Tác giả Nguyễn Văn Thiện sinh năm 1975 tại Anh Sơn – Nghệ An. Hiện anh sống và viết tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk. Tác phẩm đã xuất bản: “Nắng trước cửa thiên đường” (tập truyện ngắn, 2012). Truyện ngắn Nguyễn Văn Thiện khiến người đọc chỉ có thể cảm mà khó có thể kể lại được, bởi sức níu giữ bạn đọc vào câu chữ nằm ở chính những miên man của suy tưởng và xúc cảm dồn nén. VanVN.Net trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 4 truyện ngắn mới nhất của anh.

Tác giả Nguyễn Văn Thiện


NƯỚC MẮT MÀU XANH THẪM

Mùa mưa năm đó, buôn Kroa ở vùng Lòng chảo núi Chư Mang bị một căn bệnh rất lạ. Ban đầu, sau một buổi sáng ngủ dậy, Mí Hoa thấy đứa con gái nhỏ mặt xanh lè những nước. Bà chạy sang nhà bên cạnh, gặp ngay chị H’Nguin đang đứng ngơ ngác trước chân cầu thang, bên cạnh, thằng bé vừa ngủ dậy đang khóc ê a, mặt xanh như lá. Hai người đàn bà nhìn nhau, không ai nói trước. Trong mắt họ ẩn chứa nỗi kinh hoàng. H’Nguin lấy khăn ướt lau thật kỹ mặt mũi cho hai đứa trẻ. Nhưng cũng chỉ sạch được một lúc, khi những giọt nước mắt còn sót lại lăn xuống, đôi má hồng hào của chúng lại nhem nhuốc những vệt xanh lè. Thế này là thế nào hỡi Yàng? – Mí Hoa thầm thì rồi dắt con gái về nhà trút quả bầu nước ra rửa mặt cho con.

Những đứa trẻ mắc bệnh này trước, vì chúng thường xuyên khóc. Những bà mẹ K’roa âm thầm giấu kín bệnh của con mình, không ai dám nói ra. Những câu chuyện thì thầm, những ánh mắt sợ hãi. Một nỗi u ám bủa vây vùng Lòng chảo.

Cho đến một ngày, mọi chuyện vỡ ra, không thể giấu. Đấy là khi căn bệnh kỳ lạ đã lan sang người lớn! Hôm đó là ngày cuối tuần, chợ Kroa đông khách. Một đám hàng rong từ phố lặn lội tìm vào bày hàng ra bán. Những mặt hàng lạ: Mấy con thú giả không biết làm bằng thứ gì nhưng chúng lại biết đi, biết hát và biết thổi kèn! Những chiếc dây đeo bằng bạc sáng lấp lánh. Vui nhất là người bán hàng mặt đen như đít nồi không ngớt hò hét mời mọc. Anh ta hát một bài gì đấy bằng tiếng Kinh khiến khách đứng xem xung quanh không nhịn được cười. Lúc đầu còn cười ít, sau dần cười nhiều, rồi cười mãi, không nhịn được. Tiếng cười vốn dễ lây, lập tức lây từ người này sang người khác. Cười mãi, cười chảy nước mắt nước mũi. Người bán hàng thấy khách xúm lại cười nghiêng ngả thì càng hứng chí làm trò. Cho đến khi anh ta nhận ra vấn đề: Hình như những người xung quanh không thể dứt cười được! Họ ôm lấy nhau mà nức nở! Và, quái quỷ thay, gương mặt họ vừa đây còn bình thường, chỉ sau mấy phút bỗng chuyển sang màu xanh lét! Những gương mặt giàn giụa nước xanh lè lẹt ấy lại tiếp tục cười. Gã bán hàng kinh hoảng bỏ luôn cả hàng hoá, hét toáng lên và bỏ chạy như bị ma đuổi, không dám quay đầu lại. Thấy gã bán hàng rong vừa chạy vừa hét, mọi người nhìn nhau, không hiểu là chuyện gì. Người ta đổ xô lại xem. Buôn trưởng kiêm trưởng ban quản lý chợ, Y Wen từ trong phòng quản lý chợ cầm gậy bước ra, lớn tiếng hỏi: Chuyện gì? Chuyện gì? Không ai trả lời. Những người vây quanh gã hàng rong lúc nãy vẫn chưa hết cười. Ha ha, hô hô, hi hi, hức hức… Y Wen nhận ra người quen, toàn là bà con trong buôn cả.

– Mí Hoa, Mí Len, H’Vul nữa… cười cái gì?

Vẫn không ai trả lời. H’Vul thấy buôn trưởng đi ra thì ôm ngay lấy tay, lắc như điên như dại, miệng vẫn không ngớt cười. Y Wen giằng tay ra không được, miệng méo xệch, rồi không hiểu sao, anh ta đứng im, mặc cho H’Vul níu kéo, lay, lắc, và cuối cùng, như có ai ra lệnh, anh ta cũng mở miệng ra và bắt đầu cười lớn. Một lúc sau thì mặt buôn trưởng Y Wen đã xanh như lá. Những người khách đến chợ buôn bán lặng lẽ gom hàng vào bao rời khỏi chợ ngay trong buổi sáng hôm đó. Chỉ một lúc sau, chợ K’roa trở thành một bãi đất trống đầy rác thải, vỏ chai và bát đĩa bể. Trưởng ban quản lý chợ, Y Wen vẫn đứng giữa đám đông bà con Kroa mà không dứt ra để bước đi được. Chỉ đến khi nghe tiếng già làng Ma Noi quát thật lớn: Chuyện chi? Chuyện chi? Về, về… thì anh ta mới hồi tỉnh. Y Wen ngồi sụp xuống đất, nói, bà con dắt nhau về đi, về nhà cả đi… Người khoẻ mạnh trong buôn chạy ra dìu người nhà mình về. Những bóng người vừa đi vừa nghiêng ngả như những bóng ma trong bóng chiều nhập nhoạng. Tiếng cười lọt xuống ngòi nước rồi lan vào trong những vòm lá đen thẫm xào xạc bên đường.

