Người đàn bà trên bãi tắm

TRUYỆN NGẮN CỦA DƯƠNG HƯỚNG

 

Tôi bàng hoàng khi gặp lại Thao. Thao đang đi dưới hàng phi lao với người đàn ông có phong cách lịch lãm sang trọng kiểu quan chức, nước da trắng hồng với khuôn mặt béo phị. Tôi tin ông ta là người no đủ mãn nguyện trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần. Vừa nhận ra tôi, ánh sáng trên gương mặt Thao chợt bừng lên rồi tắt ngấm. Thao chỉ dám ngừng lại một phút để hỏi thăm tôi đang ở đâu.

– Em sẽ đến! Phòng ba, tầng trót hả anh? Thao nói rồi vội vã chạy theo người đàn ông đang kiêu hãnh đi trước như một lãnh chúa coi cả đất trời này của riêng ông ta. Cả giọng nói lẫn ánh mắt Thao đượm buồn mà cuốn hút lạ. Tôi đứng tần ngần nhìn theo cái cổ trắng mịn và chiếc mũ du lịch mùa hè của Thao lất phất trước gió. Từng đợt sóng xô lên bãi cát thèm thuồng liếm lên đôi gót đỏ hồng, xoá sạch đi những dấu chân của Thao in trên cát.

Bữa cơm chiều đến dửng dưng, không cần đợi anh bạn trẻ cùng phòng, tôi ăn qua loa rồi đến căng tin mua hai hộp bia, hai gói kẹo sôcôla và không quên mua hai chùm chôm chôm theo sở thích của Thao. Căn phòng như reo vui trước mắt tôi. Dọn dẹp ngăn nắp mọi thứ, cốc chén đánh sạch bóng, gối ga gấp có góc cạnh, tôi vào phòng tắm mở van nước hết cỡ, xát xà phòng thơm từ đầu đến chân cọ đỏ da. Tôi lặng lẽ làm công tác đón Thao một cách háo hức vì cả đời chưa bao giờ có được dịp như hôm nay…


… Dưới con mắt của vợ, tôi thuộc diện người chồng không nhạy cảm với thời cuộc, không thực tế. Nghĩa là những khuyết tật của tôi được vợ đưa ra những bằng chứng lý lẽ thật vững chắc (tôi không thể chối cãi); hay mơ mộng viển vông: nhẹ về kinh tế, nặng về chính trị: Chăm việc hàng tổng, nhác việc gia đình. Tóm lại tôi là thằng xoàng với chức năng làm chồng làm cha, “Chiến lược chiến thuật đánh nhau trong quân đội làm hỏng đi cái đầu làm kinh tế”, vợ tôi bảo thế. Dẫu không đồng nhất về quan điểm ấy, vậy mà hạnh phúc vợ chồng vẫn tồn tại. Tôi không dám mảy may tơ hào bất kể chuyện gì gọi là gió trăng thường có ở cánh đàn ông. Kinh tế khó khăn, tình cảm vợ chồng đôi lúc tể nhạt, tầm thường đi. Điều cốt yếu của phụ nữ, vợ tôi vẫn giữ được, đó là lòng thương chồng, thương con, đảm đang mọi việc trong những ngày tôi còn ở quân đội. Chuyển ngành về sống gần vợ, thỉnh thoảng có trục trặch sinh ra buồn. Nỗi buồn hiện tại thuờng gây men cho nuối tiếc quá khứ. Quá khứ ấy chính là Thao. Dù có mơ mộng tí chút về Thao, cũng chỉ trong tâm tưởng. Vậy mà cũng cóc giấu được vợ. Vụ “ngoại tình” trong mơ của tôi bị vợ bắt quả tang. Khổ cái thân tôi, giấc mơ vàng lại đến đúng vào đêm vợ chồng tôi có “chiến tranh lạnh”. Vợ tôi nhận phần chiếc gối quay mặt vào tường, tôi ôm chiếc vỏ chăn lính. Đang say mê với mối tình kiểu Rômêô và Jiuliét thì tôi bị vợ véo vào sườn một cái đau điếng. Tôi choàng tỉnh nghe vợ đay nghiến:

– Giả dối và khốn nạn!

– Cái gì? – Tôi cáu tiết khẽ quát – Cô điên đấy à. Ai giả dối, ai khốn nạn? Đang đêm cũng sinh sự.

