bà sẽ ở lại đây thật sao?”.

Vừa nghĩ vừa thu dọn quần áo. Bỗng nhiên, giữa hai chiếc áo lộ ra một sấp tiền, khoảng vài nghìn tệ (một nhân dân tệ tương đương 3.000 đồng Việt Nam-ND). Quá nhiều so với số tiền tôi đưa cho bà lúc bà về. Tôi lặng người một lúc, quyết định đem quần áo của bà sắp gọn lại. Vừa xong, kéo khoá lại thì bà vào. Đến bên tôi, bà lại mở túi, thò tay vào tìm bên trong hồi lâu, lấy số tiền ra: “Huệ Minh, mẹ đem cho con ít tiền, là mẹ dành dụm mấy năm nay”.

“Mẹ! Con không nhận!”, tôi gỡ tay bà, “Chúng con có tiền mà”.

“Tại sao không nhận? Mẹ cho cháu gái mẹ, sao lại không nhận? Quân Tử không còn, bà nội không chăm sóc cháu thì ai chăm…”, khẩu khí của bà rất dứt khoát. Nhớ tới lời Quân Tử nói trước đây, bà là người rất cứng rắn, đừng chê không biết chữ, bà ghê thật đấy!

Tôi không từ chối được, đành nhận lấy tiền.


V

Bà quả nhiên bắt đầu cùng bảo mẫu đưa Tiểu Bảo đi học, buổi chiều đón về. Ban ngày, nhờ bảo mẫu đưa đi chợ, đi siêu thị. Bà học cách mua đồ ở siêu thị rất nhanh, còn cố ý khoe với tôi: “Đi qua đi lại bao nhiêu quầy hàng mà mẹ không lạc, đều tự mình tìm thấy đường ra lối vào đấy!”.

Tôi nói: “Mẹ! Có bảo mẫu rồi, mẹ sao phải chịu khổ vậy!”.

Mẹ cứ cười: “Việc này ăn thua gì với việc đồng áng. Không sao!”.

Không lâu sau, bảo mẫu quả nhiên bị bà cho thôi việc.

Thế là bà ở lại. Tiểu Bảo buổi tối dứt khoát ngủ với bà, bởi vì bà nội hay kể những câu chuyện mới – Những câu chuyện bà kể đều là chuyện ma quỷ ở nông thôn trong truyền thuyết, rất mới lạ đối với Tiểu Bảo thích nghe kể chuyện đồng thoại.

Tiếng cười tràn ngập làm tiêu tan không khí u ám của căn nhà. Cuộc sống này khiến tôi dần dần sinh ra ỷ lại, quên nghĩ đến chuyện khi nào thì bà về quê.

Trời dần dần trở lạnh, tôi mua về cho bà mấy bộ quần áo mới. Mời bà từ trong bếp ra, thử quần áo. Ngay cả xem cũng không, bà cúi đầu chọn rau: “Mẹ không cần đến, trả lại đi con. Tiền đấy để cho Tiểu Bảo”.

“Mẹ! Thật sự chúng con không cần số tiền này!”.  Tôi bắt chước giọng điệu cứng cỏi của bà.

Bà ngửng đầu lên: “Huệ Minh, Quân Tử là đứa không ra gì. Nó có lỗi với con. Mẹ chẳng có gì để thay nó bù đắp cho con. Mẹ không thể kiếm tiền, những việc có thể làm cũng chỉ là những việc này…”.

Bỗng nhiên bà im lặng in trong đáy mắt tôi ánh lên kinh ngạc – Thì ra bà đã biết rồi. Bà biết như thế nào đây?

“Huệ Minh, mẹ đã biết từ lâu rồi. Anh cả của con đã nói với mẹ rằng, Quân Tử không muốn chung sống với con, nó đã có người khác. Mẹ ở xa như vậy, những năm ấy, ít ở cùng Quân Tử, không răn dạy được nó. Hôm con nói với mẹ nó có chuyện, mẹ vừa thương vừa giận, nó bị báo ứng, nó bị…”.

“Mẹ! Anh ấy không phải người như thế” – Tôi ngắt lời bà: “Mẹ, từ lâu con đã không oán giận anh ấy. Con muốn để anh ấy sống thanh thản”. Nước mắt tôi lã chã tuôn rơi.

Bà cũng khóc. Đây là lần đầu tiên bà nhắc tới Quân Tử, sau lần thứ hai này đến nhà chúng tôi. Đây cũng là lần thứ hai bà khóc trước mặt tôi, sau khi Quân Tử mất đi.

Chúng tôi ôm chặt lấy nhau, khóc thả phanh một trận.


VI

Những giọt nước mắt đó dường như rửa trôi đi hết mọi đau khổ tận đáy lòng tôi, khiến trái tim tôi dần dần trở nên nhẹ nhõm.

Bà cứ hiền dịu như vậy trong cuộc sống của tôi, cùng sống với tôi và Tiểu Bảo một mạch hai năm. Ngay cả việc đồng áng yêu thích nhất của mình bà cũng quên.

Có khi, tôi định khuyên bà về quê, nhưng lại không nỡ, cứ giả câm vờ điếc. Bà không nói, tôi cũng không nhắc tới.

Thấm thoắt, Tiểu Bảo đã đi học. Ngày khai giảng, tôi cùng bà đưa Tiểu Bảo đến trường. Tối hôm đó, sau khi ru cho Tiểu Bảo ngủ, bà ra phòng khách, ngồi bên cạnh tôi trên xô-pha.

“Mẹ muốn xem gì thì chuyển kênh nhé”. Tôi đưa điều khiển từ xa cho bà.

Bà lắc đầu, như đắn đo suy nghĩ, lát sau nói: “Huệ Minh, bây giờ Tiểu Bảo đi học rồi, mẹ muốn về nhà. Con hãy tìm một bảo mẫu, tìm được người thích hợp, thì mẹ về”.

“Mẹ!”. Tôi hơi bất ngờ, quay đầu nhìn bà – “Sao đột nhiên mẹ lại muốn về? Tiểu Bảo đã quen ở cùng mẹ rồi”.

“Con khờ dại lắm! Mẹ không thể cứ ở đây mãi được. Con còn trẻ, gặp người tâm đầu ý hợp còn phải kết hôn chứ! Mẹ tin con sẽ gặp người tốt hơn Quân Tử. Con là một người con  tốt…”.

Ánh mắt bà cương nghị mà từ bi. Tôi biết, ý bà đã quyết. Tôi phục xuống chân bà, nước mắt làm ướt cả áo bà.

Bà đi rồi. Sau khi dìu dắt tôi hai năm, bà ngồi lên chuyến xe lửa đã đưa bà tới, trở về quê.

Tôi bắt đầu thường xuyên bấm số điện thoại mà từ lâu vẫn nằm im trong danh bạ điện thoại, rồi tranh giành với Tiểu Bảo nói chuyện với bà, mà thường hễ nói là “nấu cháo” một mạch tới trên nửa tiếng, một tiếng đồng hồ.

Tôi yêu bà. Suốt đời này, tôi mãi mãi yêu bà giống như yêu mẹ đẻ của mình.

VƯƠNG QUỐC HÙNG dịch

VŨ PHONG TẠO hiệu đính

(Theo www.guoxuejiaoyu.com, 23-5-2010)

Nguồn: Tạp chí Nhà văn.

Exit mobile version