Tác giả Phương Trà tên thật là Trịnh Thị Phương Trà, sinh năm 1976, hiện đang công tác tại báo Phú Yên. Chị bắt đầu sáng tác khá sớm, nhưng không công bố những tác phẩm đã viết ở thời kỳ đầu, bởi một suy nghĩ: mình có thể viết hay hơn nữa. Tháng 7/2013, Phương Trà ra Hà Nội tham dự lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa VII, chị đã khiến các nhà văn – giảng viên bất ngờ trong những giờ trả bài khi phát hiện ra một tác giả văn xuôi vùng đất Phú Yên đầy triển vọng. VanVN.Net trân trọng giới thiệu ba truyện ngắn Phương Trà chọn và gửi đến chia sẻ cùng bạn đọc.

Tác giả Phương Trà (ảnh: Vũ Long)

Người mẫu

– Em tên gì?

– Dạ, em tên Mai.

– Em đến đây lâu chưa?

– Dạ, hơn hai năm rồi.

– Em ở miền Tây à?

Thằng bạn ngồi bên cạnh hấp háy mắt, ý nói không ở miền Tây, chẳng lẽ ở miền Bắc? Nhưng mà cũng phải nói vài câu gì đó để xua đi cảm giác gượng gạo ban đầu.

Mai (cứ gọi như vậy đi dù tám mươi phần trăm đó không phải là tên thật) không đẹp ngất ngây như lời quảng cáo của bà chủ nhưng nhìn cũng dễ thương. Mặt tròn da trắng tóc dài, hơi lạ là không nhuộm nâu nhuộm đỏ như hai cô gái ngồi cạnh bạn tôi. Mai cũng không quá bạo dạn. Cử chỉ thân mật nhất của cô là lấy khăn ướt lau nhẹ lên mặt tôi. “Anh hai sẽ thấy dễ chịu” – cô nói.

Nhạc dội vào tai. Những bài boléro mà mỗi khi hát lên, tụi bạn lại kêu nhớ quê ngoại quá! “Quê ngoại” của đám đàn ông đều ở miền Tây, nơi rất nhiều cô gái trẻ dạt ra miền Trung, làm chỗ gác tay cho bọn ngà ngà say hứng chí rủ nhau đi hát hò. Như Mai, như hai cô gái tóc đỏ tóc nâu kia.

– Anh hai chắc làm trong cơ quan nhà nước?

Mai nghiêng chai rót bia vô ly. Cô làm việc đó giống như đang biểu diễn nghệ thuật.

– Tôi vẽ tranh – Vừa trả lời tôi vừa tự hỏi mình nên nhích ra hay là ngồi sát vào cô gái này thêm chút nữa.

– Mèn ơi, anh là họa sĩ! – Cô gái kêu lên, cứ như đang đi chợ chợt nhìn thấy một tờ năm trăm nghìn ngay dưới chân mình.

– Em thích tranh à?

– Em cũng không biết nữa – Giờ thì Mai dịch ra một chút, hình như là để nhìn tôi một cách bao quát, xem cái gã nhàu nhĩ vì bia rượu này có đúng là họa sĩ không – Hồi nhỏ em thích vẽ. Má nói em vẽ giống y chang.

– Sao em không đi học vẽ?

Hỏi xong mới thấy mình cực kỳ đần. Những cô gái như Mai, những cô gái viết tên mình còn nghệch ngoạc thì làm sao học vẽ và học để làm gì? Có cái quán bia nào đưa ra tiêu chuẩn tuyển nhân viên biết vẽ đâu.

– Anh thường vẽ gì?

– Đủ thứ. Thích gì vẽ nấy – Tôi nói cho qua chuyện.

– Có vẽ phụ nữ hông?

– Có chứ. Anh vẽ phụ nữ khỏa thân. Tức là những phụ nữ không mặc quần áo. – Tôi vừa nói vừa cười, hy vọng rằng cái chi tiết không mặc quần áo sẽ chấm dứt câu chuyện tranh pháo để chuyển qua đề tài khác thiết thực hơn, nhất là khi người ta đã đi vào một phòng karaoke kín cửa cao tường.

Cô gái tóc dài bưng ly bia lên, nhấp môi một chút rồi để xuống. Đôi mắt tròn của cô đang nhìn vào một chỗ nào đó trong phòng. Rồi cô ngồi dịch sát vào, ghé tai hỏi một câu làm tôi muốn té ngửa:

– Nếu em không mặc quần áo, anh có vẽ em hông?

*

Con Hường nói mày khùng quá, tự nhiên cởi đồ cho người ta nhìn rồi vẽ. Mình nói thì tụi mình cũng cởi đồ cho người ta nhìn hoài, có điều không ai vẽ hết. Trời đất, hai chuyện đó khác nhau mà. Con Hường nói trước khi chui vô mùng.

Nó than độ này tao uống hai ba chai là tim đập đùng đùng rồi hai con mắt dít chịt. Gái rót bia mà uống kiểu này chắc giải nghệ sớm. Mình nói giải nghệ cũng được chớ sao. Nó nói đồ khùng, biết làm gì mà sống, rồi lấy tiền đâu cho ba má tao chuộc cái nhà?

Nhà mình không bị cầm nhưng má đau bệnh suốt, ba theo vợ bé mấy năm nay. Và mình còn tới bốn đứa em đang đi học.

Mày mê thằng cha đó hả? Coi chừng thiệt thân nghen mậy. Từ trong mùng, Hường nói ra. Nó lo vậy cũng đúng. Con Mơn – hồi trước làm ở quán này – mê một thằng. Mê đến mức kiếm được bao nhiêu tiền, sau khi chừa ra gởi về quê, số còn lại nó giao hết cho thằng đó. Cũng từ khi mê thằng đó, nó tập uống bia như uống nước lạnh. Nó nói phải ráng kiếm tiền, dành dụm mua miếng đất, nhỏ chút xíu xiu cũng được, rồi cất cái nhà chớ chẳng lẽ ở vầy hoài, làm vầy hoài. Đất chưa mua, nhà chưa cất được thì vợ thằng đó xộc vô quán. Con Mơn hồi giờ đâu có hiền, vậy mà bữa đó đứng như trời trồng để bà vợ nhào vô tát tai, giựt tóc. Tự nhiên nó ngu bất tử vậy. Chị em xúm vô can. Bà kia hả hê rút đi, con Mơn đứng khóc ròng. Vậy mà ảnh nói ảnh chưa có vợ. Mèn ơi, mày khùng nặng rồi. Ai lại đi tin mấy thằng đàn ông!