– Tôi không điên – Vợ tôi rít lên, cố kìm cơm tức giận – Từ tối đến giờ vợ tôi vẫn chưa ngủ. Tôi hoàn toàn tỉnh toá nghe anh lảm nhảm tán tính con bé nào thế. Tôi không ngờ bao năm anh nằm cạnh tôi mà vẫn còn leng pheng tơ tưởng tới người khác – vợ tôi lu loa khiến tôi phát hoảng . Tôi đành dịu giọng thanh minh làm lành với vợ:

– Em thật quá thế! Ai lại nghen với cả giấc mơ. Tỷ dụ như tôi mơ được gặp một nàng tiên thứ sáu nào đó và nàng đã cho tôi ca một chum vàng thì em có muốn ước mơ đó thành sự thực không?

– Thôi đi, vàng đâu ra lắm thế mà mơ với chả thực.

được.

Tôi mỉm cười trong đêm, khoái chí vì bỗng dưng tôi lại nghĩ ra được câu biện bạch thật dí dỏm mà lại sâu sắc, làm vợ tôi chịu ứ cổ. Lần đầu tiên tôi thắng vợ về lý sự.

Tôi mỉm cười trong đêm, khoái chí vì bỗng dưng tôi lại nghĩ ra được câu biện bạch thật dí dỏm mà lại sâu sắc, làm vợ tôi chịu ứ cổ. Lần đầu tiên tôi thắng vợ về lý sự.

– Nhưng mà em nghe rõ anh thổn thức với cô Thao nào đó chứ không phải với tiên – vợ tôi chợt hạ giọng, vẻ nhân nhượng dò hỏi. Đàn bà họ vẫn khéo vậy đó. Đùng là lúc ấy tôi đang mơ gặp Thao, cô gái thật đáng yêu từ cái thời còn chiến tranh. Hơn chục năm bặt tin, bỗng trưa nay tôi lại tình cờ gặp lại Thao trên bãi tắm giữa những ngày tôi được nghỉ mát tại khách sạn này. “Tối em sẽ đến”. Lời hẹn của Thao cứ ong ong bên tai tôi. Bao câu hỏi về Thao được đặt ra. Tôi không giải đáp nổi. người đàn ông đi với Thao là ai? Cuộc sống của Thao ra sao? Chỉ lát nữa Thao sẽ đến. Tôi ngồi trước bàn xếp đầy những thứ tôi mua đãi Thao. Tôi mường tượng ra Thao sẽ ngập ngừng bước vào phòng. Tôi sẽ nhào lại đón Thao. Có nên cầm tay không nhỉ? Được. Tôi sẽ nắm chặt bàn tay Thao và nhìn thẳng vào cặp mắt đen tròn như mắt chim câu. Mời Thao ngồi” . Thao e thẹn ngồi xuống chiếc ghế trước mắt tôi. Hãy giữ lại mãi mãi những kỷ niệm đẹp đẽ trong chiến tranh. Ngày còn ở trong rừng là thế giới hoang dã của thiên nhiên, trong căn phòng này là thế giới của văn minh hiện đại. Tôi ngả mình trên tấm đệm trắng muốt bật quạt máy vo vo, kéo tấm màn gió che kín tấm kính trong suốt.

– Chà, bữa nay có chuyện gì mà ông anh long trọng làm vậy? – Người khách trẻ cùng phòng bước vào phá vỡ sự tĩnh lặng trong phòng.

– Mình có khách!

– Đàn ông hay đàn bà?

– Đàn bà.

– Thật thú vị. Trông anh anh nay trẻ ra đấy – Người khách đưa tay xỉa vào bụng tôi một cái rồi nheo mắt cười đắc ý – Cả đời thằng công chức mới có mỗi một dịp đi nghỉ mát, không xả láng cũng hoài. Ở phòng bên, mấy thằng cha sẵn đạn tối qua bắt được một con bé trẻ măng. Cái thời hiện đại này cứ có tiền là thứ gì cũng có. Chúc ông anh một tối hạnh phúc.

