TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch từ bản tiếng Anh
Yusuf Idris sinh năm 1927 tại Ai Cập. Với tuyển tập truyện ngắn đầu tay Những đêm đáng giá nhất in năm 1954, ông được xem là một tài năng độc đáo. Yusuf sống bằng nghề bác sĩ. Nhiều tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của Gorky và Chekhov cũng như văn học dân gian Arab. Truyện của ông dành sự quan tâm lớn cho những người bị tước đoạt quyền sống. Cuối đời, ông viết cho nhật báo Al – Ahram (Cairo). Ông mất năm 1991.
Bạn có thể tin hay không tin nhưng tôi xin lỗi khi phải nói rằng, ý kiến của bạn không làm tôi quan tâm chút nào. Tôi rõ ràng đã thấy ông ấy, đã gặp ông ấy, đã nói chuyện với ông ấy và chính mắt tôi đã nhìn cái ghế đó. Bởi vậy, tôi cho rằng, tôi đã chứng kiến một điều kì lạ. Nhưng kì lạ hơn, thậm chí là tai họa, khi người đàn ông đó, chiếc ghế đó lẫn việc ông ấy vác ghế đều không làm cho một người qua đường nào ở quảng trường Opera, trên đường Gumhouriyya lẫn ở Cairo và có lẽ trên cả thế giới rộng lớn này dừng lại lúc đó để nhìn.
Đó là một cái ghế rất lớn. Nhìn nó, bạn sẽ nghĩ nó đến từ một thế giới khác hoặc nghĩ nó được đóng cho một dịp hội hè nào đó, một cái ghế khổng lồ, như thể độc nhất vô nhị, chỗ để ngồi rất rộng, được phủ nệm vải và da báo mềm mại. Một khi nhìn thấy nó, ước mơ lớn của bạn sẽ là được ngồi lên, dù chỉ một lần, một giây lát. Chiếc ghế này chuyển dịch về phía trước với dáng đi trang nghiêm, như thể đi trong một cuộc diễu hành tôn giáo nào đó. Bạn sẽ nghĩ nó tự dịch chuyển. Bạn sẽ kinh sợ và phủ phục trước nó, bái lạy nó và dâng đồ thờ cúng cho nó.
Tuy nhiên, tôi tình cờ phát hiện ra, giữa bốn cái chân to đùng có bọc móng mạ vàng lấp lóa ở dưới cùng, có một cái chân thứ năm. Nó mỏng mảnh và nhìn thật lạ giữa những cái chân to lớn và chói sáng kia. Tuy vậy, nó thật ra không phải là một cái chân ghế mà là một thân người ốm yếu, hốc hác, thân thể mồ hôi chảy thành suối, làm cho lông tóc như đang nảy mầm. Hãy tin tôi bằng tất cả sự trong sáng. Tôi không nói dối, cũng không cường điệu, chỉ kể lại những gì tôi thấy, dù chúng quả thật khó tin. Làm sao một người đàn ông gầy nhom, mỏng mảnh lại có thể vác được một cái ghế nặng ít nhất là một tấn, thậm chí là nhiều tấn đó? Đó là vấn đề đặt ra cho con người ta nghĩ suy, khi mà việc vác chiếc ghế không khác một trò ảo thuật. Nhưng bạn hãy nhìn lâu hơn, kĩ hơn đi, bạn sẽ thấy rằng đó không phải là một sự lừa gạt, rằng người đàn ông đang vác chiếc ghế bằng tất cả sức lực và đang bước đi.
Điều bất thường và lạ lùng hơn là không có người đi đường nào ở quảng trường Opera, ở đường Gumhouriyya và có lẽ ở toàn bộ Cairo thấy kinh ngạc hay xem điều đó có cái gì không may, mà ngược lại, xem điều đó là bình thường, không đáng chú ý, như thể chiếc ghế nhẹ như con bướm và đang được một người trẻ vác đi. Tôi nhìn mọi người, nhìn chiếc ghế và nhìn người đàn ông, nghĩ rằng tôi sẽ thấy những cái nhướng mắt hay những đôi môi bặm lại kinh ngạc hay nghe những tiếng thét kinh hãi, nhưng tuyệt đối tôi không thấy bất cứ phản ứng gì.
