Bà Túc sở hữu một mái tóc màu bạch kim đẹp tuyệt, thêm một gương mặt tròn, mắt hai mí, nụ cười hiền và thật. Dù mới sáu mươi tuổi, nhưng bà được cả ấp Thái Hoà gọi là cụ.

Một năm cụ Túc đi chùa ít cũng bảy trăm lần. Tối cụ đi tụng, bốn giờ sáng có mặt để công phu. Những lúc cảm mạo không thể đi chùa thì cụ ngồi yên trước tượng Quán Thế Âm trong sân nhà lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm cầu kinh. Người vậy thì đáng nể trọng quá còn gì? Nhưng nhiêu đó đâu đã đủ. Cái để mọi người cảm phục là lòng dạ to như bồ tát của cụ. Ông Nam chồng bà Thắm bệnh nặng lắm, nhà nghèo mướt. Nghe tin, cụ vội đến nhà làm đủ mọi thủ tục cho đi viện. Tiếc thay mọi việc quá muộn. Ông Nam chết trên đường di chuyển. Cụ liền bỏ tiền ra mua hàng họ kim tỉnh làm ma chay rất chi đàng hoàng. Những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan…, dân nghèo hết sức hả hê vì được cụ tổ chức phát chẩn ngon lành. Cả chính quyền ấp Thái Hoà cũng kính cụ lắm. Lắm lắm! Bởi cụ là người đóng góp các khoản công ích cực hào phóng. Các gia đình có máu mặt xung quanh cũng bắt chước cụ mà thi đua, nếu không hơn thì cũng phải bằng, nhờ thế bộ mặt của ấp sáng sủa tinh tươm hơn…

Nhưng cuộc đời này có làm thánh tướng chi thì cũng không thoát khỏi ganh ghét đố kị. Chỉ có mười ba môn đệ mà Chúa còn bị bán đứng, thậm chí Phê rô còn chối nói chi ai. Cụ Túc, dù được bao người quanh xứ ca tụng, nhưng bỗng đâu một ngày có người vượt tám trăm cây số từ cao nguyên về Thái Hòa tìm cụ Túc để “giải quyết ân oán”.
Người đó là Thụ. Thụ nói căm cụ Túc tận xương. Có chuyện gì vậy? Để hỏi thử xem sao. Tay này thì chỉ cần kêu cái lẩu cầy với lít rượu là xong…

*
*       *
Trước con mụ này ở Hải Phòng – Thụ kể năm 1954 theo chồng vô Nam. Chồng mụ đang ở hậu cứ làm tiếp liệu ngon lành, hạnh phúc đề huề với vợ và tám đứa con, thì bị tống ra tác chiến vì thâm lạm công quỹ. Lính văn phòng ra trận bữa trước bữa sau đà mất mạng. Vậy là nheo nhóc. Mười sáu tuổi, Mai – tên cô con gái lớn – đi làm bồi phòng trong doanh trại quân đội Huê Kì. Bọn viễn chinh thật khốn kiếp, chúng làm cho cô gái lớn bụng. Mai khóc lóc với mẹ rằng cô bốn mươi lăm kí không thể chống lại một thằng sĩ quan da đen như con trâu nước. Mẹ cha ơi, mụ Túc nghe mà lạnh gáy. Một thằng da đen? Thuở mà toàn miền Nam xem dân đi làm sở Mĩ là một thứ đốn mạt, nay con mụ đẻ ra một thằng đen thì chỉ có nước chết. Nhưng biết làm sao? Mụ làm chi được, phải cho qua thôi. Nhưng thằng Chính – em kề Mai – học lớp đệ tam, đang tham gia với chúng bạn bài Mĩ, thấy chị vậy nó lớn giọng: “Bà nghĩ sao mà cặp kè với bọn viễn chinh? Bà làm nhục nhã gia đình này. Anh em tôi không chấp nhận bà.”

Quay sang mẹ, Chính nói: “Nếu bà chứa thì tôi sẽ biến khỏi căn nhà này.”