Mình đâu có mê anh họa sĩ, nhưng mình thích công việc của ảnh. Học chữ khó thấy mồ (mình học tới lớp 2 nên mình biết), học vẽ chắc còn khó hơn. Vậy mà ảnh vẽ được. Giỏi thiệt! Nếu ảnh vẽ cho mình một bức để mình treo trong phòng, có phải hay quá là hay không. Sau này mình chết đi, bức tranh đó cũng còn, người ta cũng nhìn thấy mình ở đó.

*

Cứ tưởng chỉ nói chơi, ai ngờ Mai đến thật. Sáng chủ nhật, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê và nhìn bầu trời trong veo, tự hỏi mình sẽ làm gì trong ngày hôm nay thì Mai tới. Cô gái ăn mặc rất đơn giản, áo thun màu lá mạ, quần jean, tóc dài cột cao, trang điểm cũng rất nhẹ. Nhìn Mai, đố ai biết cô làm trong quán karaoke, thuộc nhóm đối tượng mà các bà vợ vẫn gọi là bọn mắt xanh mỏ đỏ.

Tôi đưa Mai vào căn phòng bừa bộn những toan những cọ, căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi nằm giữa khu vườn bề bộn nào chuối nào dừa. Khu vườn hoàn toàn tách biệt với ngôi nhà của gia đình tôi. Tay cầm túi xách, Mai lẽo đẽo đi phía sau tôi trên lối mòn ngổn ngang đám mười giờ, hỏi: Chị đâu anh?

Vợ tôi đã đi đâu đó cùng người phụ việc trong quán cà phê. Cái quán nuôi tôi và hai đứa con đang tuổi ăn học. Chính xác là cái quán đó nuôi tôi, vì tiền bán tranh chỉ đủ để cà phê cà pháo với bạn bè, mua toan, sơn… và tái sản xuất.

– Vẽ ở đây hở anh?

Mai kéo ghế ngồi xuống, cử chỉ rất tự nhiên. Cô nhìn căn phòng bằng ánh mắt của một đứa trẻ đang đứng trước cây thông Noel, dưới gốc chất đầy quà. Tôi tự hỏi căn phòng phải nói là tồi tàn của mình có gì làm cô thán phục đến vậy.

– Vợ anh chẳng mấy khi đến đây, nếu không có việc gì thật cần thiết – Tôi đốt một điếu thuốc – Cô ấy tôn trọng công việc của anh. Và em đừng ngại, không có ai vào đây đâu. Nếu vẽ thì anh sẽ khóa cổng.

– Dạ.

Tôi nghĩ mình nên nói để cô gái karaoke này hiểu một chút về công việc của mẫu, một công việc rất đặc thù. Tôi muốn Mai biết rằng khi cô thoát y và nằm một cách mơ màng trên tàu lá chuối cạnh cửa sổ căn phòng, tôi sẽ ngắm nhìn Mai bằng đôi mắt của một họa sĩ chứ không phải của một người đàn ông. Những rung cảm, nếu có, là rung cảm trước cái đẹp, chứ không phải trước nhục dục. Về lý thuyết là thế.

Tôi giảng giải một hồi để Mai yên tâm và có thể tạo mẫu một cách tự nhiên. Bởi, dù cô ấy là gái karaoke thì phải khỏa thân hàng nửa giờ liền dưới ánh sáng ban ngày, trước một người đàn ông xa lạ cũng không phải là chuyện dễ.

Cô gái karaoke chăm chú lắng nghe. Và khi tôi kết thúc bài diễn thuyết, không một chút bối rối hay lưỡng lự, cô hỏi:

– Thay đồ chỗ nào vậy anh? À, cho em mượn đỡ miếng vải hay cái khăn chút xíu.

*

Có khi mình khùng thiệt. Khùng nên mới tới đây, quấn mình trơ trọi trong cái khăn lông to chù ụ. Mình cứ tưởng chuyện cũng đơn giản nhưng hình như không phải vậy.

Người họa sĩ vừa bày đồ nghề ra vừa hút thuốc, coi bộ không nôn nóng, cũng không để ý tới mình. Hình như ảnh vừa liếc xéo qua, miệng nhếch lên giống như đang cười. Chắc ảnh nghĩ con cave bày đặt vẽ vời. Mình sẽ cho ảnh thấy mình là mẫu đàng hoàng. Mình tới đây vì muốn có một bức tranh chớ không phải có ý tào lao.

Có chuyện gì vậy ta? Có chuyện gì khi mình nằm xuống tàu lá chuối và mở chiếc khăn tắm ra. Anh họa sĩ lướt qua người mình, chỉ lướt qua thôi. Ảnh nhìn mình bằng đôi mắt của họa sĩ. Ảnh vừa nói như vậy mà. Nhưng hình như không phải. Hình như ảnh giật mình.

Không phải đôi mắt của họa sĩ. Đôi mắt của người đàn ông đậu xuống ngực. Chính xác là ngực trái. Rồi, đôi mắt xuyên qua, xuyên qua. Cây cọ vừa chạm vô hộp màu run lên nhè nhẹ. Không phải mình tưởng tượng đâu. Rõ ràng mình thấy cây cọ run lên. Bàn tay phải của người đàn ông run lên. Làm như đây là lần đầu tiên ảnh nhìn thấy ngực phụ nữ. Mà, ngực của mình đâu có gì đặc biệt. À, trên ngực trái có nốt ruồi son. Chẳng lẽ tại cái nốt ruồi?

Người họa sĩ châm điếu thuốc khác. Rít một hơi dài, nhả khói, rồi ảnh lại lướt qua mình. Lần này là đôi mắt khác. Nó phẳng lặng như mặt nước trong ao, sau khi người ta đã tát, bắt sạch không còn một con cá nào.

– Em nhìn chếch lên một chút, một chút nữa. Vậy đó. Mơ màng hơn một chút. Đúng rồi. Như vậy mới đẹp.