Tôi bắt đầu thấy thật là kinh khiếp khi tiếp tục nhìn ngắm ông ấy. Ngay lúc đó, người đàn ông với cái ghế nặng trịch chỉ còn cách tôi chừng hơn một hai bước và nhờ đó, tôi có thể nhận thấy khuôn mặt lương thiện của ông ấy, dù có nhiều nếp nhăn. Tuy vậy, vẫn khó có thể xác định tuổi tác của ông ấy. Sau đó, tôi thấy thêm nhiều điều về ông ấy: ông ấy ở trần, trừ cái cạp dày mà ở phía trước và phía sau nó, ông ấy treo hai mảnh vải buồm. Song bạn chắc chắn sẽ dừng lại và thấy đầu óc bạn như một căn phòng trống, đang vọng vang những âm thanh nói rằng, ăn mặc như thế làm ông ấy trở thành một người lạ lẫm, không chỉ ở Cairo mà còn ở kỉ nguyên của chúng ta. Bạn cũng có cảm giác là bạn đã thấy ông ấy qua những hình vẽ trong các sách viết về lịch sử hoặc khảo cổ học. Nhưng tôi ngạc nhiên trước nụ cười nhũn nhặn như nụ cười của kẻ ăn xin và bởi giọng nói nói những lời theo cách riêng:
“Con trai, cầu Thượng đế ban phép lành cho cha mẹ con. Con chưa được nhìn thấy Ptah Ra à?”
Ông ấy đang nói những chữ viết tượng hình theo âm Arab hay ông ấy đang nói tiếng Arab phát âm theo âm chữ viết tượng hình? Ông ấy là người Ai Cập cổ đại chăng? Tôi hỏi để biết thêm về ông ấy:
“Ông hãy nghe giùm, đừng có nói với tôi ông là người Ai Cập cổ đại đó chứ?”
“Có người cổ đại và người hiện đại à? Tôi đơn giản là người Ai Cập.”
“Còn cái ghế này là gì vậy?”
“Đó là thứ tôi phải vác. Tại sao anh nghĩ tôi đang đi loanh quanh để tìm Ptah Ra? Vì để nếu gặp, ông ấy có thể sẽ ra lệnh cho tôi bỏ cái ghế xuống như khi ông ấy từng lệnh cho tôi vác nó. Nó làm tôi mệt lả.”
“Ông vác nó đã bao lâu rồi?”
“Rất lâu rồi, anh không tưởng tượng được.”
“Một năm à?”
“Con trai, sao anh nghĩ là chỉ một năm? Anh nói với bất kì ai muốn hỏi, là tôi đã vác nó một năm và vài ngàn.”
“Ngàn gì?”
“Ngàn năm.”
“Từ lúc các kim tự tháp được xây hay sao?”
“Trước đó. Từ lúc sông Nile hình thành.”
“Ông nói sao? Từ lúc sông Nile hình thành?”
“Từ lúc sông Nile chưa được gọi bằng Nile và người ta dời kinh đô từ vùng núi xuống cạnh bờ sông này, Ptah Ra mang tôi theo và nói “Lão khuân vác, vác ghế đi.” Tôi vác ghế và từ đó tôi lang thang khắp nơi để tìm ông ấy để nghe ông ấy bảo tôi bỏ nó xuống nhưng từ ngày đó tới giờ, tôi không tìm thấy.”
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Một khả năng và chiều hướng để nghĩ rằng đó là điều kinh ngạc đã hoàn toàn kết thúc trong tôi. Bất kì ai có thể vác chiếc ghế có trọng lượng và kích thước như thế trong một khoảnh khắc thì điều đó đồng nghĩa với việc anh ta đã vác nó trong nhiều ngàn năm. Chẳng còn lí do gì để ngạc nhiên hay phản đối. Tất cả những gì cần nói là chất vấn
“Cứ cho rằng ông không tìm thấy Ptah Ra thì ông sẽ còn tiếp tục vác nó?”.
“Tôi sẽ còn phải làm gì khác được chớ? Tôi đang vác nó và nó đã được ủy thác cho tôi. Tôi được lệnh mang nó, do vậy, làm sao tôi có thể bỏ nó xuống khi không có lệnh?”
Có lẽ vì giận dữ nên tôi nói: “Đặt nó xuống. Ông không thấy bất bình ư? Ông không mệt mỏi ư? Quẳng nó đi, đập vỡ nó, đốt nó đi. Ghế được làm để cho con người ngồi, không phải để con người vác nó.”
“Tôi không thể. Anh nghĩ tôi vác nó để chơi à? Tôi vác nó vì đó là lẽ sống của tôi.”
“Vậy sao? Ông phải thấy rằng nó làm ông kiệt sức, làm ông còng lưng, vì vậy, ông hãy vứt nó đi. Ông đã vác nó qua nhiều thời đại rồi.”
“Anh nhìn sự việc như vậy vì anh ở ngoài cuộc. Anh không phải vác nó, do đó anh không biết. Tôi đang vác nó và nó đã được ủy thác cho tôi, vì vậy tôi có trách nhiệm với nó.”
“Cho tới khi nào, lạy Chúa?”