“Con ơi – mụ Túc thăn thỉ – ba mày mất đi, chị Mai mày không đi làm thì lấy đâu mà ăn học hả con? Mày đuổi thì chị mày đi đâu bây giờ?”

sac khong Minh họa: Lê Trí Dũng


Chả thèm nói thêm câu nào, Chính ra đi. Tưởng đi đâu ai ngờ sáu tháng sau cậu trai về với bộ đồ trận và cái lon trung sĩ. Chả hiểu làm sao chống Mĩ mà lại đi lính Cộng hoà? Thây kệ đi, mấy câu hỏi loại này khó giải thích lắm. Tựu trung là thời chiến không đi lính cho bên này thì cũng đi cho bên kia. Đôi khi người ta vì bè bạn rủ đi cho vui, cho có bạn, tới tháng lãnh lương, chứ ở nhà chán bỏ bà.

Chính theo đơn vị hành quân ra tuốt luốt Quảng Trị. Năm 1972 Sư đoàn 3 của anh ta bị đánh cho tan tác. Thoát chết Chính về thăm nhà thì bà chị tên Mai hạ sinh đứa thứ hai, lần này cũng Mĩ nhưng là một da trắng. Nhìn thằng anh da đen ru thằng em da trắng, Chính buồn tình rủ chúng bạn ra quán để tiêu sầu. Có ba sợi lai rai Chính cảm thán: “Đúng là cái máy đẻ. Đen cũng được mà trắng cũng thông!” Lũ bạn gạt đi: “Mệt mày quá! Chiến tranh không ai làm chủ được mình. Chị mày đẻ ra người chứ bộ đẻ ra cá sấu hay sao mà mày tức cảnh?”

Nói vậy chứ, có một đứa con da đen trong nhà nó nhức mắt lắm. Chả phải thế giới người ta vẫn kì thị chủng tộc đó sao? Chả phải là thằng cháu kêu Chính bằng cậu bị thiên hạ gọi thằng mọi đen đó sao? Ai ai mở miệng ra cũng lớn giọng rằng tất cả đều là người. Da vàng da đỏ da trắng da đen đều do một Chúa sinh ra. Xạo! Nói thế nhưng mà không phải thế! Đi làm sở Mĩ là đã bị phán lai căng huống hồ lấy Mĩ, lại là Mĩ đen thùi lùi như cột nhà cháy thì làm sao để có thân thiện. Ngay cả gia đình Chính còn bị xóm giềng khinh miệt, nói chi thằng cháu.

Nhưng chuyện không dừng ở đó – Thụ tiếp tục – năm 1973 bọn Mĩ cuốn gói thì con Mai đi làm cho Đại Hàn, kha kha kha! – Thụ cười – nó ễnh bụng và đẻ ra một con cháu của Pắc Chung Hy. Vậy rồi tụi mày biết không, sau Ba mươi tháng tư lịch sử, gia đình mụ Túc với một đứa cháu lai Mĩ đen, một đứa cháu lai Mĩ trắng, một đứa cháu lai Nam Triều Tiên đi kinh tế mới với gia đình tao. Ba tao với chồng mụ Túc là bạn lính, hai nhà đều mắc bịnh con nhà lính tính nhà quan nên có bao nhiêu xài hết, lên vùng đất mới coi như trắng tay. Nhưng tất cả thay đổi khi bắt đầu vụ con lai được ra đi đoàn tụ. Bốn mẹ con cô Mai được rước đi mà chả tốn xu teng cắc bạc nào. Cô long trọng hứa sẽ bảo lãnh cho cả nhà sang Huê Kì khi thuận tiện…
Chuyện vậy cũng thường, có đụng chạm chi đến Thụ mà hắn chửi cha mắng mẹ bà cụ vậy kìa? Hỗn xược quá!

– Mẹ nó! Tụi mày có biết vì sao con mụ phù thuỷ này phải bỏ khu kinh tế để vào xứ Thái Hoà này không?

– Không. Mà anh vào đây làm chi?

– Tao đòi nợ con mẹ già này chớ đi đâu.

– Giàu như bả mà nợ anh à?

– Chớ sao!

Chuyện có vẻ lạ.