Minh họa: Lê Anh Hoài

Già làng Ma Noi bảo Y Wen triệu tập một buổi họp buôn khẩn cấp ngay tại nhà mình. Lâu lắm rồi, Ma Noi lại phải đứng ra chủ trì một cuộc họp quan trọng của buôn. Đống lửa giữa nhà cháy rần rật, soi sáng mấy chục gương mặt đại diện cho mấy chục nhà có người bị bệnh trong buôn. Đợi cho những người đến sau tìm được chỗ ngồi, già Ma Noi bắt đầu:

– Bớ bà con, lẽ ra, họp buôn là công việc của buôn trưởng Y Wen, nhưng cuộc họp hôm nay rất quan trọng, tui phải đứng ra. Chuyện xảy ra ở Kroa mấy ngày nay, không giấu được nữa, già trẻ ai cũng đã biết, không cần phải nhắc lại. Nhà Mí Hoa, nhà Mí Len, nhà ama H’Juil… đều có người mắc bệnh lạ…- Ma Noi ngừng lời, nhìn lửa nhảy múa trong bếp, rồi lại nói tiếp, giọng nhỏ lại – chưa bao giờ buôn Kroa chúng ta gặp cái bệnh lạ kì thế này. Tui hỏi bà con, mỗi người hãy nói thật bụng của mình, theo các ama, amí ngồi đây, vì sao Kroa lại có ngày hôm nay?

Không ai nói gì, những gương mặt trầm tư. Con chim Tlang lại kêu vút ngang trời thê thiết. Rồi cũng có người lên tiếng, đó là ama H’Juil:

– Già làng hỏi tui là tại sao, tui không biết, bà con ngồi đây, cũng không ai biết. Con gái H’Juil của tui nó hiền lành, khoẻ mạnh, siêng năng vậy mà từ bữa phát bệnh đến nay, nó không dám đi đâu ra khỏi nhà nữa, nó xấu hổ mà…

– Chiều qua, khi ra bến nước tắm giặt, mấy bà gặp nhau, thế là họ lại ôm nhau cười mãi đến tối mịt mới chịu gùi nước về nhà nấu cơm – tiếng ai đó hình như là amí Len nói

– Phải đấy, những người bị bệnh hễ gặp nhau, đứng gần nhau là lại phát cơn cười, không dừng được…

– Từ ngày bị bệnh, vợ tui không nấu cơm được nữa, nó cứ nằm lì trong buồng không chịu bước ra ngoài.

Bà ngoại của thằng Y Kuk lọ mọ bước vào, bà khóc:

– Là cái bệnh khóc ra nước mắt xanh đó, mấy đứa cháu tui bị lâu rồi, thằng Y Kuk, thằng Y Siên, con H’Mary nữa, chúng nó đều bị bệnh, nhưng tui không dám nói…

Mấy chục cái miệng im lặng. Không ai nỡ trách bà già đau khổ. Ma Noi hỏi lại:

– Lâu rồi là từ khi nào?

– Từ dạo con H’Nhi bỏ buôn làng ra phố cơ… Khi đó, cả mấy đứa đều khóc, mặt chúng xanh như lá…

Tất cả lại im lặng. Tiếng nức nở của bà lão lọt xuống kẽ sàn, tan vào bóng tối. Cuối cùng, Ma Noi phải cất tiếng:

– Không phải tại ai cả, Yàng phạt Kroa đó mà…

“Yàng phạt!” – Mọi người đều đã nghĩ đến việc này, nhưng không ai dám nói ra, chỉ đến khi câu nói phát ra từ chính miệng già làng, thì trong mấy chục cái đầu ấy như vừa có một ánh chớp loé lên thiêu rụi những hi vọng mỏng manh như ngọn lửa thiêu sợi tóc. Ma Noi cũng không biết vì sao mình lại thốt ra những lời đó. Lời nói từ miệng già làng có một sức mạnh ghê gớm, nó có thể làm cho con trâu khoẻ mạnh đổ sụp xuống, huống chi là những con người Kroa yếu đuối, mong manh. Già nói tiếp, rất nhanh, như muốn lấp đi những tiếng vừa phát ra:

– Nhưng, quan trọng là chúng ta phải tìm cách chữa…

Phía dưới nhao nhao:

– Chữa bằng gì? Thuốc à? Hay chữa bằng bùa chú như ngày xưa…

– Mời thầy thuốc ngoài phố về ư? Thuốc ngoài phố có chữa được bệnh Yàng phạt không?

– Hay là đi mời thầy cúng bên M’tha?

Buôn trưởng Y Wen đứng lên dứt khoát:

– Không được mời thầy cúng nữa, không mê tín dị đoan nữa, cán bộ xã huyện đều bảo thế rồi. Phải mời thầy thuốc thôi!

Già làng Ma Noi im lặng. Mọi người cũng im lặng. Núi Chư Mang cũng im lặng như thể có một cơn bão sắp sửa tràn qua.

Hôm sau, đoàn bác sĩ từ ngoài phố kéo vào Kroa. Chiếc xe trắng toát đỗ ngay giữa sân chợ trống trơn. Từ trong đó bước ra những người trắng toát từ đầu đến chân. Trước hết, họ đến nhà Y Đoan. Bà mẹ già thấy người lạ vào thì lặng lẽ xuống thang đi tìm thằng cháu Y Kuk. Bác sĩ bảo: Mẹ ơi, nhà mình ai bị bệnh, đâu rồi? Buôn trưởng Y Wen nói: Aduôn đi kiếm thằng Y Kuk về chữa bệnh! Bà cụ đi tìm khắp nhưng không thấy cháu. Đoàn bác sĩ sang nhà Mí Hoa. Mí Hoa nghe nói có bác sĩ về liền vạch bụi cây sau vườn trốn. Chị ngồi im trong đó hết cả buổi chiều vì sợ bác sĩ. H’Juil đang ngủ trong buồng thì nghe tên có bác sĩ về chữa bệnh. Chị ta hoảng hồn định bỏ trốn nhưng không kịp. Bác sĩ đã vào đến sàn ngoài. H’Juil miễn cưỡng bước ra. Bác sĩ đàn ông hỏi:

– Cháu bị thế này lâu chưa?

