Khi ông Nguyễn Duy Hinh viết truyện ký, thoạt đầu để bạn đọc trong ngành đọc, với bút danh là Lê Tri Kỷ, thì Nguyễn Hồng Thái đâu như mới chào đời. Lúc Nhà văn Lê Tri Kỷ đã được coi là một tác giả có nhiều thành công nổi bật trong mảng văn xuôi viết về cuộc chiến đấu thật mưu trí và ngoan cường của các cán bộ, chiễn sỹ Công an nhân dân Việt Nam thì Nguyễn Hồng Thái đang là một học sinh chuyên Văn ở trường cấp III Phan Bội Châu (Nghệ An), là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi vào ngành an ninh và báo chí…


Nhà văn Nguyễn Hồng Thái (ảnh cand.com.vn)

Giữa họ, xét riêng về lĩnh vực sáng tác trong lực lượng Công an, là bao nhiêu tên tuổi như: Trần Hữu Tòng, Ngôn Vĩnh, Tôn Ái Nhân, Khổng Minh Dụ, Trần Tử Văn, Lê Hoài Nguyên, Văn Phan, Phan Tường Niệm, Phan Diễn, Phan Quế, Nguyễn Ngọc Mộc, Phùng Thiên Tân, Hữu Ước và cả Phạm Khải…

Nhưng tại sao đọc truyện ngắn của Nguyễn Hồng Thái, người mới thực sự xuất hiện trên văn đàn hơn mười năm đầu thế kỷ XXI này, nhà văn đàn anh Xuân Thiều (1930-2007), và sau ông là một số nhà văn nữa, họ lại cứ nhớ, nghĩ đến Lê Tri Kỷ (1924-1993).

Tôi đọc lại Lê Tri Kỷ và một số tác phẩm của các nhà văn (nhà thơ) vừa nhắc đến tên ở trên mà so sánh, thì nhận ra: Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân trong sáng tác của Lê Tri Kỷ thường đẹp vẻ đẹp bình thường mà cao cả, tiếp theo ông hình như chỉ có Trần Hữu Tòng cũng viết mạnh theo hướng này với cảm hứng chủ đạo là ghi nhận công lao và ngợi ca phẩm chất truyền thống cơ bản ấy của Công an nhân dân Việt Nam.

Trong tác phẩm của các nhà văn (nhà thơ) trên không chỉ như vậy, nói riêng về hình tượng người cán bộ, chiễn sỹ Công an nhân dân thì cũng đa dạng và phức hợp hơn nhiều, lại nghĩ thêm về điểm nhìn nghệ thuật với bút pháp dựng truyện chẳng hạn, thì lứa nhà văn sau Lê Tri Kỷ cũng đã có bước tiến dài và mạnh mẽ, nên đã có đóng góp thật đáng kể cho văn chương thời đổi mới.

Vậy Nguyễn Hồng Thái thì sao?

Theo tôi, anh có cảm hứng sáng tạo gần với Lê Tri Kỷ dạo trước, còn thực tiễn sáng tác thì đã có nhiều nét mới mẻ hơn, như cũng hòa đồng với những trần Hữu Tòng, Tôn Ái Nhân, Ngôn Vĩnh… mà vẫn óng ả vẻ đẹp riêng.