Căn phòng chợt lặng đi khi anh ta ra khỏi. Cánh cửa khép lại. Thao chưa đến. Đã tới giờ vũ hội ở tầng dưới, tiếng nhạc dậy lên. Tôi đứng ngoài hành lang ngong ngóng tìm bóng dáng Thao. Những cặp trai gái thong dong dạo chơi dưới rặng phi lao. Đèn màu ở các quán hàng rực lên lung linh trong thế giới huyền ảo. Cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc đã đổi lấy được tự do hạnh phúc. Hình ảnh Thao ngày ấy lại vụt hiện lên trong tâm trí tôi như một ảo ảnh. Ngày ấy tôi còn là anh lính công vụ cho trung đoàn trưởng Liên. Trong trận đánh vào một thị xã, tình cờ tôi gặp một cô bé gái chừng mười tuổi đang khóc thảm thiết trên đường phố bốc cháy ngùn ngụt. Tôi đã dẫn cô bé về cứ. Trung đoàn tưởng Liên sống ở chiến trường đã lâu năm nên ông rất quý hình bóng trẻ con. Ông đã nhận cô bé này làm con nuôi.

– Từ nay cậu chăm sóc cô bé giúp tôi – Trung đoàn trưởng nói và nhìn tôi bằng ánh mắt tin tưởng. Chiều chiều tôi dắt bé Thao ra suối tắm. Gương mặt bé Thao xinh xinh, da trắng mịn, cặp mắt tròn như mắt chim câu, giọng nói nhỏ nhẹ, nghe đến dễ thương. Những ngày đầu, bé Thao tỏ ra buồn nhớ và lạ lẫm với mọi cảnh sinh hoạt của lính ở rừng. Tôi thường hay dỗ bé Thao bằng những trái cây kiếm được trong rừng. Lúc rỗi tôi loay hoay ngồi cắt khâu quần áo cho Thao. Tôi xin được vải của trung đoàn trưởng khâu cho bé Thao cả bộ tăng võng nhỏ dành cho một người lính tí hon. Khi ngủ, bé Thao đòi mắc võng nằm cạnh tôi. Trong chuyện này nếu là nhà văn tôi sẽ viết được cả cuốn tiểu thuýêt. Tình cảm của trẻ thơ thật trong sáng. Ôi giá mà bé Thao mãi mãi thơ ngây như thế. Ngày ngày tôi nhận ra bé Thao cứ lớn phổng lên. Thao đã trở thành cô giá thực sự, biết đỏ mặt thẹn thùng khi bắt gặp tôi nhìn vào khuôn ngực đã đầy lên của Thao . Thao đã là bông hoa quý hiếm cứ rực lên giữa nơi bom đạn khốc liệt và cảnh sống gian khổ thiếu thốn đủ thứ của người lính. “Trồng cây đến ngày ăn quả rồi đấy. Quả chín không hái để rụng phí”. Những lời bóng gió của lính kiểu ấy làm tôi lo sợ. Mọi cư xử với Thao không còn tự nhiên như trước.

Vào một chiều cơn mưa nguồn vừa dứt, trung đoàn trưởng Liên đi giao ban. Thao tần ngần đứng nhìn sang cánh rừng phía đông nơi chiều chiều qua bị bom đánh cháy vàng từng đám.

– Đi đằng nay với em – Thao rỉ tai, kéo tôi chạy hối hả sang cánh rừng phía đông.

– Chuyện gì vậy? – Tôi hỏi.

– Bí mật – Thao nói rồi lặng lẽ luồn rừng, ngó nghiêng đây đó như đang tìm kiếm gì đấy.

– Đây rồi! – Thao bằng hoàng thốt lên – Em đã tìm ra cây này cách đây một tháng nay. Hồi ấy trái còn non. Bây giờ anh thấy nhiều trái chưa? Sắp chín rồi đấy. Khi nào chín ta sẽ mang bao ra hái về cho cả ban mình liên hoan một bữa thoả thích. Bữa qua tiếng bom dậy lên ở đây, em lo quá.

Tôi đứng tần ngần nhìn suốt chiều cao thân cây chừng hai mét chi chít những chùm quả vón vào nhau giống y như những chùm sung ở quê tôi. Tôi mỉm cười chợt nhận ra dòng chữ ”Cấm hái trái non!” – Thao khắc lên khoảng trống thân cây từ bao giờ.

– Trên đám lá cháy sém kia, anh biết không – Thao nói – Bữa trước em thấy có một tổ chim, em còn nghe rõ cả tiếng chim non kêu lích rích dễ thương nghê. Chiều qua những con chim non ấy chắc là bị bom thiêu cháy hết rồi.

Thao đi quanh nhìn những vết đạn băm lỗ chỗ trên thân cây. Thao lựa những quả chín hái đưa cho tôi.