– Mới

– Chính xác là từ khi nào?

– Tuần trăng trước

– Khi bệnh phát cháu cảm thấy thế nào?

– Không thế nào cả, buồn cười thì cười, cười thì chảy nước mắt…

Y Wen nhắc:

–  Em nói đúng, nói rõ để bác sĩ tìm cách chữa đó mà.

Bác sĩ hỏi tiếp:

– Còn cái ăn, cái ngủ, sinh hoạt thì thế nào, có bình thường không?

– Bình thường

– Bình thường là sao?

– Là vẫn có ăn có ngủ có sinh hoạt…

Hỏi một hồi, trả lời một hồi, rồi mấy người ngồi quanh mở bút giấy ra ghi chép. Già Ma Noi chăm chú theo dõi bác sĩ chữa bệnh, vẫn không tài nào hiểu được họ hỏi như thế thì làm sao hết bệnh. Ông đánh liều lên tiếng:

– Thưa bác sĩ, hỏi và trả lời thì liệu có hết bệnh được không?

Tất cả các bác sĩ đều cười ồ khiến già lúng túng thật sự. Một bác sĩ giải thích:

– Còn phải khám, phải lấy mẫu máu, xét nghiệm nữa chứ!

– Thì tôi cứ hỏi thế!

Khi bác sĩ chích kim tiêm vào tay thì H’Juil khóc thét lên, nước mắt nó bắn ra như vắt chanh, dính loang lổ vào bộ áo trắng trước mặt. Một bác sĩ khác ghé chiếc ống nhỏ bằng ngón tay vào má H’Juil để hứng nước mắt nhưng không tài nào hứng được, đành thôi.

Sau đó, đoàn bác sĩ còn dạo quanh buôn một vòng, xuống tận ngòi nước, nhìn nhìn ngó ngó chán chê rồi mới trèo lên xe quay về. Khi chiếc xe khuất hẳn sau vạt cỏ dại bên đường rồi mọi người mới thấy Mí Hoa trong bụi cây sau vườn chui ra. Y Wen quát:

– Bác sĩ đến khám sao mí trốn?

– Tui có biết tại sao thì nói làm gì. Tui chỉ thấy sờ sợ thôi mà – Rồi cầm tay H’Juil, hỏi – Thế nào, bác sĩ bắt được bệnh trong người ra chưa?

Thấy có người cầm tay mình, H’Juil giật thót quay lại, thấy Mí Hoa, nó ôm chặt lấy. Hai người ôm lấy nhau. Mí Len, H’Bia rồi H’Yao nữa, không biết chui từ       trong bụi cây nào ra, chạy đến ôm lấy nhau, khóc rưng rức… Họ cứ ôm lấy cánh tay của nhau mà lắc mà giật. Già Ma Noi thấy vậy tất tả chạy theo chiếc xe trắng của các bác sĩ gọi lớn:

– Có nước mắt, có nước mắt rồi bác sĩ à…

Nhưng chiếc xe đã chạy khá xa nên không ai còn nghe được. Tiếng kêu tuyệt vọng của già làng lẫn vào đám bụi đỏ bốc lên mù mịt mà động cơ của chiếc xe vừa tạo ra và sau đó bị gió thổi bạt đi về bên kia núi…

Sau đó là nhưng ngày đợi chờ mòn mỏi. Mọi người đều hướng đôi tai mình về phía con đường dẫn vào buôn để chờ đợi tiếng động cơ của chiếc xe màu trắng. Mỗi lần nghe tiếng động cơ ì ầm vọng vào là mấy trăm lồng ngực đều dội lên nỗi lo lắng xen niềm hi vọng thấp thỏm. Nhưng rồi chiếc xe trắng chở các thầy thuốc màu trắng xa lạ đã không còn ghé lại Kroa lần nào nữa trong suốt mùa nắng năm đó. Nóng ruột, Ma Noi giục Y Wen ra xã hỏi. Y Wen đi về, cầm theo một tờ giấy, đứng ngay đầu buôn, dưới gốc Kơnia, đọc cho Ma Noi nghe: “Trung tâm y tế huyện… kính gửi xã… sau khi lấy mẫu phẩm… chúng tôi tiếp tục nghiên cứu… đề nghị bà con theo dõi, báo cáo…”. Nghe xong, Ma Noi nắm lấy cổ áo Y Wen quát lớn:

– Vậy là sao? Mày có hiểu nó nói gì không?

Y Wen tái mặt, lắp bắp:

– Tui cũng như già, nó nói vậy thì biết vậy, hiểu hiểu…

Ma Noi đờ đẫn buông tay ra, nói như người mất hồn:

– Thôi, ta về đi con!

Hai chiếc bóng lủi thủi đi về phía ngòi nước, phút chốc đã chìm khuất vào bóng núi Chư Mang đen thẫm.

Rồi qua những mùa nắng. Rồi qua những mùa mưa. Căn bệnh lạ ở Chư Mang bây giờ không còn lạ nữa. Người già, trẻ con đã quen với nước mắt màu xanh. Có điều, càng ngày, người Kroa càng ít khóc, và chính họ cũng không hiểu vì sao. Cũng không ai còn để ý, đã từ lâu, trên núi Chư Mang, cây rừng đã không còn màu xanh như cũ mà ngả sang màu đỏ thẫm, hoang liêu.

Minh họa: Lê Anh Hoài

LỖ ĐẤT

Tổ tiên người Êđê, người M’nông ở Tây Nguyên kể lại rằng, họ chui lên trần gian qua Lỗ Đất…

Chúng tôi ngủ vùi trong sương trắng. Cả cánh rừng đầy sương. Mẹ đã chọn con đường này để đi về vùng Lỗ Đất. Tôi đã lớn lên trên lưng mẹ, ngủ vùi trên lưng mẹ. Vùng Lỗ Đất là quê hương mình, mẹ bảo thế trong khi chân vẫn bước. Rừng đầy chông gai. Bên cạnh rừng là những vạt đồi đất đỏ màu mỡ. Chị tôi bảo: “Mẹ ơi, dừng lại thôi!” Mẹ bảo, không được, chưa về đến nhà mà. Tôi ngây thơ nghĩ, có khi, về đến nhà thì mẹ trẻ ra, chúng tôi thì lập tức lớn lên.

Nhưng quê nhà xa quá. Mẹ dường như kiệt sức. Bước chân bị gai rừng đâm, chảy máu. Bàn tay bị lá rừng xát, chảy máu. Máu của mẹ vương vãi đâu đó dọc suốt đường về. Chị níu váy mẹ, bước theo sau. Bao nhiêu mùa trăng đã đi qua trên cánh rừng này, chúng tôi không nhớ. Chị vẫn lớn lên dọc đường đi. Mỗi lần từ trên lưng mẹ ngoái lại phía sau, tôi lại thấy chị cao hơn một chút, tóc dài hơn một chút.

Mỗi lần dừng nghỉ chân trên một vạt đất trống nào đó cạnh đường đi để nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm củ rừng, rau rừng lót dạ, mẹ lại dặn chị: Phải đi sát lưng mẹ kẻo lạc, nghe chưa! Chị ngồi nhóm lửa bằng bùi nhùi, không trả lời. Còn tôi, khi chập chững, có lúc chạy lăng xăng quanh chị. Mẹ đào củ, kiếm rau. Rừng nuôi chúng tôi lớn lên. Khi tôi biết chạy bằng hai chân, tôi nói với mẹ: Cho con xuống đi với chị! Mẹ đồng ý. Hai chị em như hai con chó vững tin, nhanh nhẹn bước sau mẹ, đi tìm quê nhà: Lỗ Đất.

Một bữa, khi ngồi nghỉ ở bãi đất trống cạnh đường, chị nói nhỏ với mẹ: Mẹ ơi, chân con cũng có máu. Rồi chị vén váy chỉ dấu máu khô giữa hai đùi, nâu màu thổ cẩm. Mẹ nói: Con gái ta lớn rồi. Chúng tôi không có bạn mặc dù chúng tôi từng đi qua những vùng đất có rất nhiều người, họ chơi với nhau rất vui. Những đứa con trai nghịch ngợm, những đứa con gái dễ thương.

Còn chúng tôi thì trơ trọi. Tất cả mọi thắc mắc đều hỏi mẹ. Mẹ ơi, sao chúng ta phải đi tìm Lỗ Đất? Mẹ ơi, sao chúng ta không sống bình thường như mọi người? Mẹ ơi, bao giờ thì về được tới quê cũ?… Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nêu những thắc mắc ấy với mẹ. Lúc đầu mẹ còn giảng giải, càng về sau, lời giải thích càng thưa dần. Sau nữa, mẹ im lặng. Những câu hỏi của chúng tôi không có câu trả lời.

Một bữa, khi ngồi nghỉ bên cạnh một con sông. Tôi nói với mẹ: Mẹ ơi, nước đái của con khác hôm qua, nó không trong nữa mà trắng đục. Mẹ không thèm quay mặt nhìn, nói: Con ta đã lớn! Mẹ nhìn dòng nước sông hung hãn, thở dài: Các con tôi đã lớn, vậy mà vẫn chưa về đến quê nhà… Tôi cáu lên: Làm sao mà cứ phải quê nhà, quê nhà! Sao không tìm một bãi đất nào đó dựng nhà trồng cây để ở, làm sao cứ phải đi mãi thế? Mẹ không giận, chỉ nói: Chúng ta thuộc về Lỗ Đất, đó là nơi tổ tiên ta khởi phát.

Tôi không nói thêm, trong ruột gan thấy hơi giận ngùn ngụt. Tôi giận tổ tiên tôi. Tôi giận luôn cả cái Lỗ Đất xa xôi chưa hề biết mặt mũi thế nào đã đày đọa chúng tôi trên con đường hành hương hun hút. Tôi nhìn chị, chị đang thổi phù phù vào bếp lửa. Có lẽ tâm trạng chị cũng giống tôi. Mắt chị màu đen, rất đẹp, giống mẹ. Hình như tôi cũng giống mẹ. Chúng tôi không có cha, mẹ từng giải thích như vậy khi tôi thắc mắc.

Một buổi chiều núi dày đặc sương, mẹ chỉ tay về bên kia núi: Bên kia là vùng Lỗ Đất, là quê nhà. Tôi nhìn theo tay mẹ chỉ, qua một dòng suối, qua một vạt rừng là mỏm núi cao mờ mịt sương chiều. Chúng tôi lội qua suối, đi về Lỗ Đất. Càng đi, chúng tôi càng chìm khuất trong thăm thẳm. Mẹ đi trước, chị nhìn lưng áo mẹ để theo, tôi níu lấy tay chị. Không còn thấy mặt nhau nữa, vẫn đi.

Cho đến lúc mẹ dừng lại, nói: Thôi, mẹ không thể bước nổi nữa rồi, Lỗ Đất ở trước mặt không bao xa nhưng mẹ đã mệt quá. Chúng tôi dừng lại bên đường. Chị lấy bùi nhùi đánh lửa. Sương ướt tay, ướt bùi nhùi, đánh mãi không cháy. Bàn tay tôi cầm tay mẹ, lạnh cóng, nhăn nheo.

Rồi lửa cũng bùng lên, chúng tôi chụm lại sưởi ấm. Tôi nhặt những nhành cây bên cạnh bỏ vào bếp nuôi lửa. Nhưng lửa chỉ đủ soi sáng một vạt đất nhỏ. Chúng tôi đã lạc vào vùng sương mù. Mẹ nói: Sương dày quá, không làm sao kiếm thức ăn được. Lúc này, bụng tôi đã sôi lên vì đói. Bụng chị cũng sôi lên vì đói.