Đi tìm cái vẻ đẹp riêng của Nguyễn Hồng Thái, nếu dừng lại ở hai tập truyện ngắn gần đây của anh là Đối mặt (xuất bản năm 2000, tái bản năm 2015) và Ngôi nhà bên triền sông (xuất bản năm 2010) ta dễ nhận ra một điều thú vị, là tất cả các truyện của anh đều dễ đọc bởi sự hấp dẫn của mạch kể và dựng, cũng bởi ở đấy còn có nhiều chi tiết lạ, tự nó đã gợi ra cho mình những cảm nghĩ. Xin gọi đó là những chi tiết có sức lan xa, lan tỏa. Có trường hợp, hẳn là do nhà văn giàu vốn sống này đã rất có dụng ý khi đưa các chi tiết này vào, và có lúc, hình như do chính mạch văn và cấu trúc tự nhiên của truyện đã gợi từ kho đời sống của nhà văn các chi tiết ấy ra thì phải. Chẳng hạn, ở thiên truyện ngắn mà khá dài, đầy thương mến và có vị u hoài tên là Hiệu sách miền đất đỏ, có chi tiết thế này: Nhân vật “tôi” tìm về hiệu sách phố huyện, nơi thuở bé anh từng đến tìm sách đọc, anh hồi hộp cầm các cuốn Đất nước đứng lên, Hòn đất, Sông Đông êm đềm… bắt gặp mấy trang không đọc được, vì có màu đen loang lổ, nhà văn kể: “lão Bản đẩy nhẹ tôi ra trước sân nhà. Lúc ấy nắng trưa còn non, tôi ngửa trang sách dưới ánh nắng hè nhà, thì lạ chưa, tất cả những chỗ màu đen bỗng đỏ tươi lên, con chữ hiện ra một cách rành rọt chân phương”. Khi “tôi” đang ngỡ ngàng và miên man nhớ lại, rằng hiệu sách giờ đã không còn, vậy những cuốn này sao lại hiện ra ở đây… thì nhà văn kể tiếp: “Tôi nghe lão Bản nói khẽ:

– Chú ạ, đây là những cuốn sách ngày xưa tôi bị tai nạn nên máu dính vào. Tôi mua lại mang về nhà, nay vẫn nguyên thế. Cái giống máu thế mà lạ, dính vào chỗ nào chứ dính vào sách thì đố mà gột đi được”.

Tôi không cho rằng Nguyễn Hồng Thái viết khéo ở đoạn này. Đây là ý và lời của nhân gian truyền cho tác giả thì phải. Hay là anh chợt nhớ đến cái tứ Bút máu của Vũ Hạnh mà kể lại theo hướng khác đi?

Ở một thiên truyện ngắn (mà cũng khá dài) khác là Hai người ở núi về kể rằng có hai cô gái trẻ lìa xa quê hương, gặp bao tai ương, một trưa nọ giữa rừng sâu, họ bị một tốp thợ đuổi bắt rồi đè ra. Tưởng thế là hết đời con gái, ngờ đâu có con hổ xuất hiện, đám thợ xẻ thét lên, bỏ chạy. Hai chị em quá hoảng sợ, chỉ kịp khấn “xin ông ba mươi” tha mạng rồi chết khiếp đi. Khi tỉnh lại, thấy hổ lớn vẫn ngồi đó, nhìn sang hai chị em, thấy họ đã hoàn hồn, “ông ấy lầm lũi đi vào rừng”. Đây là chuyện có thật, hai cô gái ấy là hai bà dì của nhân vật “tôi” trong truyện, mẩu này do hai bà kể lại trong lần gặp cháu sau hơn ba mươi năm xa cách. Tôi chợt nhớ là ở Nghệ Tĩnh và một số miền quê khác, dân gian thường nhắc nhau: Đền (đình) nào có tượng “ông ba mươi” ở cổng, chắc là nơi thờ một danh tướng linh thiêng thuộc dòng họ Nguyễn Đình, có cụ tổ là Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xý (1396-1465), người có công đầu dẹp loạn Lê Nghi Dân, rồi rước Lê Tư Thành về lập nên triều Lê Thánh Tông hiển hách trong lịch sử. “Ông ba mươi” trong tâm thức dòng họ Nguyễn Đình này (và trong dân gian) là linh vật, vẫn được bà con thờ phụng, vì từ xa xưa truyền lại, ông đã phù hộ cho cụ Nguyễn Xý – một danh thần có “khí độ trầm hùng”, có lòng trung nghĩa như Lê Thánh Tông từng ca ngợi. Có lẽ vì hai cô gái – hai bà dì này của nhân vật “tôi” trong truyện cũng là hậu duệ của Nguyễn Xý, nên lại được cụ thánh tổ và “ông ba mươi” linh thiêng giải cứu đó chăng?