– Anh ăn thử. Chỉ dăm bữa nữa là chín hết. Nó bị thương thế này liệu có sao không anh? – Thao ngước mắt nhìn tôi hỏi.

– Không sao đâu. Giống cây rừng sống dai lắm.

Trên đường về, tâm tính Thao trầm hẳn. Thao lặng lẽ đi, thỉnh thoảng lại đưa tay bứt những nhánh lá rừng vò nát ra rồi vứt xuống đất.

– Hết chiến tranh anh sẽ làm gì? – Bất chợt Thao hỏi tôi.

– Ai mà biết được. Hãy sống được đến ngày đó – Tôi nói.

– Em sẽ làm nghề trồng cam, sẽ học cách chiết cam. Đất quê em trồng cam tốt lắm – Thao nói giọng xúc động – Em không hiểu ba Liên có ưng về quê em ở không?…

Tiếng Thao tan trong không gian mênh mông. Cánh rừng lao xao, gió bỗng nổi lên, cơn mưa ào đến. Thao kéo tay tôi trú dưới tán cây gội già. Dàn kiến vàng ngoằn ngèo trên thân cây hối hả rủ nhau vào tổ. Những con mối khờ dại từ đâu bay vù vù ra gặp mưa rã cánh nằm lăn dí ra đất. Những ngón tay mềm mại của Thao bấu liên tiếp lên lớp vỏ sù sì trên thân cây gội già.

– Mưa to – Thao khẽ thốt lên.

– Ừ, mưa – Tôi nói mà chả nghĩ đến mưa, chỉ chăm chú nhìn những giọt nước rơi lên mái tóc đen nhánh của Thao.

– Chiến dịch tới, em sẽ xin ba Liên cho em đi tuyến trước – gương mặt Thao bỗng sáng lên khi em thổ lộ điều thầm kín với tôi.

Cả tôi và Thao lặng lẽ tắm mưa. Khuông ngực Thao càng đầy lên rõ đường nét hơn khi tấm áo Thao ướt sũng nước mưa. Có lẽ bữa nay trời đất xui khiến, bàn tay Thao nằm gọn trong lòng tay tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được hơi ấm truyền sang tôi. Giấy phút này tôi không hiểu đấy có phải là tình yêu không.

Thao vẫn chưa đến! Căn phòng về khuya càng trắng ra. Mọi thứ đều mang màu chết chóc. Những bức tường trắng, trần trắng, ga đệm, gối đều trắng toát. Hai hộp bia, hai gói kẹo, hai chùm chôm chôm từ tối vẫn nằm nguyên một chỗ trên bàn. Những viên đã trong cốc thuỷ tinh đã tan rữa ra chỉ còn nổi nên miếng nhỏ xíu như cái bọt nước. Niềm hy vọng Thao đến cũng mỏng manh như cái bọt nước.

– Cộc…cộc….cộc – Có tiếng gõ cửa.

Ôi thế là Thao cũng đến đây. Giây phút cuối của sự đổ nát bỗng bừng lên toà lâu đài. Mặt nóng ran, tôi bật dậy, tay run run mở cửa. Mẹ kiếp, không phải Thao. Người khách trẻ nghỉ cùng phòng bước vào nồng mùi rượu. Mặt anh ta đỏ gay, mắt đảo khắp phòng.

– Ối giời ôi, té ra từ tối đến giờ ông anh chỉ có một mình thôi à? Thế mà em cứ đinh ninh ông anh vẫn còn đang ôm ấp một ả nào đấy nên phải gõ cửa – Giọng ngươi khách trẻ cứ tru tréo lên – Thật uổng công thằng em đi sơ tán từ tối đến giờ, cứ phải sà hết quán này đến quán khác.

– Thôi tớ đền cậu bằng những thứ này vậy – Tôi kéo anh ta ngồi xuống ghế, mở bia, bóc kẹo.