Hình như người khác đang nói với mình chớ không phải người đàn ông mình đã gặp mấy ngày trước trong quán karaoke, cũng không phải người họa sĩ vừa giảng tràng giang đại hải chuyện làm mẫu. Tiếng nói nhẹ, nghe thiệt ấm áp. Làm như mình với ảnh đã quen thân lâu lắm rồi.

– Em sao vậy? Mỏi rồi hả?

– Dạ không. Chỉ là… chỉ là…

– Nếu mỏi thì nghỉ, đừng ráng nghe.

Hồi giờ có người đàn ông nào nói với mình tình cảm như vậy không? Có. Nhưng mà lâu lơ lâu lắc rồi. Người đó bây giờ chắc vợ con đùm đề. Nhiều năm không gặp, bây giờ giả như có tình cờ lướt qua nhau, chưa chắc đã nhận ra.

*

Hình như tôi bị hoa mắt. Khi chiếc khăn vuột xuống, tôi tưởng lại nhìn thấy em. Trên phiến lá xanh, em duỗi chân, hướng mặt về phía cửa sổ với đôi mắt rụt rè, hồi hộp. Ngực em phập phồng như đóa hoa đã uống cạn sương sớm, và môi em hé mở như thể sắp sửa bật ra tiếng cười.

Đúng là tôi hoa mắt. Em xa tôi nhiều nghìn cây số và tôi quyết quên em bằng đám cưới với một người con gái khác. Bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu năm. Không một dòng thư. Không một cuộc gọi. Tôi biết mình vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời em. Nhưng mối tình say đắm và cay đắng không phải là một bức tranh để tôi có thể dễ dàng bôi xóa. Tôi bôi xóa em bằng những đêm tình chóng vánh để rồi hôm sau thức dậy thấy mình nửa người nửa ngợm.

Những chuyện chẳng hay ho đó, hình như vợ tôi biết. Nhưng cô ấy vẫn im lặng. Có thể cô ấy nghĩ rằng sống dưới một mái nhà và sinh cho tôi hai đứa con, vậy là đủ rồi. Có thể cô ấy không còn dành cho tôi tình yêu cùng sự ngưỡng mộ như ngày trước.

Nhưng ở một nơi nào đó trong thân xác mệt nhoài, từng mạch máu của tôi vẫn đập mạnh khi có người nhắc đến tên em, nói rằng vừa gặp em về nước, rằng em vẫn đẹp, đôi mắt vẫn thăm thẳm buồn. Sao em lại buồn khi mà cuộc sống có vẻ như quá mãn nguyện? Bạn tôi nói, mày muốn gặp thì tao bố trí cho. Gặp ư? Gặp để làm gì? Đi hát hò coi bộ vui hơn. Thì đi! Và tôi gặp cô gái karaoke ở đó. Mai không xinh không đẹp, chẳng có gì giống em. Ngoại trừ một nốt ruồi son như giọt máu rơi trên ngực trái.

Hình như Mai biết tôi bối rối khi mắt chạm vào ngực cô ấy. Hẳn Mai sẽ cười khẩy trong bụng mà rằng, thằng cha này cũng như nghìn vạn thằng, bày đặt nói đôi mắt này đôi mắt nọ. Giống như tôi đã cười khi nghe Mai hỏi về tranh pháo. Chẳng phải người ta vẫn nhìn vào công việc để đánh giá một người đó sao. Theo logic đó, Mai xứng đáng bị coi thường. Tôi đã coi thường, cho đến khi nhìn thấy cái nốt ruồi màu đỏ.

Trùng hợp đến mức không thể nào tin được, cái nốt ruồi cời vào những tàn tro làm tôi quay quắt nhớ em.

*

Con Hường nói, coi chừng thằng cha đó làm mày chết như phim chưởng. Tầm bậy, làm sao mà chết được nếu chỉ nằm nghiêng nghiêng trên tàu lá chuối và nhìn ra khu vườn đầy gió. Tao thích khu vườn. Nó làm tao thấy yên bình, dễ chịu. Nó có rất nhiều không khí để thở, khác xa với phòng karaoke nồng nặc mùi thuốc lá, mùi bia, mùi dầu thơm xịt phòng. Và mày cũng thích anh chàng họa sĩ nữa chớ.

Ừ, thích. Tại vì ảnh nhìn tao bằng cặp mắt rất khác với mấy thằng cha vô quán karaoke. Là sao? Ảnh nhìn tao giống như nhìn một bức tranh. Đúng là khùng. Nhìn một bức tranh thì có ra tiền được không?

Con Hường bật quạt, chui vô giường trùm mền. Tội, mọi thứ nó đều tính thành tiền, cũng tại căn nhà của ba má nó – căn nhà mà nó từng bò tới bò lui dưới đất, bị kiến cắn sưng chưn cẳng (nó kể vậy) vẫn mịt mờ trong tay người khác. Bầy em lúc chúc của nó nhiều đêm giựt mình thức dậy, tụm lại trong góc chòi chăn vịt vì nước mưa nhỏ xuống tong tong. Và xa hơn, cũng tại thằng cha mà nó thương đi cưới con nhỏ có quầy thuốc tây gần chợ. Đám cưới xập xình xe cộ chớ không rước dâu bằng xuồng. Con Hường cầm dao phăng phăng đi, chặt một cái phựt vô… cây dừa, thề độc: Tao mà không kiếm được nhiều tiền, thà chết mất xác chớ không về!

Mình cũng như nó, lâu rồi không về. Hôm qua nằm trên tàu lá chuối nhìn ra, thấy ngọn dừa đung đưa đung đưa, tự nhiên nhớ nhà kinh khủng, thấy trống trải kinh khủng. Rồi tự nhiên, mình ước ao cây dừa kia là của mình, khu vườn kia cũng của mình. Nghĩ xa hơn một chút, nếu ảnh chưa có vợ, mình sẽ hàng ngày làm mẫu để ảnh vẽ…

Mình nằm mơ, thấy ảnh chèo xuồng trên sông, phía sau lục bình chấp chới. Mình bơi theo hụt hơi, kêu anh ơi anh hỡi mà ảnh không nghe. Tỉnh dậy, tim còn đập thình thịch.

