Không có quán mà chỉ có những chiếc ghế mây loại nhỏ đặt quanh hai chiếc bàn tròn dưới một tán cây trùm xuống như một chiếc ô rất ấn tượng. Còn ngôi nhà bên kia đường mà lần thứ nhất dạo qua, đánh mắt nhìn vào anh chỉ thấy một cô gái mảnh khảnh.

Nhà văn Bùi Việt Sỹ (ảnh: Internet)

Con đường nhỏ trải nhựa đã lâu năm tróc lên nham nhở dưới những bước chân khoan thai của anh hóa ra là con đường cụt. Dẫn xuống thị trấn nghỉ mát Tam Sa dưới kia đầy những bậc đá khấp khểnh, quanh co khiến anh cảm thấy rất ngại. Anh đành chậm rãi quay lại.

– Mời anh vào xơi nước!

Cô gái đã đứng ở bên cửa từ lúc nào và khi thấy anh vòng lại, liền đon đả mời. Anh ngước mắt nhìn lên. Cô còn rất trẻ với búp tóc ngắn buộc lọn ra phía sau ngồ ngộ như đầu đót của cây chổi quét vôi. Thoáng một giây lưỡng lự. Rồi bốn mắt gặp nhau. Đôi mắt của anh đã ở tuổi bốn mốt, nhưng vẫn còn đầy hấp dẫn với tròng mắt to đen và đôi mi dài cong như mi con gái. Còn đôi mắt hơi lồi một mí của cô không thật đẹp song lại có ưu thế của sự trẻ trung.

– Quán có những thứ giải khát gì hả em? – Anh đã bị đôi mắt trẻ trung đó khuất phục.

– Bia, nước chanh, nước cam… thứ gì cũng có – Cô mủm mỉm cười mời chào.

– Em cho anh một ấm trà nóng được không?

– Sao lại không? – Cô tinh nghịch hỏi lại.

Rồi sau đó, bên chén trà, giữa buổi sáng chưa có khách, cô bắt chuyện:

– Hà Nội mấy ngày nay có nóng lắm không anh?

– Nhiệt độ không cao nhưng hầm hập như trong lò bánh mì… Năm nay thu về muộn. Đã cuối tháng tám rồi – Anh vừa than thở, vừa xoay chiếc chén trong tay, tránh nhìn vào đôi mắt đầy sức cuốn hút trẻ trung trên khuôn mặt nhẹ nhõm của cô gái – Gia đình em ở trên này à? – Anh hỏi lại cô.

– Không! Ở dưới chân núi cơ – Cô e ấp đáp.

– Thế cửa hàng này của ai?

– Của một người bà con. Em chỉ trông hộ. Hôm nay gia đình có giỗ…

– Em có hay lên đây không?

– Mỗi năm em lên đây chừng hai tháng… vào mùa hè.

– Em học lớp mười mấy rồi?

– Em mà còn học lớp mười mấy à? – Câu trả lời của cô làm cho câu chuyện bớt đi vẻ trầm trầm của sự lục vấn.

– Thì cũng chỉ thế chứ thế nào! – Anh nhìn vào cánh tay để trần mảnh khảnh của cô và đáp bừa.

Cô phá ra cười ngặt nghẽo, đôi môi hơi dày có phần bợt bạt bây giờ anh mới nhận thấy khiến lòng anh nao nao.

– Em đã bước vào năm thứ tư đại học rồi đấy anh ạ.

– Thế à? Thế mà anh trông em… – Anh vụng về đáp lại không hết câu. Sự vụng về của một kẻ thật thà có cái duyên riêng.

Rồi cả hai cùng im lặng. Sự im lặng rất lâu thường thấy ở những cặp mới làm quen. Đôi môi bợt bạt của cô khiến anh chợt nghĩ về thời sinh viên của mình với những bữa cơm độn ngô chỉ có rặt ” bom bi và dây thừng”. Những bữa ăn mà sau đó rất ít người muốn đứng dậy mặc dù bụng đã nằng nặng, luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó rất cơ bản, rất cần cho sự sống con người. Đó là chất prôtít. Sinh viên thời nào cũng thế với đủ các thứ thèm: thèm ăn, thèm ngủ, thèm yêu. Chắc chắn cô bé ngồi trước mặt anh cũng không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã đó.

