Nếu không có gì thay đổi, trong 3 ngày 14,15,16/6/2012, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đăng cai tổ chức Trại sáng tác thiếu nhi. Trại có khoảng 30 em học sinh Đồng Nai và khoảng 30 em từ các tỉnh khác, những em được giải thưởng Cây bút Tuổi Hồng. Đây là giải thưởng do Hội đồng Ðội T.Ư và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức với đối tượng xét giải là các em học sinh từ 7 đến 16 tuổi, có tác phẩm (thơ và văn xuôi) đăng trên các ấn phẩm (báo, tạp chí) được các cơ quan báo chí, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, các nhà xuất bản đề cử. VanVN.Net xin giới thiệu một truyện được giải A Cây bút tuổi hồng 2011 của một học sinh Đắc Lắc cùng với lời bình của một nhà văn.


Vũ Hương Nam (đứng giữa) trong Lễ trao giải của NXB Kim Đồng cùng nhà văn Lê Phương Liên và ông Nguyễn Huy Thắng – Phó giám đốc NXB Kim Đồng (ảnh: Nguyễn Xuân Thủy)

CAMERA

Sinh hoạt lớp.

Cô chủ nhiệm nêu tên Tiệp. Đêm trước là trận chung kết có đội bóng Tiệp hâm mộ. Chẳng có gì đáng nói nếu hôm sau, Tiệp không ngủ gật cả tiết thứ nhất, và cô giáo giảng say sưa quá không phát hiện cậu học trò bàn cuối ngủ khò, vậy mà cô chủ nhiệm lại biết, cứ như cô có con mắt nhìn từ xa.

Tiệp ngồi xuống, cả lớp thở phào tưởng đã xong. Bỗng cô gọi:

– Kim!

Tôi giật mình đứng lên. Tôi đã làm gì?

Tôi lục lọi trí nhớ. Không, tôi chẳng làm gì cả. Tôi không ngủ gật như Tiệp, cũng không quậy phá, gây gổ đánh nhau… Tôi là một đứa ngoan.

– Em có nhớ tiết ba ngày thứ ba em làm gì không?

Thứ ba tiết ba, môn Sinh. À! Tôi điếng người. Hôm đó tôi mượn được tập Conan mới nhất. Mười lăm phút ra chơi không đủ để tôi đọc trọn vụ án, những tình tiết bí ẩn cứ luẩn quẩn quanh đầu tôi. Nôn nóng muốn biết ai là hung thủ, tôi mở cuốn truyện dưới hộc bàn lén đọc.

Tôi ngồi bàn cuối. Chỉ mấy đứa hai bàn dưới mới thấy, còn đợi tôi đọc xong để mượn nữa.

Vậy sao cô biết?

Bất giác tôi ngước lên góc lớp, có một chiếc camera chăng? Nhưng không, bức tường trắng trơn, trừ một con thằn lằn đang bò và tấm bảng Dạy tốt học tốt.

Camera ở đâu?

***

Kiểm tra Vật lí. Tôi khá tự tin. Diễm – nhỏ bạn thân ngồi cạnh đang cầm sách lầm rầm như tụng kinh. Thấy tôi, nhỏ cười:

– Ôn kĩ chưa? Tí có gì giúp nha!

– Tùy. Lỡ bài khó quá… – tôi lè lưỡi.

Thầy quay lưng đi lên. Tôi nghe tiếng sột soạt bên cạnh. Diễm đang mở sách. Nhỏ lười học lắm, nước tới chân mới nhảy. Hậu quả là đến gần kì thi thì bài học đã chất đống. Chỉ còn nước mở sách! Riết rồi quen, Diễm thành tay giở tài liệu chuyên nghiệp.

Bài Giáo dục công dân dạy thấy bạn sai phải nhắc nhở. Nhưng đó là lí thuyết, còn thực tế, quay cóp mà góp ý thì tình bạn đổ vỡ là cái chắc!

Tôi làm bài xong nhanh. Kiểm tra lại thấy an tâm, tôi chống cằm nhìn quanh, chợt nhận ra mình đang tìm vị trí có khả năng đặt camera. Nó ở đâu nhỉ?

