Nhà văn Tôn Lợi Hoa,  sinh năm 1971, Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, hiện cư trú tại thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông. Đã xuất bản: Các tập Truyện cực ngắn “Việt vị”, “Vua chiếu bóng”, “Thuê  con ăn tết”, “Cảm giác một con ếch xanh”, “Nhật ký tay trái” ; Đã công bố các bộ tiểu thuyết “Cái bang thời đại cuối cùng”, “Vườn Ê-đen ác mộng” và nhiều truyện vừa. Được trao “Giải thưởng Chim sẻ vàng Truyện cực ngắn Trung Quốc” lần thứ hai.
Truyện ngắn “Văn nhân” với kiểu “chuyện cũ viết lại” (cố sự tân biên) tái hiện mối quan hệ nhiều chiều giữa ba nhân vật văn hóa – lịch sử Kê Khang (223-262), Nguyễn Tịch (210-263), Chung Hội (225-264) với chính khách Tư Mã Chiêu (211-265) thời Tam Quốc, là một trong những tác phẩm được người đọc Trung Quốc bình chọn vào TOP Mười tác phẩm ưa thích nhất năm 2009.

 

Nếu luận bàn, thì Kê Khang, Nguyễn Tịch và Chung Hội đều là những người trong giới văn học.

Nhưng, hai vị trước đều hơi coi thường một vị sau. Ông ta đáng coi là con…chim gì nào? Chỉ tổ làm bẩn thỉu văn tự, chà đạp chữ nghĩa. Vị quí công tử này, viết thơ, chẳng qua là thủ pháp để chui luồn vào con đường làm quan.

Song, mới vừa bắt đầu “ngứa nghề”, Chung Hội con người này xem ra còn tỏ vẻ khiêm tốn nhún nhường. Có tác phẩm rồi, bèn muốn mời các vị đại sư về văn chương chỉ bảo, tâng bốc, đánh bóng.

Nhưng, các vị đại sư đều không muốn đến gần. Nguyễn Tịch thích giả câm giả điếc, nói nước đôi, xuôi cũng được, ngược cũng xong, khiến cho người ta khó mà bắt được mạch suy nghĩ quan điểm của ông ấy.

Mà Kê Khang, thường chỉ nhìn ông ta bằng con mắt trắng dã lừ lừ. Chung Hội viết “Tứ bản luận”, muốn nhờ Kê Khang hiệu đính, nhưng vừa đến ngoài cổng nhà ông ấy, đã cảm thấy chân run thót bụng tim đập. Thế là, đứng ngoài tường, quẳng tác phẩm   vào biếu ông , coi như “đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu”.

Còn Nguyễn Tịch, một trong hai nhân vật cao cấp lão làng trong “Trúc Lâm thất hiền” còn phục nhau sát đất. Kê Khang thì đã từng lắc đầu cảm thán: “Ông cụ Nguyễn Tịch này, từ trước đến nay không bao giờ nói đến khuyết điểm của người khác. Tôi muốn học mà học không nổi!”

Ông ta rõ ràng không học được. Con người ông ta, xương cứng như thép, gân dai như đỉa. Mà Nguyễn Tịch làm việc, nhìn người, quan hệ giao tiếp bèn mắt tinh tai thính hẳn lên rất nhiều! Ví dụ, Tư Mã Chiêu là cái đồ gì nào? Lòng hắn ta muốn thoàn đoạt chính quyền họ Tào, đến người đi ngoài đường ai cũng biết tỏng, thế mà hai người đều không thèm để ý đến hắn ta.

Cách làm của Nguyễn Tịch là giả điên, vờ dại. Hàng ngày, ông đều nằm lì tại tửu lầu. Ngẫu nhiên, lại lôi bà chủ quán đến gần, sàm sỡ những lời cợt nhả. Lần ấy, say khướt, càng làm quá trớn! Cởi sạch quần áo, trần truồng như nhộng, nằm giữa gian phòng không, ngửa người dang tay thành hình một chữ “đại”, biểu diễn nghệ thuật hành vi cho công chúng xem! Ông ta còn ngâm nga trầm bổng: “Ta lấy trời đất làm nhà cửa, lấy phòng ốc làm quần áo, các người vì sao lại chui vào trong quần lót của ta?”