– Anh đi nghỉ một mình à? – Cô chợt hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.

– Không, với một anh bạn nữa. Anh ấy giờ đang lên lễ trên chùa Bà Chúa Ngàn.

– Sao anh không đi? Chùa ở ngay lưng núi phía sau này thôi mà!

– Đi được nửa chừng thì anh bỏ về. Không thấy phấn khởi lắm.

– Chắc anh không tin vào chuyện lễ bái?

– Nếu như ở mỗi người có một lá số đã được định trước rồi thì lễ bái phỏng có ích gì?

– Nhưng em thấy tướng anh… không vất vả lắm, mà ngược lại… trông rất phong độ, an nhàn, sung sướng nữa là khác.

– Ồ!… – Anh cười phá lên – Nhìn bề ngoài ai cũng có nhận xét như em – Anh chợt thấy lúng túng với tấm thân hơi trường đã bắt đầu phát phì của mình – Nhưng như ca dao thường nói… “trong héo ngoài tươi” mà em!

– Em không tin! – Cô gái cũng cười, khuôn mặt nhẹ nhõm hơi nghiêng. Búi tóc ngắn buộc lọn ra phía sau ngồ ngộ như đầu chiếc chổi quét vôi cũng nghiêng nghiêng theo.

– Tin hay không là tùy em!… Nhưng em có muốn anh chứng minh không?

– Tất nhiên là em không phản đối! Nhưng anh đừng có mà phịa đấy nhé.

– Quê anh ở ven nội – Anh bắt đầu kể – Buổi sáng ngày anh chào đời có một con trâu mộng đi qua ngõ và… bĩnh ra đấy một bãi cực lớn – Giọng anh rất nghiêm trang, không hề hài hước chút nào nhưng cũng làm cô bật cười – Có người bảo đó là điềm lành. Người thì hoài nghi. Song khổ một nỗi là từ đó, ngày nào cũng thế, dù đánh đuổi thế nào cũng có một chú tương ra bằng được cái của quý ở đúng chỗ ấy. Cuối cùng các cụ nhà anh phải bít lối đó lại, mở cổng ra hướng khác. Ít lâu sau, có một ông thầy Tàu đi qua nghe chuyện, phán: “Lành thì có lành, song thật tiếc… Thằng bé sau này lớn lên ước gì được nấy, cơ mà cái sự được ấy bao giờ cũng muộn màng. Thậm chí muộn màng đến mức tất cả trở thành vô nghĩa”. Gặng hỏi gì ông cũng không chịu nói thêm.

– Thế sau này, anh nghiệm ra có thấy đúng không? – Câu chuyện của anh đã có sức cuốn hút cô gái.

– Đúng! Đúng cả trăm phần trăm mới đau chứ.

– Anh cho vài thí dụ xem nào?

– Thiếu gì! Em có biết loại xe máy ba-bét-ta không?

– Có! Xe của Tiệp,chạy đầy ngoài đường, anh làm như em là con ngố ấy!

– Không phải loại đời mới bây giờ đâu. Mà loại đời cũ cao lênh khênh, không có lấy một mẩu lò xo giảm xóc, chạy trên đường cứ nhảy tưng tưng cơ.

– Thế thì sao?

– Thế mà có thời gian anh đã mê mẩn… đến mức bị nghi là kẻ cắp đấy! Hôm đó, anh thấy một chiếc xe như thế dựng trước cửa một biệt thự của một ông lớn nọ, chả là hồi ấy xe ba-bét-ta chỉ bán phân phối cho những vị có chức có quyền, thấp nhất cũng từ cấp cục, vụ, viện… Chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà sau hàng chục phút ngắm nghĩa mê mẩn, anh đã đưa cả hai tay ra vuốt ve, sờ mó vào xe như vuốt ve sờ mó người yêu. Hết lên tay vặn quả ga, lại bóp thử phanh… Giữa lúc ấy, cổng ngách xịch mở và người ta bắt quả tang anh như bắt một thằng ăn cắp đang hành sự… May mà trước đó chưa có tiền án, tiền sự gì nên mọi chuyện mới được treo lại đó. Ấy thế mà bây giờ…

– Bây giờ thì sao? Họ lại lục ra à?