Diễm khều khều “Giúp tớ với”.

Bình thường tôi sẽ đưa bài cho Diễm, nhưng đang ớn chiếc camera ở đâu đó, tôi giả vờ vô tình tránh tay sang bên, để lộ bài làm cho Diễm tự nhìn mà chép.

Trống hết giờ. Vừa kịp. Diễm thở phào, nháy mắt:

– Ra về ăn chè nha!

***

Đã có kết quả kiểm tra. Tôi hài lòng với điểm 9,5, nhưng Diễm chỉ 7. Tôi ngạc nhiên, Diễm đã chép y bài tôi, lại còn mở sách nữa cơ mà.

Diễm kêu lên “Sao kì vậy?” , vội cầm máy tính rồi toe toét:

– Cô cộng nhầm điểm tớ Kim ạ, đáng lẽ tớ 10.

Oa. Cao hơn tôi luôn. Tôi hơi ghen tị, một chút hối hận vì bày bài cho Diễm. Nhưng thôi, bạn thân mà.

Diễm hớn hở cầm bài lên khiếu nại cô giáo. Kì này tôi phải bắt nhỏ khao to mới được.

Ấy chết, tôi quên sách ở nhà rồi. Coi chung với Diễm vậy. Tôi thò tay vào hộc bàn Diễm kéo cuốn sách ra.

Một quyển vở rớt xuống. Tôi cúi người lượm lên và bắt gặp những dòng chữ:

Thứ hai, tiết năm: Hoàng, Minh tự ý đổi chỗ.

Thứ ba, tiết hai: Mỹ nhắn tin điện thoại, Mạnh cúp tiết.

Thứ tư, tiết một: Ngọc ăn bánh mì trong lớp rồi xả rác.

Tôi sững sờ. Tôi lật ngược những trang trước.

Thứ hai, tiết bốn: Lâm không vào lớp trong mười lăm phút đầu giờ.

Thứ ba, tiết ba: Kim đọc truyện trong giờ học.

Thứ năm, tiết một: Tiệp ngủ gật.

Tôi lặng người. Hóa ra là Diễm. Camera không gắn trên tường mà ở ngay cạnh tôi.

Nếu là ai đó ngoan ngoãn, nghiêm túc chấp hành mọi nề nếp…

Nếu không phải là Diễm, đứa chuyên giở tài liệu và quay cóp…

Nếu không phải là bạn thân của tôi!

Tôi lật trang sau, vào tuần có tiết kiểm tra Vật lí.

Thứ hai, tiết một: Kiểm tra Vật lí: Quang giở sách; Vinh và Hòa trao đổi, chuyền bài cho nhau.

Diễm có giống như vậy không?

Camera quay khắp nơi nhưng không quay được chính nó.

————————————

Lời bình của nhà văn Trần Quốc Toàn: Có phải vì tôi từng là thầy giáo mà tôi sợ truyện này. Tôi đã bao giờ như cô chủ nhiệm kia ném đá giấu tay. Đã bao giờ để học trò tìm mình ở chỗ… những con thằn lằn; tìm mình, tìm một người thầy mà lạnh lùng thầm hỏi về một cỗ máy – “Camera đâu?”.

Sợ hơn, khi đọc hết 790 chữ lạnh nối từ camera tiêu đề mở truyện, qua camera dấu hỏi chuyển đoạn tới camera kết thúc bằng một triết lí hiển nhiên “Camera quay khắp nơi nhưng không quay được chính nó”.

Sợ vì, “nó” là ai, là Diễm cô bé đặc tình, cô bé chỉ điểm, cô bé mật thám mẫn cán vẫn còn dễ thương kia? Đúng, cây viết học trò Vũ Hương Nam chỉ muốn trả lời như thế. Nhưng một người đọc như tôi, một nhà văn giáo viên lại cứ bị ám ảnh bởi một câu trả lời khác, nó chính là chúng tôi đấy, nếu lạnh tanh như cỗ máy thông tin cao cấp kia.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version