– Kính tặng hương hồn những anh hùng đã hi sinh trên đảo Gạc Ma –


Ngàn ngàn lớp lớp bóng mây trên bầu trời

Vụt qua một thiên thạch nhỏ

Đẹp tựa mũi tên vàng

Ngày…

Hôm nay, trong làn nước không màu mùi vị của biển khơi, anh bỗng nghĩ ra một sáng kiến. Tại sao anh lại không nghĩ ra điều này từ bao lâu nay nhỉ? Anh sẽ viết cho em và con, những bức thư của anh sẽ đi theo những vòng quay chân vịt của những con tàu mang lá cờ đỏ sao vàng, tới tay em nơi quê nhà. Như thế, anh cùng đồng đội cũng sẽ ấm cúng hơn dưới làn nước biển, em ạ.

Hôm nay bọn anh đã nương theo sóng nước, cùng những loài thủy sinh lướt rất êm để đến gần con tàu lớn. Bọn anh biết trên tàu đó không có ai là người thân của mình. Nhưng khi khói nhang được thắp lên, một mùi hương thân thuộc của quê nhà xộc vào mọi giác linh, đánh thức trí nhớ tưởng như ngủ quên của những chàng trai mãi mãi không được gửi cốt nơi mảnh đất quê nhà, mãi mãi làm bạn với sóng nước. Bọn anh cùng ngẩng lên nhìn. Những giọt nước mắt rơi xuống biển, những gói bánh, những bông hoa được thả xuống rất nhiều. Ôi, thật là một thời khắc đẹp, thời khắc cõi âm dương giao hòa, khiến anh và đồng đội nhận ra dù cho mình có bị đày đọa về thân xác, bị cách trở với đất mẹ, thì đó cũng là một niềm vinh hạnh cho mỗi linh hồn. Anh tin rằng anh và đồng đội đã được chọn lựa.

Anh bám vào một cánh chân vịt, cố đưa thân mình đu lên để nhìn cho rõ hơn từng gương mặt trên tàu. Anh muốn tặng cho từng người một cành san hô trắng muốt. Anh ngậm vào miệng một cành, thử tìm cách bay đến gần một cô bé đi cùng cha mẹ ra đảo. Ra khỏi làn nước biển, thân hình anh ướt sũng và run rẩy. Anh nhẹ nhàng đặt bông san hô trắng xuống bên chân cô bé. Thậm chí, anh còn đặt đôi môi lạnh giá của mình lên những ngón chân của cô bé. Anh hình dung ra con của chúng ta cũng như cô bé này, bé xíu như nụ hoa nhài. Vậy mà đã phải theo cha mẹ ra đảo. Giống như vợ chồng Mai An Tiêm, nhưng niềm hạnh phúc tràn ngập trong những con người ấy.

Bọn anh vui quá em ạ. Mọi người thả những bông hoa của quê nhà xuống biển. Những cánh hoa là nơi trú ngụ đẹp nhất và yên lành nhất cho những linh hồn. Bọn anh được dịp thỏa thuê với những món quà, lâu lâu lại được như vậy. Bọn anh đã lại có thể vui vẻ làm nên bức chắn linh thiêng nơi vùng biển này, ngăn lũ sói biển hoành hành.

Ngày…

Em ạ, giữa trùng khơi mênh mông, anh bỗng thấy thèm một mẩu sắn luộc. Anh chợt nhớ cái chái bếp bị dột của nhà mình. Không biết mỗi khi mưa đổ xuống, em có kịp cơi thêm lửa trấu để nồi cơm nhà ta đủ lửa? Em đừng giận anh nhé. Lẽ ra trước khi lên tàu đi xa, anh phải gọi về nhờ bà con lối xóm dọi lại cái mái bếp cho em. Bọn anh được lệnh lên đường lúc nửa đêm. Con tàu anh đi được trang bị lương thực và nước ngọt đủ cho chuyến ra khơi, lênh đênh trên biển chừng nửa tháng. Anh không được biết sẽ đi đâu. Cả mấy chục chàng trai đầy nhiệt huyết, biết mình đi để xây dựng, bảo vệ, đi để có hòa bình.