– Không, thế mà mới năm rồi, anh cũng lên được một chiếc đời mới, màu đỏ ớt hẳn hoi. Nhưng khổ nỗi khi mình có ba-bét-ta thì thiên hạ đã phóng cúp vèo vèo rồi… Chả thế mà trước hôm lên đây, từ trong ngõ phóng ra, chả hiểu thế nào mà lại xô vào bọn trẻ bới rác. May có một đứa tỏ ra hiểu biết, phán quyết thế này: “Ồ, đồ ba bét nhè ấy mà. Có vứt đi cũng không ai thèm nhặt. Thôi biến đi!”. Chứ không thì cũng rầy rà to.

– Anh chỉ được cái giỏi bịa – Cô gái nói và cười phá lên.

– Thì em bảo là chứng minh lời ông thầy Tàu mà lị.

– Thế anh kể tiếp chuyện khác xem nào.

– Đó là về vật chất, hay nói cho văn vẻ là giấc mơ đời thường. Còn mặt tinh thần…

– Mặt tinh thần thì sao?

– Có thời anh mơ ước trở thành nhà thơ…

– Thảo nào! Ngay từ đầu em đã đoán anh phải là người tầm cỡ như nhà văn, nhà báo chẳng hạn.

– Em có muốn nghe anh kể tiếp không?

– Thì em có cản trở gì đâu! – Cô nhìn anh bằng ánh mắt của kẻ bắt đầu đam mê.

– Hơn hai chục năm ròng, anh có thơ in trên các báo và tạp chí. Và niềm ước ao cháy bỏng nhất là được in một tập thơ riêng. Anh đã làm tất cả, chỉ thiếu nước như Câu Tiễn nếm phân Ngô Phù Sai nữa thôi… Đã đi gõ hết cửa các nhà xuất bản… lạy lục… van xin, chỉ một cái cười nhạt của biên tập viên đã khiến anh sợ hãi đến thót tim. Ngày đó… người ta in thơ theo kế hoạch… theo sự phân phối cho những vị có chức có quyền, chứ thá mình… – Giọng anh vẫn giữ được cái vẻ hài hước, cười cợt như lúc đầu.

– Nhưng, cuối cùng thơ anh cũng được in chứ? – Cô sốt sắng ngắt lời anh.

– Đúng! Nhưng không phải em đoán đúng mà ông thầy Tàu đoán đúng – Anh cười phá lên – Sau hơn hai mươi năm xếp hàng thì cơ chế xuất bản đổi khác. Bây giờ thì thơ hay, thơ dở, thơ làng nhàng đều được in tuốt. Miễn là có tiền. Trong cái núi thơ ngổn ngang ấy, sự xuất đầu lộ diện của anh bị chìm nghỉm, bị đè bẹp ngay. Hai ngàn cuốn thơ… cuối cùng chỉ còn cách… đem cân, bán ký lô …

– Thế anh không giữ lại tập nào à?

– Để làm gì?

– Để tặng em… chẳng hạn – Cô nhìn thẳng vào mặt anh khiến anh lúng túng.

– Thôi, em hãy quên chuyện thơ thẩn ấy đi! Anh nói đùa đấy mà.

– Lúc đầu anh bảo nói thật em tin là đùa. Còn bây giờ anh nói đùa, em lại tin là thật!… Và em muốn anh kể tiếp… Có người bảo đen bạc thì đỏ tình. Anh đã lận đận về xe máy và thơ… chắc về tình phải thuận lợi hơn.

– Em thích nghe thật à?