Uống hết hộp bia, anh ta vội nhoài người tới giường nằm lăn ra ngủ. Tôi nằm thao thức nghe tiếng gà gáy khô khô của chàng trai qua một ngày nghỉ mãn nguyện. Hình ảnh Thảo lúc trưa trên bãi tắm vẫn lung linh hiện lên. Nếu tôi và Thao không có được giây phút tắm mưa thì hay biết mấy. Bởi hai ngày sau, trung đoàn trưởng gọi tôi đến gặp ông. Tôi lo sợ nghĩ là Thao đã kể với ông chuyện hai đứa vào rừng. Gương mặt trung đoàn trưởng thoáng buồn, giọng ông trầm hẳn xuống:

– Tôi phải có trách nhiệm thông báo với cậu. Ban chính trị vừa cho biết tin Thao nó là con gái một sĩ quan nguỵ, tuy ba má nó đều đã chết, nhưng vì sự nghiệp lớn lao của cách mạng, ta phải đề phòng. Cả tôi lẫn cậu đều đã mắc sai lâm không tìm hiểu kỹ lai lịch đã vội hồ đồ nuôi nhận cô bé. Nếu để cô ta ở đây lỡ có chuyện gì, tôi và cậu phải chịu tai tiếng suốt đời – giọng trung đoàn trưởng Liên như lạc đi. Ông đưa tay nắm chặt lấy bàn tay tôi: Cậu là một chiến sĩ tốt, hết chiến dịch này về sẽ kết nạp cho cậu. Còn Thao, tôi sẽ đưa lên trại gia tăng Z7, vừa đảm bảo cho cậu, vừa dễ cho tôi.

Một hàng rào thép gai vô hình ngăn cách giữa tôi và Thao. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi không còn dám nhìn thẳng vào đôi mắt lóng lánh của Thao. Sẽ không bao giờ có cái ngày hai đứa lên lại cây dâu da nữa.

Tôi khắc khoải nghĩ về Thao trong những ngày mở chiến dịch liên tiếp thắng lợi. Tôi được kết nạp Đảng, được thăng chức. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã cuốn tôi đi khắp mọi chiến trường. Tôi không bao giờ được gặp lai Thao nữa. Đúng là ông trời đã xếp đặt để tôi gặp lại Thao trên bãi tăm trưa nay. Người đàn ông sang trọng ấy có phải là chồng Thao?… Tôi thiếp đi trong tâm trạng mệt mỏi và linh cảm thấy mình là kẻ tội lỗi. Khi tỉnh dậy tôi vẫn nghe tiếng anh bạn trẻ cùng phòng ngáy khò khè làm tôi không sao ngủ lại được. Tôi lại bám víu vào hy vọng mới là Thao sẽ đến. Tối qua chắc là Thao bận công chuyện gì đó. Trời đã sắp sáng, tôi bật dậy ra hành lang gắm biển. Biển qua một đêm dằn dữ, lúc này lặng lại chờ đớn ánh bình minh. Tối nay nhất định Thao đến. Hy vọng cứ đốt lên trong tôi cháy sáng như ông mặt rời đang nhô trên mặt biển màu xanh thãm. Biển đẹp lạ kỳ, đôi gót Thao cũng đẹp lạ kỳ. Cái cổ trắng mịn, chiếc mũ hồng hồng…

Có tiếng kẹt cửa và tiếng guốc ngõ nhẹ trên nền gạch men. Cánh cửa phòng số năm đã khép lại khi người phụ nữ từ trong phòng lén bước ra, đi vội về phía cầu thang cuối hành lang. Tôi định gào lên chạy theo gọi Thao nhưng hai chân tê cứng không sao bước nổi. Đúng là Thao rồi, đôi gót son và chiếc mũ hồng hồng với tiếng guốc của Thao khua vang trên hành lang dài hun hút vắng tanh. Tiếng guốc của Thao dung chuyển khu nhà cao tầng. Thao đã ngủ suốt đêm qua trong căn phòng số năm. Điều ấy thật khủng khiếp.

Tôi lao vội vào phòng nằm vật ra giường giữa đống gối, ga nhàu nát. Tới lúc này tôi mới nhận thấy mình đang sốt. Cơn sốt nóng hầm hập giống như ngày tôi còn ở trong rừng Trường Sơn. Tôi cố nhắm mắt tìm một giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, anh bạn cùng phòng đã nhìn tôi cười tủm tỉm.

– Cái số ông anh vất vả bỏ mẹ – Anh ta nói- Cả đời được mỗi một dịp đi nghỉ an dưỡng lại sốt. Tôi gọi bác sĩ nhé.

– Không cần đâu – Tôi cáu- Bác sĩ thì làm quái gì. Tôi khỏi ngay thôi mà.