Chị đứng dậy, bước vào màn sương, mất hút, chỉ còn văng vẳng câu nói: Không lẽ chịu chết ở đây, phải tìm xem có cái gì ăn không đã. Tôi và mẹ ngồi đợi, đợi mãi đến tàn đống củi, vẫn không thấy chị trở lại. Mẹ vừa gọi chị, vừa khóc. Tiếng khóc của mẹ khiến tôi quên mình đang đói. Tôi đứng dậy, bước đi tìm chị. Mắt tôi căng lên tìm kiếm. Sương càng lúc càng trắng hơn, dày hơn. Có lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết.

Nhưng chúng tôi không chết, chỉ có một thay đổi: thân thể chúng tôi trở nên trong suốt, không màu, nhìn xa có thể nhầm với một đụn khói hay một đám sương. Tôi nói với mẹ điều kỳ lạ ấy, mẹ bảo, thế là mẹ con mình đã về đến quê hương! Giọng mừng rỡ, mẹ thốt lên: Cuối cùng, chúng ta cũng đã quay về!

Từ phút ấy, tôi không nhìn thấy mẹ nữa, chị thì đã biến mất từ lâu. Bây giờ chỉ còn lại tôi trong sương khói cố hương. Tôi không còn thấy đói, người nhẹ lâng lâng. Những gian khổ trên đường về phút chốc tan vèo trong trí nhớ.

Quanh tôi, những làn khói trắng khói xanh uốn lượn nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, chị sẽ là làn khói xanh, mẹ sẽ là làn sương trắng, những họ hàng thân thích của tôi là những ngọn khói màu lam tuyệt đẹp. Trong thoang thoảng mùi hương thảo nguyên mùa gieo hạt, tôi nghe tiếng ai đó đang cất lên điệu ayray quen thuộc và tiếng đàn đingnăm réo rắt…

Tôi bay theo câu hát, lang thang đi tìm chị, tìm mẹ.

Minh họa: Lê Anh Hoài

NGỰA HOANG

Tôi vẽ một con ngựa và thả cho nó lên núi chơi. Trước khi đi, ngựa quay lại dặn tôi: Khi nào nghe tiếng hí từ trên ngọn núi phía tây thì bạn…! Tôi quất roi vào mông, ngựa ta lồng lên, phi thẳng.

Trên núi có một chiếc thang, trên chiếc thang có một vầng trăng. Vầng trăng như chiếc gương bằng vàng. Tôi nhìn vào gương, thấy bạn mình đang thong thả gặm cỏ. Mắt ngựa rất buồn vì trên ấy không có bạn.

Chắc chắn thế rồi. Tôi muốn vẽ thêm một nàng ngựa trắng để cho nó lên núi chơi nhưng rồi lại nghĩ: Biết đâu, cô đơn lại là trạng thái tốt nhất đối với loài ngựa. Tôi bình thản ngủ một giấc thật dài cho đến cuối mùa đông.

Thức giấc, tôi vẫn thấy vầng trăng bằng vàng trên chiếc thang bằng bạc, nhưng bạn tôi đã không còn trên ấy nữa. Trong chiếc gương, chỉ còn lại một con mắt buồn chưa khép lại. Bây giờ thì ngày nào tôi cũng lắng tai để nghe một tiếng hí dài, lắng tai nghe mãi…

Khi thảo nguyên trở mình cựa quậy, trời đất sắp sửa sang xuân, ruột gan như có ai đốt lửa. Hoàn toàn mất trọng lượng, tôi trở thành một quả bóng bay màu đỏ lặng lẽ lên đường đi tìm bạn. Tôi gọi giữa mênh mông dã quỳ, mênh mông lau lách: Bạn ơi, bạn đang ở đâu!

??? Có những buổi trưa lau lách bạc đầu níu tôi lại hỏi: Bạn của bạn là ai? hình dáng thế nào để chúng tôi tìm giúp? Tôi vẽ lên bàn tay một con mắt buồn không khép và nói: Bạn tôi lạc giữa thảo nguyên từ lâu lắm… Lau lách lắc đầu cười và buông tay để tôi đi tiếp. Suối hát một bài hát vui vẻ động viên, mây lượn một vũ điệu vui vẻ động viên, và tôi lại lên đường…

??? Có những đêm rừng cổ thụ ngàn năm níu tôi lại hỏi: Bạn của bạn là ai để chúng tôi tìm giúp? Tôi vẽ lên bàn tay một vầng trăng bằng vàng trên một chiếc thang bằng bạc và nói… Cổ thụ cười lắc đầu cười và buông tay để tôi đi tiếp. Tôi lại lên đường, thảo nguyên mênh mông…

Cho đến một hôm, tôi dừng chân bên suối. Dòng suối ấy tên gì không biết nhưng nước rất trong và rất nhiều đá cuội, trắng phau. Tôi ngồi bên một tảng đá và chờ đợi.

Suối mơ màng như một thiếu nữ dạo chơi giữa bạt ngàn hoa dại. Tôi hỏi đùa: Thiếu nữ có thấy một chàng trai…? Thiếu nữ mỉm cười thẹn thùng. Đúng lúc đó, tôi thấy trong tay cô gái, à không, dưới lòng suối, trên lớp đá cuội trắng phau một con mắt còn lại của tôi, à không, của bạn tôi: ngựa hoang. Đôi mắt ấy, không thể lẫn vào đâu được, đang mải mê nhìn thảo nguyên, chưa bao giờ khép lại. Tôi xòe bàn tay ra, con mắt giữa lòng bàn tay nhấp nháy vui mừng. Hai con mắt xích lại gần nhau, và bạn tôi hiện ra, tung vó… Suối cất lên một tràng cười lanh lảnh đầy giễu cợt và chảy đi xa hút giữa mênh mông.