– Thích chứ!

– Cô ấy vừa là hoa khôi vừa là diễn viên xuất sắc của đội kịch nhà trường. Suốt những năm cấp ba, anh mê cô đến phát sốt, phát rét lên. Một mối tình đơn phương thảm hại và cách giải tỏa duy nhất là thỉnh thoảng, sau giờ tan học, anh tụt lại để được lẽo đẽo theo nàng mà chìm đắm trong những suy tưởng, ước ao.

– Nhưng cuối cùng, theo lời đoán của ông thầy Tàu, anh cũng lấy được chị ấy chứ? – Cô gái đã tỏ ra biết đùa thực sự.

– Từ cổ đến kim, mấy ai lấy được người mình yêu – Anh ra vẻ trầm ngâm, triết lý.

– Thế anh vẫn ở vậy à?

– Không, đúng tiêu chuẩn quy định: Một vợ hai con. Giá được như em hỏi ít ra cũng ba người đỡ khổ.

– Anh nói gì, em không hiểu?

– Chuyện vợ chồng nhà anh vui lắm, cưới nhau cả chục năm mà vẫn em ở đầu sông, anh cuối sông. Sau phải dùng chính cái mẹo giả vờ ly dị. Con cái đùn tất cả về cho bố để có hộ khẩu Hà Nội. Nhưng cuối cùng ông thầy Tàu vẫn đúng. Đến khi tái hồi Kim Trọng xong thì xí nghiệp vợ anh làm việc bị cơ chế thị trường làm cho phá sản. Tự dưng thành thất nghiệp. Thế là mọi chuyện trở thành công cốc.

– Còn cô người yêu thuở thiếu thời?

– Khi anh còn mài đũng quần trên ghế giảng đường thì cô ta tạt ngang ra làm diễn viên. Một diễn viên có hạng mà nói tên ra là em biết ngay. Mấy năm nay, sân khấu đi vào ngõ cụt, nàng nhàn rỗi nên phát phì ra, lại thích mơ mộng làm thơ nữa mới chết chứ. Không có bài nào mới làm cô ta không nhờ anh đọc và sửa giùm. Rất nhiều lần, trong căn-hầm -Đờ Cát chật như nêm cối của anh chỉ có hai người. Anh đã cố mường tượng lại mảnh tình xưa để gây men cảm hứng mà không nổi. Cuối cùng, trước lúc tuyệt giao, cô ta đã mắng anh là đồ bị thịt…

– Anh kể chuyện hay quá! Thật cả trăm phần trăm mà cứ như bịa ấy – Cô gái đăm đăm nhìn anh, đôi mắt một mí trẻ trung long lanh sáng. Và bàn tay ngượng nghịu vuốt ngược những sợi tóc ngắn xõa xuống cái trán phẳng phiu – Còn nhiều người khác, toàn chuyện bịa mà kể cứ như thật để… lừa nhau.

Nhận xét của cô làm anh sửng sốt, đột nhiên anh muốn đứng dậy ra về. Anh chưa hiểu được cô nhưng ngược lại cô hiểu rất rõ anh, có phần vừa mến vừa thương, vừa cảm phục nữa.

– Ồ, đi đâu mà vội anh! Anh kể từ nãy giờ chắc khát nước… để em đi lấy bia… Em muốn uống với anh mà! – Rồi không chờ anh trả lời, cô đứng dậy băng băng sang bên kia đường.

Trời đang nắng vàng, thứ ánh nắng dịu dàng có phần run rẩy của vùng núi cao đột nhiên tắt lịm. Trong chớp mắt như có cánh cửa tủ lạnh khổng lồ bị mở tung. Và sương mù, khí lạnh ùa vào thung lũng. Từng vạt sương bay táp vào ngực vào mặt anh tạo nên cảm giác đê mê, mát dịu. Anh nhìn xuống, những biệt thự, nhà nghỉ, khách sạn cùng các lều quán mọc vô tội vạ dưới kia bị dìm dưới biển sương dày đặc. Giữa lúc đó cô xuất hiện trở lại với những hộp bia và hai chiếc ly cao chân. Anh muốn giúp cô. Nhưng những vạt sương huyền ảo đã khiến anh lẽ ra phải đỡ những hộp bia lại chụp nhầm bàn tay cô gái. Cô không rụt lại. Anh cũng không dám thả ra. Cuối cùng cả bốn tay cùng đặt xuống mặt bàn.