Đấy, truyện của Nguyễn Hồng Thái cứ thấp thoáng những chi tiết có vẻ “phi thực tế” mà gây cho ta một niềm tin, lại cũng gợi cho ta nhớ cái triết lý dân gian muôn đời là ở hiền thì gặp lành.

Nhưng đừng tưởng truyện ngắn trong hai tập này chỉ có thế. Nhà văn nào là nhà văn đích thực, lại chả được tự nhiên mà mê đắm với ý tình của mình, cũng là của đời gửi vào trang văn của mình, mà có lúc đã “viết như có ai… gợi dẫn ra xui khiến”? Nguyễn Hồng Thái có lắm trải nghiệm, tác giả của Đối mặt và Ngôi nhà bên triền sông, qua hai tập truyện này ở hai tập này thôi đã quả là người cũng ngay thằng và quyết liệt ra trò, khi dựng lại các xung đột đã và đang diễn ra quanh ta. Chấp nhận sựđối mặt một cách khéo léo, hầu như ở truyện nào, anh cũng có dụng ý để lẫn vào giữa cuộc đời đối thoại của hai nhân vật hay độc thoại của ai đó những câu – ý khiến người đọc giật mình.

Này là một số lần như thế:

Một ông cậu bị mù mà cả làng đều nể phục bởi có nhiều hiểu biết đã nói với cháu: “Cậu dặn cháu điều này, chuyện biết đâu để đấy, không được kể lung tung. Những điều hệ trọng mà rơi vào tai kẻ đoản trí là nguy hiểm lắm cháu ơi!”.

Một bà già được hỏi có oán giận gì cái người đã làm mình đau khổ hồi trẻ không, bà nói ngay, như một phản xạ tự nhiên: “Giận làm gì hở cháu. Người ngày xưa đâu có khôn như bây giờ!”.

Một cô giáo làng nói với một tổng giám đốc: “Bao nhiêu năm làng vẫn thế, vẫn đèn dầu như thuở trước; vẫn là sự tự hào hão, sự tủi hổ mới…” và “giá đừng hiểu biết, đừng yêu thương thì làm gì có nỗi đau hở anh…”.

Một ông thẩm phán, biết là có lần “mình xử còn sót, nhưng may mà không sai”, đã tự ngẫm: “Mà giả sử mình có xấu hổ đi nữa, nhưng cái đúng được sáng rõ, được khẳng định thì cuộc đời thêm một chút đẹp”.

Một ông lãnh đạo cấp vụ đã quát té tát: “Chúng mày có ở lính ngày nào? Biết đếch gì! Kéo cả ra thành phố, lấy đâu dân mà giữ đất? Hả? Vợ con nó ở đấy để giữ thành phố cho chúng mày đấy! Người vùng cao người ta ít nói, làm sao chúng mày hiểu được họ, hiểu được thằng Vàng?”.

Trở lại với nhân vật Bản, chủ hiệu sách miền đất đỏ, một người quý sách, nguyện làm con chiên cho một thứ tín ngưỡng thanh sạch và cao minh mà sách là đại diện, đến ngày hiệu sách bị tan hoang không phải vì bom đạm mà vì người đọc ít đi, nhà nhà buôn vặt và bán đất, thì ông đi kiện, đi đòi mở lại hiệu sách, tác giả, cũng là nhân vật “tôi” kêu lên: “Lão Bản ơi, làm sao có thể đi kiện đòi lại một tình yêu?”.

Những câu, những đoạn có ý vị buồn thương xa xót thường chỉ thấp thoáng trong truyện của Nguyễn Hồng Thái, nhưng chúng đã cứa vào tâm can người đọc thật rồi!