Buổi chiều, tôi gượng dậy đi dạo ngoài bãi tắm với tâm trạng trống rỗng. Tôi nhìn mọi người đều dơ dáy thô lỗ quá thể. Những thân hình trần trụi của đàn ông, những cặp đùi trần của phụ nữ. Dẫu sao vẫn không quên được hình ảnh Thao, người phụ nữ đang là hiện thân của đời sống vừa tươi mát, vừa ô trọc. Tôi hững hờ hỏi thăm những người địa phương biết rõ Thao đã sống ở đây từ lâu. Họ hcỉ tôi tới cí quán hàng của gia đình Thao ở gốc cây đại cuối bến. Cái quán hàng dựng lên bằng tấm bạt túm bốn góc buộc vào những cây phi lao non. Quầy hàng là chiếc bàn gỗ đóng bằng gỗ hòm mìn chất đầy những hoa quả, bánh kẹo và cốc chén uống nước giải khát. Tôi đến ngồi vào quán hàng như một người khách vô tình. Không có Thao ở đây. Tôi băn khoăn nhìn người đàn ông ngồi trước quầy hàng bị cụt một chân phải và bàn tay trái cụt mất ba ngón. Tôi gọi cốc nước mát, người đàn ông đưa mắt ra hiệu cho cô bé gái chừng mười hai tuổi làm nhiệm vụ pha nước. Gương mặt Thao hồi trẻ đây rồi. Cô bé nhanh nhảu làm mọi động tác vắt chanh, đập đá vào cốc thật thành thạo.

– Con mời bác- Cô gái đặt nhẹ cốc nước lên bàn, ngước cặp mắt trong veo nhìn tôi, cười rất tươi.

– Cháu gái anh phải không? – Tôi hỏi.

– Dạ.

– Anh được mấy cháu rồi? – Tôi quắn quả làm quen.

– Ba cháu anh ạ. Đây là cháu lớn. Nhân lực thứ hai sau mẹ cháu đấy -Người đàn ông như thể mong có khách để dốc bầu tâm sự – Gia đình tôi, cả hai ông bà già nữa là bảy miệng ăn đều trông vào mẹ cháu.

– Anh bị thương trong trường hợp nào vậy? – Tôi mạnh dạn hỏi.

Ánh mắt anh chợt buồn: Tôi là lính ông Thiệu mà anh. Khi giải phóng, thương tật thế này, tôi muốn chết quách đi cho rảnh bố mẹ vợ con. Nhưng vợ tôi, cô ấy cứ an ủi “hết chiến tranh, anh còn sống được là mừng. Mọi chuyện kinh tế đã có em lo”. Cô ấy nói thế thì làm sao chết nổi hả anh. Ở ngoài Bắc, các anh đi lính còn biết đường lối, lý tưởng, tụi em trong này là thằng lính, cấp trên bảo đâu đánh đấy.

Người chủ quán cười hà hà, bàn tay phải còn lại của anh xoa xoa vào cùi tay cụt ngủn.

– Ba ơi ba, má con ra đó! – Cô bé gái đang loay hoay bóc vỏ những trái dừa, chợt reo lên.

Trên lối mòn ven đồi phi lao, tôi nhận ra Thao đang đi tới dẫn hai đứa trẻ nhỏ lon ton chạy theo sau. Tôi ngạc nhiên về sự đổi khác ở Thao. Lúc này Thao không còn vẻ gì của cô gái đi theo người đàn ông trưa hôm qua, không còn những bước đi bối rối, không còn chiếc mũ hồng hồng. Thao bây giờ đã là người mẹ thực sự, ân cần, đằm thắm. Thao hơi sững lại giây lát khi nhìn thấy tôi. Gương mặt Thao bỗng trở nên lãnh đạm, gượng gạo.

– Anh và con về ăn cơm – Thao nói với chồng bằng chất giọng rất truyền cảm. Chồng Thao sọc hai chiếc nạng xuống đất đu người đứng lên, gật gật đầu chào tôi rồi lọc cọc bước đi.

– Con chào bác con về – Cô bé gái cúi chào tôi nhỏ nhẹ rồi bước vội theo bố.

– Hai con lại chào bác rồi đi chơi cho má bán hàng – Hai đứa con nhỏ của Thao nhanh nhẩu đứng khoanh tay chào tôi rồi chạy vụt ra bến.

– Anh thất vọng về em hả? – Bất chợt Thao hỏi như thể Thao đã đọc được tâm trạng tôi – Bữa qua em gặp được khách nên lỡ hẹn với anh…Thật tiếc, giá mà anh đừng bao giờ gặp lại em nữa thì hơn. Em bầy giờ không còn được như xưa.