– Sương mù, sương mù đột ngột thế này anh có ngạc nhiên không?

– Sáng qua, mới đặt chân lên đây anh thật ngỡ ngàng, còn hôm nay thì đã quen rồi.

– Không có sương mù, xứ này không trở thành khu nghỉ mát anh ạ! – Cô nói rồi mở bia rót ra hai chiếc ly.

Họ chưa kịp nâng cốc, như một cơn gió lốc, mấy chiếc cúp phóng rất nhanh đột ngột phanh lại giữa đường. Đám thanh niên đem theo cái ồn ào, xô bồ vào quán với những lời yêu cầu tới tấp. Cô nhanh nhẹn phục vụ nhưng không giấu được sự miễn cưỡng lẫn sốt ruột. Những chàng thanh niên như để khiêu khích, hết đòi thứ này đến thứ khác. Cô đưa mắt nhìn anh như mong anh thứ lỗi. Anh mỉm cười, gật đầu, lòng thấy lâng lâng vui sướng.

Hết đợt khách này sang đợt khách khác. Dường như tất cả những người đi lễ Bà Chúa Ngàn đều đang lục tục ra về. Anh nghĩ mình không nên quấy rầy cô nữa, kín đáo đặt mấy tờ bạc dưới hai hộp bia đang uống dở trước khi đứng lên.

– Anh còn nghỉ đây lâu nữa không?

– Sáng sớm mai anh đã hạ sơn rồi!

– Về Hà Nội, anh đến trường em chơi nhé! – Cô thì thào.

– Nhất định rồi! – Anh đáp quả quyết.

Những bậc tam cấp quanh co, khấp khểnh dẫn xuống thị trấn nghỉ mát lúc này không làm anh ngần ngại nữa. Anh thẳng lưng, ngẩng đầu giữ vẻ bình thản bước xuống. Nhưng rồi không cưỡng lại nổi, anh quay đầu lại. Trái tim anh chợt xao xuyến lạ lùng khi phát hiện cô đang ngóng theo anh.

Thằng bạn anh chưa về. Điều đó khiến anh thấy dễ chịu. Anh nhấc bổng chiếc xa lông gỗ lim nặng trịch ra ban công. Lòng xốn xang những cảm giác kỳ lạ. Lần đầu tiên trong đời anh gặp may mắn chăng? Một cô gái trẻ măng lại có thể thông cảm với số phận trớ trêu của anh qua những mẩu chuyện anh chỉ cốt kể cho vui. Anh cảm thấy dường như mình trở thành một người khác. Mọi ước ao đời thường cũng như mơ ước tinh thần cao cả trước đây, từ giờ phút này trở nên vô nghĩa. Anh sẽ làm lại từ đầu, làm lại tất cả. Bắt đầu từ việc đến thăm cô. Có thể là một tuần đến mười hôm, anh sẽ đến trường gặp cô một lần. Nhưng… sẽ không có chuyện đụng chạm thể xác. Ngay cả đến một cái hôn hoa lá cũng không. Chỉ là hai người bạn thông cảm với những nỗi niềm sâu kín của nhau. Rồi anh sẽ lại làm thơ. Những bài thơ chỉ để tặng cô nhưng lại có ý nghĩa khái quát đối với tất cả mọi người. Anh hy vọng, sự trẻ trung của cô sẽ truyền cho anh những cảm hứng sáng tạo mới.