Lại nghĩ, nếu ảnh chưa có vợ, hằng ngày mình sẽ tới nấu canh chua cá lóc cho ảnh ăn, nướng khô sặc cho ảnh nhậu chơi…

Con Hường nói mày thương thằng cha đó thiệt rồi. Chết được!

*

Tranh xong rồi và cũng đã năm ngày rồi Mai không tới. Bỗng nhiên thấy nhớ nhớ. Bằng cái nốt ruồi như giọt máu rơi trên ngực, Mai làm cho tôi nhìn thấy em. Có lẽ đó là lý do duy nhất.

Vợ tôi nói cô người mẫu của anh cũng hay hay. Nếu biết Mai làm chỗ gác tay trong quán karaoke, cá là cô ấy sẽ nói khác. Hỏi thật, em không khó chịu đấy chứ? Sao lại không? Vợ tôi cười, à không, chỉ cái miệng cười, còn đôi mắt thì không. Nhưng anh là họa sĩ mà.

Tôi cầm tay cô ấy và giật mình vì nó thô ráp, móng thì gồ ghề thô kệch do một thời gian dài cô ấy liên tục tiếp xúc với nước. Đôi bàn tay của người phụ nữ mà tôi chưa bao giờ yêu. Cô ấy chỉ là người thay thế. Thay thế vụng về một hình bóng hoàn hảo. Có phải vì vậy mà dù cô ấy đã sinh cho tôi hai đứa con, nuôi dạy chúng và nuôi cả cha chúng, tôi vẫn không để cho cô ấy bước vào trái tim mình.

Thằng bạn thân lại đến rủ đi nhậu. Nó là tay có máu mặt bên xây dựng nên tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng mà nó đang cay, rất cay. Con bồ thơm như múi mít vừa đá đít nó sau khi sở hữu được căn hộ chung cư. Mẹ, già đầu mà còn dại. Thằng bạn tư vấn tao đưa cho nó giấy tờ giả, coi thử nó ăn ở thế nào đã. Mình chủ quan, cứ nghĩ nó mê mình.

Tôi an ủi: Thôi, mất tiền thì được kinh nghiệm.

Hai thằng uống hơn nửa thùng bia mà vẫn không say. Rồi nó rủ đi hát. Tôi nói tao mệt quá, để bữa khác. Nếu đi hát, hai đứa lại tới chỗ quen, nhiều khả năng sẽ gặp Mai. Tôi không thích nhìn thấy Mai trong quán karaoke, với áo hai dây váy ngắn nửa đùi. Tôi thích nhìn cô duỗi chân trên phiến lá xanh, môi hé mở như sắp bật ra tiếng cười, ngực phập phồng như vừa uống cạn sương sớm.

Khi ấy, dù không một manh vải che thân, trông Mai thanh khiết vô cùng.

Thằng bạn lái xe đưa tôi về, kèm theo câu dạo này tao thấy mày là lạ, hay là tương tư em nào? Coi chừng dính bẫy đó nghen. Tôi nói tao nghèo kiết, ai mà thèm bẫy.

Sáng ngủ dậy, vợ nói anh vẽ xong rồi mà còn đem công việc vô giấc ngủ. Là sao? Đêm qua anh mớ, nói em ngước mắt lên, mơ màng một chút thì sẽ đẹp hơn.

Giọng cô ấy rất nhẹ, không vui không buồn. Tôi im lặng đi ra vườn.

Trong căn phòng hoàn toàn tách biệt với những ồn ào phố xá, tôi đốt một điếu thuốc và nhìn Mai. Cô mỉm cười. Cô đưa tay lên che ngực. Khi Mai bỏ tay ra, tôi sững sờ khi thấy nốt ruồi như một giọt máu đã biến mất…

Mai đến thật, kéo tôi ra khỏi giấc mơ chập chờn. Cô ngồi nhìn khu vườn một hồi lâu rồi nói em về quê anh à. Khi nào em ra lại? Dạ không, em về luôn. Có chuyện gì ư? Vậy không phải là tốt sao? Chẳng lẽ anh muốn em làm ở quán hoài? Ừ, tốt, tốt chứ! Chỉ là anh thấy bất ngờ quá.

Mai nói, em sẽ rất nhớ khu vườn của anh. Mỗi lần làm mẫu, em nhìn lên cây dừa rồi nhớ nhà kinh khủng. Vườn nhà em cũng rộng. Em nghĩ nếu chịu khó chăm sóc thì cũng có trái cây đem bán… Em muốn có một khu vườn để trưa trưa ra đó ngồi chơi.

Đợi anh chút xíu, anh bọc bức tranh thật kỹ để em mang đi. Không, anh cứ để nó ở đây cũng được. Sao vậy, em thích có một bức tranh lắm mà. Nhà em không có chỗ nào để treo. Với lại… với lại đem bức tranh theo thì em sẽ… nhớ.

*

Có cái gì đó chận ngang cổ. Nếu nói thêm một câu nữa, chắc mình sẽ khóc. Mà, người ta nói đừng tin nước mắt của gái bia ôm.

Mình chỉ làm mẫu cho ảnh vẽ thôi, vậy thì có gì trong cặp mắt người đàn ông mà mình khó bước đi dữ vậy. Có phải ảnh đang nhìn theo mình? Giả dụ lúc này đây, ảnh đưa tay ra, nói em đừng đi, liệu mình có dám ở lại?

Nhưng ảnh không nói gì. Mình biết chắc ảnh sẽ không nói gì và mình phải đi. Thêm một lần gặp, biết đâu lại rơi nước mắt. Phụ nữ sao khổ vậy, hễ rơi nước mắt vì một người thì khó lòng quên được. Mà, càng nhớ thì càng đau.

Vậy thì đi thôi. Nếu có nhớ, chắc ảnh chỉ nhớ cái nốt ruồi. Còn mình sẽ nhớ nhiều thứ. Lần gặp đầu tiên, ảnh hỏi em tên gì, em đến đây lâu chưa. Rồi ảnh nói những lời dịu dàng khi mình làm mẫu. Mắt ảnh buồn thiệt buồn khi biết mình về quê. Mèn ơi, nhớ nhiều vậy thì làm sao mà có một ngày vui cho được?