Tôi đuổi theo, khản giọng gọi. Tiếng gọi bị gió thổi bạt đi, chìm giữa mông lung đại ngàn. Tôi đã tìm được con mắt còn lại, đã ở rất gần, thế mà! Tim như có ai bóp chặt, tôi lồng lên, chạy đuổi theo. Tay tôi mọc cánh, chân co rút lại, tôi bay lên. Đồng tử thu nhỏ lại, long lanh như mắt chim ưng, tôi lượn vòng trên bầu trời hoang hoải, tìm bạn.

Mỏi mệt trong điên loạn gió ngàn, tôi hạ cánh nghỉ ngơi trên chiếc thang bằng bạc. Và cơn mưa đổ xuống rất nhanh, xóa hết mọi dấu vết. Lạnh, và mỏi mệt. Tôi không còn đủ sức cất tiếng gọi nữa. Con chim ưng đậu trên thang, đầu cúi xuống, buồn bã. Tiếng cồng chiêng không biết từ buôn làng xa xôi nào đã cất lên thao thiết. Biết đến bao giờ… bạn của tôi!

Đột nhiên, trong gió núi mưa ngàn, tôi nghe thấy một tiếng hí dài. Rồi mưa tạnh, gió ngừng. Vầng trăng từ từ nhô lên sau dãy núi lô xô, chiếu những luồng sáng sắc lạnh. Thảo nguyên trông rõ như ban ngày. Dòng suối ban sáng nhí nhảnh reo vui bây giờ lặng lẽ đi như một dòng ánh sáng vô hồn.

Từ trên chiếc thang nhìn xuống, tôi nhận ra vô vàn con mắt đang trôi. Những chiếc mắt như lá, như sao, như cỏ dại bồng bềnh, lờ lững, thong thả đi trong dòng ánh sáng dưới chân. Tôi sấp ngửa chạy theo, thò hẳn bàn tay xuống vớt lên từng ánh mắt.

Đâu là con mắt buồn không khép của ngựa hoang? Đâu là ánh nhìn chim ưng rút ruột rút gan của tôi? Đâu nữa chiếc mắt lá mùa thu một mí mà tôi từng gặp trên đường đi tìm bạn? Tôi chạy dọc dòng ánh sáng vớt lên rồi thả xuống rồi lại vớt, nhưng không hề nhận ra đâu là con mắt của mình, đâu là mắt của bạn, ngựa hoang ơi…

Thất vọng tràn trề, tôi buông mình xuống suối. Nước lạnh như dao, như ánh sáng cuốn tôi đi. Tôi vừa đi vừa trôi, lúc chìm lúc nổi, qua không biết bao nhiêu là núi non, bao nhiêu là cỏ dại. Những con mắt trôi bên cạnh tôi, chúng nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối. Có những câu thơ vỡ vụn trên môi người đọc, một chiếc mắt thì thầm.

Những thân cây xù xì nhưng bên trong chứa trầm thơm ngát, mắt trôi bên cạnh tiếp lời. Một mắt khác nổi hẳn trên mặt nước, khóe rạn nếp chân chim, thâm trầm: Còn có bao nhiêu người đi lạc, chưa tìm thấy lối về trong dịp mùa xuân! Một mắt khác màu xanh ngọc bích nheo cười: Cuối cùng chúng ta cùng đi về một hướng… Cứ thế, câu chuyện nối tiếp nhau, bất tận.

Trên trời cao, trăng vẫn sáng, thứ ánh sáng chói lóa, mù lòa. Tôi quẫy mạnh ngoi lên mặt nước. Dọc hai bên bờ suối, có tiếng bước chân người. Họ cũng đang đi, lúc khoan thai, khi vội vàng, khi dò dẫm. Thỉnh thoảng lại có người quờ tay xuống suối tìm đôi mắt của mình.

Trong đoàn người vô tận ấy, tôi thoáng thấy tôi, và cả bạn tôi, ngựa hoang, và những người thân của tôi nữa, không có mắt trên trán, vẫn bước đi theo một hàng dài, đi về bên kia núi. Hai bên đường, dã quỳ tỏa hương thơm ngát.

Mùa xuân.

CHƠI TRÒ ĐỒNG XANH

Một đứa trẻ trong bọn nói với tôi, chơi trò đồng xanh nhé! Tôi hỏi, đó là trò gì? Đó là trò chơi. Nhưng chơi như thế nào? Cứ chơi đi rồi biết. Ừ, cứ thử chơi với chúng nó xem sao.

Tôi muốn chơi với chúng nó, vì tôi không biết chơi với ai. Tôi đi lạc giữa cánh đồng này đã khá lâu. Đồng rộng quá, đúng vậy, nhưng hơi khô tàn, có lẽ vì không phải lúc mùa màng.

Tôi muốn chơi nhưng chưa biết chơi kiểu gì, tôi ngồi trên một đống cát, đợi xem chúng chơi thế nào đã, nhưng, thật kỳ quặc, lũ trẻ đó, cũng như tôi, chúng ngồi trên những đống cát cạnh nhau, có đứa ngồi xa hơn, trong những bụi cây. Mặt chúng buồn thiu, hẳn nhiên. Chúng dõi mắt về phía xa xăm, nơi dòng sông đổ ra biển. Một đứa nói: “Cha tao chết lâu rồi, hồi quân giặc kéo vào cướp đảo, máu g ntao chảy đỏ nước, trai ăn được…” Đứa nữa ngồi bên cạnh cắt ngang: “Tao biết rồi, trai ăn được, ngọc càng sáng…” “Không phải, ai nói với mày như thế?” “Cô giáo dạy văn” – thằng kia trả lời, giọng tự tin. “Khốn nạn! – thằng kia vừa khóc vừa nói – làm gì có ngọc trai, chỉ có đạn thôi, rất nhiều viên đạn, vàng chóe”.