– Anh chờ em suốt đêm qua! Tôi nói.

– Còn em… em đã chờ anh cả quãng đời con gái đi làm cách mạng ở trại tăng gia.

Thao liếc nhanh ánh mắt vào tôi rồi vội cúi xuống giống như người thợ săn không dám nhìn thẳng vào vết thương con thú do chính tay mình vừa bắn. Bệnh bảo thủ như liều thuốc an thần ngấm nhanh trong tôi. Ngày ấy, tôi không đến với Thao vì “cô ta là con của nguỵ…”.

Đêm qua Thao không đến với tôi vì “Thao còn bận làm tiền…”

– Thú thật với Thao, tôi không ngờ…

– Anh không ngờ em là đứa phản bội chứ gì? – Thao nói nhanh – Cả anh nữa cũng không biết chuyện em bị bắt sao?

– Em bị bắt?

– Đúng thế.

– Vì sao?

Cũng chỉ vì mấy con gà! – Thao chợt mỉm cười nhìn tôi – Đúng là cũng chỉ tại mấy con gà thật mà. Ngày ấy ở trại tăng gia Z7 em nuôi được bao nhiêu là gà. Ngày ngày nhìn những con gà mập ú mà đợi mãi chả có người lên. Thỉnh thoảng cáo lại xơi mất một con, nghĩ mà tiếc. Nghe tin trung đoàn thắng lớn, em vừa mừng vừa lo cho ba Liên và anh. Biết dưới mặt trận ăn uống kham khổ, em liền bắt đúng hai chục con gà cõng xuống mặt trận làm quà tặng ba Liên và các anh. Nghĩ đến phút giây được gặp ba Liên và anh, em cứ đi băng băng chẳng biết mệt nhọc là gì. Ai dè em lạc đường bị lính nguỵ phục tóm sống. Thế là bỗng dưng số phận em chẳng thuộc về bên nào. Bên nguỵ thì coi em là tù binh, bên cách mạng có người lại bảo em là đảo ngũ, phản bội. Đúng trong lúc tuyệt vọng, em được một người lính nguỵ cứu em thoát khỏi trại giam của lính. Số phận đời em đã gắn chặt vào gia đình người đã cứu thoát mình. Em trở về đây nuôi ba má anh ấy đã già yếu mà chúng em thành vợ chồng từ đó. Lúc chiến tranh còn là phe này phe kia, bày giờ hoà bình rồi em nghĩ lại ai cũng là dân máu đỏ da vàng mình cả. Cuộc sống bây giờ quá khó khăn, nhất là những tháng không bán được hàng, không có tiền nộp thuế, mấy ông phòng thuế đến hạch sách anh ấy: “Anh là gia đình guỵ, liệu đấy mà lo thuế cho đầy đủ..”. Thế đó! – Ôi, em mải nói chuyện mình, quên không hỏi anh xem ba Liên bây giờ ở đâu hả anh?

Từ ngày đó anh cũng biệt tin không hiểu ông ấy còn sống không.

Ôi! Nếu ba Liên còn sống có lẽ bây giờ phải lên tướng rồi đấy anh nhỉ? – Giọng Thao bỗng xúc động, nước mắt rơm, rớm – Em hỏi anh vậy thôi, giá mà ba Liên còn sống, em cũng không dám gặp ông. Đời em coi như là hỏng rồi. Em sống là vì chồng em, vì hai ông bà già thân sinh ra anh ấy và vì ba đứa con em. Em cố nuôi dạy chúng trưởng thành anh ạ.

Thao bỗng ngước mắt nhìn thẳng vào tôi. Màu mắt Thao vẫn đen thăm thẳm. Thao đưa tay lựa những trái chôm trôm chín đưa cho tôi:

Anh ăn chôm chôm đi, thứ này ăn cũng ngon như dâu da đất trong rừng ngày ấy. Anh không thể tưởng tượng bữa em bất ngờ nhận lệnh ba Liên lên trại tăng gia Z7 . Mấy ngày đầu ngồi buồn nghĩ cứ tiếc mãi cây dâu da ấy. Em tưởng tượng những trái dâu da chín nẫu ra không ai hái, để nó rụng tướp xuống đất thật uổng.

Tôi ngồi lặng nhìn Thao bóc chôm chôm rõ khéo – những ngón tay mềm với trái chôm chôm đỏ thắm.