Con Hường nói mày nhát như thỏ, thương thằng cha đó thì cứ tấn tới. Sợ bà vợ chớ gì? Mày trẻ hơn, chắc cũng đẹp hơn. Ai thắng ai thua chưa biết.

Làm sao mình nói cho Hường hiểu được, đã thương rồi thì không tính tới chuyện thắng thua. Mình chỉ ước ao đơn giản là sáng sáng cầm chổi xương quét vườn, vun lại luống hoa mười giờ, trồng thêm vài bụi sả, ớt. Gần trưa thì xách giỏ đi chợ, nấu nướng xong rồi, mình sẽ vô căn phòng ngập gió, kêu anh ơi về ăn cơm…

Mình ước ao vậy đó, cho đến khi gặp vợ ảnh. Bữa đó ảnh có công chuyện đột xuất, mình tới đứng xớ rớ một lúc thì chị bước vô. Hồi trước chắc chị đẹp. Bằng chứng là cái mũi cao, cái miệng trái tim nhưng cặp mắt thì trõm sâu, chừng như mệt mỏi. Chị nói em ngồi chơi, anh ấy đi một lát rồi về. Chị đưa cho mình ly nước, nói trà xanh ở nhà nấu, em uống cho mát.

Mình bưng ly nước và nhìn thấy hai bàn tay chị. Ngón tay chai sần, khô khốc. Không hiểu sao mặt chị đẹp mà tay lại xấu vậy. Rồi mình nhớ, có lần anh kể chị bán cà phê, gần đây mới kêu người giúp việc còn lúc trước một mình chị làm hết. Anh nói cái quán đó nuôi hai đứa con, nuôi luôn anh nữa. Đất này có họa sĩ nào sống được bằng nghề.

Chắc chị thấy mình nhìn nên rụt tay lại cười, phụ nữ xứ mình, chồng con rồi thì có mấy người được thảnh thơi. Nhưng sống một mình, lúc bệnh đau, tủi lắm. Em nên tìm một người đàn ông tốt để lập gia đình. Chỉ cần họ thương mình, hiểu mình là được.

Hình như chị biết mình làm gì, muốn gì. Biết mà vẫn nhẹ nhàng. Thà chị nói con kia mày tránh xa chồng tao ra, có khi còn thấy dễ chịu hơn.

Uống hết ly trà xanh, mình buột miệng: Em ở đây không lâu nữa đâu. Em sẽ về quê. Chị nói, ừ, con gái có thì. Rồi cũng phải ổn định cuộc sống em ạ.

Khi đưa trả cái ly, tay mình chạm vô tay chị. Bàn tay héo úa. Tự nhiên mình nhớ tới bàn tay má, ngày má còn sống. Cũng chai sần khô khốc vậy đó. Khi biết ba có vợ bé, má khóc lặng, nói chắc tại má xấu hơn, già hơn người ta. Lúc đó mình hận ba ghê gớm. Và cũng hận người đàn bà đã kéo ba ra khỏi mái nhà ghê gớm.

Vậy thì mình nỡ nào làm cho cái vòng lẩn quẩn thương hận đó lặp lại?

*

Hường dặn, mày về quê, thấy có việc gì làm thì gọi điện. Tao kiếm đủ tiền lấy lại cái nhà là về. Cũng sắp đủ rồi. Nghe nó nói, mừng ghê. Thiệt hông? Thiệt. Tao nghĩ kỹ rồi. Người ta sống được thì mình sống được. Tội gì bỏ xứ mà đi.

Ừ thì về làm vườn, bán rau hay bán trái cây cũng được. Và quên những chuyện cần quên cho nó nhẹ lòng…

Cửa thiền thanh tịnh

Thí chủ có nhớ hồi đó, đứa trẻ… như thế nào không?

Sư cô Minh Thái đăm đăm nhìn người đàn bà đang run rẩy như một cơn gió ngồi ở khách đường.

Chợt nhớ tối nọ, sau khi thỉnh chuông, sư cô nhìn con bé quở trách: “Hôm nay con không chú tâm vào việc tụng niệm!”.

Con bé ngước đôi mắt có nước: “Sao ba má con lại bỏ con hở sư cô?”.

Có chiếc lá bàng xuyên qua bóng đêm, rơi xuống hiên chùa. Sư cô ôm con bé vào lòng: “Không phải đâu con. Chắc tại vì cuộc sống quá khó khăn, ba má con nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu gởi con vào cửa Phật”.

“Ước gì con được gặp má con, dù chỉ một lần”.

Giờ, mẹ con bé đã trở lại, không lam lũ, khổ sở như sư cô vẫn nghĩ. Đó là một người đàn bà đẹp, sang trọng. Nhưng đôi mắt… Vừa gặp, sư cô đã giật mình. Đôi mắt như có nước.

“Nhiều đêm, tôi mơ thấy con bé. Tôi quấn nó trong cái khăn lông cũ màu vàng rồi… rồi bỏ nó trong cái chậu hoa chưa trồng ở phía trước chùa… Con bé vừa đầy tháng. Trong mơ, tôi nghe nó khóc gọi má ơi…”.

*

Đứa con gái nhỏ hay tìm về trong đêm, đội chiếc mũ che kín cái đầu trọc. “Vẫn còn đau hở con? Đến giờ mà vẫn còn đau sao con?”. “Má ơi con ngộp thở”. Từng lời như những mũi kim đâm vào tim. “Nếu má có thể chết đi để cho con không còn đau… Nếu má có thể chết đi để cho con sống khỏe mạnh…”. “Làm sao mà dễ dàng chết được hở má? Làm sao mà có thể đánh đổi như vậy hở má?”.

Những câu hỏi của con bé như ngọn gió, lơ lửng trong không trung.

Giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư xương, những cơn đau liên tiếp kéo đến. Cơn đau truyền sang người mẹ. Nhân lên, nhân lên. “Chừng nào… chừng nào con chết thì sẽ hết đau… phải không má?”.