Im lặng bao trùm lên những đụn cát trên đồng. Có tiếng con chim vịt kêu hoặc là tiếng ai đó gọi vịt cũng không rõ. Tiếng chiều đổ xuống âm u. Thằng ngồi trong bụi cây thở dài nói ra: “Mẹ tao lại đi tìm tao rồi”. “Mẹ mày đi xuất khẩu lao động rồi cơ mà?” “Nhưng tao nghe tiếng mẹ gọi”. “Thì mày chạy ù về nhà xem sao, không khéo gặp mẹ mày cũng nên…”  Lại im lặng, chắc thằng nhỏ kia đang nhớ mẹ nó.

Tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem chúng đang chơi trò gì. Thằng nhỏ lúc nãy rủ tôi chơi cùng bây giờ ngồi im như tượng, chắc hẳn nó quên bẵng sự có mặt của tôi rồi. Bỗng một đứa hỏi: “Những gã khổng lồ ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ?” “Chắc chúng gần chết” – một đứa khác nói. Tôi đoán chừng chúng nó đang nói về một nhân vật trong truyện tranh hoặc hoạt hình. Tiếng đứa ngồi xa nhất thở dài: “Chúng nó ác lắm!”…

Bóng tối đã đổ ập xuống cánh đồng. Ngoài xa, tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ sông. Hình như có cả tiếng đất lở. Có lẽ, đêm nay, tôi sẽ nằm ngủ ở đây, ngay trên đụn cát trắng này. Cả mấy thằng nhỏ kia có lẽ cũng thế, chúng vẫn ngồi nói chuyện với nhau về những gã khổng lồ nào đó, rằng bọn đó rất tham ăn, rằng bọn đó sắp chết nên càng hung dữ. Tôi sốt ruột quá, đánh bạo lên tiếng: “Các bạn chơi trò gì vậy?” Một loạt tiếng đáp, chứng tỏ bọn chúng vẫn biết là có tôi ngồi ở đây, bên cạnh chúng: “Trò đồng xanh, đã bảo rồi mà”. Tôi không chịu được nữa, hét toáng: “Trò đồng xanh là trò quái gì, tao có thấy tụi mày chơi gì đâu, tụi mày ngồi than thở như những bóng ma chết trẻ, thế mà chơi à?”

Tiếng đứa nào đó cười rất nhỏ, nghe lạnh người. Một đứa nói: “Thì chơi trò bóng ma cũng thế”. “Luật chơi thế nào?”- tôi hỏi. “Mày kể về mày đi”- một đứa nói. A, có lẽ, đây là trò kể chuyện, có thể lắm, trò này thì tôi biết, ở trường học, tôi vẫn thường được điểm cao, kể thì kể. Tôi bắt đầu: “Tớ là một búp măng non, khi mới ra đời…” Một đứa cười ngất, nói: “Tớ cũng thế”. Tôi hào hứng, bịa tiếp: “Bây giờ, tớ làm cây xanh giữa đồng, tỏa bóng mát…” “Tớ biết mà, tỏa bóng mát cho đời” – một đứa nói. Tôi cãi: “Không phải đâu, tỏa bóng mát trên đụn cát…” Tôi cố tình nói ngược như thế thôi. Xưa nay, những người lớn xung quanh đều bắt tôi nói xuôi, thầy cô hay bố mẹ tôi đều thế, nhất định không được nói ngược lại: Đất nước đẹp vô cùng, biển mênh mông tôm cá, những dòng sông chở nặng phù sa…Bây giờ chơi trò đồng xanh với bọn trẻ này, tôi thử nói ngược xem sao. Tôi kể: Đất nước tan hoang, biển đỏ ngầu màu máu, những dòng sông vừa trôi vừa chết… Bọn chúng ngồi nghe, suy tư, vài đứa gật gù. Xem chừng chúng nó cũng thích những câu chuyện ngược như thế.

Thế là tôi đã chơi được cùng với bọn chúng. Vậy cũng tốt, có người chơi cùng, đỡ buồn. Có điều, những đứa trẻ này thật kỳ, có khi chúng im lặng, có khi, cả mấy cái miệng cùng nói, không ai nhường ai, không ai nghe ai. Tiếng của chúng rì rào rì rào như những con sóng. Chúng không thắc mắc, cũng không gạn hỏi về câu chuyện tôi kể. Tất nhiên, những chuyện đó tôi bịa ra tuốt, ai dại gì mà kể thật về mình cho một bọn lạ hoắc nghe! Tôi giấu biệt chuyện tôi đang đi lạc, đang rất hoang mang giữa đồng hoang.

Đêm đã nhuộm đen những đụn cát trắng. Ánh trăng mờ từ rất xa rọi xuống. Chợt một đứa cao giọng: “Làm sao tìm được đường về nhỉ?” “Về đâu nữa, ở lại đây thôi, đêm tối đen thế mà!” Ồ, hóa ra chúng nó cũng đi lạc như tôi! Lòng tôi chợt ấm lại một chút, không phải chỉ có mình tôi đi lạc. Đứa ngồi xa nhất lại cất tiếng: “Những gã khổng lồ đã lừa chúng mình”. Tôi mạnh dạn góp chuyện: “Không phải đâu, chúng mình tự đi lạc đấy chứ!” Mấy đứa kia đồng thanh: “Không phải, mày là thằng hèn nhát, mày sợ!” Tôi im, không dám cãi bởi vì nghe tiếng nói tôi biết bọn kia giận tôi lắm. Chúng nó mà vây tôi lại ở đây, giữa chốn đồng không mông quạnh này, tẩn cho một trận thì nguy! Mà biết đâu đấy, bọn kia nói đúng cũng nên, tôi là thằng hèn nhát. Tôi không dám nói ra những điều tôi nghĩ, tôi không dám kể thật với chúng nó rằng tôi bị lạc đường, rằng tôi đang rất sợ, đến nỗi có lúc són đái ra quần.