Trên tàu không có vũ khí gì tối tân. Chỉ có những dụng cụ xây dựng. Một vài khẩu súng để tự bảo vệ.

Bọn anh luôn luôn tin hòa bình em ạ.

Ngày…

Anh đã viết cho em những bức thư khi mới ra đảo. Anh đã chờ chuyến tàu mang lương thực và nước ngọt ra để có thể chuyển thư về.

Giờ đây, những bức thư đã bị mủn, bị chôn sâu dưới lớp đất được tạo từ hằng hà sa số lớp san hô từ bao niên kỷ. Những bức thư bị ngấm nước mặn, và bị gót giày của lũ sói biển giẫm lên làm nát bấy. Từ nơi nào giữa lòng biển khơi, kéo đến những đàn mối. Chúng âm thầm gặm nhấm, âm thầm chịu đựng, để một thời khắc nào đó những công trình mà sói biển cất công dựng lên từ máu của con người sẽ sụp đổ. Em hãy hình dung đàn sói biển khi ấy, đêm đêm ngửa cổ lên ngắm những ngôi sao màu đỏ bầm, và tru dài những tiếng đau đớn, thù hận, tham độc.

Nhưng giờ đây, bọn anh đang neo nhờ vào những cành san hô đã từng có màu trắng muốt, nơi trú ngụ dưới lòng biển mà hồi nào anh đã không nỡ bứng đi khỏi lòng biển, như định mệnh sắp đặt nên ý nghĩ con người. Hay chính con người đã tạo dựng và nhận lãnh định mệnh của mình? Em ạ, em biết không, những cành san hô nơi trú ngụ của bọn anh, đã nhuộm một màu đỏ thắm, như màu cờ của chúng ta. Cả một đội quân mấy chục con người đang làm thành một hàng rào đỏ màu cờ, trấn giữ nơi đây.

Anh sẽ gửi cho em những dòng chữ mà anh đã viết ngày ấy. Giờ đây anh vẫn còn đọc lại được những dòng chữ mà anh đã viết rất nắn nót.

“Đảo G.

Một hòn đảo nhỏ nhoi giữa biển, được bồi đắp bởi những thềm san hô hóa thạch và những vỏ ốc biển. Anh nhặt được mấy vỏ ốc rất đẹp. Có thể khi em sinh con, anh sẽ gửi được về. Anh chỉ có vậy thôi, đừng buồn em nhé.

Chiều nay, khi thủy triều xuống, anh đã xin phép thủ trưởng cho lội xuống biển tìm san hô. Dân biển nói, nếu ai tìm được cành san hô trắng muốt tinh khiết, khi soi lên ánh mặt trời tỏa sáng lung linh như giọt lệ của biển khơi, thì người đó sẽ gặp may mắn khi đi biển. Anh đã lội rất xa, và đã nhìn thấy một cành san hô trắng muốt tuyệt đẹp. Nhưng em biết không, anh đã không nỡ bứng nó khỏi lòng biển. Khi anh nhìn từ trên xuống, qua làn nước biển xanh thẳm như màu mực, cành san hô trắng muốt như bộ cánh của nàng tiên cá đang uốn lượn theo những làn sóng ngầm từ biển dâng lên, lan tỏa.

Anh không thể làm tan đi vẻ đẹp đó. Anh không thể, em ạ…”

Ngày…

Hôm nay vùng đảo G. có bão. Cứ mỗi lần có bão là bọn anh lại rủ nhau về lại tàu. Bởi khi có bão, những cành san hô mong manh nhuốm màu đỏ không đủ sức chứa đựng nước mắt của biển. Nhưng cái chính là cứ mỗi khi có bão, cả đội quân lại nhớ đến nhiệm vụ của mình, cần phải về tàu để kiểm tra và đóng lại những cánh cửa, không cho bão tố cuốn đi hết mọi thứ trong tàu. Bọn anh vẫn mong có ngày cả mấy con tàu của ta sẽ được trục vớt, các anh sẽ cùng mấy con tàu trở về trong khúc khải hoàn ca.