Một buổi sáng. Lả đi như bông hoa bị phơi dưới trời nắng gắt, con bé thì thào mẹ ơi con muốn ra ngoài sân chơi. Người mẹ thay bộ đồ đẹp cho con rồi bế con ra trước hiên nhà. Nắng đã vàng trên những luống rau trước sân. Những luống rau mà người mẹ trồng cho từng bữa ăn của con, khi con bé vẫn còn ăn được cháo xay nhuyễn. Nắng cũng đã vàng trên mái ngói đã mòn mỏi, lỗ chỗ dột lúc trời mưa nhưng chưa có tiền sửa sang lại sau khi cha con bé bỏ đi biệt, có thể vì làm ăn thua lỗ, có thể vì không muốn nhìn thấy đứa con bệnh tật. Con bé khó nhọc đưa mắt nhìn chung quanh. Nó thầm thì: “Trời xanh quá!”.

Người mẹ mang sữa đến nhưng con bé chầm chậm lắc đầu. Chầm chậm, nó nhấc bàn tay với những ngón như củi khô, chạm vào bàn tay như chiếc lá ngả màu đang cầm ly sữa. “Con muốn ngủ…”.

…Nắng đã rời khỏi hiên nhà từ lâu, con bé vẫn nằm như đang ngủ. Trời rất xanh và bầy chìa vôi vẫn chíu chít trong vườn. Hình như có nụ cười thấp thoáng trên gương mặt con bé.

Người mẹ ôm con trong vòng tay, không một giọt nước mắt nào rơi từ đôi mắt đã kiệt sức nhìn những thử thách của cuộc sống. Ồ, con bé sẽ không bao giờ đau đớn nữa!

Người mẹ suy tính sau đây mình phải làm gì. Có quá nhiều việc phải làm. Mà kỳ lạ chưa, giữa lúc bộn bề như vậy, người mẹ lại thấy một ngôi chùa chập chờn trước mắt.

*

Chừng hơn một tháng sau, người phụ nữ với đôi mắt có nước trở lại chùa.

– Thưa sư cô, tôi… tôi xin được đón con bé về… để bù đắp cho cháu…

Tách trà trên tay sư cô Minh Thái chao đi.

Chẳng phải sư cô vẫn cầu nguyện có một ngày, những người cha người mẹ từng đem con đặt trước cửa chùa trong chiều chập choạng sẽ hồi tâm chuyển ý mà tìm lại giọt máu của mình? Lẽ nào niềm mong mỏi có thể khác đi, với đứa trẻ mà gần mười năm trước, sư cô đã nhìn thấy trong cái chậu hoa trống trước sân?

Mỗi khi sư cô Minh Thái bế đứa trẻ với đôi mắt có nước trên đôi tay như cành cây khô, từ thân thể bé bỏng kia truyền sang hơi ấm vô cùng trìu mến. Và thời gian quay ngược trở lại, chớp mắt bỗng thấy hiện ra ngôi nhà tuềnh toàng ở giữa khu vườn tràn trề gió. Sư cô Minh Thái tự hỏi, đây là món quà của Đức Phật, hay đứa con đoản mệnh đã đầu thai vào đứa trẻ này?

– Vậy… được không sư cô? Chúng tôi xin đón cháu về được không sư cô?

Người phụ nữ hỏi dồn, đôi mắt vừa khắc khoải vừa lấp lánh hy vọng.

Sư cô Minh Thái chậm rãi:

– Liệu người chồng bây giờ của thí chủ có chấp nhận cháu bé không? Có yêu thương cháu bé không?

– Tất nhiên, tất nhiên là chấp nhận – Người phụ nữ vội vã trả lời – Anh ấy cũng từng trắc trở. Anh ấy sẽ thương yêu con bé như con ruột.

Rồi chị ta bước vội ra cửa, gọi: “Anh ơi!”.

Người đàn ông đang thơ thẩn ngắm cảnh vội vã vào khách đường. Và, một cơn gió bấc xộc vào, lạnh buốt.

Cuộc đời, sao lại trớ trêu đến vậy?

Sao lại có người quay lưng với đứa con bệnh tật của mình để rồi hơn hai mươi năm sau đón nhận một đứa trẻ xa lạ bằng lời hứa thương yêu?

Sư cô Minh Thái cứ ngỡ mình đã gột rửa những hỉ nộ ái ố trong tiếng tụng niệm sớm chiều. Nhưng sau hơn hai mươi năm, gặp lại người đàn ông đã để mặc hai mẹ con bà chìm trong khốn khó, bao tủi hờn lại trào lên. “Thí chủ về đi! Xin đừng đòi hỏi gì về đứa trẻ đã bị từ chối”.

Lời định nói chưa thể thốt ra thì tiếng chuông đã vang lên.

Tiếng chuông rơi trong chiều tàn, loang ra như khi người ta ném một viên sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng. Rồi từng chút một, tiếng chuông dâng lên, dâng ngập khách đường, nơi có hai người mẹ. Và hai nỗi đau.

Hình như, Đức Phật đang từ trên cao nhìn xuống.

Người đàn bà với đôi mắt ầng ậc nước vẫn đang chờ đợi.

“Việc này… việc này sẽ tùy thuộc vào con bé”.

Sư cô Minh Thái nói rồi quay bước.

Ở gian phòng bên chánh điện, mấy đứa trẻ đang đọc kinh chiều, giọng trong trẻo cất lên như tiếng hát.

Đi trong sương mù

Người đàn bà rạp lưng trên chiếc xe đạp như con cào cào màu nâu cỡi trên chiếc lá lúa. Qua mấy cái truông nữa, qua một cánh đồng nữa là tới nhà. Buồng chuối và mấy trái đu đủ chín không trúng phiên, cho nên người đàn bà phải đạp xe cả chục cây số để đem tới chợ thị trấn bán, tiện thể mua chút cá về nấu ngọt. Chắt mót được vài đồng thì chân đã rã rời. Mắt chăm chăm nhìn theo con đường nhàu nhĩ, người đàn bà sốt ruột khi thấy mặt trời càng lúc càng lên trên chóp nón. Vậy mà ở nhà, bếp núc còn lạnh tanh.

Rồi lửa cũng được nhóm lên. Mấy cây củi đem từ trên gò về hôm qua hắt vô mặt những cuộn khói cay xè trước khi bùng lên và nổ lép bép. Người đàn bà lật đật đi vo gạo nấu cơm rồi đem cá ra làm. Chưa đầy một tiếng đồng hồ nữa, chồng chị từ ngoài ruộng trở về. Khi đó, cơm canh đã sẵn sàng. Người chồng chỉ cần ra ang nước rửa mặt, vắt cái áo mướt mồ hôi lên vách là có thể cầm đũa lên.