Có ba sợi rượu vào thì bao bí mật cuộc đời được bày ra. Thụ vỗ ngực khoe khoang rằng từng là tay chơi thứ dữ thời chiến. Cũng xuống đường bài Mĩ không thua chi thằng Chính em cô Mai. Chính và Thụ là bạn cùng lớp, ở cùng xóm. Thụ cũng có một bà chị làm sở Mĩ. Ông Bắc cha Thụ đã cấm cửa cô con gái khi cô đeo bầu với một thằng viễn chinh da trắng. May cho Đào – chị Thụ – cô được gã Mẽo rước về Huê Kì khi mãn hạn phục vụ tại Việt Nam. Đào ra đi lặng lẽ vì ông Bắc tuyên bố: “Mày đừng gọi tao bằng cha! Tao không có đứa con như mày!”

Thụ cũng lạnh lùng với chị gái. Về điều này Thụ lí giải:

– Cái thuở Mĩ sang Việt Nam, người ta sẵn sàng đu đeo xe rác Mĩ, ô kê xe Mĩ để kiếm đồ hộp do tụi nó quăng xuống, cả đàn ông thanh niên cũng đi làm cho Mĩ, nhưng đàn bà con gái tham gia là bị bài. Vậy đó!

Dân mình – Thụ tiếp tục sau một li xây chừng – là chúa của cái gọi là hùa. Mày chống tao cũng chống, mà cái vụ chống này nghe rất có lí. Một ông linh mục nào đó đăng đàn trên báo rằng Mĩ là đế quốc không biên giới, họ muốn Nam Việt Nam là một bang của họ như nhà nước thực dân gọi Việt mình là xứ Đông Pháp. Người Mĩ muốn nô lệ dân ta theo kiểu mới, họ cho chúng ta ăn, cho đủ mọi cái để dễ cai trị. Họ dùng cả tiền và sức mạnh để khiến mảnh mai thiếu nữ Á đông thành nô lệ tình dục… Vậy chống Mĩ là trúng quá rồi!

– Chống Mĩ, nhưng sao anh đi lính Cộng hoà?

– Tụi mày nghĩ coi, ông già tao đi lính cho Pháp rồi qua Cộng hoà, tao không Cộng hoà đâu có được. Với lại, tụi tao biết khỉ mẹ gì! Nghe nói mấy ông Việt cộng ở trong rừng đói đến độ bảy tay đu một cành đu đủ không gãy, vậy thì họ đâu có khả năng thắng nổi miền Nam. Vậy nên tụi tao đi lính Cộng hòa cho chắc.

Thụ kể, sau giải phóng, cha con Thụ chỉ phải đi học tập cải tạo ít bữa rồi về. Qua Mĩ, Đào nhiều lần viết thư về thăm nhà nhưng cha cô không đoái đứa con gái hư hỏng, làm nhục tông môn. Ông đốt sạch thư. Từ khi gia đình Thụ đi kinh tế mới thì chuyện liên lạc với người thân ở Việt Nam của cô Đào là tuyệt không.

Những năm tháng đói đau, cuộc sống không có tương chao tàu hũ thì thịt cá chỉ có trong giấc mơ. Gia đình Thụ cũng khốn cùng không kém. Và khi khốn cùng người ta mới thấy cái ăn quan trọng hơn mọi cái trên đời. Những người đi khỏi đất nước trước hoặc sau ngày thống nhất đều đã gửi của nả về giúp người thân qua một đường dây nào đó. Những kẻ trước đây từng đi làm sở Mĩ, có quan hệ chi đó với Mĩ giờ đều ngon lành, gửi tiền nhiều hơn cả. Vậy là Thụ và cha đã để vuột mất một món hời trong tầm tay. Ngày cô Mai và ba đứa con lên đường đi Mĩ, ông ngậm ngùi. Chao ôi, thiên hạ tìm mọi cách để trở thành công dân Hiệp chúng quốc, còn mình, chỉ vì ba cái sĩ diện bá láp…

Ở khu kinh tế mới làm không ra ăn, bà Túc chào gia đình Thụ để vào Thái Hoà lập nghiệp. Tưởng hai nhà đứt quan hệ, ai dè một hôm, thằng Trực – con trai thứ bà Túc, em kề Chính – có mặt tại nhà ông Bắc ở kinh tế mới. Nó trao tận tay hai ông bà già một cọc tiền. Trời ạ. Đúng là một cọc tiền!