Ở trên tôi có nói là truyện của Nguyễn Hồng Thái hấp dẫn vì có nhiều chi tiết mới lạ, nay xin được nói thêm: Đó là những chi tiết có khả năng giúp chúng ta hiểu ra một số sai lầm trong đời sống nhiều năm đã qua ở quanh ta. Cái lối viết coi người đọc là bạn để cùng giãi bày, trao đổi mà có ý cảnh tỉnh này đang có nhiều trong thời đổi mới ở ta, qua Nguyễn Hồng Thái, cứ nhẹ nhàng đi vào tâm thức bạn. Ở một số truyện nhân vật chính, cũng là người kể chuyện lại là “tôi”, đây cũng là một sự chọn lựa của tác giả, làm nên một đặc điểm của Nguyễn Hồng Thái, là giàu yếu tố tự truyện. Sự bộc bạch giãi bày, tâm sự trở nên chân thực, lôi cuốn và có khả năng thuyết phục, hấp dẫn hơn.

Nguyễn Hồng Thái viết nhiều về bạn hồi trẻ con và nhất là các đồng ngũ đồng nghiệp bây giờ. Ở loạt truyện này ta dễ nhận thấy là một lần nữa, anh lại thích lấy làng Đàn huyện Diễn Châu quê mình làm bối cảnh, lấy bạn bè của mình làm nhân vật thì phải. Ấy là do thuộc gì và viết kỹ về ai thì hãy viết về họ chăng? Hay là còn do mình yêu quý những gì, trân trọng những ai thì mang ra mà kể? Vả chăng, kể về những chuyện ấy, cũng là một nhã thú, và với người cầm bút giàu lòng yêu thương và ý thức dựng xây cái lành mạnh, tốt đẹp thì cũng là một trách nhiệm, một sự thôi thúc, một niềm hạnh ngộ chứ sao.

Chẳng thế mà hình tượng người cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân trong truyện của Nguyễn Hồng Thái thường tròn đầy từ cái nhìn nhân ái và cách xử lý nghệ thuật khéo léo, đủ mức độ của anh. Những cán bộ chiến sỹ này không chỉ mưu trí, quả cảm, mà rất có nhân tình. Vì có đức nhân – một đức nhân lớn nên họ mới đảm lược được như thế, và trong nhiều trường hợp, họ đã chinh phục được những tên cướp, những kẻ lạc đường u mê, bạo ngược và cả những người còn nghi ngờ phẩm hạnh Công an nhân dân, do chưa có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc… Với loạt truyện này, như các truyện Một người nước ngoài và ông trại trưởng, Nén hương viếng muộn, Phiên tòa ngày giáp Tết, Lòng nhân, Nơi ngã tư chật hẹp, Người vắng mặt ở phiên tòa, Nơi tình yêu trở lại, Đi qua một người điên…

Bằng vào việc tập trung mô tả diễn biến tâm lý – tư tưởng trong đầu như bão lớn, như dầu sôi ở mỗi cán bộ chiễn sỹ Công an nhân dân, nhà văn đã giúp người đọc cảm và hiểu hơn vẻ đẹp tâm hồn vốn có của người đang đứng ở vị trí hàng đầu, và cũng là vị trí trung tâm của cuộc chiến tiễu trừ cái ác ở đủ loại tội phạm hiện nay. Đây là vẻ đẹp đã có lúc bị nhòe mờ, bị quên đi ở ngoài đời và trong nhiều trang sáng tác – thật đáng tiếc! Và vì thế, dụng công nghệ thuật và những hiệu quả của nó ở Nguyễn Hồng Thái là rất đáng ghi nhận.

Nguyễn Hồng Thái bước vào làng văn với truyện ngắn được giải thưởng Cây bút Vàng năm 2000. Các truyện ngắn gần đây của Nguyễn Hồng Thái rõ là đằm thắm hơn và xúc động theo một lối khác so với truyện Đối mặt ngày ấy. Anh đã có bước tiến vững vàng mà xứng đáng là người kế tục và phát huy những thành quả của các nhà văn lớp trước.

Nguyên An – Tổ Quốc