Cuộc hôn nhân của người đàn bà cũng bình thường như bao cuộc hôn nhân khác ở quê. Sau một thời gian qua lại tìm hiểu, gia đình hai bên ưng thuận thì làm đám cưới. Kỳ thực trước khi lấy chồng, cô gái quê đã có ý với một chàng trai ở cách xóm này tới mấy chục cây số. Một chàng trai mà theo lời ba má cô là trói gà không chặt, chẳng có gì đảm bảo cho tương lai. Ba má cô cần một chàng rể giỏi làm nông, biết rõ lúc nào thì trồng cây gì cho thích hợp. Cô gái quê học tới lớp chín thì nghỉ ở nhà, thấy rằng ba má nói có lý. Thêm vào đó, đường từ nhà mình tới nhà người ta cũng khá xa.

Người chồng mà cô gái chọn nổi bật trong đám thanh niên xúm xít quanh cô hồi đó. Khác với anh kia, anh này có thể trói cả một con bò cộ, nhà lại ít anh em. Cô gái lấy chồng như một lẽ đương nhiên, và coi đó cũng là bổn phận để cha mẹ yên lòng.

Sau khi cặm cụi với hai vụ lúa trên đám ruộng phía trước nhà, người chồng đi bán sức mạnh cơ bắp cho chủ rẫy mía và các trang trại. Giấc mơ duy nhất của anh là tới một ngày nào đó không còn phải đi làm công và có một trang trại của riêng mình. Nhưng bốn đứa con gái chui ra năm một đã không để cho giấc mơ đó thành sự thực. Mặc cảm thua thiệt trước bạn bè khiến anh thường xuyên quá chén và sau đó, đem cơ bắp ra để nói chuyện với vợ con.

Bốn đứa con, bốn cái miệng nhỏ xíu hút cạn sinh lực người đàn bà. Chị như cái cây sắp khô, ai nhìn cũng có cảm giác là chỉ cần khua mạnh tay thì nó sẽ gãy cái rốp.

Cái cây cũng đã quen với việc bị bẻ gãy. Sau đó, nó tự động chắp nối lại từng khúc từng khúc một đã không còn nhựa của mình, trong khi từng chiếc lá héo rũ rụng xuống và tan vào trong đất, như nước mắt đã bao lần tan vào các kẽ tay. Cái cây không còn nhựa vẫn gắng gỏi, để chở che cho những cây con vươn lên cứng cáp.

Vậy mà có một lần, cái cây ấy muốn chạy trốn vào trong đất. Đó là khi người đàn bà từ nhà thương trở về, sau một thời gian dài chịu đựng những cơn đau âm ỉ. Những cơn đau lớn dần trong bụng.

Người đàn bà trở về nhà, mệt hụt hơi và lo thắt ruột khi xìa ra trước mặt chồng kết quả siêu âm và chỉ định của bác sĩ. Chồng chị nhìn lướt qua chữ “u nang” rồi vò đầu bứt tai:

– Chết cha, tiền đâu mà mổ?

Câu hỏi này thật ra đã lẩn quẩn bên người đàn bà suốt quãng đường từ nhà thương trở về. Nhưng khi nó bật ra từ miệng chồng, chị lại thấy lòng đau nhói.

Sau một hồi im lặng để nuốt trôi cảm giác nghẹn đắng, người đàn bà rón rén nói:

– Tiền bán mè đợt trước còn hơn hai triệu. Hay là…

Chồng chị chép miệng, thở dài:

– Rồi lấy gì mua xe? Ngày nào cũng đạp rã cẳng.

Chị kinh ngạc nhìn người đàn ông đã sống với mình mười ba năm, có với nhau bốn mặt con. Sao chị lại không biết vợ chồng đang ráng dành dụm mua một chiếc xe máy chừng năm sáu triệu cho đỡ đôi chân từ nhà tới các trang trại, mỗi khi có chuyện cần kíp ra thị trấn thì cũng không phải mượn mõ phiền hà hàng xóm. Nhưng chẳng lẽ chiếc xe máy lại quan trong hơn cả một con người?

Chừng như chồng chị cũng đoán được phần nào suy nghĩ của vợ nên nhẹ nhàng nói:

– Nghe nói chị Bảy ở xóm trên cũng mắc chứng đó. Không mổ, cũng đâu có sao!

Nước mắt người đàn bà muốn bật ra sau câu nói đó. Kể từ khi sinh đứa con gái thứ tư, chị đã quen với những lời nặng nhẹ của chồng. Nhiều khi, lời nói như từng hòn đá quăng vào, đau điếng, và người đàn bà trân mình chịu đựng. Nhiều khi, buồn rớt nước mắt, người đàn bà lại nhớ xiết bao những lời nói nhẹ nhàng hồi hai người mới lấy nhau. Phải, lâu lắm rồi chồng chị mới nói với vợ một câu dịu dàng. Nhưng lời dịu dàng này lại như lưỡi dao lam rạch một đường ngọt xớt vào chị.

Người đàn bà chôn ánh mắt xuống nền xi măng nứt ngang nứt dọc. Mạch máu trong người chị cũng giống như những đường nứt chằng chịt dưới nền nhà. Nó đang vỡ ra, tan ra. Người đàn bà thấy mình muốn sủi bọt.

Cơn đau trong bụng cuộn lên. Cơn đau từ những trận đòn cũ cũng cuộn lên. Chừng như máu đang chảy ra từ những vết bầm tím đã tan lâu trên mặt, trên lồng ngực tóp rọp. Trong đầu người đàn bà bùng lên một ý nghĩ dại dột.

Khi người đàn bà cần chai thuốc trừ sâu đã phun hết một nửa, nặng bằng cả cuộc đời với những toan tính cho riêng mình, thì những đứa con của chị cũng toan tính cho chúng. Đứa em nói:

– Ba không muốn má đi mổ. Giờ làm sao?

Con chị lên tiếng sau một hồi im lặng:

– Chắc phải đi mượn của mấy cậu mấy dì. Không chữa bệnh, lỡ má có bề gì, chị em mình biết làm sao?