Đơn giản là cô Mai qua Mĩ và rất tình cờ gặp lại bạn cũ là Đào. Nghe nói gia đình mình bây giờ khổ lắm, cơm không có ăn, áo quần vá chằng vá đụp, đang sống ở một miền rừng heo hút, Đào khóc ướt cả chục chiếc khăn mùi xoa. Cô nhờ Mai gửi giúp tiền về cho cha má và bầy em khốn khó. Mai sành ba vụ này lắm. Tuy mới qua Mĩ nhưng cô nắm chặt một dịch vụ đen. Chỉ cần người ở xứ ta kí vào một văn bản xác nhận là tiền vào tay, chả thông qua bưu điện làm chi cho tốn thuế.
Cứ thế đôi tháng một lần, không Chính thì Trực ghé qua nhà Thụ giao tiền.

Sư cha cái cuộc đời, mới ngày nào ông xem lũ theo Mĩ, lấy Mĩ là đồ lai căng, nay cũng chính ông lâu lâu vỗ ngực khoe rằng: “Con tao ở Mĩ từ năm Bảy ba lận con ạ. Chị mày mới đây mà bố láo…”

Mà sao kì vậy kìa? Người ta đến giao tiền cho mình mà lại chửi bới là sao?

*
*     *
Bà mẹ nó! – Thụ chửi đổng khi bắt đầu xị thứ hai – con Mai cũng chó đẻ không kém. Bên Mĩ, nó to nhỏ với chị Đào tao rằng chính quyền mới thành kiến rất nặng với những gia đình có con em đi Mĩ. Rằng Cộng sản rất chi dã man, họ không dành một chút tình nào cho kẻ phản bội tổ quốc. Nó nói nếu cuộc sống ở Việt Nam thoải mái thì nó đã không phải rời bỏ quê hương ra đi cho nhọc xác… Chị tao nghe nó nói đến thế thì phải tin. Nên khi con Mai kết luận rằng gửi tiền hàng về đường chính ngạch thì mất là một, bị ăn chặn là hai, ba là – điều này quan trọng nhất – để chính quyền biết anh vẫn còn quan hệ dính líu với đế quốc thì mỏi mòn và khó sống lắm. Chỉ thông qua đầu nậu bóng tối là ổn. Hoa hồng có cao một tí nhưng không bị chặn và chặt. Nghe cũng có lí nên chị tao liền nghe theo…

Qua ba năm ròng, nhiều lần Thụ nhận tiền mà chả biết bà chị mình ở đâu bên nước Mĩ bèn hỏi Chính rằng:

“Ê… bộ không có lá thư nào gửi cho tao hả mày?”

“Tao chỉ biết có người đến nhà giao và bà già tao nhận. Hết.”

“Vô lí thiệt. Vậy chị Mai mày có viết thư về thăm nhà không?”
“Có.”

“Vậy tại sao chị tao không gửi?”

“Mày qua bển mà hỏi. Tao đâu biết.”

Thụ đem chuyện nói với cha:

“Con nghi gia đình bà Túc ăn chặn tiền của mình. Không một lí do gì chị Đào không viết thư về. Ba nghĩ đúng không?”
“Cứ cho là như vậy thì mình làm chi được? May mà họ còn giao cho một chút bằng không chết đói lâu rồi. Mày đừng lôi thôi với anh em thằng Chính, khùng lên nó không giao là chết cả nút.”

Mọi chuyện sẽ dừng ở đấy nếu như không có một ngày Đào về thăm quê hương.

Đào kể rằng cô nhờ Mai gửi về cha già mẹ yếu và em thơ mỗi quý ba nghìn đồng, liền trong ba năm. Vị chi là ba mươi sáu ngàn. Vậy mà nhà của Thụ vẫn mái tranh vách đất. Thụ cũng chỉ ba xị đế mà tiêu sầu thì có đáng để hận không?

Thoạt tiên Thụ nổi điên lên định bay vào Thái Hoà gặp mụ Túc làm cho ra ngô khoai, nhưng cô Đào nói thôi bỏ đi. Vài chục ngàn bạc cũng chẳng lớn lao gì. Đúng là kẻ ăn nên làm ra xem đồng bạc nhẹ như bấc. Thì đấy, sau khi trở lại nước mẹ, cô đã lại liên tục gửi tiền về. Gửi trực tiếp qua bưu điện. Thụ lên được căn nhà tường tô sơn nước lát gạch men, chuyển đổi thức uống từ rượu đế sang bia. Men bia – dù là bia lên cơn – và đồng bạc đổi từ đô la sang tiền Việt luôn rủng rẻng làm hồn con người ta cao ngạo hơn. Thêm những kẻ nghèo khó nhìn người có đô bằng ánh mắt ngưỡng mộ càng khiến Thụ cảm thấy mình quan trọng.