Gần bốn giờ chiều thằng bạn mới xuất hiện. Anh chưa kịp nói câu nào, nhưng vốn là thằng nhạy cảm, chỉ ngắm anh vài giây, hắn đã thốt lên:

– Tiên sư cái anh mũi lõ giỏi thật. Cả trăm năm trước mà đã biết moi cái ổ sương mù này ra làm chỗ thư giãn thần kinh! Trước khi đi, tôi nói với ông rồi, ông cứ lên đây, chỉ cần vài ngày là thấy đổi khác ngay!

Anh mỉm cười đồng tình làm hắn càng hứng chí. Vẫn giọng tép nhảy, hắn động viên anh:

– Xứ ta rồi sẽ khá! Rất khá! Sẽ là nơi hội tụ của năm châu, bốn biển. Trước hôm lên đây, mình đã chứng kiến một một bà hàng rong bên kia vỉa hè phát ngôn thế này với một khách nước ngoài: “Hê lô sư phò – Sư phò măng dê nải chuối này là rất khơ la sô!”.

Hắn cười phá lên. Anh thì vẫn chỉ mủm mỉm.

-Từ đền Bà Chúa Ngàn rồi tới Thác Bạc – Lầu Vàng, ông không đi thật phí… Nhưng không sao! Bây giờ thế này, chờ tớ tắm một phát! Rồi sau đó hai đứa ra quán Hương Rừng! Thế nhé.

Quán Hương Rừng thật xứng tên gọi với những món đặc sản từ cầy hương đến sóc bay, được các đầu bếp chế biến rất khéo. Cạnh bàn hai người, có ba gã thanh niên chỉ nhắp rượu suông – dường như họ là nhân viên của cửa hiệu. Chờ cho anh và thằng bạn nếm đủ các vị sơn hào, một tên lom khom tiến đến lễ phép hỏi nhỏ:

– Ở đây còn có quầy… “Em ơi”, các anh có muốn xài không ạ?

– Biết chúng tao là ai mà mày dám mời món ấy! – Thằng bạn anh mắng phủ đầu.

– Dạ biết chứ ạ – Gã vừa xoa tay vừa đáp.

– Biết thế nào?

– Dạ!… Biết các anh là khách đặc biệt nên phải mời… thứ cao cấp ạ!

– Có trẻ không?

– Dạ!… Ngon mắt lắm ạ!… Và lại còn…

– Còn gì nữa ?

– Lại rất trí thức, có học nữa ạ!

– Đưa ra đây ngắm xem thế nào?

Vừa đưa miếng thịt cầy vào miệng, anh ớ ra nghe lời đối đáp của thằng bạn với tên ma cô.

Tên đưa người đứng thẳng dậy và quay vào phía sau. Hắn vỗ tay hai cái kèm với mấy tiếng huýt gió. Từ hành lang dài được chắn bằng những tấm phên nứa dẫn tới một dãy nhà ngang ở phía trong, có tiếng kẹt cửa. Một cô gái được đẩy ra. Cô hơi cúi mặt. Mặc dù nhìn chếch nhưng dáng vóc mảnh khảnh với búi tóc ngắn buộc ra phía sau ngồ ngộ như đầu đót của cây chổi quét vôi khiến anh nhận ngay ra cô gái. Cổ anh tắc nghẹn lại làm anh không thốt ra được lời nào. Trong khi đó, thằng bạn loắt choắt, mặt rỗ hoa, trán thấp và tóc thưa nhanh như một con chim cắt. Trước lúc chụp móng vuốt xuống đôi vai gầy của cô, hắn còn quay lại cười lớn, cất giọng tép nhảy với anh:

– Thế là có tư liệu sống để viết phóng sự “Điếm núi” nhé! Chắc huề thôi! Không sợ lõm đâu!

Đầu anh choáng váng, toàn thân như bị điện giật. Ngoài kia trời vẫn sáng, nhưng trước mắt anh những đám sương mù như những cuộn thép gai bỗng cuồn cuộn ùn vào trong quán. Rồi trong tai anh dường như bỗng vọng vang tiếng hét thất thần của ai đó:

– Yêu quái, yêu quái thật sao (?!).

Bùi Việt Sỹ

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ Vanvn.net)