Đang giữa mùa nắng nóng mà cơn gió bấc xộc vô nhà. Nó làm người đàn bà run rẩy…

*

Không mổ, chỉ còn cách ai bày gì thì làm nấy. May mà trời thương, những bài thuốc dân gian cũng cắt dần những cơn đau. Thỉnh thoảng, những cơn đau cộm lên một lát, rồi thôi. Người đàn bà tập cho mình thói quen không nghĩ đến chúng nữa.

Nhưng chị không quên được những lời nói của chồng vào buổi trưa hôm nọ. Rồi chị thấy ghét cái việc, dù có làm gì thì cũng phải lật đật chuẩn bị cơm nước và dọn lên mâm lên bát. Chị ghét tiếng nổ lẹt rẹt của chiếc xe máy Trung Quốc vào buổi sáng, sau khi chồng dắt nó ra sân và vào buổi chiều, khi chồng rồ máy cho nó trườn qua tấm ván để lên thềm. Như lúc này đây.

Sau khi dựng xe trên thềm, ông chủ của căn nhà mòn mỏi vì mưa nắng xốc xếch đi vô, thả mình xuống tấm phản và lệnh xuống nhà dưới:

– Lấy cho tao cái khăn!

Kỳ thực, trong suốt mười ba năm chung sống, cảnh này đã diễn đi diễn lại nhiều lần. Dù có những tình tiết ly kỳ ở đoạn giữa, song phần mở đầu và kết thúc thường giống nhau. Người đàn bà chậm chạp quệt dầu cù là xức lên những chỗ bầm trên mặt. Bốn đứa con ngồi thút thít khóc. Còn ông chủ gia đình thì phun nước miếng xuống nền nhà, tiện thể làm văng ra mấu câu chửi thề trước khi nằm xuống phản và ngáy o o.

Như một diễn viên bắt buộc phải lên sân khấu, diễn những tuồng tích cũ rích mà mình ớn tới cổ họng, người đàn bà uể oải đứng dậy, đi lấy cái khăn đã xăm kim vắt trên sợi cước căng bên chái, đem ra ang nước xối rồi đưa cho chồng. Cảnh này làm ông chủ của căn nhà thấy gai mắt:

– Làm cái gì cũng rề rề. Chỉ có đẻ là giỏi.

Người đàn bà lẹt quẹt đi xuống bếp, vừa đi vừa thả lại câu nói để nó bay lên nhà trên:

– Một mình tui, làm sao mà chửa đẻ được?

Câu nói trả treo như cái lò xo bung ra, và người đàn ông đang ngồi trên đó nảy lên, xộc xuống nhà dưới. Ông chủ của gia đình túm chặt tóc vợ trong tay, kê gương mặt đỏ rựng của mình sát vô gương mặt xanh leo lét:

– Con kia, mày mới nói cái gì?

Người đàn bà nhìn vô mắt chồng, đôi mắt đang vằn lên những tia máu. Cảm giác sợ hãi giống như những dòng nước, cứ chảy hoài trong chị cho tới khi đông đặc lại. Bây giờ nỗi sợ đã trơ lì như đá.

– Tui nói một mình tui làm sao mà chửa đẻ được.

Đom đóm. Không biết bao nhiêu là đom đóm chấp chới chung quanh người đàn bà. Cái cây sắp khô ngả nghiêng, kêu răng rắc. Chìm trong trận gió dữ, cái cây vừa đau đớn vừa hả hê. Nó đang ráng tháo bung những sợi dây lùng nhùng quấn chặt nó từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, dù rằng rất có thể, những dây nhợ chằng chịt đó đã giữ để nó khỏi bật gốc trong cơn lốc xoáy. Nhưng giờ nó muốn là chính nó, hát bài hát của nó.

– Tay tui yếu hơn tay ông. Chân tui cũng yếu hơn chân ông. Nhưng tui không sợ ông nữa!

Giữa rất nhiều âm thanh khác, tiếng nói của người đàn bà vang lên mạch lạc, rõ ràng. Máu trong người chị đang sủi bọt.

Không biết bao nhiêu là đom đóm vẫn đang chấp chới bay. Với nỗ lực bằng từng ngày từng tháng của mười ba năm cộng lại, người đàn bà muốn vươn đôi tay khẳng khiu và yếu ớt để chộp lấy những nắm đấm liên tiếp của người đàn ông. Chị muốn túm chặt mái tóc lúc nào cũng hăng hắc mùi mồ hôi, nhìn vào mắt và nói rằng anh ta không phải là ông chủ trong nhà.

Giữa rất nhiều đom đóm đang bay loạn xạ, hình như người đàn bà vừa nhìn thấy con dao mà mình vẫn xắt rau. Chị nghĩ mình hãy rướn tay về phía đó, cầm lấy con dao và rạch một nhát lên da thịt người đàn ông, như bao lần anh ta đã rạch vào chị nỗi đau. Đơn giản là người đàn bà muốn coi thử liệu máu đỏ có chảy ra từ vết rạch đó.

Kỳ lạ chưa. Khi vung tay lên – lần đầu tiên đôi tay yếu ớt vung lên – người đàn bà cảm thấy mình nhẹ hẫng. Chị đang bay lượn trên đôi cánh của chính mình. Cái cây khô đã bứt hết những sợi dây chằng chịt lùng nhùng đeo bám từ hàng nghìn năm nay. Nó muốn rướn những cành khẳng khiu lên, xòe những chiếc lá héo úa ra để đón lấy ánh nắng mặt trời. Nó muốn tự mình hát bài ca giông bão. Song những cành khẳng khiu đã kiệt sức sau nỗ lực cuối cùng.

Người đàn ông bàng hoàng dừng lại. Đôi mắt anh ta lồi ra, đóng chặt vào hình người mỏng tang và dập nát nằm trên nền xi- măng. Bốn đứa con gái run rẩy kiếm tìm một chút hơi thở trên cái hình người đó. Tiếng khóc của chúng như từ một nơi nào đó rất xa vọng lại.

Người đàn bà vẫn đang bay trên đôi cánh tự do. Phía trên kia, trời xanh trong như nước mắt.

Exit mobile version