“Cho tới khi Ptah Ra ra lệnh.”
“Ông ta có lẽ đã chết lâu rồi.”
“Thì có lệnh từ người kế tục ông ấy, người phó của ông ấy, từ những hậu duệ hay từ bất kì ai có bằng chứng là được ông ấy ủy quyền.”
“Được thôi. Tôi ra lệnh cho ông đặt chiếc ghế xuống ngay bây giờ.”
“Tôi sẽ vâng lệnh anh và cảm ơn lòng tốt của anh nhưng anh có liên hệ gì với ông ấy?”
“Thật đáng tiếc là không?”
“Anh có bằng chứng gì nói rằng anh được ông ấy ủy thác?”
“Không, tôi không có.”
“Thì hãy cho phép tôi được đi.”
Ông ấy lại đi nhưng tôi thét gọi ông ấy dừng lại, vì tôi đã nhận ra có cái gì đó như là cáo thị hay kí hiệu được viết ở phần trước chiếc ghế. Thực tế đó là một mẩu da linh dương ga-zen có chữ viết cổ trên đó, nhìn giống như những bản chép tay sớm nhất của cuốn Revealed Books. Khó khăn lắm tôi mới đọc được là:
Ôi, người vác ghế
Anh đã vác lâu rồi
Đã tới lúc anh được ngồi lên ghế
Chiếc ghế vĩ đại này
Chiếc ghế độc nhất vô nhị này
Là dành cho anh
Mang nó đi
Và đem nó về nhà anh
Đặt nó ở nơi trang trọng
Và ngồi lên nó suốt cả cuộc đời trường thọ của anh
Rồi khi anh chết đi
Nó thuộc về các con trai của anh.
“Này, người vác ghế, đây là lệnh của Ptah Ra, rất rõ ràng và được truyền ngay lúc ông ta ra lệnh cho anh vác ghế. Nó được ông ấy đóng dấu, kí tên và có khắc diềm trang trí.”
Tôi nói những lời này với ông ấy bằng tất cả sự vui mừng, một nỗi vui bùng vỡ như ai đó vui sau khi không còn bị ngột ngạt. Từ lúc nhìn thấy chiếc ghế và biết được câu chuyện, tôi thấy tôi như thể là người đang vác nó và đã vác nhiều ngàn năm rồi. Như thể nó đã làm lưng tôi còng xuống, như thể niềm vui đang đến với tôi lúc này là niềm vui khi được giải thoát khỏi chiếc ghế.
Người đàn ông cúi đầu nghe tôi nói, chẳng chút rung cảm, ông chỉ cúi đầu để đợi tôi nói hết và sau khi tôi nói xong, ông ấy ngẩng đầu lên. Tôi đợi để thấy ông ấy có niềm vui như tôi, đợi để thấy nét mặt ông vui sướng, nhưng tôi chẳng thấy ông ấy có phản ứng gì cả.
“Lệnh được viết ngay bên trên đầu ông, được viết đã nhiều ngàn năm”.
“Nhưng tôi không biết đọc.”
“Nhưng tôi vừa đọc cho ông đó.”
“Tôi chỉ tin khi anh có bằng chứng là anh được ủy thác. Anh có bằng chứng đó không?”
Khi thấy tôi không đáp lại, ông giận dữ vừa lẩm bẩm vừa bỏ đi.
“Tôi chỉ biết được ở anh rằng người ta chỉ là những kẻ phá rối. Con người là sinh thể phải mang vác nặng, là vật để chở và ngày hiếm khi đủ dài để anh ta mang vác đi hết một vòng tròn.”
Tôi đứng nhìn ông ấy. Chiếc ghế bắt đầu di động, theo bước chân chậm chạp, dò dẫm, làm người ta nghĩ tự nó dịch chuyển. Một lần nữa, người đàn ông trở thành cái chân thứ năm ốm o, đủ sức nâng chiếc ghế dịch chuyển.
Tôi đứng nhìn ông ấy đi xa dần, thở hổn hển, gầm gừ và mồ hôi đổ ròng ròng.
Tôi đứng như trời trồng, tự hỏi liệu tôi có thể chộp ông ấy lại, giết chết ông ấy để trút được ra hết sự bực bội của mình. Tôi có nên đuổi theo ông ấy, dùng sức mạnh xô ngã cái ghế khỏi hai vai ông ấy và như thế, giúp ông ấy được nghỉ ngơi? Tôi có nên bằng lòng với cảm giác điên giận của tôi đối với ông ấy? Tôi có nên lặng câm và thấy thương cho ông ấy?
Hay tôi có nên tự trách mình vì đã không biết làm sao để có được bằng chứng của sự ủy thác?
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài