Ngày 29 tháng 1 phóng viên Vương Quân, mạng Tân Hoa taị Thẩm Dương đưa tin. Sau những năm 90 của thế kỷ trước, truyện ngắn, một trong những thể loại dòng chính quan trọng đương đại của Trung Quốc hiện nay đang bị gạt “ra rìa”, suy thoái dần, thậm chí đứng trước nguy cơ “sẽ chết”.

Giáo sư văn học, tiến sĩ Trương Học Thính, trường đại học sư phạm tỉnh Liêu Ninh đã bày tỏ nỗi lo lắng của ông trong lời nói đầu của tác phẩm những truyện ngắn hay nhất Trung Quốc năm 2007 xuất bản gần đây.

Hiện nay, giáo sư Thính khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Tân Hoa xã đã nhận định, mọi người đều chuyển ánh mắt quan tâm đến truyện dài. Trong gần hai ngàn truyện dài xuất bản trong một năm, nếu chịu khó đọc nhặt, tìm kiếm trong đó sẽ được không quá mười cuốn trong bảng xếp hạng và có thể trở thành những thiên “kinh điển”, nhưng truyện ngắn lại hình như là “một đứa con mồ côi” cuả thời đại, bị ghẻ lạnh

Nhìn lại con đường phát triển của truyện ngắn, sẽ phát hiện sự huy hoàng của thể loại này đã có chặng đường lịch sử kéo dài tám mươi năm, từ những thiên tài truyện ngắn như Lỗ Tấn, Thẩm Tòng Văn, Sa Đinh, Tiêu Hồng… của thời kỳ Ngũ Tứ, cho đến các nhà văn Uông Tăng Kỳ, Tôn Lê, Vương Mông, Tô Đồng và Lưu Khánh Bang… gần nửa thế kỷ qua đều đã để lại cho lịch sử văn học đương đại hiện nay những truyện ngắn hay độc đáo, thậm chí được gọi là kinh điển.

Trương Học Thính nói, thời đại ấy, truyện ngắn luôn luôn dẫn dắt trào lưu văn học và văn chương. Là một nhà phê bình văn học có tên tuổi, nhiếu năm qua, giáo sư Trương Học Thính luôn luôn quan tâm trạng thái sinh tồn của thể loại truyện ngắn, “từ sau những năm 1990, sáng tác, xuất bản, đọc truyện ngắn đã vô tình lâm vào cảnh lúng túng khó xử, khiến ta ngạc nhiên”.

Sở dĩ có tình trạng này, hiển nhiên là do cơ chế sản xuất truyện ngắn hiện nay đã xuất hiện vấn đề. Giáo sư Trương Học Thính cho rằng, trong quá trình chuyển đổi to lớn về vật chất, văn hoá, tinh thần và vui chơi kéo dài mấy chục năm của xã hội Trung Quốc, đi đôi với việc người người quan tâm điều chỉnh trạng thái sinh tồn tự ngã và trình độ vật chất, về tổng thể đã coi nhẹ, không chú ý đến nhu cầu đối với tiêu chí văn hoá mới tự thân. Sự phân hoá, chia cắt đối vớí thú vui văn hoá và thú vui đọc của mọi người, đã tạo thành sự giảm thiểu quần thể đọc văn học, đã làm suy yếu trên quy mô lớn nhiệt tình và động lực sáng tác truyện gắn của nhà văn.

Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng đối với truyện ngắn rõ ràng cao hơn truyện dài, truyện dài có thể dựa vào hãm phanh độ dài kể chuyện, dành cho nhà văn những cơ hội thong thả giãi bày tâm linh, triển khai nhiều nội hàm nhân văn hơn, cho dù có những đoạn kéo dài lê thê hỗn độn, còn truyện ngắn vừa không có sự rộng rãi về thời gian, cũng vừa không cho phép phô trương về không gian. Trong điều kiện hiện tại, năng lực kể chuyện của nhà văn bộc lộ rõ ràng khuynh hướng khá yếu kém, truyện ngắn đã từng một thời rực rỡ đã trở thành một trong những sự nghiệp buồn tẻ nhất của văn học thời đại chúng ta.

Trong một thời đại được gọi là thuộc về truyện dài, thì truyện ngắn nhất định phải trượt khỏi tầm nhìn của mọi người, đi ra khỏi “trung tâm”, bị gạt ra rìa là cái chắc phải không?

Trong tác phẩm tinh tuyển “Truyện ngắn hay nhất Trung Quốc năn 2007”, Giáo sư Trương Học Thính đã nhìn thấy hy vọng của truyện ngắn đương đại và nội tâm kiên định của các nhà văn ưu tú. Chúng đều là những tác phẩm thiết thực, không tầm thường, không sơ lược nông cạn, không ngọng ngạnh trống rỗng.

“Truyện ngắn hay nhất Trung Quốc” do Vương Mông làm tổng biên tập và Lâm Kiến Phát làm chủ biên phân cuốn, đã liên tục xuất bản mười năm. Những tuyệt phẩm được chọn vào quyến này đều là truyện ngắn hay trong năm. Giáo sư Trương Học Thính cho rằng, trong năm trước, trên hình thái tổng thể sáng tác truyện ngắn, tuy diện mạo có phần phức tạp, nhưng không thiếu sức lôi cuốn, cảm động lòng người. Do vậy ta thấy, khó khăn về “kể chuyện” của truyện ngắn nhất định đến từ sự không đơn thuần, không thuần tuý của trạng thái sáng tác, vậy thì xây dựng lại sự tôn nghiêm của sáng tác truyện ngắn, lấy lại tín ngưỡng nghệ thuật là việc làm rất cần thiết.

Vũ Công Hoan dịch

(Theo “Phê bình nhà văn đương đại”số 1 năm 2008)

Nguồn: Văn nghệ.

Exit mobile version