Đối với cử chỉ động tác ấy của ông, Tư Mã Chiêu đầu tiên cười cười, sau thì chửi đổng: “Văn nhân, mẹ nó đều là bọn không có bệnh nọ thì lại có tật kia!”

Nhưng, Kê Khang thì khác. Tư Mã Chiêu biết người này miệng cứng răng càng đanh, trước tiên nhờ Sơn Cự Nguyên, bạn của Kê Khang đi làm công tác tư tưởng.

Sơn Cự Nguyên vừa bước vào cổng, trông thấy Kê Khang cởi trần, rèn thiết côn dưới cây liễu quỳ ở giữa sân. Danh nhân rèn luyện thân thể, đều khác mọi người. Kê Khang vốn đã “duyên duyên dáng dáng, cử chỉ khoáng đạt”, cơ bắp cuồn cuồn như luyện qua thể hình, cộng thêm văn tài nho nhã, tinh thông âm luật, thảo nào cháu gái của Tào Tháo vừa trông thấy ông lần đầu đã muốn lăn xả vào lòng ông, làm nũng.

Kê Khang biết rõ mục đích đến chơi của bạn thân, lập tức vênh mặt lên. Ngày hôm sau, ông viết một lá thư tuyệt giao rõ dài, cắt đứt tình bạn hữu, sai người mang đến cho Sơn Cự Nguyên. Đồng thời đắc tội mếch lòng với Tư Mã Chiêu và bạn cũ.

Tư Mã Chiêu tức giận nghiến răng nghiến lợi. Tư Mã Chiêu bèn nghĩ sớm muộn sẽ bắt mi chết dưới tay ta!

Xem ra, văn nhân nguyên chất, không máu làm chính trị.

Nhưng trong đầu óc của văn nhân, cũng có người trời phú cho thiên bẩm khoái chui luồn vào chốn quan trường. Không ngờ, Chung Hội ấy vòng vo tam quốc thế nào, lại trở thành mưu sĩ tâm phúc của Tư Mã Chiêu. Sau khi trở thành mưu sĩ, Chung Hội lại bắt đầu lập mưu thanh toán Kê Khang. Bởi vì, Kê Khang cũng đã từng đánh đòn đau, đắc tội với ông ta.

Chung Hội rủ rê một lũ nhà văn trẻ ranh đi thăm hỏi Kê Khang. Bọn này mang theo búa rìu, đập cổng rầm rầm, mồ hôi vã ra như mưa.

Trong khi ấy, Hướng Tú, bạn thân của Kê Khang, cúi đầu kéo bễ giúp Kê Khang rèn thiết côn, mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lem luốc tro than. Hai người vừa rèn gậy sắt, vừa cười nói. Lũ trẻ ranh ti toe văn chương chữ nghĩa vây kín vòng trong vòng ngoài, xem mãi. Hai vị ấy lại vẫn coi như chung quanh không có người vậy. Sắc mặt của Chung Hội tím tái rồi trắng bệch, lủi thủi chuồn thẳng.

Lúc ấy, Kê Khang mới hỏi: “Nghe thấy gì mà đến, trông thấy gì mà đi?”

Chung Hội đứng tại cổng, không quay đầu lại, hằn học nói: “Nghe thấy những cái cần nghe mà đến, trông thấy những cái cần trông mà đi!” Bạn xem, cái ông Chung Hội này cũng còn chưa phải là cái bồ rỗng không chữ, cái bụng trống rỗng, đầu óc bã đậu một trăm phần trăm.

Nhưng, coi như Kê Khang đã làm cho đầu Chung Hội hoàn toàn sôi máu.

Văn nhân tính mưu bày kế kiểu văn nhân, nói chung từ xưa đến nay đều không từ một thủ đoạn nào.

Chung Hội chọn thời cơ nói với Tư Mã Chiêu: “Kê Khang con người này như ngoạ long! Không thể dùng!”

Tư Mã Chiêu hấp háy mắt, không nói gì. Tư Mã Chiêu nghĩ bụng: Điều này ông mày lại không biết tỏng rồi ư? Chẳng nói gì khác, chỉ việc xông vào làm con rể nhà họ Tào, ta không thể dung tha hắn rồi!

Nhưng trong lịch sử, bất cứ vị chính khách nào muốn khai đao trừ khử danh nhân văn hoá, đều cần cân nhắc kỹ càng, đều phải trù hoạch mưu sâu kế hiểm.