Phải chi được vậy cho đến chết thì hay xiết bao. Đằng này Thụ hưởng sái nhất được có hai năm bèo bọt.
Tuy bèo bọt nhưng hai năm ăn chơi cũng khiến con người ta hư đốn.
Chả hiểu làm sao cái năm tòa Tháp đôi ở Mĩ bị sập, cô Đào bặt vô âm tín.

Vậy là Thụ mò vô Thái Hoà đòi lại cái mình đã bị cướp…

Thụ văng tục:

– Thằng Chính cùng bầy em nó đi Mĩ rồi, chứ còn ở Việt Nam là tao cho cả bọn nó ăn dao!

– Sao vậy?

– Một lũ cướp! Con mẹ Túc là đầu têu!

*
*      *
Tan cuộc nhậu, Thụ xách vỏ chai lừ lừ tìm đến nhà cụ Túc. Nhưng vừa lần tràng hạt bà cụ khả kính vừa trả lời Thụ rằng, bà không tơ hào của cha má Thụ đồng bạc nào. Bà suốt đời ăn chay niệm Phật, chuyên làm từ thiện thì chuyện trộm hoặc lận của tha nhân là không có tên bà. Và, bà nói:

– Nếu có thì con Đào đã làm ra chuyện rồi, bác nói vậy con nghĩ có đúng không?

– Bà là đồ đạo đức giả! Ba mươi sáu ngàn đô la bà giao cho bọn tôi chỉ năm chục triệu đồng tiền Việt. Nếu không ăn cướp ăn chặn thì con cái bà lấy cái đếch gì để đi Mĩ? Bà thề đi, bà hãy chỉ chân Chúa mà thề, chỉ tượng Thích Ca mà thề rằng bà không ăn cướp của tôi. Nếu bà cướp bà sẽ sa mười tám tầng địa ngục. Bà thề đi!

Bà cụ điềm đạm:

– Đừng con ạ! Ta không nên chỉ Phật để thề. Phật dạy rằng Không tức thị sắc, sắc tức thị không. Không bất dị sắc, sắc bất dị không. Của trần gian có đó mà không đó con ạ. Bác không phải dạng người như con nghĩ đâu.

Tức quá Thụ nốc rượu vô và chửi. Không không sắc sắc cái con tườu. Lấy của tao để đi làm từ thiện thì chả có trời đất nào dung mày đâu.

Nên thông cảm cho mấy thằng say, rượu làm nó xưng hô với người lớn như vậy đó. Mọi người nghe qua lắc đầu buồn cho thế thái. Xong họ kết luận:

– Hãy đợi đấy, rồi sẽ đến buổi phán xử cuối cùng. Mặt chuột sẽ lòi ra hết cho mà coi!

Mà có buổi ấy không, cái phán xử cuối cùng chi chi đó? Nếu có thì sao mà không có thì sao? Chả phải vụ này Phật đã cảnh báo những trên hai nghìn năm rồi à?

*
*     *

Ngày nay thì bà cụ Túc quy tiên rồi. Bao nhiêu tiền bạc bầy con từ xứ Cờ hoa gửi về bà đã làm từ thiện sạch. Thụ cũng đã đoàn tụ với ông bà nơi âm phủ. Chả biết họ có gặp nhau để nói chuyện tiền bạc nữa không?

Thiên hạ nói có đấy. Nghe đâu khi chết mọi linh hồn sẽ tụ ở quán bà Hớn dưới âm phủ để ăn cháo lú. Ăn xong mới quên hết hận thù. Nếu có thì nghĩ đến linh hồn Thụ lúc chưa ăn cháo cầm chai ba xị đứng mắng mỏ một linh hồn cầm tràng hạt nam mô Phật chắc bọn quỷ sứ ngạc nhiên lắm
Tháng 11/2015
N.T

Tạp chí Văn nghệ Quân đội –