Bọn kia, tuy không nói ra, nhưng hình như chúng biết rõ về tôi. Như vậy thì nguy cho tôi quá! Xung quanh, bóng tối càng dày đặc, tiếng con cá quẫy nước từ rất xa vọng đến. Tôi muốn khóc: “Có ai giúp tôi với!” “Có một người giúp được mày nhưng ông ta đã chết rồi” – một đứa khẳng định. “Có những người chết rất khỏe, nhưng cũng có những người sống rất dai” – đứa khác nói. Tôi nghĩ, thật là điên rồ, những đứa trẻ lại nghĩ về các kiểu chết. Tôi thì vẫn mong sống hơn, nhưng, sống mà đi lạc mãi trên cánh đồng u ám này thì cũng chán. Tôi nghĩ, bọn kia nói đúng, nếu cha tôi còn sống, ông sẽ đi tìm tôi, chắc chắn thế. Ông sẽ ru tôi bằng giọng hát buồn buồn. Tôi nhớ đến bài hát cũ và cảm thấy buồn ngủ. Tôi gục đầu xuống hai đầu gối. Gió khe khẽ đi qua trên tóc. Tôi ngủ thật, mặc kệ bọn trẻ xung quanh.

Tôi mơ hồ nghe tiếng mẹ gọi vẳng qua trong gió. Tiếng gọi phát ra chừng như đã lâu lắm rồi, tưởng chừng âm thanh đã mốc meo rồi, bị gió thổi bạt đi. Hình như có những bước chân rầm rập đâu đó. Những ngọn đuốc chập chờn như ma trơi. Tiếng ai đó nghe rất quen: “Trồng cây lên, cây gì cũng được, trồng thật nhanh, thật nhiều!” “Cánh đồng này rồi đây sẽ mọc lên một lâu đài hoành tráng, thật mọi rợ”. Hình như mẹ tôi cùng đi trong đoàn người đó, tiếng bước chân rất quen. Tôi bừng mở mắt, những đứa trẻ ngồi trên những đụn cát quanh tôi không biết có còn ngồi đấy hay đã bỏ đi. Bóng đêm dày đặc, tôi không nhìn thấy gì hết…

Cứ thế, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu đêm trên cánh đồng này. Những đứa trẻ ngồi trên đụn cát có nhiều khi vụt biến thành những con chuột bạch xinh xinh ngơ ngác, loay hoay đào bới trong yên lặng. Lâu lắm mới nghe một đứa cất tiếng chíu chít, chúng vẫn tiếp tục chơi trò đồng xanh lạ lùng, bỏ mặc tôi ngồi một mình. Cách không xa chỗ tôi ngồi, có nhiều người đang làm việc. Họ mải miết khuân vác gạch đá để xây dựng công trình. Có lẽ đó là cái lâu đài hoành tráng mà ai đó đã nhắc đến lần trước trong giấc ngủ chập chờn của tôi. Lâu đài để làm gì tôi không biết rõ, lũ trẻ kia chắc biết hơn tôi. Vì thế, khi đã biến thành những con chuột tí hon, chúng vẫn tỏ ra ý thức rất rõ. Một đứa nói: “Khoét hết đất dưới chân, nó sẽ đổ!” “Để nó tự đổ thì phải lâu lắm, có khi cả đời người!” – đứa khác phụ họa.

Thế là những con chuột trắng đáng yêu ấy lặng lẽ bò về phía chân lâu đài và bắt đầu khoét đất dưới móng. Chúng cần mẫn làm việc. Tôi lại ngồi một mình. Tôi hỏi chúng: “Các bạn lại chơi trò đồng xanh đấy à?” “Chúng tớ đang tìm đường về nhà” – một con chuột nói. “Nhà chúng tớ dưới chân khối đá khổng lồ này, ở dưới đó có một con đường dẫn về nhà” – một con khác tiếp. Tôi hỏi: “Thế có ai biết đường về nhà tớ không?” “Cũng ở dưới đó! Khi nào khối đá này đổ xuống, bạn sẽ tìm được đường về nhà” – một lời đáp.

Tôi nghĩ, có lẽ những đứa trẻ kia bày trò chọc tôi cũng nên. Làm gì có một con đường nằm sâu dưới đất như thế. Đường về nhà tôi, rộng lắm, lại trải dài, có cây che bóng mát và hoa thơm quả ngọt. Những ngày tháng tuổi thơ tôi đã đi trên đó hàng trăm lần, chỉ có điều, bây giờ tôi không còn nhớ. Rất có thể, một ngày nắng đẹp nào đó tôi sẽ tìm ra hướng đi để vượt qua cánh đồng này để về nhà. Tôi thấp thỏm hi vọng. Trong khi, những đứa trẻ – chuột bạch kia vẫn không ngừng đào bới. Một đứa nhìn tôi thương hại: “Cứ ngồi một chỗ thế làm sao tìm được đường về!” Một đứa bực bội nói: “Mày phải làm gì đi chứ!” Tôi đề nghị: “Chơi trò đồng xanh đi!” Tất cả bọn nó đồng loạt cười chế giễu tôi, phô ra ngoài những chiếc răng chuột dễ ghét: “Trò đồng xanh xưa lắm rồi, không ai chơi nữa đâu!” Chúng nói thế và bò đi trong bóng đêm, đến dưới chân lâu đài để tiếp tục công việc còn dang dở. Những vì sao trên trời nhấp nháy soi lối cho chúng làm việc.

Còn lại một mình, tôi lại gục đầu lên hai đầu gối để ngủ. Biết đâu đấy, đêm nay, trong giấc mơ, tôi sẽ nghe được tiếng ru của cha hay tiếng gọi của mẹ, rồi tôi sẽ xác định được hướng đi cho mình. Nếu không, tôi sẽ chờ lũ trẻ kia phá được khối đá nọ, tìm ra đường về, tôi sẽ đi theo chúng nó để ra khỏi cánh đồng này. Ngày đó cũng không xa mấy nữa đâu, tôi nghĩ thế trước khi chìm vào giấc ngủ.

 

Nguồn: vanvn.net