Thôi nhé, anh phải cùng đồng đội lao về tàu đây.

Anh gửi nụ hôn của biển cho em, nhờ những cơn gió mát lành vẫn đang len lỏi giữa cơn bão tố…

Ngày…

Đêm qua, sau cơn bão, bọn anh cùng ngồi im lặng bên nhau trên con tàu nằm dưới lòng biển. Phía trên kia, lũ sói biển vẫn đang đi lại, không hình dung nổi vì sao biển lại không gửi lên đảo G. bây giờ những vỏ ốc và những mảnh san hô bồi đắp.

Anh nhặt lại được rất nhiều thứ, trong đó có mấy cái vỏ ốc mà ngày trước anh đã muốn gửi về cho em và con.

Giờ đây con gái của chúng ta đã lớn. Anh vẫn thường neo theo chân vịt các con tàu, rồi bay về quê nhà, trò chuyện với em trong những đêm dài thao thức. Anh nhìn thấy con gái của chúng ta lớn lên, xinh xắn và thông minh. Anh cũng xót xa khi thấy em hàng ngày lầm lũi làm thuê, kiếm tiền nuôi con gái lớn khôn. Hàng ngày một mình em chăm sóc cha mẹ già thay anh, không lời than thở. Những ngày đầu khi xa em, anh cũng đôi lúc ghen tuông, lo rằng em sẽ bỏ mặc anh vất vưởng, bỏ mặc cha mẹ đau yếu mà đi. Nhưng bây giờ, anh lại mong có ai đó thay anh giúp cho em đừng thêm những nếp nhăn trên gương mặt xinh xắn mà ngày nào anh đã từng đặt lên gương mặt ấy, đôi môi ấy những nụ hôn…

Vĩ thanh

Đảo G. Ngày mười bốn tháng ba năm thứ 88, Kỷ nguyên X.

Một ngày bình thường như bao ngày.

Bỗng nhiên có tiếng gì như có cơn sóng gầm. Càng lúc càng gần.

Là tiếng tru dài của loài sói biển.

Tín hiệu lạ được phát hiện. Cả phân đội vào vị trí sẵn sàng đối phó.

Súng nổ của phía bên kia phá tan sự thanh bình của vùng biển.

Mùa xuân đang thả những cơn mưa dịu dàng trên đất Việt. Những bông hoa xoan tím rụng đầy trên lối đi.

Chúng con đang vào vị trí mẹ ạ. Cả phân đội mấy chục anh em chỉ có trong tay những dụng cụ quân dụng để dựng xây đảo. Những vũ khí tự vệ chỉ có thể giúp chúng con bảo vệ hòa bình của vùng biển.

Nhưng chúng đã nổ súng. Anh Hùng chỉ huy đảo quay lại nhắc chúng con:

“Hãy bình tĩnh, các đồng chí. Chúng ta quyết tâm giữ đảo đến hơi thở cuối cùng”

Con bò lên để giữ lá cờ không cho lũ sói biển bắn nát. Con nhìn thấy con tàu của đồng đội đang lao vào sát chân đảo để làm bức chắn, ngăn những làm đạn của lũ sói.

Con quấn lá cờ vào người. Đạn xuyên nát ngực con. Máu của con và đồng đội đã nhuộm thắm thêm lá cờ. Chúng con cùng nắm tay nhau, hiên ngang đón nhận biển trời mênh mông đang ôm trọn những trái tim tha thiết yêu Mẹ.

Con nhìn thấy nụ cười của Mẹ.

Mùa này mưa xuân đang rắc hoa trên con đường làng, nơi mẹ vẫn ngày ngày ra ngõ ngóng chờ tin con.

Mẹ ơi, mẹ đừng khóc.

Biển Trường Sa, ngày 5/5/2014