Ví dụ như, Tư Mã Thiên đắc tội với Lưu Triệt, cũng không bị rơi đầu, nhưng lại bị Lưu Triệt sai người xẻo mất “vật phẩm” ở trong đũng quần. Thủ đoạn sát hại văn nhân của Tào Tháo mặt trắng càng tinh vi xảo quyệt, tài văn trẻ Mi Hằng làm cho ông ta tức giận, Tào mượn đao người khác giết chết. Khổng Dung, Thôi Diễm, Dương Tu cũng bị ông ta lần lượt tiêu diệt một cách có lý lẽ, có chứng cứ.

Tư Mã Chiêu cuối cùng chờ đợi tới cơ hội.

Lã An, bạn của Kê Khang phạm tội, bị tống giam vào ngục, thế là xăm xoi lôi Kê Khang vào cuộc. Chung Hội nghe được tin, vội vỗ đít hớn hở chạy ngay đến trước Tư Mã Chiêu, nói: “Không chu diệt họ Khang, không thể thanh khiết vương đạo!”

Câu nói ấy, trực tiếp đưa Kê Khang lên đoạn đầu đài.

Hôm giết Kê Khang và Lã An, tiếng kêu oan của dân chúng trong thành Lạc Dương vang dậy đất trời. Ba nghìn Thái học sinh liên danh ký tên vào thư thỉnh nguyện, yêu cầu không được giết Kê Khang.

Đương nhiên, tất cả đều bị phản bác.

Lã An quỳ xuống tại chỗ, đập đầu vào gông, máu tươi đầy mặt: “Tôi chết không  đáng tiếc, nhưng liên luỵ đến Kê huynh, khiến cho tôi không thể nào yên tâm nơi chín suối?”

Trái lại, Kê Khang ngửa mặt nhìn trời, ha hả cười lớn. Ánh nắng giữa trưa, rọi chiếu lên mặt ông rừng rực lửa hồng.

Kê Khang nói: “Không có chuyện của huynh, tôi vẫn cứ phải chết!”

Kê Khang gào lên: “Lấy cho tôi cây đàn ra đây!”

Lát sau, có người đưa đến một cây đàn cổ. Kê Khang đưa tay vuốt đàn, đầu lại từ từ ngẩng lên, nheo mắt nhìn mặt trời. Lại cúi đầu xuống, hai mắt nhắm nghiền. Bỗng  nhiên một tiếng đàn vang vọng rung động màng tai của mọi người! Cả một thành phố lớn như vậy, thế mà ngoài tiếng đàn, không nghe thấy một chút tạp âm nào khác.

Khúc nhạc “Quảng Lăng tán” thuần thục của ông!

Gã đao phủ tay ôm cây đao, ánh mắt dần dần nhoà lệ. Một đường đao lạnh, run run rẩy rẩy.

Tiết tấu âm thanh đột nhiên nhanh lên, tựa hồ pha tạp tiếng gươm khua ngựa hí. Trong tai mắt mọi người, có tàn sát, có máu tươi, có căm thù, có ngọn lửa. Tiết tấu âm nhạc bỗng ngừng lại! Mười ngón tay của Kê Khang dừng lại, bỗng nhìn thấy ngón tay túa máu tươi, mấy sợi dây đàn đứt tung, cuộn tròn cuộn tròn, dưới ánh mặt trời, nhảy múa như tiên vũ!

Kê Khang đầu ngẩng cao, cổ vươn thẳng, than rằng: “Quảng Lăng tán”, sao lúc này quả thật tuyệt vời!”

Trong đại điện xa lắc, Tư Mã Chiêu toàn thân run rẩy, lông mày nhíu chặt. Ông ta quan sát Chung Hội, Chung Hội cũng đang nhìn ông ta. Từ trong ánh mắt của Tư Mã Chiêu, nhìn thấy có ý hối hận.

Tối hôm ấy, Nguyễn Tịch 53 tuổi lại uống say bí tỉ. Không lâu sau, Nguyễn Tịch ốm chết.

Lại mấy năm sau, Chung Hội cũng bị Tư Mã Chiêu giết chết.

Tư Mã Chiêu lật úp bàn tay, lẩm bẩm một mình: “Mẹ mày, quá thâm hiểm, còn muốn vượt mặt ta ư?”

Vũ Phong Tạo dịch